Ngôi chùa có văn hóa ẩm thực độc đáo ở An Giang được cả đài truyền hình Hàn Quốc đến tận nơi ghi hình
Đến đây bạn sẽ được “ăn chùa” theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng luôn đấy!
Văn hóa ẩm thực Việt Nam không ít lần được lên sóng nước ngoài, nhưng có lẽ người ta chỉ biết đến các vùng trung tâm, thành phố du lịch. Vinh dự thay, một nét đẹp trong cung cách ăn uống và lối sinh hoạt cộng đồng ở tận vùng Bảy Núi, An Giang cũng đã được đài truyền hình Hàn Quốc ghi lại. Trong tập phim tài liệu gần đây, họ đưa khán giả trở về vùng đất miền Tây mộc mạc để khám phá ngôi chùa với truyền thống độc đáo, đó là chùa Bánh Xèo.
Chùa Bánh Xèo chỉ là tên gọi thân thuộc mà người dân nơi đây đặt cho ngôi chùa này. Thực chất, đây là Thiền Viện Đông Lai thuộc huyện Tịnh Biên (An Giang). Sở dĩ có “biệt danh” như thế vì suốt 18 năm qua, chùa đã phục vụ hàng ngàn, hàng triệu chiếc bánh xèo chay để tiếp đãi khách thập phương đến thăm viếng.
Khi đến đây, đoàn làm phim của đài EBS đã không khỏi ngạc nhiên với khung cảnh một người thợ đang ngồi giữa vòng tròn gồm hơn 10 chiếc chảo. Đôi tay thoăn thoắt, uyển chuyển từ bên này sang bên kia để liên tục cho ra những chiếc bánh vàng ươm, nóng hổi. Bếp lò lúc nào cũng rực lửa, chảo luôn nóng dầu từ sáng đến chiều đều đặn mỗi ngày, hình ảnh ấy đã để lại cảm xúc sâu sắc trong lòng nhiều người khi đến viếng thăm.
Nguyên liệu để làm bánh chay đơn giản chỉ gồm bột gạo pha cùng nước dừa. Nhân thì sẽ là đậu xanh, đậu hũ và đặc biệt không thể thiếu bông điên điển, đặc sản của vùng đất này. Bánh sẽ được gói ghém cùng rau rừng lấy từ núi Cấm nên luôn tươi ngon, giòn thơm.
Hàng ngày, những người trong chùa sẽ thay nhau khuấy bột, làm nhân để chuẩn bị đổ bánh. Do lượng khách đông nên phải cần đến nhiều bếp lò cùng lúc mới kịp phục vụ. Đôi tay thạo việc, thoăn thoắt di chuyển xung quanh, cứ chảo này vừa tráng bột thì chảo kia đã chín bánh. Như thế mới thấy khâm phục sự chịu khó, hăng say của các thợ bánh “nghiệp dư” này.
Cô nàng phóng viên người Hàn không khỏi háo hức và đã thử trải nghiệm cảm giác ngồi giữa “đống lửa” và đổ bánh. Khi bánh chín, họ sẽ cho vào đĩa để khách đến lấy và ngồi vào bàn thưởng thức. Mỗi người sẽ tự phục vụ rau và nước chấm.
Video đang HOT
Tuy chỉ là bánh xèo chay nhưng không vì thế mà món lại thua kém trong hương vị. Chiếc bánh nào cũng vàng ươm, giòn rụm cùng với đó là mùi thơm beo béo lan tỏa. Nhân có phần thanh đạm và mộc mạc với đậu bùi bùi, sắn tươi ngọt cùng với rau điên điển đăng đắng. Gói cùng rau rừng thì còn gì đặc sắc hơn.
Điều đặc biệt, bạn sẽ “ăn chùa” đúng nghĩa đen lẫn bóng. Bởi vì đây là một món quà tinh thần mà thiền viện này gửi gắm đến du khách nên bạn có thể ăn miễn phí. Không chỉ là một nét đẹp văn hóa ẩm thực mà truyền thống này còn thể hiện được sự nghĩa tình, gắn bó và san sẻ cho nhau trong lối sống của người dân miền Tây. Chẳng cần vật chất gì cao sang, chỉ là một hương vị mộc mạc, bình dị thế thôi cũng đủ làm khách phương xa ấm lòng rồi bạn nhỉ?
Theo Tri Thức Trẻ
Thăm quan ngôi chùa nằm giữa sông ở Sài Gòn
Chùa Phước Long (quận 9) nằm giữa một cù lao trên sông Đồng Nai, là điểm hành hương linh thiêng thu hút nhiều du khách.
Chùa Phước Long nằm trên cù lao Bà Sang giữa sông Đồng Nai (phường Long Bình, quận 9, TP HCM) còn có tên gọi khác là chùa Châu Đốc 3. Nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 25 km, khách phải đến đường Nguyễn Xiển rồi đi đò khoảng 10 phút để đến chùa.
Chùa được xây dựng vào năm 1965, thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông. Khi ấy, chùa chỉ là nhà mái tranh vách đất, các hạng mục như hiện nay chủ yếu được xây dựng, trùng tu năm 2009 trên diện tích rộng 1,5 ha.
Điểm đặc biệt của ngôi chùa là có rất nhiều tượng với màu sắc sặc sỡ như thập bát la lán, các bồ tát, những nhân vật theo tín ngưỡng nhân gian, có cả tượng Tôn Ngộ Không, Đường Tăng...
Nhìn từ phía cổng chùa vào, nổi bật là pho tượng Phật nằm dài khoảng 10 m.
Khuôn viên chùa như một vượn tượng, tượng Quan âm bằng đá ở chính giữa hồ nước, bao quanh bởi những con rồng.
Ở vị trí trung tâm chùa Phước Long là chánh điện dài 80 m, rộng 25 m, diện tích 2.000 m2 được thiết kế với liệu chủ yếu là 1.500 khối gỗ trong ba năm.
Bên trong chánh điện gồm ba gian với kết cấu chính là gỗ. Màu nâu gụ của gỗ, các cột kèo, mái sơn son thếp vàng càng làm không gian thêm phần cổ kính.
Kiến trúc gỗ của các cây cột, kèo, cánh cửa đến tượng Phật được các nghệ nhân nổi tiếng đến từ Huế chế tác tỉ mỉ.
Ngoài ra, hầu hết vật dụng như bàn ghế, tủ thờ, chân đèn dầu, lư... trong chùa cũng đều bằng gỗ. Nhiều nhất có thể kể đến các bộ bàn gỗ được điêu khắc tinh xảo. Nhà chùa dành hẳn một không gian rộng để trưng bày những món đồ này.
Du khách còn có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập xe cổ, đồ gốm sứ qua các thời kỳ... cũng như nhiều vật dụng có giá trị lịch sử được nhà chùa sưu tầm, trưng bày.
Mỗi buổi trưa, khách viếng chùa đều được miễn phí cơm chay do Phật tử nhà chùa nấu.
"Tôi đã đến chùa Phước Long nhiều lần, những ngày rằm, lễ tết là cùng cả nhà. Chùa nằm ở giữa sông nên không khí nơi đây rất thoáng đãng. Từ khi được xây dựng lại, ngôi chùa càng trở nên uy nghiêm đẹp đẽ hơn", chị Thoa (Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ.
Mỗi ngày đều có rất nhiều Phật tử, du khách đến cúng bái, vãn cảnh chùa. Riêng những ngày rằm, lễ Tết, Phật đản... chùa là điểm hành hương thu hút rất đông khách.
Theo Quỳnh Trần (VnExpress)
Kinh nghiệm du lịch An Giang tự túc, phượt bụi từ A - Z Năm ngoái chế nào xập xình đi Sapa, Đà Lạt hưởng gió hưởng, tuyết rồi thì năm nay phải cùng chúng mình về miền Tây gạo trắng nước trong trải nghiệm An Giang một lần nha! Bao mới lạ, đáng nhớ luôn. Người ta nói một lần trong đời phải về miền Tây nước nổi để trải nghiệm thiên nhiên tươi xanh, sự...