Ngoạn mục đèo Cả
Đèo Cả thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa), là ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, là một trong những ngọn đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung.
Dấu ấn lịch sử
Đèo Cả dài khoảng 12km, cao 407m quanh co, uốn lượn theo chiều lên xuống của thế núi với 98 vòng cua. Trong đó có những vòng cua gấp khúc, nhất là ở đoạn Đá Đen, là điểm quan trọng trên đường thiên lý Bắc – Nam xưa, quốc lộ 1 nay. Dưới thời nhà Nguyễn, tại đèo Cả có dịch trạm Phú Hòa là dịch trạm chung cho hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trong Đại Nam nhất thống chí tỉnh Phú Yên của Quốc sử quán Triều Nguyễn, bản đời vua Tự Đức và bản đời vua Duy Tân có chép tên các dịch trạm trên đất Phú Yên đều bắt đầu bằng chữ Phú như: Trạm Phú Khê, trạm Phú Thường, trạm Phú Tân, trạm Phú Vinh, trạm Phú Thịnh, trạm Phú Hòa… Theo đó, trạm Phú Hòa “ở trên đèo Đại Lãnh phía nam phủ Tuy Hòa chỗ giáp giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa phía nam đến trạm Hòa Mã 19 dặm (8km)” (bản Duy Tân: 29 dặm (hơn 12km). Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện biểu tượng núi Đại Lãnh vào Tuyên Đỉnh, một trong chín chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội kinh thành Huế. Năm 1840, Triều Nguyễn quy định lệ tế thần danh sơn đại xuyên (thần núi cao sông lớn) trong nước, cho phép các địa phương lập đàn tế hàng năm và quy định phẩm vật cúng tế. Theo đó, lễ tế núi Đại Lãnh và sông Đà Diễn (Đà Rằng) ở Phú Yên, lễ vật gồm một trâu và một con heo. Nhìn rộng trong nước dưới Triều Nguyễn cũng chỉ có một số núi cao, sông lớn được lễ tế như: Núi Nhuệ, núi Ngự Bình, núi Đâu Mâu, núi Thiên Tôn, sông Hương, sông Gianh, sông Mã. Năm 1853 – Quý Sửu, đời Tự Đức, núi Đại Lãnh được kê vào Tự điển thờ cúng.
Đèo Cả tiếp tục ghi những dấu ấn lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Những người nặng tình nước non mỗi khi có dịp đặt chân đến đèo Cả lại gợi nhớ những tháng ngày Nam tiến hào hùng, các thế hệ cha anh tiếp bước lên đường đánh giặc. Đèo Cả là lũy thép chặn giặc trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Lũy thép đèo Cả đã chặn đứng bước tiến của giặc trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đặc biệt là trong chiến dịch Át Lăng khi thực dân Pháp tấn công ra Phú Yên. Ở hướng nam, trận chiến đã diễn ra quyết liệt trên đèo Cả với những thắng lợi vang dội của quân dân ta. Đèo Cả cũng là con đường vận chuyển vũ khí, thuốc men từ những con tàu Không số chi viện cho chiến trường miền Trung – Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ; là đường tiến quân, chiến đấu của Bộ đội Cụ Hồ đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước…
Dưới chân đèo Cả. Ảnh: LÊ MINH |
Sơn thủy hữu tình
Cùng với những dấu ấn đã ghi vào lịch sử, đèo Cả còn là thắng cảnh tuyệt đẹp bởi một bên là những vách đá cao vút, với gió núi mây ngàn, một bên là đại dương bao la xanh thẫm, mênh mông đến tận chân trời. Mặt biển sóng gợn lao xao, một vài hòn đảo xa gần nhấp nhô trong làn sóng bạc, phản chiếu ánh mặt trời lóng lánh. Cảnh quan thiên nhiên đèo Cả được tác giả Roland Dorgelé mô tả trong “sur la route mandarine” (trên đường cái quan): ” …Những hòn đá cao quá bắt ngộp, nghiêng mình mà trầm tư mặc tưởng, những cái thác nhỏ trắng phau, chảy từ cao xuống hố thẳm, những cây suôn đuột lên trời, bốn bên dây leo lá phủ, thật là một cảnh cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Chúng tôi trèo, trèo mãi rồi thình lình đứng trước khoảng không gian vô hạn. Rồi từ đó xe xuống dốc, cứ quanh co bên triền núi, bên này non cao đồ sộ, bên nọ biển rộng mênh mông. Chiều lại, văng vẳng bên rừng một tiếng hươu kêu, vượn hú…” (Trần Sĩ dịch).
Vẻ đẹp thiên nhiên của đèo Cả còn được phán ánh sinh động qua những vần thơ sâu lắng:
Chiều chiều vượn hú đầu non
Đường qua đèo Cả lối mòn dặm quanh
Non xanh xanh, nước xanh xanh
Video đang HOT
Nước non trông cảnh hữu tình xiết bao.
Đi qua đèo Cả bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, du khách đều có thể chiêm ngưỡng được bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ của dãy Đại Lãnh với trùng trùng, điệp điệp núi non và biển cả mênh mông làm mê hoặc lòng người. Nếu đứng từ vị trí đỉnh núi Đá Bia nhìn xuống, ta thấy đèo Cả có nhiều vòng cua uốn lượn theo sườn núi nhô ra, lõm vào quanh eo. Nơi nhô ra thường nằm sát biển, chỗ lõm vào có nhiều khe, suối nước chảy róc rách quanh năm từ trên cao xuống. Đèo Cả lung linh tựa như một bức tranh thủy mặc khổng lồ in bóng dưới làn nước biển trong vắt, gợn sóng. Ở đây, thiên nhiên được vẽ nên bằng những gam màu xanh sống động, dịu mát, với sự pha trộn hài hòa của rừng núi, cỏ cây hoa lá, đất trời và biển đảo.
Khi xưa, độ cao và sự hiểm trở của đèo Cả là trở ngại lớn cho những mối tình giữa các chàng trai và cô gái hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa:
Đứng trên đèo Cả
Ngó xuống Vạn Giã, Tu Bông
Chẳng biết rằng cha mẹ có đành không
Để anh chờ em đợi uổng công hai đàng.
Với những người yêu thích văn thơ thì làm sao quên được bài thơ Đèo Cả nổi tiếng của Hữu Loan sáng tác vào năm 1946, trong những ngày ông theo đoàn quân Nam tiến vào đây. Bằng sự cảm nhận tinh tế, nhà thơ Hữu Loan đã ghi lại một cách sinh động hình ảnh các chiến sĩ trấn giữ nơi đèo Cả vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến:
Đèo Cả!
Đèo Cả!
Núi cao ngút!
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương!
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương…
(…)
Dưới chân
bên suối độc
Cheo leo chòi canh
như biên cương…
Nhà báo Phan Thanh Bình có những nhận xét thật sâu sắc về bài thơ Đèo Cả: “Bài Đèo Cả của Hữu Loan, một trong những viên ngọc long lanh hiếm hoi của thi ca cách mạng thời kháng Pháp, đã đặc tả hiện thực hào hùng của mặt trận Đèo Cả bằng nhịp thơ rất mới, vừa mang âm hưởng “Thục đạo nan” của Lý Bạch, vừa chứa đựng tinh túy, dòng thơ cách tân của Mai-a-cốp-xki, tất cả hòa quyện thành một phong cách thể hiện hoàn toàn mới mẻ so với các trường phái thơ mới trước đó. Những vần thơ đẹp, vừa gân guốc, vừa lãng mạn như khí thế một dân tộc vùng lên bảo vệ nền độc lập non trẻ. Đèo Cả trong thơ Hữu Loan vừa bí ẩn vừa kỳ vĩ như “đường lên trời” của “Thục đạo nan”.
Với góc nhìn tinh tế của PGS.TS Văn học Nguyễn Thị Thu Trang, qua bài thơ Đèo Cả: “Hữu Loan đưa ta trở về với những thập niên đầu thế kỷ XX, khi mà dãy núi Đèo Cả thực sự còn hoang sơ, còn có thú dữ rình hơi người, còn cách trở đường đi. Trong cảm xúc mới mẻ của người thanh niên đến từ Thanh Hóa, đèo Cả như biên cương xa xôi với những “Chòi canh cheo leo” và những chiến sĩ vệ quốc như những người hùng mang súng gươm ra đi từ bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc… Cùng với Màu tím hoa sim, bài thơ Đèo Cả thể hiện nét tài hoa, lãng mạn của phong cách Hữu Loan.
Ngòi bút phóng túng của nhà thơ bay lượn trong một biên độ rộng, không hạn chế của không gian núi non, biển cả bao la và trong cảm xúc tuyệt vời. Những câu thơ ngắn, gân guốc nhiều thanh trắc đi kèm với những câu thơ dài ngắt nhịp đứt đoạn và những thanh bằng vang ngân, da diết, những hình ảnh của đời thực khắc nghiệt lại được thể hiện bằng tinh thần lạc quan, đùa vui, nghịch ngợm của lính tráng… Trong thơ Hữu Loan, ông muốn khắc ghi những hình ảnh đẹp đẽ của một thời. Một thời con người đứng hiên ngang trên núi cao đèo Cả bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập tự do cho mọi người”.
Đèo Cả – một danh thắng thiên nhiên nổi bật của Phú Yên trên đất Đông Hòa, có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù gắn núi rừng với biển cả. Đèo Cả đã đi vào lịch sử dân tộc và những áng văn thơ nên hội đủ những tiêu chí đề nghị công nhận danh thắng cấp quốc gia. Khai thác và phát huy những lợi thế cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa địa danh Đèo Cả để phát triển du lịch là rất cần thiết và khả thi. Đến đèo Cả, du khách có dịp trải nghiệm thực tế qua những ký ức lịch sử, để ngắm quê hương cẩm tú; để được thỏa sức phóng tầm mắt trước đại dương mênh mông bao la xanh ngắt giữa muôn trùng sóng vỗ, được đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ, được khám phá bao điều bí ẩn trong quần thể di tích lịch sử, danh thắng quốc gia núi Đá Bia – Vũng Rô – Bãi Môn – Mũi Điện – Hòn Nưa sẽ lý thú và bổ ích.
Độc đáo tuyến đường sắt từ Ba Tư đến Caspi
Không dài như đường sắt xuyên Siberia, tuyến đường sắt xuyên Iran, nối liền Nam - Bắc đất nước được xem là một trong những công trình kỹ thuật vĩ đại nhất được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Đường sắt xuyên Iran dài 1.394km là một kỳ công kỹ thuật, một trong 33 địa điểm vừa được thêm vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Đưa vào sử dụng năm 1938 sau 11 năm xây dựng, tuyến đường sắt có chiều dài 1.394km từ Bandar-e Emam Khomeyni trên vịnh Ba Tư đến Bandar Torkaman trên Caspi. Tuyến đường đi qua hơn 220 đường hầm, trong đó có 11 đường hầm xoắn ốc và gần 400 cây cầu. Điểm cao nhất của tuyến đường là đỉnh núi 2.130m ở Tehran.
Trong quá trình hoàn thành tuyến đường sắt này, các đơn vị xây dựng đã đối mặt với hàng loạt khó khăn về địa chất và kỹ thuật. Việc kết nối hai dãy núi khổng lồ ở Tehran là một quá trình phức tạp do địa hình hiểm trở và thời tiết nóng gay gắt. Một số đường hầm bị bỏ dở do phát hiện các mỏ muối và thạch cao khi đang xây dựng...
43 nhà thầu từ nhiều quốc gia đã cùng hợp lực làm đường. Đặc biệt, kinh phí xây dựng (ước tính khoảng 39 triệu USD vào thời điểm hoàn thành, tức hơn 2,7 tỷ USD theo số liệu ngày nay) hoàn toàn của Iran, không có bất kỳ tài trợ nào từ các quốc gia khác. Đường tàu hỏa xuyên Iran là phần đầu của nỗ lực hiện đại hóa thông tin liên lạc và nền kinh tế Iran trong những năm 1930 của nhà lãnh đạo Reza Shah-Pahlavi.
Đường đi của tuyến tàu hỏa này xuyên qua hai dãy núi, vượt qua nhiều sông, hồ, cao nguyên, rừng và đồng bằng, qua bốn khu vực khí hậu khác nhau. Do vậy, suốt cuộc hành trình, du khách có thể ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp ngoạn mục.
Một trong những trải nghiệm thú vị nhất là đoạn đi qua cầu Veresk ở vùng núi Alborz. Cây cầu do một nhà thầu người Ý xây dựng vào năm 1934 - 1935, dài 112,40m, cao 110m so với đáy thung lũng. Cùng với việc ngắm nhìn cầu Veresk, du khách sẽ đi qua những đoạn đường vòng và khúc cua có cảnh quan tuyệt đẹp.
Ở đoạn qua Doround và Andimeshk, đường tàu đến gần phố cổ Susa có niên đại 4.200 năm trước Công nguyên. Hai di sản thế giới khác cũng nằm trong khu vực này là hệ thống nước thủy lực cổ đại của Shustar và khu phức hợp Elamite tại Chogha Zanbil, bị bỏ hoang từ năm 640 trước Công nguyên.
Ngày 25/07/2021, tuyến đường sắt này là một trong 33 địa điểm mới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao danh hiệu Di sản Thế giới, cùng với các địa điểm nổi tiếng thế giới như Venice (Ý), Machu Picchu (Peru), Vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ)...
Chinh phục đèo Khau Cốc Trà Khu vực miền núi phía bắc Việt Nam có nhiều con đèo hùng vĩ, hiểm trở, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến "tứ đại đỉnh đèo": Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng, Khau Phạ. Tuy nhiên, ở Cao Bằng cũng có một con đèo hiểm trở không kém với 14 khúc cua gấp khiến không ít người ngần ngại...