Ngoại trưởng Mỹ gặt hái gì ở Triều Tiên?
Thượng đỉnh lần hai giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm diễn ra.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Triều Tiên hôm Chủ nhật 7-10, gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ tư của ông Pompeo nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và tổ chức thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo tối cao của Mỹ và Triều Tiên.
Hai ông Trump-Kim sẽ sớm gặp lại nhau
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người được ông Pompeo thuật lại những gì diễn ra khi ông đến Triều Tiên, nói rằng Triều Tiên và Mỹ đã đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai trong thời gian sớm nhất để theo đuổi những cam kết vẫn còn mơ hồ, thiếu cụ thể tại thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6.
Tuy nhiên, theo New York Times, ông Pompeo rời Bình Nhưỡng mà không công bố cuộc gặp thượng đỉnh lần hai chính thức sẽ diễn ra khi nào và tại đâu. Ông Pompeo để lại vấn đề này cho ông Stephen E. Biegun, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên cùng thương thuyết với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui. Điều này cho thấy hai bên đã thống nhất cao và việc hai ông Trump-Kim gặp nhau lần hai chỉ còn lại ở vấn đề thời gian.
Trong cuộc gặp dự kiến sắp tới với người đồng cấp Triều Tiên, Tổng thống Trump hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa, trong khi ông Kim Jong-un kiên quyết không từ bỏ hạt nhân nếu Mỹ không có những động thái tương xứng, không tạo “niềm tin tuyệt đối” cho chính quyền Bình Nhưỡng.
Dù vậy, cả Mỹ và Triều Tiên dường như cũng đã ý thức được rằng để đạt được cùng lúc mong muốn của cả hai nước trong thời gian ngắn hay một tiến trình vội vàng là bất khả thi. Hai bên đã xác định được hướng đi nhưng vấn đề là giải pháp và hành động cần có tính đồng thuận và thận trọng. “Chúng tôi vẫn chưa đến đích nhưng chúng tôi sẽ đi đến đó. Thông thường thử thách cuối cùng rất khó để vượt qua” – ông Pompeo nói.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS
Triều Tiên chấp thuận chịu giám sát quốc tế
Washington tuyên bố rằng ông Kim đã mời các chuyên gia hạt nhân quốc tế đến thanh tra bãi thử hạt nhân Punggye-ri để xác minh cơ sở hạt nhân này đã bị tháo dỡ và không thể phục hồi. Điều này cho thấy Triều Tiên bước đầu tuân thủ cam kết “có thể kiểm chứng”, một mắt xích để xác minh “khả năng đảo ngược” nếu nước này phi hạt nhân hóa.
Video đang HOT
Vào tháng 5 trước thềm thượng đỉnh Singapore, Triều Tiên phá hủy cơ sở Punggye-ri, một hệ thống ngầm dưới lòng đất vốn là nơi đã thử nghiệm hạt nhân sáu lần. Bình Nhưỡng cho phép giới báo chí quốc tế đến chứng kiến cảnh đường hầm bị đánh sập nhưng các chuyên gia hay thanh tra quốc tế về hạt nhân không được tiếp cận. Điều này đặt ra hoài nghi Triều Tiên chỉ mới phá hủy cửa hầm và mọi thứ có thể “bị đảo ngược” nếu Triều Tiên muốn phục hồi bãi thử này.
Bộ Ngoại giao Mỹ không công bố ai sẽ thực hiện quá trình thanh tra bãi thử Punggye-ri. Tuy nhiên, văn phòng Tổng thống Moon Jae-in thuật lại ông Pompeo và ông Kim đã thảo luận về vấn đề chính phủ Mỹ sẽ giám sát tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Lee Byong-chul, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hòa bình và Hợp tác tại thủ đô Seoul nhận định “nếu việc kiểm tra và xác minh diễn ra tốt đẹp, chứng minh được rằng bãi thử Punggye-ri đã bị tháo dỡ vĩnh viễn, đó là một bước tiến rất lớn đối với triển vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Nhưng câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ đề xuất đáp trả những gì để tương xứng với hành động của Bình Nhưỡng”.
Triều Tiên tìm kiếm sự nhượng bộ từ Mỹ
Bình Nhưỡng kiên định với yêu cầu Washington phải hồi đáp tương ứng với hành động của mình, đảm bảo an ninh và hòa bình lâu dài, ổn định nếu phi hạt nhân hóa – điều mà ông Trump hứa với ông Kim tại Singapore. Trong cuộc gặp giữa ông Pompeo và ông Kim, theo Tổng thống Moon Jae-in, cả hai đã thảo luận về các giải pháp cụ thể mà Mỹ sẽ thực hiện để cho thấy tương xứng với nỗ lực phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng nói rằng một trong những điều đầu tiên mà Washington có thể làm để chứng minh Mỹ không còn là mối đe dọa với Triều Tiên chính là cùng với liên Triều và Trung Quốc tham gia vào tuyên bố chung kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, vốn trên thực tế chỉ mới tạm dừng từ hiệp định đình chiến vào năm 1953. Việc thiết lập hiệp ước hòa bình với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ sẽ tạo sự an tâm cho Triều Tiên khi ràng buộc các cường quốc vào các quy định pháp lý, giảm thiểu khả năng bị tấn công khi Bình Nhưỡng đã “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không bị đảo ngược”.
Chưa có cam kết về vũ khí hạt nhân
Cuộc gặp giữa ông Kim và ông Pompeo không đề cập đến số phận vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên nắm giữ. Ông Kim đến nay đã cho dừng tất cả hoạt động thử hạt nhân và tên lửa, phá hủy cơ sở Punggye-ri và đề xuất tháo dỡ một số cơ sở thử tên lửa. Ông Kim cũng đề xuất tháo dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, trung tâm sản xuất nhiên liệu cho đầu đạn hạt nhân nếu Washington có những bước đi tương ứng.
Những động thái này, theo New York Times, có thể làm giảm khả năng chế tạo ra nhiều đầu đạn hạt nhân và phát triển nhiều tên lửa đầy sức mạnh trong tương lai. Ông Kim đến nay chưa hề đả đụng gì đến lượng vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng sở hữu, cùng chưa cho thấy ý định công khai lượng vũ khí hạt nhân chính xác mà Triều Tiên sở hữu dưới sự xác minh của quốc tế.
Adam Mount, nghiên cứu viên cao cấp làm việc tại Tổ chức FAS (Federation of American Scientists) nhận định Triều Tiên đang tiến hành các bước tháo dỡ các bãi thử trong khi chưa có động thái nào nhằm vào lượng vũ khí hạt nhân đang sở hữu và các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân.
THÙY ANH – HOÀNG PHÚ
Theo PLO
Đàm phán Mỹ-Triều lại đạt thêm bước tiến
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8/10 cho hay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã sẵn sàng cho phép giới thanh sát viên quốc tế tiếp cận các khu vực thử hạt nhân và tên lửa của nước này - một trong những điểm quan trọng trong cam kết giải giáp hạt nhân giữa hai nước.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp nhau ở Bình Nhưỡng, ngày 7/10 (Nguồn: Twitter/Mike Pompeo).
Ông Pompeo - người đã có cuộc gặp với ông Kim nhân chuyến thăm tới Bình Nhưỡng hôm Chủ nhật vừa qua nói rằng các thanh sát viên sẽ được quyền tiếp cận tới khu vực thử nghiệm động cơ tên lửa và khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri ngay khi hai bên nhất trí về các vấn đề hậu cần.
"Cần rất nhiều hoạt động hậu cần để thực hiện điều đó" - Ngoại trưởng Pompeo nói trong một cuộc họp báo ngắn ở Seoul, Hàn Quốc, trước khi tới chặng dừng chân cuối cùng là Bắc Kinh, Trung Quốc.
Ông Pompeo cũng nói rằng cả hai bên đã "rất gần" tới một thỏa thuận về tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 2, việc mà ông Kim đề xuất với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một bức thư gửi đi hồi tháng trước. "Quan trọng nhất là cả hai nhà lãnh đạo tin rằng, họ sẽ thực sự đạt được bước tiến đáng kể, từ đó dọn đường cho Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo" - ông Pompeo nói.
Đặc phái viên về hạt nhân mới của Mỹ Stephen Biegun - người cũng tháp tùng ông Pompeo trong chuyến thăm Bình Nhưỡng - nói rằng ông đã đề xuất tổ chức cuộc gặp với Thứ trưởng Triều Tiên Choe Son-hui "sớm nhất có thể" và họ đang thảo luận để đưa ra thời gian, thời điểm họp cụ thể.
Chuyến công du Bình Nhưỡng lần thứ tư của ông Pompeo diễn ra trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Triều về vấn đề hạt nhân lâm thế bế tắc. Trong lúc Washington yêu cầu Bình Nhưỡng hoàn tất giải giáp hạt nhân toàn diện, Triều Tiên đã bác bỏ khả năng giải giáp hạt nhân đơn phương.
Tiếp cận bãi thử hạt nhân
Trong kỳ họp thượng đỉnh Liên Triều gần đây nhất, Triều Tiên đã tuyên bố sẵn sàng đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nếu như Washington có động thái tương xứng - tức bao gồm một tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo từ chối bình luận về đề xuất này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng Triều Tiên sẽ "hủy bỏ vĩnh viễn" bãi thử nghiệm động cơ tên lửa của họ ở thị trấn Tongchang-ri trước sự chứng kiến của giới chuyên gia đến từ "các nước có liên quan". Tuy nhiên, Bình Nhưỡng lại không giữ cam kết về việc cho phép giới thanh sát viên quốc tế tới quan sát vụ hủy bãi thử Punggye-ri hồi tháng 5 vừa qua, làm dấy lên làn sóng ngờ vực.
Tháng 7 vừa qua, một hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu hủy bỏ bãi thử động cơ tên lửa ở Tongchang-ri, nhưng lại không cho phép người ngoài tiếp cận để xác nhận.
Trong hôm 8/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong một tuyên bố rằng lãnh đạo Kim Jong-un đã có lời mời các thành sát viên quốc tế tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri để xác nhận rằng nó đã bị hủy không thể đảo ngược. Tuy nhiên, tuyên bố này không đưa thêm chi tiết.
Tín hiệu tích cực
Trong hôm đầu tuần, Hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA cho hay lãnh đạo Kim đã hoan nghênh các cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Pompeo, trong đó ông Kim "đã giải thích chi tiết về các đề xuất nhằm giải quyết vấn đề giải giáp hạt nhân".
"Lãnh đạo Kim Jong-un đã thể hiện rõ sự hài lòng trước các vòng đàm phán tuyệt vời với ông Mike Pompeo, trong đó quan điểm của hai bên đã được hiểu rõ, nhiều ý kiến được trao đổi" - KCNA cho hay.
Ông Kim nói rằng đối thoại song phương sẽ tiếp tục phát triển "dựa trên lòng tin vững chắc giữa lãnh đạo của hai nước", bày tỏ lòng biết ơn đối với ông Trump vì đã có nỗ lực thực sự trong việc đạt được thỏa thuận trong Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore - KCNA nêu rõ.
Đưa ra bình luận về cuộc gặp giữa ông Pompeo và ông Kim, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, ông Kim có thể sớm sang thăm Nga. Ông cũng nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có chuyến thăm Triều Tiên, dù không đưa ra thêm chi tiết.
Trong hôm đầu tuần này, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã đăng tải 8 bức ảnh về cuộc họp giữa ông Pompeo và ông Kim trên trang nhất, trong đó gồm nhiều bức ảnh cho thấy ông Pompeo và ông Kim tươi cười khi bắt tay nhau. Đây là tín hiệu tốt đẹp hơn nhiều so với chuyến công du trước mà ông Pompeo thực hiện.
Khánh Duy
Theo daidoanket
Ngoại trưởng Mỹ - Trung đối thoại căng thẳng tại Bắc Kinh Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 8/10 diễn ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cả về kinh tế và quân sự. Một cuộc họp giữa 2 nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã khởi đầu vô cùng lạnh giá vào hôm nay (8/10), khi Ngoại trưởng nước...