Ngoại trưởng Iran lớn tiếng tại hội đàm hạt nhân
Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thường xuyên lớn tiếng trước các nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có người đồng cấp Mỹ John Kerry.
Việc la hét này thu hút sự chú ý của các vệ sĩ bên ngoài phòng đàm phán, theo tiết lộ của một nhà ngoại giao Iran với giới truyền thông nước này.
Tại các cuộc đàm phán ở thủ đô ở Vienna (Áo), Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, “thường xuyên quát như tát nước vào mặt các nhà ngoại giao phương Tây” tới độ các vệ sĩ vội vã bước vào phòng đàm phán, lo sợ chuyện không hay xảy ra.
Nguồn tin kể rằng có khi ông Zarif “gào thét quá to”, khiến một thành viên của phái đoàn Iran vội vã bước vào phòng đàm phán để xem động tĩnh. Ngay khi vào trong, quan chức Iran được Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, nói rằng ông Zarif vừa lớn giọng và dường như bà đã quen với chuyện đó. Thông tin về hành vi trên của Ngoại trưởng Iran giống với những bài viết trước đó rằng các nhà đàm phán Iran tỏ ý coi khinh với các đối tác phương Tây, đặc biệt là người Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái), Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (phải) và phái viên EU Catherine Ashton Ảnh: REUTERS
Video đang HOT
Trong một lần phỏng vấn, nhà đàm phán cấp cao về vấn đề hạt nhân của Iran Abbas Araqchi cho biết trong cuộc đàm phán vừa qua ở Geneva, ông Zarif “hét” vào mặt ông Kerry, nói chuyện với người đồng cấp bằng giọng điệu “chưa từng có” trong lịch sử ngoại giao Mỹ. Một bài báo bằng tiếng Farsi dẫn lời ví von của ông Araqchi rằng cứ như thể hai vị lãnh đạo đang đóng màn “cảnh sát tốt, cảnh sát xấu” vậy.
Đến nay, nhóm P5 1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức) và Iran vẫn chưa đạt được một thỏa thuận toàn diện dù thời hạn chót 24-11 sắp qua. Các bên đang gấp rút thảo luận “phương án B” về khả năng lùi thời hạn chót đến tháng 3-2015. Trong khi đó, giới chức Iran cho biết thêm sẽ quay sang Nga và Trung Quốc nếu vòng đàm phán lần này thất bại.
Theo_Người lao động
Iran, P5+1 bước vào vòng đàm phán hạt nhân cuối cùng
Các cuộc đàm phán tại Vienna, Áo diễn ra trong bối cảnh vẫn tồn tại nhiều bất đồng giữa các bên liên quan tới các vấn đề chủ chốt.
Ngày 18/11, Iran và P5 1 bước vào vòng đàm phán cuối cùng để tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện cho chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran trước thời hạn chót 24/11 tới.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định mục tiêu của Iran là tìm một giải pháp tôn trọng quyền lợi của Iran và đồng thời giải quyết được những lo ngại của cộng đồng thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (ngoài cùng bên trái), Cao ủy EU Ashton (giữa) và Ngoại trưởng Iran trong cuộc gặp ngày 10/11 vừa qua (Ảnh Reuters)
Đây là vòng đàm phán quyết định để Iran và các cường quốc đi đến một thỏa thuận cuối cùng chấm dứt tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran trong suốt 12 năm qua.
Còn chưa đầy một tuần nữa để Iran và P5 1 đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện đáp ứng thời hạn chót ngày 24/11. Song theo giới chức Iran và phương Tây, khó có thể đáp ứng thời hạn này và kịch bản sẽ được lặp lại là tiếp tục gia hạn cho đàm phán hạt nhân Iran. Họ cho rằng, tại vòng đàm phán cuối cùng này các bên có thể nhất trí bản phác thảo cho một thỏa thuận trong tương lai, nhưng sẽ mất vài tháng để hoàn tất và đưa ra một thỏa thuận chi tiết.
Ngoại trưởng Iran Zarif sau khi đến Vienna cho biết, ông tin tưởng vào khả năng sẽ ký kết được thỏa thuận nếu P5 1 không đưa ra "yêu cầu quá đáng" với Iran.
"Tôi chắc chắn rằng chúng tôi có mặt ở đây để tìm một giải pháp bao gồm sự tôn trọng quyền lợi của Iran và gỡ bỏ được mối lo ngại của cộng đồng thế giới. Nếu có sự thiện chí từ phía P5 1 chúng tôi có thể đi đến một thỏa thuận. Nếu họ không thiện chí, thì họ sẽ phải hiểu rằng Iran muốn một giải pháp cho vấn đề hạt nhân, nhưng chúng tôi sẽ không đi ngược lại lợi ích của đất nước".
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng các bên có thể đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran trước ngày 24/11, tuy nhiên Iran nên "thể hiện sự mềm mỏng hơn nữa" trong việc thuyết phục các đối tác về tính chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của mình.
Sau khi lỡ thời hạn 20/7, Iran và P5 1 đã nhất trí kéo dài đàm phán để giải quyết những vấn đề mấu chốt. Tuy nhiên, gần 4 tháng đã trôi qua nhưng các bên vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng dù đã liên tiếp thúc đẩy các cuộc thảo luận Iran và P5 1, đàm phán song phương Mỹ-Iran, cũng như đàm phán 3 bên Iran, Mỹ và Liên minh châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi tuần tới đây là "tuần quyết định" để chấm dứt tranh cãi về chương trình hạt nhân Iran. Mỹ cũng cho rằng đây là cơ hội lịch sử mà Iran không nên bỏ lỡ để giải tỏa hoàn toàn nghi ngại của cộng đồng quốc tế và đổi lấy cơ hội kinh tế cũng như chấm dứt sự cô lập.
Trong bối cảnh, bất ổn khu vực ngày càng gia tăng với mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mỹ đã đến lúc phải chấp nhận thực tế rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đóng vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn.
Một thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và P5 1 đồng thời sẽ xua tan lo ngại về một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông. Trong trường hợp đàm phán thất bại, cả Iran và Mỹ sẽ đều hứng chịu tổn thất về chiến lược và chính trị.
Do đó, điều cần thiết nhất lúc này là sự sẵn sàng thỏa hiệp giữa Iran và phương Tây, nhằm tác động tích cực vào quá trình tái định hình nền móng chính trị ở Trung Đông.
Một thỏa thuận hạt nhân phải có thể và phải đạt được vì lý do đơn giản rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả và không có gì thay thế được thỏa thuận này./.
Theo VOV
Thỏa thuận hạt nhân Iran là tương lai của Trung Đông Mỹ đã đến lúc phải chấp nhận thực tế rằng Iran đang đóng vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn. Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là tương lai của khu vực Trung Đông. Đây là nhận định của giới quan sát khi cuộc thảo luận mới nhất giữa Mỹ, Liên minh châu Âu và Iran vừa diễn...