Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề quốc tế
Sau 2 ngày họp, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc với tuyên bố chung đề cập đến các chủ đề gồm xung đột Israel- Hamas, xung đột Nga-Ukraine, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, các diễn biến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thúc đẩy tăng cường hợp tác với Trung Á,…
Các đại biểu dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Tokyo, Nhật Bản ngày 8/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết các thành viên G7 khẳng định sự cần thiết phải “hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo” tại vùng đất Palestine do Hamas kiểm soát đang bị Israel bao vây. Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông.
Các ngoại trưởng Nhóm G7 đã nhất trí kêu gọi thiết lập khoảng dừng hoặc hành lang nhân đạo trong cuộc xung đột Hamas – Israel để tạo điều kiện cho những hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, hoạt động di chuyển dân sự và trả tự do cho các con tin. G7 cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các bên để chuẩn bị các giải pháp lâu dài, bền vững cho Gaza. G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước, đảm bảo cho cả người dân Palestine và Israel chung sống trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau, vẫn là con đường duy nhất để đạt được nền hòa bình ổn định và lâu dài.
Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các ngoại trưởng G7 đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên quy định của pháp luật, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng sẽ không được chấp nhận ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Video đang HOT
G7 nhấn mạnh sự ủng hộ không thay đổi dành cho một ASEAN trung tâm và đoàn kết, thúc đẩy hợp tác với phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. G7 cũng nhắc lại cam kết hỗ trợ cơ sở hạ tầng bền vững, toàn diện, linh hoạt và chất lượng ở các nước đối tác thông qua quan hệ đối tác G7 về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu.
Về quan hệ với Trung Quốc, các ngoại trưởng G7 nhất trí tầm quan trọng của việc thiết lập quan hệ ổn định và xây dựng với Trung Quốc, cũng như thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc để đối phó với các thách thức toàn cầu cũng như các lĩnh vực có lợi ích chung. G7 khẳng định cách tiếp cận chính sách của khối không nhằm mục đích gây hại cho Trung Quốc cũng như không tìm cách cản trở sự tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ kinh tế bền vững với Trung Quốc và tăng cường hệ thống thương mại quốc tế, G7 cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy một cuộc chơi bình đẳng
G7 nhấn mạnh lại tính chất phổ quát và thống nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và tái khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS 1982 trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý chi phối mọi hoạt động ở biển và đại dương.
Đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, các ngoại trưởng G7 bày tỏ lo ngại về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Đối với xung đột Nga-Ukraine, G7 khẳng định lập trường thống nhất trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm Nga, đồng thời cùng với các đối tác quốc tế thúc đẩy các nỗ lực khôi phục hòa bình tại Ukraine.
Đối với Trung Á, G7 hoan nghênh việc tăng cường hợp tác khu vực và giao lưu nhân dân. G7 tái khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác với các nước Trung Á để giải quyết các thách thức khu vực. G7 nhấn mạnh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày càng tăng, sự đa dạng hóa và việc mở rộng các tuyến thương mại ở các nước Trung Á không chỉ mang lại tăng trưởng kinh tế cho khu vực, mà còn có tiềm năng cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả an ninh năng lượng. G7 cam kết thúc đẩy liên kết thương mại và năng lượng, kết nối và giao thông bền vững, bao gồm Hành lang Trung Á và các dự án liên quan để tăng cường khả năng phục hồi của khu vực.
Trong phiên “Đối thoại với Trung Á”, Ngoại trưởng Kamikawa khẳng định Trung Á là đối tác quan trọng trong việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên quy định của pháp luật, đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy các nỗ lực tăng cường quan hệ hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Trung Á và Nhật Bản vào năm tới. Ngoại trưởng Kamikawa nêu rõ Nhật Bản mong muốn tiếp tục triển khai hợp tác cùng có lợi cho cả Trung Á và các nước thành viên G7.
Các ngoại trưởng cũng G7 cam kết xây dựng hơn nữa tình đoàn kết quốc tế ngoài G7 để giải quyết các thách thức toàn cầu rộng lớn hơn, như biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân và bình đẳng giới, bao gồm chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Mỹ phản đối việc chia cắt Dải Gaza
Ngày 8/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phản đối việc phong trào Hồi giáo Hamas tiếp tục kiểm soát Dải Gaza, đồng thời cho rằng cần có một giai đoạn chuyển tiếp hậu xung đột.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Tokyo (Nhật Bản), người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định việc Hamas tiếp tục kiểm soát Dải Gaza sẽ khiến xung đột tái diễn. Theo ông, mặc dù phía Israel đã khẳng định với ông rằng sẽ không kiểm soát dải đất này, song vẫn cần có một giai đoạn chuyển tiếp khi xung đột kết thúc.
Trước đó, tại hội nghị G7, Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly cho rằng động thái hướng tới việc thành lập một chính phủ yêu hòa bình ở Palestine là kết quả đáng mong đợi nhất trong cuộc xung đột Hamas - Israel hiện nay, đồng thời tái khẳng định việc London ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Trong khi đó, báo Hurriyet đưa tin tại cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ở Ankara hôm 6/11, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã phản đối việc di dời người dân Gaza và kế hoạch chia khu vực này thành hai phần. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken cũng ủng hộ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối việc chia cắt Dải Gaza.
Về tình hình xung đột, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, sáng 8/11, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết các cuộc không kích xuyên đêm đã khiến Muhsin Abu Zina - một trong những nhân vật hàng đầu trong bộ phận sản xuất vũ khí, đặc biệt là tên lửa, của Hamas thiệt mạng. Cả IDF và Cơ quan An ninh quốc gia Israel đều xác nhận thông tin trên.
Liên quan đến căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban, đêm 7/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo sẽ tiếp tục đáp trả bằng hỏa lực mạnh mẽ các vụ tấn công của phong trào này. Tuyên bố được đưa ra sau khi Hezbollah bắn khoảng 20 quả rocket từ miền Nam Liban vào vùng duyên hải phía Tây Bắc của Israel, trong đó có cả khu cảng Haifa.
Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn xung đột ở Dải Gaza lan ra khu vực. Đặc phái viên của Mỹ Amos Hochstein hôm 7/11 đã tới thăm Liban truyền đạt các thông điệp của Nhà Trắng với giới chức Beirut, trong đó có Thủ tướng tạm quyền Najib Mikati.
Đức viện trợ 50 triệu euro cho người dân Dải Gaza Ngày 19/10, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin sẽ cung cấp khoản viện trợ trị giá 50 triệu euro (52,8 triệu USD) cho dân thường tại Dải Gaza. Người dân nhận hàng cứu trợ của LHQ tại trại tị nạn Rafah, phía nam Dải Gaza. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN Trong tuyên bố, bà Baerbock nêu rõ Đức đang chuẩn bị cử...