Ngoại trưởng G7 họp khẩn bên lề Hội nghị An ninh Munich
Ngày 19/2, các ngoại trưởng Nhóm 7 nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành cuộc họp khẩn, thảo luận về các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng tại châu Âu liên quan tới Nga và Ukraine.
Cuộc họp diễn ra bên lề Hội nghị An ninh Munich tại Đức.
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Liverpool, Anh ngày 11/12/2021. Ảnh (tư liệu) minh họa: AFP/TTXVN
Dự kiến, ngoại trưởng các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ cùng đại diện Liên minh châu Âu (EU) sẽ ra một tuyên bố chung thúc giục Nga xoa dịu căng thẳng và khẳng định tinh thần thống nhất cùng giải quyết một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Video đang HOT
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái gây leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.
Các nước G7 đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về cuộc khủng hoảng. Đầu tuần này, các bộ trưởng tài chính của khối đã để ngỏ các lệnh trừng phạt kinh tế mang lại “hậu quả lớn và ngay lập tức” cho Nga. Dự kiến, lãnh đạo các nước sẽ họp trực tuyến vào ngày 24/2 tới.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên đường tới Đức để tham dự Hội nghị An ninh Munich và thảo luận với các đồng minh châu Âu về những lo ngại liên quan đến khả năng Nga tấn công Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong thông cáo báo chí trước chuyến đi, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Johnson sẽ có bài phát biểu tại hội nghị về những diễn biến tại châu Âu. Theo ông, ngoại giao có thể vẫn là giải pháp chính và các nước cần nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn một tính toán sai lầm nghiêm trọng có thể hủy hoại Ukraine, Nga và phần còn lại của châu Âu.
Hội nghị An ninh Munich: TTK LHQ nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng
Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 ngày 18/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã kêu gọi các bên liên quan cuộc xung đột ở Ukraine có biện pháp giảm leo thang, trong đó nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho căng thẳng hiện nay.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời ông Guterres nêu rõ: "Tôi kêu gọi tất cả các bên cực kỳ thận trọng với những tuyên bố của mình. Việc thể hiện quan điểm công khai nên hướng tới mục đích giảm căng thẳng chứ không phải đổ thêm dầu vào lửa". Nhà lãnh đạo LHQ cảnh báo nguy cơ leo thang khôn lường, trong đó mối đe doạ đối với an ninh toàn cầu hiện nay phức tạp và quy mô lớn hơn nhiều so với giai đoạn Chiến tranh Lạnh trước đây. Theo ông, thời điểm Chiến tranh Lạnh có các cơ chế đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng ngừa không chính thức, song ngày nay, hầu hết các hệ thống này không còn tồn tại.
Tổng Thư ký Guterres một mặt cho rằng sẽ khó nổ ra xung đột quân sự ở Ukraine, song cũng nêu rõ chiến tranh nếu xảy ra sẽ là "một thảm họa". Ông đánh giá, thế giới ngày càng phức tạp và nguy hiểm trong những năm gần đây. Trước hết, đó là sự chia rẽ địa chính trị ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn, căng thẳng giữa các cường quốc lan sang những nước khác và mối đe dọa khủng bố trên toàn thế giới. Tiếp đó là sự bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng COVID-19. Cuối cùng là thời đại kỹ thuật số ngày càng dễ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà Annalena Baerbock đề cập tới cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo nguy cơ về một cuộc chiến tranh mới ở châu Âu. Bà cũng một lần nữa lưu ý tới những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine.
Trước đó, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger đã phát biểu khai mạc hội nghị, đánh giá MSC lần thứ 58 có lẽ là sự kiện "quan trọng nhất" kể từ khi ông dẫn dắt MSC 14 năm qua. Ông đánh giá chưa bao giờ thế giới có nhiều cuộc khủng hoảng cấp bách và nguy hiểm như hiện nay, từ cuộc khủng hoảng Ukraine, tới đại dịch COVID-19, vấn đề Afghanistan, người di cư và tị nạn cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
MSC năm nay diễn ra trong 3 ngày với chương trình nghị sự đặt trọng tâm vào chiến lược của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Tương lai của Liên minh châu Âu (EU) cũng như những đóng góp của "Lục địa Già" nhằm xử lý các cuộc khủng hoảng sẽ được thảo luận trong ngày cuối của hội nghị. Ngoài ra, các vấn đề như chiến lược chống đại dịch COVID-19, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và một số vấn đề ít cấp bách hơn như sự phát triển của đồng tiền điện tử cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị.
Do đại dịch COVID-19, hội nghị năm nay được cắt giảm quy mô so với những năm trước, đồng thời đại biểu tham dự phải đảm bảo chặt chẽ các quy định về phòng dịch.
Hội nghị An ninh Munich: NATO đề nghị Nga tham gia đối thoại Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị An ninh Munich tại Đức, ngày 19/2, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết ông đã gửi thư cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề nghị tham gia đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột ở Ukraine....