Ngoại trưởng Chile dương tính với SARS-CoV-2
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, ngày 4/1, Chính phủ Chile thông báo Ngoại trưởng nước này Andres Allamand đã mắc COVID-19 trong thời gian nghỉ lễ Giáng sinh tại Mỹ.
Ngoại trưởng Chile Andres Allamand phát biểu tại Santiago, Chile. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Chile, ông Allamand không có triệu chứng đặc biệt nào và đang tuân thủ các quy định y tế hiện hành. Trong thời gian Ngoại trưởng Chile cách ly tại Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Carolina Valdivia sẽ tạm thời thay mặt ông đảm nhận công việc.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát trong những tháng gần đây, Chile đang ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 bùng phát trở lại trên toàn quốc trong vài tuần qua. Chỉ riêng trong ngày 3/1, Chile ghi nhận 1.058 ca mắc mới và một ca tử vong, đưa tổng số ca COVID-19 kể từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên hồi tháng 3/2020 lên 1,8 triệu người, với 39.174 trường hợp tử vong.
Video đang HOT
Tỷ lệ dương tính trên toàn quốc, vốn ổn định ở mức dưới 3% trong nhiều tháng, đã tăng lên 3,8% sau khi có kết quả xét nghiệm PCR của 25.783 trường hợp vào ngày 4/1. Trong khi đó, 518 bệnh nhân COVID-19 hiện đang được chăm sóc đặc biệt tại quốc gia Nam Mỹ này.
Ngay vào những ngày đầu tiên của năm 2022, Chile đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người dân nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm hiện tại, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận khoảng 600 ca nhiễm biến thể Omicron.
Trước tình hình này, cơ quan chức năng buộc phải đẩy sớm lịch tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 vốn được lên kế hoạch cho tháng 2/2022. Hiện 92% dân số Chile đã được tiêm hai mũi và 94% đã được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, hơn 11,3 triệu người trong tổng số 19 triệu công dân nước này đã được tiêm mũi tăng cường.
Israel thử nghiệm tiêm mũi 4 phòng COVID-19 bằng vaccine trộn lẫn
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, bệnh viện Sheba (Israel) ngày 3/1 thông báo sẽ mở rộng chiến dịch thử nghiệm tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 bằng một loại vaccine khác với 3 mũi trước nhằm đánh giá hiệu quả chống lại biến thể Omicron.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Ramat Gan, Israel, ngày 28/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Loại vaccine mới sẽ được đưa vào sử dụng là của hãng Moderna, sẽ được tiêm cho những người đã được tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer. Việc thử nghiệm còn nhằm đánh giá tác dụng của việc sử dụng trộn lẫn các loại vaccine khác nhau trên cùng một bệnh nhân.
Trước đó, ngày 27/12/2021, Sheba cũng là bệnh viện đầu tiên triển khai tiêm thử nghiệm mũi 4 chính thức cho những người bình thường, tuy nhiên vaccine sử dụng đều là Pfizer. 150 nhân viên y tế của Sheba được tiêm trước, sau đó sẽ có sự tham gia của 6.000 người khác. Kết quả thử nghiệm dự kiến sẽ được thông báo trong tuần này.
Ngày 2/1, Thủ tướng Israel Naftali Bennett thông báo nước này sẽ tiêm vaccine COVID-19 liều thứ 4 cho những người trên 60 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế, trong bối cảnh biến thể Omicron đang gây ra làn sóng lây nhiễm mạnh tại nước này, với gần 5.000 ca/ngày.
Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Israel thông báo từ ngày 2/1 cho phép nhập cảnh du khách đã tiêm chủng đầy đủ và đến từ các quốc gia "màu cam" có nguy cơ dịch thấp. Đây là động thái mở cửa một phần của Israel sau 5 tuần đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Du khách cũng sẽ phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính trước khi lên máy bay cũng như phải thực hiện một xét nghiệm PCR nữa khi đến, đồng thời phải cách ly 24 giờ hoặc cho đến khi nhận được kết quả.
Với những quốc gia có nguy cơ cao về dịch COVID-19, được xếp loại "màu đỏ", Israel vẫn giữ quy định cấm nhập cảnh cũng như cấm công dân nước này đến những quốc gia đó. Tính đến ngày 3/1, trong danh sách "màu đỏ" của Israel có Anh, Ethiopia, Mexico, Thụy Sĩ, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Mỹ.
Ngày 3/1, Israel ghi nhận 6.562 ca mắc COVID-19 mới, gần gấp đôi con số trung bình mỗi ngày trong tuần trước.
Năm 2021 ghi nhận tình trạng di cư kỷ lục tại Mỹ Latinh Cơ quan Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đánh giá, năm 2021, khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận tình trạng di cư kỷ lục, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo về người tị nạn do tác động của đại dịch COVID-19, nghèo đói, mất an ninh lương thực, bạo lực và tình trạng khẩn...