Ngoại trưởng các nước Arab họp bàn về Gaza
Tại hội nghị thảo luận về tình hình xung đột trên Dải Gaza do Saudi Arabia chủ trì, các quan chức ngoại giao hàng đầu ở Trung Đông đã tái khẳng định lời kêu gọi thực hiện các bước tiến tới công nhận Nhà nước Palestine độc lập.
Em nhỏ bị mất nhà cửa sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 3/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Hội nghị diễn ra ngày 8/2, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kết thúc chuyến thăm lần thứ 5 tới Trung Đông kể từ khi xung đột Hamas – Israel bùng phát. Hội nghị có sự tham gia của các ngoại trưởng các nước Ai Cập, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Jordan, cùng các quan chức cấp cao của Palestine, nhằm củng cố quan điểm chung của các nước Arab về cuộc xung đột.
Hãng thông tấn Saudi (SAP) đưa tin tại cuộc họp, các ngoại trưởng nhấn mạnh cần chấm dứt xung đột trên Dải Gaza, lập tức tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn, bảo vệ dân thường theo quy định của luật pháp quốc tế, dỡ bỏ mọi hạn chế có thể cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo cho dải đất này. Các nước cũng tiếp tục ủng hộ Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) đang gặp khó khăn sau khi nhiều nước phương Tây cắt nguồn tài trợ cho tổ chức này dựa theo các cáo buộc một số thành viên tổ chức liên quan cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel hồi tháng 10/2023.
Video đang HOT
Ngoài ra, theo SPA, các bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp không đảo ngược để triển khai thực hiện giải pháp hai nhà nước và công nhận Nhà nước Palestine hình thành theo đường biên giới được phân định vào năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Saudi Arabia chưa từng công nhận Nhà nước Israel dù giới chức nước này đang xem xét khả năng bình thường hóa quan hệ trước khi xung đột Hamas – Israel nổ ra.
Trong tuần này, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia khẳng định sẽ không có khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel nếu nước này không dừng tấn công Dải Gaza và công nhận Nhà nước Palestine độc lập.
Saudi Arabia nêu điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel
Trong một tuyên bố ngày 7/2, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết, nước này đã nói với Mỹ rằng sẽ không có quan hệ ngoại giao với Israel, trừ khi một nhà nước Palestine độc lập được công nhận theo đường biên giới năm 1967 và Israel ngừng chiến dịch ở Dải Gaza.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Riyadh ngày 5/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, ngày 6/2, người phát ngôn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết chính quyền Mỹ đã nhận được phản hồi tích cực rằng Saudi Arabia và Israel sẵn sàng tiếp tục thảo luận bình thường hóa quan hệ.
Sau những bình luận trên của ông Kirby, Saudi Arabia đã đưa ra tuyên bố trên để khẳng định lập trường kiên định của mình với Mỹ về vấn đề Palestine.
Ý tưởng về việc Israel và Saudi Arabia chính thức củng cố quan hệ đã được thảo luận kể từ khi Saudi Arabia ngầm đồng ý với việc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain thiết lập quan hệ với Israel vào năm 2020.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2023, một số nguồn tin của Reuters cho biết Saudi Arabia đã tạm dừng các kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel khi cuộc chiến giữa nhóm Hamas và lực lượng Israel leo thang.
Trong khi đó, ngày 5/2, theo kênh CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Saudi Arabia, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông. Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm thúc đẩy đề xuất về một đề xuất về lệnh ngừng bắn giữa Hamas và Israel để đổi lấy việc phóng thích các con tin.
Đây là chuyến công du thứ 5 của ông Blinken tới khu vực này kể từ khi xung đột giữa Hamas-Israel bùng phát ngày 7/10 năm ngoái. Tại Riyadh, ông Blinken đã có cuộc gặp Thủ tướng Saudi Arabia, Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman và Ngoại trưởng nước chủ nhà, Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud. Sau đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ đến Egypt, Qatar và Israel, nhằm thúc đẩy tiến triển đàm phán với Hamas về một dự thảo đề xuất cho một lệnh ngừng bắn kéo dài hơn để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin.
Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết ưu tiên hàng đầu đối với Ngoại trưởng Blinken trong chuyến công du này là phát đi thông điệp rõ ràng và trực tiếp với các nước trong khu vực rằng Mỹ muốn chấm dứt tình trạng xung đột leo thang.
Tổng thư ký Liên hợp quốc hối thúc các nước nối lại tài trợ cho UNRWA Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 29/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã hối thúc các nước vừa ngừng tài trợ cho Cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) xem lại quyết định này. Người tị nạn Palestine nhận lương thực cứu trợ từ Cơ quan cứu trợ của LHQ dành cho người...