Ngoại tình phạt từ 200.000-1.000.000 đồng: Hình phạt hài hước?
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp, trong đó có nội dung hôn nhân gia đình.
Theo đó, Dự thảo quy định người đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 1.000.000 đồng. Ngay lập tức, Dự thảo đã vấp phải sự phản ứng của dư luận vì cho rằng hình phạt như vậy sẽ không có tác dụng gì và ai cũng có thể bỏ tiền ra nộp, thậm chí sẵn sàng rút ví ra nộp phạt gấp nhiều lần để được… ngoại tình.
Mặc dù mới là Dự thảo, song trên báo chí tuần qua, rất nhiều ý kiến bàn luận không chỉ về mức phạt và căn cứ xử phạt cũng được cho là không rõ ràng, khó áp dụng, thiếu tính khả thi. Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra hình thức xử phạt như vậy là quá thấp không có tác dụng ngăn chặn hành vi ngoại tình. Thậm chí nhiều người là nạn nhân của tình trạng ngoại tình còn bày tỏ thái độ phẫn uất cho rằng mình bị tổn thương nếu chỉ đưa ra mức phạt như vậy.
Theo một thống kê tại Công ty Luật Dragon Hà Nội, chỉ trong 1 tháng sau Tết Quý Tỵ đã tiếp nhận gần 200 vụ ly hôn trong đó 70-80% là do vợ hoặc chồng có người thứ ba.
Trước tình trạng quan hệ vi phạm chế độ một vợ một chồng đang phố biến như trên thì việc đưa ra một hình thức xử phạt hành chính là cần thiết, song dư luận cho rằng ngoài việc quy định mức phạt quá thấp thì căn cứ để xử phạt cũng không rõ ràng. Chẳng hạn như việc xác định thế nào là chung sống như vợ chồng? Thế nào là vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng?… là điều hết sức khó khăn khi đây là lĩnh vực tình cảm và nhạy cảm. Thậm chí thực tế đặt ra câu hỏi rằng có những cặp tình nhân già (đã có vợ, chồng) nhưng họ vẫn đến ăn, ở chung sống, chăm sóc, nương tựa lẫn nhau, nhưng không có quan hệ tình dục thì có được coi là “chung sống như vợ chồng” hay không? Còn với quy định về “hậu quả nghiêm trọng”, có những người là nạn nhân của ngoại tình họ không tự tử, nhưng họ chết dần chết mòn vì suy sụp thì sao? Hoặc có những gia đình tan nát, đổ vỡ nhưng bề ngoài họ vẫn che giấu bằng sự êm ấm thì lúc đó sẽ chứng minh như thế nào?
Video đang HOT
Hơn thế nữa, Dự thảo quy định mức phạt dao động từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng vậy sẽ áp dụng pháp luật như thế nào. Hành vi nào thì được phạt 200.000 đồng, hành vi nào 300.000 đồng và hành vi nào thì phạt 1.000.000 đồng. Liệu trường hợp này có giống như việc quy định xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, nhưng đến nay trên toàn quốc chỉ mới có 1 người bị xử lý!
Từ những ý kiến phân tích và những câu hỏi từ thực tiễn, khiến dư luận cho rằng Dự thảo quy định việc xử phạt đối với hành vi ngoại tình như trên chỉ là ban hành Luật để cho có. Thậm chí còn cho rằng đây là hình phạt rất hài hước, sẽ không có tác dụng gì đối với những người có hành vi chung sống với người khác như vợ chồng.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ luật pháp, từ trách nhiệm pháp lý của hình phạt thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra Dự thảo như vậy không hề hài hước. Bởi việc một người khi đã bị xử lý hành chính về một hành vi hành chính, nhưng nếu tái phạm thì có thể khởi tố hình sự về hành vi đó. Luật Hình sự cũng quy định tội vi phạm chế độ một vợ một chồng: một người chung sống với người khác như vợ chồng mà đã bị xử lý hành chính thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Có nghĩa là việc đã bị xử lý hành chính sẽ là một trong những căn cứ pháp lý để khởi tố về mặt hình sự. Như vậy thì dù không tính đến việc phạt tiền thì việc một người bị xử lý hành chính về hành vi ngoại tình cũng có tác dụng răn đe rất lớn.
An ninh Thủ đô Cuối tuần xin đưa ra những ý kiến xoay quanh dự thảo nghị định này.
Không thể giống xử phạt vi phạm giao thông
Chúng ta có thể định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông nhưng nếu đưa ra định mức xử phạt trong các vấn đề thuộc tinh thần, tình cảm con người thì thật khó và không phải là một giải pháp hiệu quả. Tôi cũng chưa hiểu các nhà làm luật sẽ dự tính bắt quả tang, lập biên bản và xử phạt những hành vi này như thế nào? Ai là người sẽ làm những việc này? Việc ban hành bất kỳ một quy định cứng nhắc nào trong bối cảnh gia đình có nhiều khó khăn, biến động, khủng hoảng, đặc biệt về giá trị như hiện nay là chưa phù hợp. Thay vào đó cần nghiên cứu cẩn thận và tìm các giải pháp mềm dẻo hơn.
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển
Thế nào là “hậu quả nghiêm trọng” của ngoại tình?
Cần nhìn nhận việc ngoại tình như một hành vi bạo lực gia đình ở khía cạnh bạo lực tinh thần theo tinh thần của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Và đã là bạo lực tinh thần thì “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…” theo luật định. Trên thực tế, có rất nhiều gia đình chồng/vợ ngoại tình, tuy không đến nỗi khiến đối phương phải tự sát nhưng sự suy sụp tinh thần dẫn đến bỏ việc, đau buồn, chán đời, đổ bệnh mà chết là có. Nhưng liệu thân nhân của họ có đủ hiểu biết để khởi kiện, và nếu có khởi kiện thì cơ quan điều tra nào, Tòa án nào sẽ đủ kiên nhẫn để chứng minh những cái chết đó là “hậu quả nghiêm trọng” của ngoại tình?
Tiến sỹ Tâm lý học NGUYỄN THU LAN, ĐH Quốc gia Hà Nội
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách: Phạt thế, người ta rút tiền ra ngay
- Thưa Luật sư, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp. Trong đó, điều 46 quy định hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Mức phạt được đưa ra là từ phạt từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Dư luận cho rằng đây là một quy định hài hước, ông có nghĩ như vậy không?
- Tôi cho rằng không hề hài hước chút nào, bởi một quy định được đưa ra là phải căn cứ vào cơ sở nghiên cứu của những nhà lập pháp và người nghiên cứu, thực thi pháp luật. Đã là quy định pháp luật thì có tính chất áp dụng bắt buộc. Đây là quy định trong lĩnh vực xử phạt hành chính nhằm xử lý những hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Nên việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về hôn nhân gia đình là cần thiết. Đặc biệt là giai đoạn gần đây có rất nhiều những vụ việc, vụ án phức tạp xuất phát từ sự ngoại tình của vợ hoặc chồng. Điều đó chứng minh rằng nền tảng của gia đình phần nào gia tăng rạn nứt. Do đó, cần phải nhanh chóng đưa ra chế tài áp dụng nghiêm khắc.
- Tuy nhiên, Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi: đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy căn cứ nào để xác định là việc chung sống như vợ chồng, căn cứ nào để xác định hành vi đó có gây hậu quả nghiêm trọng hay không?
- Đây là Nghị định nên tôi nghĩ là sẽ có Thông tư hướng dẫn cụ thể về các khái niệm để người vi phạm biết được hành vi vi phạm của mình là như thế nào và người thực thi pháp luật cũng biết phải áp dụng pháp luật như thế nào. Giống như một vụ án ly hôn trong quá trình xét xử của Tòa án. Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã có những quy định như thế nào là chung sống như vợ chồng, như thế nào là tình trạng trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được để làm căn cứ cho ly hôn. Ở đây, thế nào là chung sống như vợ chồng và gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải có Thông tư hướng dẫn để chúng ta áp dụng khi xử phạt. Cũng có thể coi hậu quả nghiêm trọng chẳng hạn như hành vi đó có thể gây tan vỡ gia đình người khác, có thể dẫn đến việc người khác tự tử, hoặc làm người chung sống có thai…
- Dự thảo quy định khung mức phạt từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng, vậy xác định hành vi vi phạm như thế nào để có mức phạt tương ứng, là câu chuyện rất khó áp dụng trong thực tế, nhất là đây là lĩnh vực tương đối nhạy cảm?
- Tôi cho rằng đây là lĩnh vực khá trìu tượng, chính vì thế cần có hướng dẫn hết sức chi tiết, mổ xẻ các khái niệm một cách rõ ràng thì khi đó mới có thể thực thi.
- Ông nhìn nhận thế nào về mức phạt từ 200.000 đến 1.000.000 đồng, trong khi tình trạng quan hệ hôn nhân vi phạm chế độ một vợ một chồng đang rất phổ biến hiện nay?
Đây là mức phạt còn quá thấp. Nếu phạt như thế người ta sẽ sẵn sàng rút tiền ra phạt.
- Như thế có nghĩa là quy định pháp luật đưa ra chỉ là để cho có?
Vấn đề ở đây không phải chỉ đơn giản ở mức phạt là bao nhiêu, vấn đề là hậu quả pháp lý của hình phạt. Bởi từ mức phạt hành chính này có thể dẫn chiếu đến việc bị khởi tố về mặt hình sự. Trong luật hình sự cũng có một số tội quy định về việc vi phạm chế độ hôn nhân. Nếu hành vi đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn tái diễn thì mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính còn là căn cứ để xem xét nhân thân, lý lịch tư pháp của một người như thế nào, đã có tiền sự hay chưa, có tái phạm hay không? Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận bản chất của hình phạt là để răn đe giáo dục chứ không phải chỉ là để phạt. Cụ thể trong trường hợp này việc phạt là để thức tỉnh người ta quay trở về với gia đình, có ý thức tuân thủ pháp luật cũng như quy tắc đạo đức, lối sống và giúp người vi phạm nhận thức được hành vi sai phạm của mình chứ không phải chỉ phạt để thu tiền.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
Sẽ xử lý hình sự những vi phạm nghiêm trọng
Trên gần 3km tuyến đường dẫn lên cầu Thanh Trì có 17 số điện thoại di động được in kèm thông tin quảng cáo sửa chữa, bơm vá săm lốp ô tô rất mất mỹ quan.
Trao đổi với Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội về các biện pháp xử lý những đối tượng vi phạm, phóng viên ANTĐ được biết, cơ quan điều tra lập hồ sơ xử lý về hành vi vi phạm các quy định về địa điểm, vị trí quảng cáo (Điều 29 Nghị định 75/CP - ngày 12-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ).
- Mức phạt sẽ như thế nào, thưa Đại tá?
- Đại tá Đào Thanh Hải: Các đối tượng vi phạm bị xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng.
- Với mức phạt như vậy, liệu có đủ sức mạnh để răn đe các đối tượng khác?
- Đối với những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo gây hậu quả nghiêm trọng, phải khắc phục với những giá trị tài sản lớn, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản.
- Lực lượng Cảnh sát hình sự có những biện pháp gì nhằm đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị?
- Việc đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo được đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các lực lượng chức năng, trong đó có Phòng CSHS thực hiện nghiêm túc. Trước đó, trong các ngày 3 và 4 Tết Âm lịch 2012 (Tết Nguyên đán Nhâm Thìn), Phòng CSHS đã lập kế hoạch phát hiện, bắt giữ và xử lý 9 đối tượng có hành vi vi phạm các quy định về địa điểm, vị trí quảng cáo trên cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng với thủ đoạn tương tự. Trong thời gian tới, Phòng CSHS tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tuần tra, kiểm soát, lập kế hoạch phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, nhằm thiết lập lại trật tự mỹ quan đô thị.
Theo ANTD
Phạt nghiêm để nâng cao ý thức Lâu nay, ở các đô thị lớn như Hà Nội, có một lý do hay được "nại" ra để "đổ" cho sự tồn tại của những đoạn vỉa hè "mất tích", những chợ cóc họp trong các khu dân cư, những quán nhậu biến lòng đường, vỉa hè thành nơi kinh doanh... do không có chế tài nghiêm đối với vi phạm, nên...