Ngoại hạng Anh không hủy, ý tưởng đá ở Trung Quốc được đề xuất
Đã xuất hiện ý tưởng đưa Premier League sang Trung Quốc để đá nốt mùa giải.
Premier League đang tạm hoãn bởi dịch Covid-19 nhưng sẽ không có chuyện hủy do ràng buộc tài chính quá lớn. Các CLB có thể phải đền bù gần 800 triệu bảng cho bên sở hữu bản quyền truyền hình nếu hủy giải do vẫn còn 9 vòng nữa chưa đá, và các nhà đài thì cũng đang thiệt hại vì không có bóng đá nên họ cần doanh thu quảng cáo từ các trận đấu phát sóng.
Premier League vẫn chờ cơ hội đá lại do ràng buộc tài chính với các nhà đài
Trước sức ép phải hoàn tất mùa giải, và không muốn mùa bóng lại kéo dài sang tận lịch dự kiến thi đấu của mùa 2020/21, một ý tưởng lạ tai vừa xuất hiện. Các đầu báo Anh cho biết đại diện của một CLB đã đề xuất rằng các trận còn lại được đưa ra ngoài lãnh thổ Anh, và điểm đến lại chính là Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên xảy ra bùng phát đại dịch Covid-19 trước khi dịch bệnh lây lan sang phần lớn châu Á lẫn các nước châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên quốc gia này gần đây đã có dấu hiệu giảm dịch với số ca nhiễm giảm dần và tần suất gia tăng số ca tử vong cũng giảm bớt.
Ý tưởng này dự kiến sẽ được trình bày trong cuộc họp hôm nay 3/4 giữa các đại diện của 20 CLB, nhưng ngay từ lúc này đã vấp phải những sự phản đối đáng kể. Một quan chức cho biết di dời giải đấu sang Trung Quốc sẽ khiến công tác hậu cần trở nên cực kỳ khó khăn, chưa kể đây sẽ là một thảm họa PR khi các fan mua vé cả mùa và vẫn cố giữ vé chờ mùa bóng trở lại sẽ cảm thấy quyền lợi của mình như không được ngó ngàng.
Trung Quốc là thị trường lớn của giải Ngoại hạng Anh
Một quan chức khác thì nói thẳng rằng ông chưa tin tình hình ở Trung Quốc lúc này đủ an toàn để chuyển giải đến đó thi đấu, chưa kể khả năng chính phủ Trung Quốc chưa chắc sẽ cho giải đấu diễn ra trên đất họ vào lúc này do tình hình dịch tại châu Âu vẫn đang khá nặng nề. Nhìn chung thì ý tưởng đó sẽ nhiều khả năng bị phủ quyết ngay mà không cần nhiều thời gian bàn bạc.
Hiện cũng đã xuất hiện ý tưởng tổ chức đá nốt Ngoại hạng Anh theo thể thức như World Cup, nhưng ý tưởng này cũng khó thành do các đội không được hưởng lợi thế sân nhà cân bằng. Chưa kể các nhà đài sẽ không dễ chấp nhận một thể thức knock-out, tiếng nói của họ lúc này là rất có giá trị tới việc giải đấu sẽ tiếp tục theo cách nào.
Q.D
Ngoại hạng Anh hủy kết quả hay đá tiếp kiểu gì?
Cho tới thời điểm này Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh vẫn chưa chốt được phương án xử lý mùa giải 2019-2020. Mọi người được khuyến khích đưa ra các ý tưởng nhưng mọi giải pháp vẫn còn bỏ ngỏ.
Hủy bỏ kết quả mùa giải hay cho thi đấu nốt các vòng còn lại? Nếu cho thi đấu nốt thì cách thức tiến hành ra sao? Đấy là những vấn đề được đặt ra và vẫn đang được bàn bạc.
Áp lực tài chính, áp lực thời gian
Vì mọi lựa chọn và quyết định đều bỏ ngỏ nên mới có ý tưởng là gom các đội lại, tập trung thi đấu trên một địa bàn được giới hạn và cho tổ chức các trận đấu theo kiểu World Cup.
Nhưng ý tưởng đó bây giờ cũng mới chỉ mang tính tham khảo. Thời gian thì cứ trôi. Dịch Covid-19 thì vẫn tiếp tục bùng phát dữ dội trên khắp nước Anh. Quyết định xử lý mùa giải hiện tại theo cách nào thì vẫn chưa được đưa ra.
Rắc rối ở đây là giải Ngoại hạng Anh cũng như nhiều giải đấu khác của Anh đang chịu áp lực về thời gian. Nếu mùa bóng không thể diễn ra trọn vẹn, 20 CLB có thể phải trả lại hàng trăm triệu bảng tiền bản quyền truyền hình cho các nhà đài.
Theo tính toán, Premier League mùa này có thể mất tới 1,2 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình nếu các vòng còn lại không được thi đấu so với chỉ 169 triệu bảng bị mất nếu 92 trận đấu còn lại của mùa bóng diễn ra trên các sân không có khán giả.
Một vấn đề nữa là trong trường hợp mùa giải được nối lại thì là bao giờ vì nếu hoãn đấu quá lâu thì giải nào cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Thế nên, vấn đề không đơn giản là cho đấu nốt các trận còn lại của mùa bóng mà là phải làm sao để tất cả các đội bóng đều có thể tồn tại được cho tới lúc giải đấu được nối lại. Đối với một số CLB, việc giải đấu có được nối lại hay không và nối lại vào lúc nào quyết định đến sự tồn vong của họ. Ban tổ chức đang cân nhắc tìm giải pháp khả thi nhất cho giải Ngoại hạng.
Giải pháp khả thi nhất không hẳn là giải pháp công bằng nhất. Hầu như không thể có giải pháp công bằng với tất cả các đội mà giải pháp sẽ được đưa ra dựa theo sự đồng thuận của đa số CLB, các cổ đông, các CĐV, hàng trăm nghìn người đã mua vé xem cả mùa.
Premier League có thể mất tới 1,2 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình nếu các vòng còn lại mùa này không được thi đấu
Giải pháp nào cũng có vấn đề
Hủy bỏ giải đấu hay cho giải tiếp tục đều đặt ra vấn đề. Nếu hủy bỏ mùa giải này thì nhiều CĐV trong số này sẽ không có cơ hội xem trận đấu họ chưa được xem hay thậm chí không còn cơ hội để cổ vũ đội bóng yêu thích của họ nữa.
Nếu cho đá nốt các trận còn lại của mùa giải mà diễn ra trên sân không có khán giả, lại không phải diễn ra ở đúng sân đấu của CLB đó thì có nghĩa khái niệm "sân nhà", "sân khách" không tồn tại. Các CLB đương nhiên không thích như vậy nhưng với họ như thế còn hơn là hủy kết quả của mùa giải.
Ý tưởng tổ chức các trận đấu trên các sân tập không có khán giả ở miền Trung nước Anh là để giảm nguy cơ CĐV tụ tập trước các trận đấu, dễ tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh tật nhưng ngay cả ý tưởng này cũng đặt ra nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời.
Dù tổ chức các trận đấu còn lại của mùa bóng ở đâu thì vẫn cần có một bộ phận nhân viên và chuyên gia y tế đi kèm để đảm bảo sức khỏe, xử lý các chấn thương cho cầu thủ. Làm thế nào để đội ngũ y tế này có đủ điều kiện làm việc trong vài tháng trời trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn leo thang ở Anh?
Rồi để gần trăm trận đấu còn lại của mùa bóng được truyền hình trực tiếp thì cũng cần hàng trăm nhân sự phục vụ cho công tác truyền hình. Vậy bố trí điều kiện làm việc cho đội ngũ này như thế nào? Rồi còn cần các nhân viên khách sạn và những con người khác để phục vụ nơi ăn chốn ở và các dịch vụ khác cho các đội bóng trong suốt thời gian thi đấu các trận còn lại của mùa giải.
Tóm lại, kể cả có tổ chức các trận đấu còn lại của mùa Ngoại hạng Anh 2019-2020 trên các sân không có khán giả thì chắc chắn các trận đấu cũng không thể diễn ra với sự tham gia đơn thuần của cầu thủ và ban huấn luyện các đội bóng mà bắt buộc phải kéo theo sự tham gia của nhiều lực lượng khác. Điều đó khiến cho ý tưởng tổ chức các trận đấu trên các sân không có khán giả trở thành ảo tưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng đó là lí do các trận chưa đá cần phải diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7/2020 vì họ tin rằng cao điểm của dịch Covid-19 ở Anh sẽ rơi vào quãng thời gian trước đó. Giờ thì người ta chỉ còn biết hi vọng tình hình sẽ được cải thiện, các xét nghiệm sẽ được tiến hành rộng rãi hơn và dịch bệnh sẽ hạ nhiệt.
1,2 Nếu mùa giải Ngoại hạng Anh bị hủy bỏ, các CLB sẽ mất khoảng 1,2 tỷ bảng tiền bản quyền truyền hình
169 Nếu mùa giải Ngoại hạng Anh diễn ra trên các sân không có khán giả, các CLB mất khoảng 169 triệu bảng
22.000 Số người nhiễm Covid-19 ở Anh đã lên tới hơn 22.000 người tính đến ngày 31/3/2020
Trọng Tuệ
Ngoại hạng Anh nghỉ hết tháng Tư: Hành động ấm lòng của MU & Liverpool MU và Liverpool dẫn đầu trong hành động "tử tế" khi Ngoại hạng Anh hoãn hết tháng Tư vì dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đang khiến bóng đá thế giới tê liệt khi hầu hết các giải đấu đã bị tạm hoãn để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Mới đây, ban tổ chức Ngoại hạng Anh đã thống nhất tạm hoãn giải đấu...