Ngoại giao vaccine Trung Quốc vướng trở ngại
Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao vaccine để phát huy ảnh hưởng và quyền lực mềm, nhưng không thể thắng lợi khi thiếu vaccine.
Trung Quốc đã giao 114 triệu liều vaccine Covid-19 ra nước ngoài và vượt mặt Ấn Độ, Nga, cùng nhiều quốc gia giàu có khác trên thế giới trong những cam kết tài trợ vaccine song phương. Những thành tựu này giúp thúc đẩy chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh, nhằm thiết lập quyền lực mềm và mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế.
Tin vui tiếp tục đến với Trung Quốc khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cho là sẽ phê duyệt sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine Covid-19 của họ trong tháng này. Trong khi đó, lo ngại về tính hiệu quả và an toàn của vaccine AstraZeneca ngày càng gia tăng, liên quan đến tình trạng đông máu. Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Trung Quốc về vaccine, lại phải tập trung nguồn cung cho nhu cầu nội địa vì đợt bùng phát dịch dữ dội ở nước này.
Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu dường như tích cực đó, Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại trong việc giữ lời hứa cung cấp vaccine cho các nước, khiến lợi ích lâu dài mà họ có thể gặt hái được từ ngoại giao vaccine chưa được đảm bảo.
Các thùng vaccine Covid-19 từ công ty Sinovac của Trung Quốc tại căn cứ không quân Villamor, Philippines, hôm 28/2. Ảnh: Reuters .
Theo các chuyên gia Samantha Kiernan và Yanzhong Huang thuộc nhóm cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trong lĩnh vực “chính trị vaccine” toàn cầu, thành công của Trung Quốc phụ thuộc vào ba điều kiện là nguồn cung, tốc độ chuyển giao và nhu cầu sử dụng vaccine. “Không may cho Bắc Kinh, lợi thế sớm của họ đang mất dần trong cả ba mặt này”, hai chuyên gia nhận định.
Trung Quốc gần đây tuyên bố sẽ tiêm chủng Covid-19 cho 40% dân số, tương đương 560 triệu người, vào tháng 6. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài nỗ lực thuyết phục người dân đi tiêm phòng, Trung Quốc còn phải sản xuất khoảng 1,12 tỷ liều vaccine và đạt tốc độ tiêm 11,5 triệu liều/ngày.
Tuy nhiên, với năng lực sản xuất hiện nay, Trung Quốc được cho là không thể chạm tới những con số này. Công ty công nghệ sinh học Sinovac và Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc, hay còn gọi là Sinopharm, chỉ có thể sản xuất 5 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi ngày. Tình trạng thiếu vaccine đã được phản ánh tại ít nhất 5 tỉnh của Trung Quốc.
Trong khi đó, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Brazil, các chuyến hàng bị trì hoãn và việc thiếu vaccine Trung Quốc đã khiến chiến dịch tiêm chủng của những quốc gia này bị đình trệ. Ngoài gây khó chịu cho những người đang chờ đợi, tình huống này còn làm dấy lên lo ngại lớn hơn rằng liệu Bắc Kinh có “hứa nhiều hơn làm” để làm bàn đạp cho các mục tiêu đối ngoại hay không.
Trung Quốc dường như nhận thức rõ tình hình và đang cố gắng tăng cường sản xuất. Sinovac nỗ lực gia tăng sản lượng lên 2 tỷ liều vaccine/năm, trong khi Sinopharm đặt mục tiêu sản xuất 1,1 tỷ liều/năm. Những nỗ lực này đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định về lâu dài, nhưng chúng cần thời gian và không giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt ngay lập tức.
Các chuyên gia cho biết năng lực sản xuất của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ giảm trong hai hoặc ba tháng tới, buộc giới chức phải phân bổ số vaccine có sẵn một cách chọn lọc, hoặc thay đổi chiến lược tiêm chủng. Nếu vấn đề không được xử lý, Trung Quốc sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vào cuối tháng 6, khi Mỹ dự kiến đạt miễn dịch cộng đồng.
Trong trường hợp chiến dịch tiêm chủng trong nước chiếm hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ, nguồn cung vaccine của Trung Quốc, họ sẽ phải thu hẹp quy mô ngoại giao vaccine trong những tháng tới bằng cách trì hoãn giao hàng, hay hoãn các hợp đồng bổ sung và viện trợ, hoặc phải chọn cả hai.
Tình trạng trì hoãn có thể chỉ là tạm thời, nhưng vẫn có khả năng gây tổn hại chính sách ngoại giao vaccine dài hạn của Trung Quốc, khi các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang chuyển từ vai trò bên mua vaccine sang nhà cung cấp.
Kiernan và Huang đánh giá lợi thế lớn nhất của Trung Quốc trong ngoại giao vaccine là tốc độ. Bằng cách giao các lô vaccine từ sớm, Bắc Kinh có thể thu được những lợi ích về quyền lực mềm, tại thời điểm những nước nhận hàng không thể tiếp cận với nguồn vaccine từ phương Tây.
Thêm vào đó, hành động nhanh chóng của Trung Quốc giúp họ không phải cạnh tranh với những loại vaccine được đánh giá cao của Mỹ, mà chỉ là những vaccine được Nga và Ấn Độ sản xuất, vốn chưa được WHO cấp phép hoặc đạt tỷ lệ hiệu quả tương đương.
Tuy nhiên, sau chiến dịch tiêm chủng thuận lợi, Mỹ giờ đây trở nên thừa vaccine và đang thúc đẩy sản xuất cho toàn cầu, tăng cường nỗ lực hỗ trợ nước ngoài. Toàn bộ ba loại vaccine Covid-19 do các hãng dược phẩm Mỹ sản xuất, bao gồm Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer, đều đã được WHO phê duyệt. Hai loại của Pfizer và Moderna còn được chứng minh giúp chống lại những biến chủng nCoV mới.
Ngoài ra, Mỹ đã mua hàng triệu liều vaccine của AstraZeneca mà họ có thể không bao giờ cần tới, nên có khả năng sẽ đem cho vay, hoặc tặng những quốc gia có nhu cầu. Đối với các nước chưa triển khai vaccine Trung Quốc, cơ hội được lựa chọn vaccine từ phương Tây ngày càng tăng cũng có thể khiến họ quyết định ngừng mua vaccine Trung Quốc với số lượng lớn, hoặc không mua thêm.
Các chuyên gia còn chỉ ra rằng thế giới có thể ưa chuộng vaccine phương Tây hơn nữa khi mối nghi ngờ về hiệu quả của vaccine Trung Quốc ngày càng tăng. Trung Quốc từng báo cáo tỷ lệ hiệu quả của vaccine Sinopharm là 79%, nhưng một nghiên cứu sơ bộ tại Peru chỉ ghi nhận tỷ lệ 33%.
Đối với vaccine Covid-19 của Sinovac, các nhà nghiên cứu Brazil gần đây cho biết loại vaccine này chỉ đạt hiệu quả 50,7% trong việc ngăn ngừa những ca nhiễm nCoV có triệu chứng. Hơn nữa, chưa rõ vaccine Trung Quốc có giúp phòng chống hiệu quả các biến chủng virus mới mà không cần tiêm nhắc lại hay không.
Trên thực tế, bất chấp chương trình triển khai vaccine Trung Quốc trên diện rộng tại Chile và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), số ca nhiễm ở những nước này vẫn gia tăng hoặc không có biến chuyển tích cực.
Giới chức Chile hôm 16/4 công bố kết quả nghiên cứu trên 10,5 triệu người, cho thấy vaccine của Sinovac chỉ đạt hiệu quả chống lây nhiễm 16% sau mũi đầu tiên và tăng lên 67% sau mũi thứ hai. Tỷ lệ hiệu quả quá thấp sau mũi đầu tiên khiến nhiều người Chile trả giá, khi họ trở nên chủ quan sau khi tiêm một liều nên bị nhiễm nCoV và phải nhập viện.
Đối với những quốc gia đang hứng chịu làn sóng đại dịch mới do các biến chủng nguy hiểm hoặc dễ lây hơn, mối nghi ngờ có lẽ đủ khiến họ quay lưng với vaccine Trung Quốc.
Kiernan và Huang kết luận rằng những rào cản trong ngoại giao vaccine của Trung Quốc có thể được khắc phục vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tới lúc đó, họ có thể không còn tìm được nhiều khách hàng và không tạo ra được tầm ảnh hưởng như hiện tại, khi Mỹ và phương Tây nhiều khả năng đã đạt miễn dịch cộng đồng và tiến hành chiến dịch ngoại giao vaccine của riêng mình.
Biden nói nhầm tên Putin
Tổng thống Mỹ Biden phát âm nhầm tên người đồng cấp Nga Putin thành "Klutin" trong bài phát biểu đanh thép về quan hệ hai nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 15/4 có bài phát biểu về các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và lên kế hoạch tấn công chuỗi cung ứng phần mềm của nước này.
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức gây chú ý khi phát âm nhầm tên Tổng thống Nga Vladimir Putin thành "Klutin". Thay vì "làm ngơ" lỗi phát âm giống những lần trước, Biden đã nhanh chóng sửa lại, gọi đúng tên Putin.
Đây không phải lần đầu Biden mắc lỗi trong các bài phát biểu trước công chúng. Ông chủ Nhà Trắng tháng trước gọi nhầm phó tướng của mình là "tổng thống Harris" khi phát biểu về tiến độ tiêm chủng vaccine ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát âm nhầm tên người đồng cấp Nga Putin Nga Vladimir Putin thành "Klutin" hôm 15/4. Video: Twitter/WOODSY IV.
Tổng thống Mỹ cũng từng quên cả tên Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và chỉ gọi quan chức của mình là "người mặc bộ đồ đứng đằng kia". Không chỉ nhầm lẫn các thành viên nội các, Biden còn từng gọi nhầm cháu gái Natalie thành con trai Beau Biden.
Joe Biden nhiều lần gây chú ý khi phát ngôn nhầm về những thông tin quan trọng như "120 triệu người Mỹ đã chết vì Covid-19" hay tuyên bố ông đã tham gia thượng viện Mỹ "cách đây 180 năm" trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Phát ngôn nhầm lẫn thường xuyên của Biden khiến nhiều người hoài nghi về tình trạng sức khỏe của ông. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng nhiều lần khẳng định ông đủ sức khỏe để thực hiện vai trò lãnh đạo đất nước.
Đức đàm phán mua vaccine Sputnik V của Nga Đức đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mua vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V mà không đợi hành động phối hợp của Liên minh châu Âu (EU). Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN Theo nguồn tin trên, các quan chức Chính phủ Đức đang thảo luận hợp đồng đặt mua vaccine Sputnik V với Quỹ Đầu...