Ngộ độc thực phẩm tập thể ở Chương Mỹ-Hà Nội: Chất lượng bữa ăn thấp?
TS Nguyễn Hùng Long, Cục An toàn thực phẩm: do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không đảm bảo nên xảy ra ngộ độc.
Liên quan đến vu ngộ độc thực phẩm ở (Chương Mỹ, Hà Nội) làm 107 công nhân phải nhập viện, TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho VOV.VN biết: Những năm gần đây, các khu công nghiệp phát triển mạnh và mỗi khu công nghiệp có hàng trăm, hàng ngàn bếp ăn tập thể, mỗi bếp ăn tập thể lại có rất đông công nhân nên năm nào cũng xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Gần đây nhất đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại Trà Vinh và Hà Nội.
Chất lượng và vệ sinh là hai yếu tố quan trọng ở các bếp ăn tập thể (ảnh V.H)
Vụ thứ nhất xảy ra hôm 26/3 ở Công ty Vina thuộc khu công nghiệp Long Đức, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh làm 200 người nhập viện. Vụ thứ 2 xảy ra hôm 7/4 tại Công ty TNHH thời trang Star của Singapore ở khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) làm hơn 100 người nhập viện.
“Ngay khi nhận được tin, Cục An toàn thực phẩm đã cử Đoàn công tác đến hướng dẫn, phối hợp điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty thời trang Star” – TS Long cho biết.
Cũng theo TS Nguyễn Hùng Long, theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, số vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo các địa phương phải kiểm tra chặt chẽ các bếp ăn tập thể, đặc biệt ở các khu công nghiệp và trường học; kiểm soát đầu vào thực phẩm của các bếp ăn cũng như quá trình chế biến để đảm bảo bữa ăn an toàn cho công nhân.
TS Nguyễn Hùng Long nêu rõ: Theo báo cáo từ các địa phương, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm tại một số tỉnh phía Nam như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang cao hơn các nơi khác vì ở những nơi đó có nhiều khu công nghiệp, phát triển lại nhanh hơn.
Video đang HOT
TS Long cho biết thêm: “Trong quá trình kiểm tra, giám sát tại các khu công nghiệp, chúng tôi thấy rằng, tiền ít, suất ăn rẻ thì khó có được thực phẩm ngon và tươi sống. Nhưng điều quan trọng hơn chính là quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm, vụ ngộ độc vừa xảy ra ở Chương Mỹ, Hà Nội – cơ sở của Singapore là một ví dụ. Ở cơ sở này, bếp ăn rất sạch sẽ, bữa ăn tử tế, rất nhiều món nhưng vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đó là do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn không đảm bảo, nếu chúng ta sơ suất vẫn có thể xảy ra. Chính vì vậy, việc kiểm soát được tất cả các khâu trong suốt quá trình từ đầu vào đến đầu ra để thực phẩm không bị nhiễm khuẩn mới đảm bảo được bữa ăn an toàn cho công nhân”.
Phải chú trọng hơn đến bữa ăn của công nhân
Về việc làm thế nào để bảo quản trong quá trình vận chuyển các suất ăn chế biến sẵn từ bên ngoài đưa vào công ty, TS Nguyễn Hùng Long cho biết: “Đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, người ta thường có xe chuyên dụng để chở thức ăn được chứa trong các thùng và hộp chuyển đến. Thông thường, chúng tôi yêu cầu thời gian vận chuyển từ khi nấu xong đến khi ăn là không quá 2 giờ. Trong quá trình vận chuyển đó, thực phẩm phải được đậy kín, tránh nguy cơ ô nhiễm trong quá trình vận chuyển”.
TS Long cho biết: “Giá trị bữa ăn của công nhân thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Qua kiểm tra tại các khu công nghiệp có bếp ăn tập thể cho thấy giá của mỗi bữa ăn có nơi chỉ 10.000 đến 12.000 đồng/suất hoặc 25.000 đồng/suất. Chúng tôi đang làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để đưa ra quy định bắt buộc về chất lượng bữa ăn. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó vì đó là quy định của từng doanh nghiệp”.
Khâu chế biến cũng vô cùng quan trọng (ảnh V.H)
Tuy nhiên, TS Long cũng khuyên các doanh nghiệp nên đầu tư bữa ăn cho công nhân vì đó chính là đầu tư cho năng suất lao động. Bữa ăn tốt thì công nhân mới làm việc tốt. Bữa ăn đảm bảo sẽ giúp cho công nhân không ốm đau, năng suất lao động tăng. Ngoài ra, doanh nghiệp lại không phải bồi thường chi phí do ngộ độc thực phẩm xảy ra. Nếu công nhân bị ngộ độc thực phẩm, doanh nghiệp phải chi toàn bộ chi phí cho việc khám chữa bệnh rất tốn kém.
TS Long cũng nhấn mạnh vai trò của tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp. Công đoàn doanh nghiệp cần đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giám sát bữa ăn sao cho đảm bảo chất lượng, vệ sinh sạch sẽ, an toàn. Công đoàn giám sát tại chỗ đóng vai trò hết sức quan trọng vì các cơ quan quản lý không thể giám sát liên tục mà chỉ kiểm tra đột suất.
Về việc đảm bảo an toàn thực phẩm từ nguồn cung cấp, các cơ quan quản lý phải hướng dẫn cho người dân sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi theo đúng chỉ dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất. Cơ quan quản lý có thể lấy mẫu rau, thịt để xét nghiệm, nếu các độc tố vượt quá giới hạn cho phép có thể xử lý và công khai tên các cơ sở cung cấp thực phẩm này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, với hơn 9 triệu hộ nông dân, nhà nào cũng trồng, cũng nuôi các cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát được chất lượng từng gia đình được. Vì vậy, bên cạnh việc quản lý, giám sát chất lượng, chúng ta phải tuyên truyền và vận động các cơ sở cung cấp cần phải có cái “Tâm” trong quá trình nuôi, trồng thực phẩm.
“Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh là rất lớn, những doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận là trên hết, bất chấp những cái hại đối với người tiêu dùng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ dần biến mất khỏi thị trường”, TS Nguyễn Hùng Long chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2014, cả nước đã có 194 vụ ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam, làm trên 5.000 người bị ngộ độc, 80% trong số đó phải nhập viện và 43 trường hợp bị tử vong. Số người bị ảnh hưởng và nhập viện đã giảm đi nhiều so với năm 2013.
Theo VOV
Hà Nội: 107 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm
- Sau bữa ăn trưa 7/4, hơn 100 công nhân của công ty thời trang Star của Singapore (KCN Chương Mỹ, Hà Nội) bị nôn, đau bụng và đi ngoài, phải nhập viện để điều trị.
BS Đặng Trần Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ cho biết, tính đến sáng 8/4, có tổng 107 công nhân phải nhập viện. Trong đó có 6 ca nhập viện từ đêm 7/4 với biểu hiện đau bụng, đi ngoài.
Đến sáng 8/4, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận thêm 101 công nhân có cảm giác đau bụng, buồn nôn trong đó có 1 thai phụ.
Đến chiều 8/4 vẫn còn 37 bệnh nhân vẫn đang phải nằm lại viện để theo dõi
Qua quá trình điều trị, hiện vẫn còn 37 ca phải nằm lại viện để theo dõi. Ông Chiến cho biết, nếu không có gì bất thường, trong ngày hôm nay những trường hợp còn lại sẽ được xuất viện.
Các công nhân cho biết, có khoảng 2.000 công nhân ăn bữa trưa tại công ty gồm nhiều món như cải luộc, canh rau ngót, cá và trứng rán. Đến chiều nhiều người có biểu hiện đau bụng, nôn nhưng vẫn cố làm, có người sáng hôm sau vẫn gắng gượng đến công ty.
Đây là vụ ngộ độc thực phẩm đầu tiên tại khu công nghiệp của Hà Nội.
Sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội đã lấy mẫu thức ăn để kiểm nghiệm. Nguyên nhân gây ngộ độc nghi ngờ là do món rau cải.
M.Anh
Theo_VietNamNet
Hơn 100 công nhân Hà Nội bị ngộ độc thực phẩm Sau bữa ăn trưa 7/4, hàng trăm công nhân Công ty TNHH thời trang Star của Singapore ở khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) có dấu hiệu nôn, đau bụng và đi ngoài. Đến sáng 8/4, có tất cả 107 công nhân phải nhập viện. Nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, chị Nguyễn Thị Hương...