Ngộ độc rượu, tai nạn do pháo nổ gia tăng
Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, số lượng bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc, tai nạn giao thông, tai nạn pháo nổ,… liên tục gia tăng đột biến ở nhiều bệnh viện (BV), đặc biệt là tại các BV tuyến trung ương.
Bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu. (ảnh minh họa).
Lạm dụng rượu, bia vẫn ở mức cao
Tại BV Việt Đức, trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 người nhập viện do tai nạn giao thông, phần lớn là chấn thương nặng. Theo ông Đồng Văn Hệ – Phó Giám đốc BV Việt ức, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn chủ yếu là do sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, cũng như ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông nói chung chưa cao. Các bác sĩ trực khá vất vả do liên tục phải thực hiện phẫu thuật cấp cứu, trong đó có hàng chục ca phẫu thuật chấn thương sọ não…
BS Lê Nguyên Vũ, trực cấp cứu tại khoa Cấp cứu BV Việt Đức cho biết, trong mấy ngày qua, số bệnh nhân đến khám và cấp cứu tăng so với ngày thường. Mặc dù các bác sĩ phải mổ suốt đêm, nhưng không thể giải quyết hết được các trường hợp cấp cứu.
Cùng với các ca nhập viện do tai nạn giao thông vì sử dụng rượu bia gia tăng thì bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu cũng không phải là ít. Trung tâm Chống độc- BV Bạch Mai ngày nào cũng tiếp nhận từ 2-3 bệnh nhân vào cấp cứu ở cả 2 giới và ở mọi lứa tuổi, trong đó có bệnh nhân nữ chỉ mới 19, 23 tuổi. Hiện tại, Trung tâm đang lọc máu cấp cứu cho một trường hợp nghi ngộ độc methanol, đang nguy kịch.
Video đang HOT
BS Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cảnh báo, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây ra các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan.
“Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng một bệnh”- BS Nguyên nhấn mạnh.
Nhiều ca cấp cứu vì đốt pháo
Theo tổng hợp báo cáo nhanh của Bộ Y tế về tình hình khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua đã có 299 trường hợp phải khám, cấp cứu do pháo nổ, không có trường hợp nào tử vong. Năm nay toàn quốc ghi nhận số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng cao.
Chỉ trong ngày 6/2 (tức mùng 2 Tết), đã có tới 18 trường hợp khám cấp cứu do pháo nổ, tăng 10 ca so với cùng ngày Tết Mậu Tuất 2018; thêm 3 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, 1 bé trai 10 tuổi chết do bị bắn bằng súng tự chế tại Đồng Nai. Tính đến 7h sáng ngày mùng 3 Tết, đã có 275 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại. Con số này cho thấy nhiều người vẫn sử dụng pháo trong dịp Tết mặc dù pháp luật đã cấm sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này.
Theo chia sẻ của BS Lê Nguyên Vũ, việc điều trị cho bệnh nhân tai nạn do pháo nổ rất khó khăn. Thường nạn nhân bị tai nạn do pháo nổ sẽ bị tổn thương ở phần đầu cổ, mặt và tay. Hầu như các bệnh nhân này không thể khắc phục được việc vận động và thường vào bàn thay phải là tay hoạt động chính.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần phải nhận thức rõ mối nguy hiểm của pháo nổ, không tự ý đốt pháo, chế tạo pháo nổ tại nhà; đồng thời tham gia giao thông thật thận trọng, luôn giữ bình tĩnh, không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Cùng với đó, trong những ngày đầu xuân năm mới, nhiều lễ hội được tổ chức và diễn ra thu hút đông người tham dự, làm gia tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, các bệnh lây qua đường hô hấp… rất dễ lây truyền ở những nơi đông người. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, so với Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Tết Kỷ Hợi 2019 số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 22%; số ca khám, cấp cứu do pháo nổ tăng tới 32%, còn số lượng ca đánh nhau phải nhập viện không tăng, nhưng vẫn ở mức cao. Tính riêng trong ngày mùng 4 Tết Kỷ Hợi, cả nước đã có hơn 600 ca khám, cấp cứu do tai nạn đánh nhau. 65% trong số này phải nhập viện điều trị, theo dõi.
Bộ Y tế nhận định trong 7 ngày qua, với hơn 4.700 ca cấp cứu tai nạn đánh nhau, đã chiếm tới 2,6% trong tổng số các ca cấp cứu các viện. Đặc biệt, có 41 ca xác định nguyên nhân do rượu, bia trong ngày mùng 4 Tết. Tính chung trong 7 ngày nghỉ Tết đã có tới 515 ca đánh nhau là do bia, rượu. 14 ca đã tử vong vì ẩu đả, riêng ngày mùng 4 Tết có 2 ca.
Xuân Thuỷ
Theo Báo Đại Đoàn Kết
Cụt hai bàn tay vì tự chế pháo nổ tại nhà
Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Văn T (25 tuổi, Hải Phòng) chuyển đến viện vì tai nạn do pháo nổ tự chế. Hậu quả bệnh nhân bị cụt 2 bàn tay, vết thương vùng hàm mặt, chảy nhiều máu.
Theo người nhà kể lại khoảng 18 giờ, ngày 29/01/2019, bệnh nhân đang tự chế pháo nổ tại nhà thì phát nổ, sau tiếng nổ lớn, bệnh nhân bị cụt 2 bàn tay, vết thương vùng hàm mặt, chảy nhiều máu, được sơ cứu và chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng: cụt bàn tay 2 bên, gẫy hở xương hàm dưới, chấn thương ngực kín, dập nhu mô thuỳ trên hai phổi, bỏng rộng vùng ngực, nhiều vết thương nhỏ ở 2 chân.
Hình ảnh X- quang cho thấy, bệnh nhân bị mỏm cụt dâp nát 1/3 dưới 2 xương cẳng tay và gẫy xương hàm dưới trái trên phim CLVT hàm mặt.
Nạn nhân đã được mổ cấp cứu cắt cụt để ngỏ 1/3 giữa cẳng tay phải, cắt lọc cơ dập nát cẳng tay trái, kết xương hàm dưới, sau mổ phải điều trị tiếp tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện. Hiên tại, tình trạng bệnh nhân đã giữ được tính mạng, tuy nhiên sẽ để lại di chứng nặng nề, là nỗi buồn to lớn đối với gia đình và xã hội.
Đây là một trong những vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ tự chế là bài học đắt giá cho mọi người. Đồng thời cũng là những lời cảnh tỉnh chân thành và sâu sắc với bằng chứng người thật việc thật cho những người có ý định sử dụng pháo nổ.
Trong khi những mặt hàng pháo nổ bị cấm sản xuất và tiêu thụ ở khắp mọi nơi thì vẫn có rất nhiều người sử dụng pháo nổ tự chế. Nguồn hàng có thể do chính nạn nhân tự ý mua về làm pháo nổ, cũng có thể là mua ở những nơi hoạt động thủ công trái phép.
Hiện tại, pháo nổ là mặt hàng cực nóng bởi đây là thời điểm cuối năm, rất nhiều người muốn sử dụng để đón chào năm mới hân hoan, vui vẻ. Vì bị cấm sản xuất và lưu hành thì nhiều người vẫn chọn cách tự chế để vẫn có hàng sử dụng. Nạn nhân thường là đối tượng tuổi trẻ, tai nạn để lại những hậu quả đáng tiếc, là nỗi lo mỗi dịp Tết đến cho các bậc cha mẹ.
Để một năm mới an toàn hạnh phúc, toàn xã hội cũng như các bậc cha mẹ, nhà trường và bản thân những thanh niên, học sinh phải nhận thức rõ mối nguy hiểm của pháo nổ tự chế, tránh những thiệt hại sức khỏe và tính mạng.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Lái xe khi say xỉn nguy hiểm như thế nào? Việc lái xe trong lúc say rượu gây ra những tác động nghiêm trọng cho sức khỏe nói chung và sự an toàn thân thể cá nhân và mọi người. Sau đây là một số tác động đáng lưu ý, theo trang tin Alcohol Rehab Guide. Ảnh minh họa: Shutterstock Thời gian phản ứng chậm Khi rượu xâm nhập hệ thống cơ thể,...