Ngõ càng nhỏ, phố càng bé, phòng cháy phải càng cao!
Ngõ nhỏ, phố nhỏ từ lâu đã trở thành một thứ “đặc sản” riêng của Hà Nội. Tuy nhiên thứ “đặc sản” ấy đang tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn, đồng thời gây khó khăn cho việc cứu hộ, cứu nạn nếu không may xảy ra sự cố hỏa hoạn.
Không chỉ có phố, có ngõ, Hà Nội còn có hàng ngàn con hẻm, ngách nhỏ có khi chỉ dắt vừa đủ chiếc xe máy. Những ngõ này không khác gì “địa đạo” bởi chiều rộng chỉ từ 2m đến 3m, thậm chí có ngách chỉ rộng khoảng 1m, hai người đi qua còn phải lách.
Nhiều nguy cơ cháy đã được cảnh báo trước
Chị Lưu Thị Ngân (ngõ đền Tương Thuận, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Con ngõ này nhỏ, ngách còn nhỏ hơn nữa, đi lại là phải nhường nhau, nếu thấy người trong đi thì người ở ngoài chờ rồi mới vào chứ đi song song hai xe thì khó khăn. Nhiều nhà có xe đem đi gửi khi lấy cho thuận tiện”.
Ngách nhõ trong ngõ đền Tương Thuận (Khâm Thiên, Đống Đa) gây khó khăn cho công tác chữa cháy nếu không may xảy ra sự cố hỏa hoạn (Ảnh: Nguyễn Hoa)
Ngoài ra, các khu vực ngõ này có nhiều nhà xuống cấp, thêm vào đó là hệ thống dây điện chằng chịt, nhà không có lối thoát nạn, không có hệ thống báo cháy, chữa cháy,… Trong các con ngõ những chiếc bếp than tổ ong vẫn luôn được đặt để phục vụ nhu cầu đun nấu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Do đó khi xảy ra cháy thì hậu quả sẽ rất lớn bởi phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận. Ngay cả phương tiện nhỏ nhất là xe chữa cháy mi ni công nghệ bọt khí nén của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cũng có kích thước lớn hơn hầu hết các ngõ, ngách.
Không chỉ vậy, quanh khu vực gần các bệnh viện như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K Trung ương cơ sở Quán Sứ, Bệnh viện Bạch Mai,… có rất nhiều khu nhà trọ cấp 4 cho người nhà bệnh nhân lưu trú, đều nằm trong ngõ nhỏ.
Các dãy trọ gần bệnh viện thường nằm khuất sâu bên trong các ngách nhỏ (Ảnh: Nguyễn Hoa)
Video đang HOT
Đơn cử như tại ngõ 121 Lê Thanh Nghị là nơi tá túc của bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Khu vực này là dãy nhà trọ cấp 4 gồm vài chục phòng, mỗi phòng rộng chừng 5 – 10m2, ở giữa là lối đi nhỏ hẹp. Bác Nguyễn Xuân H (bệnh nhân chạy thận trong xóm) cho biết: Xóm trọ cũng được trang bị về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng không nhiều, có vài chiếc bình chữa cháy. Nếu xảy ra cháy như vụ cháy vừa rồi ở gần bệnh viện Nhi Trung ương thì chúng tôi cũng khó xử lý kịp”.
Đẩy mạnh công tác PCCC tại chỗ
Những nguy cơ hỏa hoạn vẫn luôn được các ngành chức năng thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền nhưng vì nhiều lý do, người dân vẫn đang phải “sống chung với lũ”. Một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy đáng tiếc xảy ra xuất phát từ chính sự hiểu biết sơ sài của người dân về công tác PCCC. Chỉ khi xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản thì công tác phòng cháy mới được người dân đề cao tuy nhiên chỉ được trong khoảng thời gian ngắn nhất thời sau đó sẽ tiếp tục bị lãng quên.
Trong khi đó, điều dễ nhận thấy rằng, những vụ cháy trong các con ngõ nhỏ gây khó khăn rất nhiều cho đội ngũ lực lượng chữa cháy. Đơn cử mới đây nhất, vụ cháy ở xóm trọ trên đường Đê La Thành gần bệnh viện nhi Trung ương là minh chứng điển hình. Từ vụ cháy này cho thấy, để dập tắt đám cháy kịp thời thì quan trọng nhất là chữa cháy tại chỗ bởi nếu xử lý kịp thời khi đám cháy vừa bắt đầu xảy ra thì sẽ không để lại những hậu quả lớn.
Các ngõ, ngách ở Hà Nội cùng với sự nhỏ hẹp về đường đi là hệ thống dây điện chằng chịt bên trên (Ảnh: Hoa Nguyễn)
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, việc chữa cháy tại những con ngõ nhỏ, sâu đang gặp nhiều hạn chế bởi phương tiện chữa cháy hiệu quả đối với đám cháy lớn là sử dụng vòi rồng, trong khi những con ngõ ở Hà Nội chỉ dùng biện pháp thủ công. Do đó, với địa hình khu dân cư trong ngõ sâu, nhỏ như vậy việc phòng chống “giặc lửa” là nhiệm vụ quan trọng.
Việc tập trung nâng cao kỹ năng sống, tuyên truyền ý thức phòng ngừa cho người dân sẽ là cách tốt nhất giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, chú trọng hướng dẫn người dân cải tạo hệ thống điện, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, giúp người dân xây dựng hoàn chỉnh các phương án chữa cháy và thoát nạn.
Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó công an quận Cầu Giấy, phụ trách công tác PCCC cho biết: “Khi có các vụ cháy lớn xảy ra, người dân có ý thức hơn về PCCC nhưng sau đó lại bình thường. Nhìn chung ý thức của người dân về PCCC còn kém. Vấn đề quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân, họ cần chấp hành tốt các điều kiện về PCCC ở chính nơi mình sinh sống, kinh doanh, có như vậy mới hạn chế được các vụ cháy nổ xảy ra”
Nguyễn Hoa
Theo laodongthudo
Phòng nhiều, cháy vẫn tăng
Phòng PC07 Công an TPHCM đưa ra dự báo, cháy lớn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là những tháng cuối năm 2018, khi tốc độ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, giải trí... tăng cao. Trong khi đó, công tác PCCC còn rất nhiều bất cập, hạn chế.
Tình hình cháy lớn (cháy gây chết người) đang diễn biến rất phức tạp tại TPHCM, tăng cao cả số vụ xảy ra lẫn số lượng người thương vong. Trong khi đó, nhiều giải pháp phòng cháy mang tính căn cơ như hoàn thiện hệ thống nguồn nước chữa cháy, xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ, nâng cao ý thức PCCC cho người dân - chủ doanh nghiệp... đang diễn ra rất ì ạch, hiệu quả thấp, thậm chí có nơi bỏ ngỏ!
Tăng số vụ, nghiêm trọng hơn về hậu quả
Hậu quả của các vụ cháy lớn giờ đây không chỉ gây thương vong, thiệt hại người và tài sản, mặt khác còn kéo theo nhiều hệ lụy, tác động xấu lên đời sống người dân.
Đã 7 tháng trôi qua kể từ khi vụ cháy chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8) xảy ra, chủ đầu tư nhiều lần gia hạn thời gian sửa chữa, nhưng đến nay hàng trăm cư dân ở đây vẫn chưa biết khi nào được dọn về ở lại. Không ít gia đình phải sống lây lất ở chung cư đang xây dựng (đối diện chung cư bị cháy) do chủ đầu tư bố trí, số khác đi ở nhờ nhà người thân.
"Chỗ ở không ổn định, công việc, sinh hoạt, học tập của con em liên tục bị đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng. Không chịu nổi cảnh sống lây lất, mới đây, nhiều hộ dân đã làm liều, tự ý dọn về ở lại trong chung cư bị cháy, chưa được nghiệm thu", chị Nguyễn Thị Mai, cư dân sống ở block A chung cư Carina Plaza, ngán ngẩm nói. Một số vụ cháy lớn khác còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vụ cháy nổ ở Công ty TNHH Tân Hồng Thái (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) làm 500 tấn hóa chất tràn ra kênh xảy ra từ năm 2014, song đến nay người dân sống xung quanh vẫn chưa hết gánh chịu hậu quả. "Thi thoảng mùi hóa chất từ dưới rạch vẫn bốc lên nồng nặc, nhiều người hít vào phải nhập viện. Việc trồng trọt, chăn nuôi cũng rất khốn đốn do không dám sử dụng nước rạch để tưới", ông Hùng (ngụ xã Lê Minh Xuân) than thở.
Hiện trường vụ cháy nổ Công ty TNHH Tân Hồng Thái (làm 15 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy bị thương). Ảnh: TUẤN VŨ
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TPHCM cho thấy, 5 năm qua (2013-2018), trung bình mỗi năm TPHCM xảy ra hơn 15 vụ cháy lớn, làm chết 15 người, thiệt hại tài sản hơn 150 tỷ đồng. So với cùng kỳ 5 năm trước đó, số vụ cháy lớn và số người thương vong đều tăng cao.
Qua điều tra, phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến cháy lớn chủ yếu do năng lực đội ngũ PCCC tại chỗ yếu kém, ý thức PCCC của chủ doanh nghiệp - người dân lơ là, hệ thống PCCC ở cơ sở không có, nước chữa cháy không đảm bảo, hệ thống điện sinh hoạt còn nhiều tồn tại - hư hỏng...
Phòng PC07 Công an TPHCM đưa ra dự báo, cháy lớn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là những tháng cuối năm 2018, khi tốc độ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, giải trí... tăng cao. Trong khi đó, công tác PCCC còn rất nhiều bất cập, hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc người dân thành phố vẫn phải sống trong cảnh lo lắng, bị "bà hỏa" rình rập.
Còn nhiều hạn chế
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện các giải pháp phòng ngừa cháy lớn do Phòng PC07 Công an TPHCM tổ chức mới đây, lãnh đạo một đội nghiệp vụ trực thuộc PC07 nhìn nhận, thời gian qua, chính quyền thành phố, ngành PCCC, các quận - huyện đã triển khai rất nhiều giải pháp, song phần lớn đều chưa phát huy hiệu quả.
Một số giải pháp thực hiện chưa như ý muốn là do kinh phí đầu tư còn hạn chế, quy định trong các văn bản luật chưa đồng bộ, chồng chéo. Tuy nhiên, cũng có không ít giải pháp thực hiện không hiệu quả xuất phát từ yếu tố con người, trong đó có sự chủ quan, thiếu quyết liệt, thiếu sự phối hợp chặt giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, thậm chí có sự làm lơ, tiếp tay của cán bộ, cơ quan chức năng để vi phạm, sai phạm tồn tại.
Cũng theo đại diện Phòng PC07, nước là vũ khí không thể thiếu của cảnh sát PCCC khi chiến đấu với giặc lửa. Thiếu nước chữa cháy sẽ dẫn đến cháy lan cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thế nhưng, giải pháp đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng lưới cấp nước cho PCCC thời gian qua của các ngành liên quan (Sở Giao thông Vận tải, ngành cấp nước...) triển khai rất ì ạch.
Việc đầu tư, hoàn thiện gần 10.000 trụ nước chữa cháy còn thiếu vẫn đang bỏ ngỏ, trong khi đó số trụ nước hiện có ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Trong nhiều vụ cháy, do thiếu trụ nước chữa cháy, cảnh sát PCCC phải lấy nước kênh rạch từ xa, dẫn đến cháy lan cháy lớn.
Tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, chủ cơ sở, doanh nghiệp; xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ... được UBND TPHCM hoạch định là những giải pháp then chốt để kéo giảm cháy nổ, nhất là cháy lớn. Thế nhưng, việc thực hiện các giải pháp này thời gian qua ở hầu hết các địa phương chưa hiệu quả, thiếu sự đầu tư, nặng hình thức.
Ông Thành (ngụ khu phố 14, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) nói: "Sau mỗi sự cố hỏa hoạn xảy ra, chính quyền, cảnh sát PCCC, tổ chức đoàn thể vận động, phát loa kêu gọi người dân chấp hành các quy định về PCCC. Nhưng việc tuyên truyền chỉ ồ ạt vài ngày, sau đó vẫn vậy".
Thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng TPHCM phải quyết liệt hơn trong từng giải pháp để nâng cao hiệu quả PCCC, kéo giảm sự cố xảy ra và hậu quả để lại.
Nhanh chóng khắc phục trụ nước chữa cháy hư hỏng
Tại buổi làm việc của đoàn đại biểu HĐND TPHCM với Công an TPHCM vào sáng 11-9, Đại tá Dương Văn Phóng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết việc thiếu trụ nước chữa cháy, không kịp thời khắc phục các trụ nước chữa cháy hư hỏng thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy, làm giảm hiệu quả việc phòng ngừa cháy lớn. Từ năm 2017, UBND TPHCM đã ghi vốn 922 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa các trụ nước chữa cháy bị hỏng, tuy vậy đến nay công tác này vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân: Cảnh sát PCCC là đơn vị thụ hưởng, quản lý, sử dụng nhưng không có chuyên môn sửa chữa các trụ nước chữa cháy, do đó phải mời gọi nhà thầu, đơn vị thi công. Quá trình mời gọi, chưa tìm được nhà thầu thì tiếp tục phát sinh các trụ nước hư hỏng mới, nên công tác sửa chữa cứ kéo dài. Trước thực tế trên, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Trương Lâm Danh yêu cầu Công an TPHCM phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải, Tổng công ty Cấp nước TP bàn phương án, khắc phục dứt điểm các trụ nước chữa cháy bị hư hỏng trong năm 2018 để đảm bảo nguồn nước chữa cháy.
PHẠM MINH
Theo sggp.org.vn
Khởi tố vụ cháy gần Bệnh viện Nhi làm 2 người tử vong Sau hơn một tuần xảy ra vụ cháy sát Bệnh viện Nhi Trung ương khiến 2 người tử vong, cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Chiều 26/9, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) có quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy để điều tra làm rõ...