Nghiên cứu gây tranh cãi về đồng Euro
Vào lúc các nước đang vận động bầu cử Nghị viện châu Âu, câu chuyện Brexit của Anh quốc đang làm châu Âu đau đầu, thì Trung tâm Chính sách châu Âu (CEP) ở Fribourg, một cơ quan tư vấn được đánh giá là nghiêm túc của Đức, vào cuối tháng 2/2019, đã công bố một nghiên cứu về tác động của việc dùng đồng tiền chung châu Âu với tựa đề “20 năm đồng euro: Những ai bị thua thiệt nhất?”.
Hình minh họa
Phương pháp “đặc biệt”
Nghiên cứu này cho rằng, do dùng đồng tiền chung châu Âu, tính tổng cộng trong hai thập niên qua, mỗi người dân Pháp bị mất đi 56 ngàn euro, mỗi người dân Ý 74 ngàn. Trong khi đó, mỗi người dân Đức được lợi 23 ngàn, người Hà Lan hơn 23 ngàn…
Nghiên cứu này được giới lãnh đạo chính trị ở nhiều nước khai thác, nhưng lại bị các chuyên gia kinh tế phản bác, chỉ trích về phương pháp. Để trả lời câu hỏi người dân nước nào được hưởng lợi nhất hoặc bị thiệt thòi nhất khi chuyển sang dùng đồng euro, các kinh tế gia Đức ở CEP đã đưa ra một số giả định như điều gì sẽ xảy ra nếu không có đồng euro? Nếu Pháp vẫn dùng đồng franc, Đức dùng đồng deutschemark, Ý giữ đồng lire…
Kinh tế gia Mathieu Plane, thuộc Đài Quan sát Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE), giải thích về phương pháp áp dụng trong nghiên cứu này: “Xuất phát từ một chỉ số khá phức tạp, được lập ra trên cơ sở tổng sản phẩm nội địa PIB của các nước khác, các tác giả vạch ra đồ thị phát triển PIB của các nước hiện thành viên khu vực đồng tiền chung, với giả định là những nước này không dùng đồng euro. Như vậy, nghiên cứu nêu ra một kịch bản không tồn tại trên thực tế. Đây chính là sự phức tạp của nghiên cứu này.
Trên cơ sở kịch bản không có thật này, các tác giả đưa ra một số nhận định. Ví dụ, trong vòng 20 năm qua, tính từ năm 1999, năm bắt đầu dùng đồng euro, nếu tính theo sức mua, mỗi người dân Pháp bị mất khoảng 56000 euro. Một con số rất lớn, Chính vì vậy, bản nghiên cứu này đã gây ra nhiều tranh cãi”.
Để tính toán và đưa ra con số bị thiệt hoặc được lợi khi dùng đồng euro, các kinh tế gia Đức so sánh từng nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu với một quốc gia giả tưởng nào đó. Quốc gia “ảo” này bao gồm các mảng kinh tế của một số nước bên ngoài khu vực đồng euro. Ví dụ, khi xem xét nền kinh tế Pháp, các tác giả so sánh Pháp với một quốc gia “ảo” bao gồm 44,6% nền kinh tế Anh, 55,4% nền kinh tế Úc.
Qua đó, họ vạch ra được hai đường đồ thị về sự phát triển PIB của Pháp, một đường nếu dùng đồng euro và đường kia nếu không dùng đồng tiền chung. Khoảng cách giữa hai đường này chính là phần người dân Pháp bị thiệt trong 20 năm qua.
“Thú vị, nhưng không vững chắc”
Mặc dù nghiên cứu này áp dụng phương pháp phản chứng, đưa ra những giả định không thể xảy ra trên thực tế, nhưng người dân tại một số nước dùng đồng euro có cảm giác là sức mua của họ bị suy giảm kể từ khi chuyển sang dùng đồng tiền chung.
Theo kinh tế gia Mathieu Plane, việc lựa chọn những nền kinh tế làm mẫu so sánh, đối chiếu cũng có vấn đề. Ví dụ, cơ cấu kinh tế của Pháp và Úc khác hẳn nhau. Hay không thể so sánh Hy Lạp với quốc đảo Barbade nhỏ bé:
Video đang HOT
“Cần rất thận trọng. Đúng là euro đã gây ra một số vấn đề đối với nền kinh tế các nước sử dụng đồng tiền này, thậm chí ngay cả trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, từ đó mà đưa ra những nhận định rằng có nước được lợi, có nước bị thua thiệt thì không ổn và gây ra nhiều tranh cãi.
Có thể nói, phương pháp nghiên cứu của các kinh tế gia Đức khá thú vị, nhưng không vững chắc, rất mong manh. Ví dụ, người ta lấy 50% nền kinh tế Anh, 50% nền kinh tế Úc làm cơ sở để vạch ra đồ thị phát triển tổng sản phẩm quốc nội của Pháp – nếu như Pháp không dùng euro. Đồ thị phát triển PIB của Hy Lạp dựa trên 40% nền kinh tế của đảo quốc Barbade nhỏ bé.
Đây chỉ là những giả thuyết. Cần coi công trình này là một nghiên cứu thuần túy thống kê. Nhiều người nhắc đến nghiên cứu này vì nó bị chính trị hóa”.
Không chỉ phê phán những kết luận dựa trên các giả định không thể xảy ra trên thực tế, giới chuyên gia còn chỉ trích các tác giả công trình nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị, gợi ý thiếu cơ sở, theo đó, việc sử dụng đồng euro sẽ có lợi cho tất cả các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, nếu họ tuân thủ quy định Maastricht, không để cho ngân sách thâm hụt quá 3% PIB.
Kinh tế gia Mathieu Plane nhấn mạnh, đây chỉ là một nghiên cứu thống kê, với phương pháp rất giản lược: “Điều này rất nguy hiểm. Đây chỉ là một nghiên cứu thuần túy thống kê. Không có phân tích vĩ mô kinh tế, không có mô hình phức tạp. Rồi trên cơ sở đó, người ta suy luận ra các khuyến nghị về chính sách kinh tế. Không thể làm như vậy được.
Cần chú ý đến sự khác biệt. Mô hình kinh tế nghiên cứu những tác động khác nhau với các biến đổi về giá cả, khả năng cạnh tranh, lãi suất, nợ công, thâm hụt ngân sách, tỉ giá…Nói tóm lại, thông qua toán học, cần phải tạo dựng lại một mô hình kinh tế. Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia Đức lại quá đơn sơ về phương pháp, rồi khi nhận thấy sự khác nhau giữa diễn tiến PIB của các nước, họ bảo rằng đó là do đồng euro.
Rồi họ giải thích Đức hưởng lợi nhiều nhất vì đã tuân thủ các quy định về ngân sách. Còn Pháp, Ý không tuân thủ quy định nên bị thiệt thòi. Tôi cho rằng kết luận như vậy là hoàn toàn sai. Bởi vì, một mặt, phương pháp nghiên cứu gây tranh cãi, khó đứng vững. Mặt khác, sự tác động qua lại giữa các yếu tố trong nền kinh tế là rất phức tạp chứ không đơn giản như vậy”.
Bị xếp vào mục “tin bị bóp méo”
Thực tế cho thấy là kể từ khi chuyển sang dùng euro, nhiều nước Nam Âu gặp khó khăn về kinh tế. Theo kinh tế gia Mathieu Plane, một trong những nguyên nhân là đồng euro có giá trị quá cao so với nền kinh tế các nước này:
“Nghiên cứu này cố gắng đưa ra các con số, vạch ra đồ thị diễn tiến PIB và tác động của việc dùng đồng euro. Nhưng tôi xin nhắc lại, phương pháp nghiên cứu không thỏa đáng. Đúng là nghiên cứu làm rõ điều mà ai cũng có thể nghĩ đến, đó là nước Đức được hưởng lợi khi chuyển sang dùng euro. Các nước Nam Âu có khó khăn.
Câu hỏi đặt ra là đối với trường hợp Hy Lạp. Theo các tác giả công trình nghiên cứu thì Hy Lạp xoay xở tốt, đứng hàng thứ ba trong số các nước được hưởng lợi. Thế nhưng, trên thực tế, Hy Lạp là nước gặp nhiều khó khăn, nhất là từ năm 2008, với cuộc khủng hoảng tài chính. Sở dĩ các chuyên gia Đức đưa ra nhận định ngược với thực tế vì họ đã so sánh nền kinh tế Hy Lạp với đảo quốc Barbade, lấy 40% nền kinh tế Barbade làm một thành tố tạo dựng chỉ số so sánh.
Trong khi đó, Barbade là quốc đảo nhỏ bé, chỉ cần một trận bão lớn là kinh tế đảo quốc này bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế của Barbade không có gì giống kinh tế Hy Lạp. Cũng tương tự, kinh tế Pháp rất khác với kinh tế Úc, Anh. Kinh tế Đức khác hẳn kinh tế Bahrain.
Đúng là đồng euro có vấn đề. Đồng tiền chung châu Âu có giá trị cao so với nền kinh tế các nước Nam Âu. Hiện nay, so với nền kinh tế Hy Lạp, Tây Ban Nha và cả Ý, đồng euro được cho là cao giá, trong khi so với nền kinh tế Đức, euro bị coi là thấp giá.
Ví dụ, nếu euro có giá trị bằng một đồng Mác Đức cũ trước đây thì rõ ràng là đồng tiền chung châu Âu có giá quá cao so với các nền kinh tế Nam Âu. Như vậy, việc chuyển đổi sang đồng euro gây khó khăn, tác động đến việc điều chỉnh lương bổng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đưa ra một số kết luận như trong trong bản nghiên cứu của các chuyên gia Đức”.
Vậy có thể là gì để giảm nhẹ cú sốc euro đối với các nền kinh tế Nam Âu ? Kinh tế gia Mathieu Plane gợi ý: “Khó khăn thực sự là đồng tiền này dựa chủ yếu vào các quy định về ngân sách. Rõ ràng là không đủ. Có rất ít thẩm quyền quốc gia được các nước chuyển giao cho khu vực đồng euro, trong khi đây là đồng tiền duy nhất.
Thêm vào đó là không có sự phối hợp, điều chỉnh về chính sách lương bổng ở các nước. Do vậy, nếu muốn có một sự đồng nhất giữa các nước sử dụng đồng tiền chung, thì mức lương ở một số quốc gia phải được điều chỉnh tăng lên, ít nhất là 10%, qua đó, giảm bớt được sự chênh lệch về mức lương khi so sánh với các nước Nam Âu”.
Tại Pháp, các phương tiện truyền thông cũng lên tiếng cảnh báo về những kết luận của nghiên cứu này. Tờ báo Liberation xếp công trình của các chuyên gia Đức trong mục CheckNews, những thông tin có thể là giả, hoặc bị bóp méo hoặc cần tiếp nhận một cách rất thận trọng.
Hồng Nga (tổng hợp)
Theo baophapluat.vn
Đồng Euro - "Một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của châu Âu"
Nói như vậy quả không sai, bởi lẽ sau 20 năm lưu hành, đồng tiền chung châu Âu vẫn đang ngày càng được ưa chuộng hơn bất chấp tâm lý bài châu Âu và chủ nghĩa dân túy gia tăng tại nhiều nước. Không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế, đồng euro còn được đánh giá là biểu tượng của sự đoàn kết, chủ quyền và sự ổn định của "lục địa già".
Ngày 1-1-1999, thời điểm đồng euro ra đời. Sau đúng 3 năm, đồng tiền này được đưa vào lưu thông. Từ chỗ mới chỉ có 11 quốc gia từ bỏ quyền phát hành đồng tiền riêng, vì một mục tiêu chung đầy tham vọng: tạo dựng một liên minh kinh tế và tiền tệ của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, euro là đồng tiền chính thức và duy nhất của 19 trong tổng số 28 quốc gia EU.
19 nước với quy mô kinh tế rất khác biệt, lại dùng chung một đồng tiền, trở thành một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ công mà tâm điểm là Hy Lạp, làm chao đảo EU trong suốt gần 10 năm.
Đồng Euro ngày càng được ưa chuộng sau 20 năm thăng trầm.
Gần 10 năm giải quyết khủng hoảng nợ công đã tạo ra nhiều cơ chế nhằm cô lập nhanh và giải quyết sớm các vấn đề. Đồng euro lấy lại dần uy tín trên thị trường tài chính. Đến năm 2017, 1/3 giao dịch ngoại thương trên thế giới là bằng đồng Euro. Euro đang chiếm 1/5 tổng dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Trong dịp kỷ niệm 20 năm đồng euro, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch tăng sử dụng euro, đồng thời giảm dần USD, khi mua dầu mỏ, nhập nguyên liệu, hay bán máy bay.
Với lợi thế tạo thuận tiện, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp châu Âu, gắn kết kinh tế châu Âu một khối trên nền tảng một loại tiền tệ thống nhất, EU đang tham vọng dùng đồng euro làm công cụ củng cố độc lập tự chủ của mình trong kinh tế, thương mại và tài chính, nhằm giảm lệ thuộc vào đồng USD, cũng là giảm lệ thuộc vào nước Mỹ.
Thật không "quá" khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định sự trưởng thành của đồng euro sau 20 năm thăng trầm để giờ đây trở thành "biểu tượng sức mạnh của EU với tư cách là lực lượng kinh tế, chính trị trên thế giới" và bất chấp "cú sốc" của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng tiền này vẫn cho thấy sức sống bền bỉ.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng sau 20 năm ra đời, có một thế hệ người châu Âu chỉ biết đến đồng tiền nội tệ duy nhất là euro. Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) Mario Centeno nhấn mạnh Euro đã trở thành "một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của châu Âu".
Vẫn biết đồng euro đang là một ngoại tệ mạnh và có nhiều lợi thế, song giới chức lãnh đạo EU vẫn luôn nhấn mạnh sự cần thiết tiến hành cải cách sâu rộng trong khối nhằm tăng cường sức mạnh của đồng tiền chung này. Bởi lẽ ngoài uy tín và vị thế mà đồng euro tạo dự được sau 20 năm ra đời, không thể phủ nhận đồng tiền chung châu Âu euro đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và các bất đồng chính trị. Dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của châu Âu, nhưng đồng euro vẫn là "một người khổng lồ yếu ớt".
Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng đây là một sinh nhật buồn của đồng euro. Còn nhớ, cách đây đúng 20 năm, đồng euro chưa hiện diện chính thức nhưng đã được giới tài chính sử dụng như một công cụ tài chính ảo trong các hoạt động giao dịch. 3 năm sau, ngày 1-1-2002, những đồng euro đầu tiên mới xuất hiện trên thị trường. 10 năm đầu tiên, đồng euro lớn lên trong sự "vô tư" nhờ những thành công tức thì.
Tuy nhiên, 10 năm kế tiếp, đồng euro phải trải qua một cuộc khủng hoảng dài hơi và dữ dội. Ngay giữa mùa hè năm 2012, đồng euro suýt bị cuốn trôi theo cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu.
Chính những sự kiện đó đã cho thấy rõ những "khuyết tật ban đầu" trong quá trình hình thành đồng tiền chung euro: thiếu sự đoàn kết về ngân sách chung châu Âu thông qua biện pháp tương trợ nợ công, đầu tư và các rủi ro, cách biệt sâu sắc giữa các thị trường, thiếu một định chế cung cấp tín dụng trong trường hợp khẩn cấp khi một nước gặp khó khăn...
Các chuyên gia khi đó cho rằng đồng euro đã không làm tròn nhiệm vụ tập hợp các nền kinh tế, và sự bất cân đối giữa các nước thành viên ngày càng nghiêm trọng sâu. Dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã được thành lập, song các nước liên minh vẫn chưa lập được cơ quan quyền lực chính trị cũng như ngân sách duy nhất.
Nhằm ngăn chặn khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị "nổ tung", một loạt biện pháp đã được đề ra: thiết lập chương trình mua lại nợ công có điều kiện của một nước thông qua việc phát hành trái phiếu châu Âu, giảm lãi suất xuống mức thấp nhất... Tổng cộng trong giai đoạn này, châu Âu đã mua lại 2.600 tỷ euro nợ công.
Cuộc khủng hoảng năm 2012 là dịp để châu Âu sửa chữa những điểm yếu đáng quan ngại nhất của đồng tiền chung châu Âu và lập lại các luật lệ cho việc quản lý. Trên bình diện chính trị, châu Âu và các nước thành viên trong khối Eurozone đã có rất ít các chính sách để điều chỉnh những khiếm khuyết ban đầu. 19 quốc gia vẫn chưa có được các công cụ cần thiết để đồng nhất các nền kinh tế hoặc các hoạt động đầu tư để ứng phó với các thách thức kinh tế.
Gilles Moec, nhà kinh tế của Bank of America Merrill Lynch nhắc lại mục tiêu ban đầu khi cho ra đời đồng euro: "Trong những năm 1990, điều quan trọng nhất đối với châu Âu trên bình diện kinh tế là cung cấp cho thị trường một đồng tiền duy nhất nhằm chấm dứt các biến đổi tỷ giá hối đoái giữa các nước thành viên, còn trên bình diện chính trị là giúp cho nước Đức thống nhất có cùng nhịp chèo với Tây Âu".
Trớ trêu thay, cũng chính nước Đức ngày nay là rào cản lớn nhất cho mọi ý định cải cách khu vực đồng euro. Mọi giải pháp do Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Pháp và nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất để bình ổn khu vực đồng tiền chung đều gặp phải sự phản đối từ Berlin.
Mặc dù vậy, không thể nói đã hết hy vọng để đồng euro có thể trở nên lớn mạnh và bền vững hơn. Là đồng tiền thứ hai được sử dụng nhiều trên thế giới, đồng tiền chung này vẫn được đại bộ phận người dân châu Âu ủng hộ. Khoảng 74% số người dân châu Âu khi được hỏi ý kiến đã nói rằng đồng euro đang có lợi cho EU, 64% cho rằng đồng Euro mang lại lợi ích cho chính đất nước của họ.
Bảo Trân (tổng hợp)
Theo antg.cand.com.vn
Chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều trước cuộc họp của Fed Chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều trong phiên 30/4 trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định tiếp theo về chính sách tiền tệ của mình. Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 21/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN Tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này...