Nghiên cứu: Có thể người không có triệu chứng mới có nguy cơ lây lan bệnh COVID-19 cao nhất
Một nghiên cứu mới đây cho biết có thể người nhiễm COVID-19 sẽ dễ lây bệnh cho người khác nhất khi họ chưa có triệu chứng của bệnh.
Ảnh minh họa
CNN dẫn nguồn tạp chí y khoa Nature cho biết có thể virus SARS-CoV-2 có cơ chế lây lan khác với “họ hàng” là virus SARS.
Sau khi tổng hợp dữ liệu từ 414 mẫu dịch họng từ 94 bệnh nhân – từ lúc triệu chứng bùng phát cho tới 32 ngày sau đó – các nhà khoa học của nghiên cứu viết: “Chúng tôi thấy khối lượng virus trong các mẫu dịch ở họng cao nhất vào thời điểm bắt đầu có triệu chứng, và điều này có thể hiểu là bệnh nhân dễ lây bệnh cho người khác nhất vào thời điểm trước hoặc ngay khi có triệu chứng ban đầu”.
Có thể thấy, giai đoạn dễ lây lan nhất có thể sẽ bắt đầu từ 2 tới 3 ngày trước khi triệu chứng bệnh xuất hiện. Số lượng virus mà người bệnh phát tán ra bên ngoài dường như giảm sau khi bệnh nhân ốm nặng hơn và dần dần giảm cho tới ngày thứ 21 sau khi nhiễm bệnh. Không có sự khác biệt đáng kể trong số lượng virus giữa nam và nữ, các nhóm tuổi và các nhóm bệnh lý khác nhau. Các biện pháp phòng tránh như cách ly và giãn cách có thể giảm một lượng lớn nguy cơ lây nhiễm từ người sang người.
Sự lây lan của virus corona chủng mới dường như khác biệt với SARS và giống với bệnh cúm nhiều hơn. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, khả năng lây nhiễm của SARS bắt đầu tăng khoảng 7-10 ngày sau khi có triệu chứng bệnh trong khi bệnh nhân cúm thường dễ lây cho người khác nhất khi họ bắt đầu phát bệnh.
Các nhà nghiên cứu qua đó cũng đưa ra cảnh báo rằng các công tác can thiệp y tế – ví dụ như truy dấu tiếp xúc – cần phải được điều chỉnh bởi có rủi ro rất cao khi những người nhiễm bệnh chưa có triệu chứng có thể lây lan cho nhiều người khác trước khi được phát hiện.
Việc xét nghiệm không nên chỉ giới hạn đối với những người đã có triệu chứng bệnh, mà cần phải xét nghiệm trên diện rộng, kể cả đối với những người “vẫn cảm thấy khỏe mạnh”.
“Truy dấu tiếp xúc và giới hạn các đối tượng có nguy cơ gây truyền nhiễm từ 2 tới 3 ngày trước khi họ bắt đầu có triệu chứng là việc cần phải làm để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Nghiên cứu này cũng có một số hạn chế nhất định, ví dụ như các nhà nghiên cứu phải phụ thuộc vào lời kể của bệnh nhân về thời điểm bắt đầu có triệu chứng đầu tiên. Vì vậy, kết quả sẽ có một số sai số.
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn có kết quả tương đồng với các phát hiện khác, cho thấy trên thực tế những người không có triệu chứng đã “góp phần” lớn trong quá trình lây lan dịch COVID-19.
Do đó, cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân, tăng cường rửa tay, sử dụng khẩu trang kể cả khi không có triệu chứng bệnh vẫn là những biện pháp đề phòng hợp lí để phòng chống dịch bệnh – nghiên cứu đề xuất.
Video đang HOT
Tất Đạt
Virus corona len lỏi trong cơ thể bệnh nhân như thế nào?
Các chuyên gia giải thích rằng các trường hợp tử vong do Covid-19 thường là do viêm phổi, đồng thời giải thích cơ chế virus gây ra viêm phổi ở người cao tuổi, người có bệnh nền.
Đa số người nhiễm Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết khoảng 80% số bệnh nhân hồi phục mà không cần điều trị chuyên khoa. Nhưng khoảng 1 trên 6 người ốm nặng và "khó thở".
Giáo sư John Wilson, chủ tịch của Đại học Bác sĩ Hoàng gia Australasian và là bác sĩ chuyên khoa hô hấp, nói với Guardian Australia rằng người nhiễm Covid-19 trở thành ca bệnh nặng hầu hết là do viêm phổi.
Chụp CT từ một bệnh nhân Covid-19. Các mảng mờ ở rìa ngoài của phổi (mũi tên) là phần phổi bị viêm. Ảnh: Bệnh viện Mount Sinai/AP.
6% ca Covid-19 nhập viện có triệu chứng nặng
Ông Wilson nói người nhiễm Covid-19 nhìn chung có thể chia ra làm bốn nhóm.
Ít nghiêm trọng nhất là những ca nhiễm virus nhưng "dưới mức có triệu chứng lâm sàng".
Kế đến là những ca nhiễm ở phần trên của đường hô hấp, khiến người bệnh bị sốt, ho và các triệu chứng nhẹ như đau đầu hay viêm kết mạc. Những người này vẫn có thể lây nhiễm virus mà không biết.
Nhóm tiếp theo, là nhóm lớn nhất, gồm những người có các triệu chứng giống cảm cúm khiến họ không thể đi làm, và nhiều khả năng sẽ tới viện khám.
Nhóm còn lại sẽ có triệu chứng nặng, bao gồm viêm phổi.
"Ở Vũ Hán, trong số những người dương tính và đến khám, 6% có triệu chứng nặng", ông Wilson nói với Guardian.
Phản ứng miễn dịch của các bệnh nhân đối với Covid-19 đang được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ảnh: AFP.
Viêm phổi khiến ca nhiễm Covid-19 tử vong
Khi người nhiễm Covid-19 bị ho, sốt, đó là kết quả của nhiễm trùng các nhánh đường hô hấp. Niêm mạc của đường hô hấp bị tổn thương, gây viêm. Điều đó khiến nơ-ron thần kinh ở niêm mạc đường thở dễ bị kích ứng. Chỉ một hạt bụi cũng có thể khiến người bệnh ho.
"Nhưng nếu tình trạng tệ đi, sự viêm nhiễm đi sâu hơn, đi qua niêm mạc đường dẫn khí, vào đến phế nang là những điểm trao đổi khí ở cuối đường dẫn khí", ông Wilson nói.
"Một khi những điểm đó bị nhiễm virus, chúng phản ứng bằng cách tiết ra các chất dịch... ở dưới cùng của phổi", ông nói thêm.
Các chất dịch khiến các túi khí bị viêm, dẫn đến tình trạng viêm phổi. "Đó thường là nguyên nhân gây tử vong khi viêm phổi trở nên trầm trọng".
Một phòng lab đang nghiên cứu vắcxin phòng Covid-19 ở Meriden, bang Connecticut, Mỹ. Ảnh: AP.
Chưa có cách ngăn viêm phổi ở bệnh nhân Covid-19
Giáo sư Christine Jenkins, chủ tịch Tổ chức Phổi Australia và là bác sĩ hô hấp hàng đầu, nói với Guardian Australia: "Thật không may, hiện chúng ta chưa có cách nào để ngăn hiện tượng viêm phổi", dù nhiều loại thuốc đang được thử nghiệm.
"Hiện giờ chưa có pháp đồ điều trị rõ ràng nào ngoài điều trị hỗ trợ, chính là cách điều trị các bệnh nhân chăm sóc đặc biệt... chúng tôi hỗ trợ thở máy, duy trì mức oxy cao cho đến khi phổi của người bệnh có thể hoạt động bình thường trở lại và họ hồi phục", bà Jenkins nói.
Giáo sư Wilson nói bệnh nhân bị viêm phổi virus cũng có nguy cơ bị viêm nhiễm thứ cấp, do vậy họ cũng sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus và kháng sinh.
"Trong một số trường hợp, như vậy cũng không đủ", ông nói về dịch bệnh Covid-19 hiện tại. "Chứng viêm phổi không giảm và bệnh nhân không qua khỏi".
Nhân viên đang chỉnh mặt nạ bảo hộ trước khi bước vào một viện dưỡng lão ở Kirkland, bang Washington ngày 11/3, nơi có đợt bùng phát Covid-19. Ảnh: AP.
Viêm phổi do Covid-19 ảnh hưởng toàn bộ phổi
Giáo sư Jenkins cho biết viêm phổi do SARS-CoV-2 gây ra khác biệt với các trường hợp viêm phổi khác thường buộc người bệnh phải nhập viện.
"Hầu hết loại viêm phổi mà chúng tôi biết và tiếp nhận người bệnh vào viện là do vi khuẩn, và có thể điều trị bằng kháng sinh", bà nói.
Ông Wilson nói có bằng chứng cho thấy viêm phổi do Covid-19 có thể đặc biệt nghiêm trọng. Viêm phổi ở các ca nhiễm Covid-19 thường ảnh hưởng tới toàn bộ phổi, thay vì chỉ những phần nhỏ của phổi.
Ông nói: "Một khi chúng ta có triệu chứng viêm phổi, và nếu có liên quan tới các phế nang, phản ứng của cơ thể đầu tiên sẽ là cố gắng tiêu diệt virus, hạn chế sự sao chép".
Nhưng ông Wilson cho biết cơ chế phản ứng ban đầu đó có thể bị suy yếu ở một số nhóm bệnh nhân, bao gồm bệnh nhân có bệnh tim, bệnh phổi, tiểu đường, hay ở những bệnh nhân cao tuổi.
Bà Jenkins nói thông thường, những người có nguy cơ bị viêm phổi là người trên 65, người có bệnh nền như tiểu đường, ung thư, bệnh mạn tính ảnh hưởng tới phổi, tim, thận, gan, những người hút thuốc, hay trẻ dưới 12 tháng tuổi.
"Tuổi là yếu tố dự báo chính đối với nguy cơ tử vong vì viêm phổi. Viêm phổi luôn trầm trọng đối với người cao tuổi, và thực tế nó từng là nguyên nhân chính gây tử vong ở người cao tuổi. Nhưng giờ đây chúng ta có nhiều cách điều trị viêm phổi", bà nói.
"Nguy cơ viêm phổi tăng theo tuổi, bất kể bạn có khỏe hay hoạt động thể chất nhiều. Đó là vì hệ miễn dịch suy yếu một cách tự nhiên theo tuổi, khiến có thể khó chống lại nhiễm trùng và bệnh tật hơn".
Trọng Thuấn
Khu tôi ở bị cách ly khi tôi vắng nhà, tôi có phải về cách ly? Khu dân cư tôi ở vừa rồi bị phong tỏa, cách ly vì có người nhiễm Covid-19 nhưng ngay lúc đó tôi đang đi làm. Xin hỏi, vậy tôi có phải về nhà, vào khu cách ly Covid-19 hay tôi có thể ở ngoài, tạm tá túc ở khu vực khác, không vào khu cách ly? Tôi có phải khai báo gì không?...