Nghiêm túc khắc phục những yếu kém trong công tác giảm nghèo
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo bền vững diễn ra ngày 5-2, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống 5,8-6%).
Chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên
Giảm nghèo chưa thực sự vững chắc
Với tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng, năm 2014, Nhà nước đã ưu tiên tập trung nguồn lực cao nhất từ ngân sách cho các huyện nghèo, xã nghèo và người nghèo nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo nói chung chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%, số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước.
Tại Hà Nội, theo chuẩn nghèo, cận nghèo của thành phố giai đoạn 2011 – 2015, tính đến tháng 1-2015, toàn thành phố có 34.409 hộ nghèo, với 147.589 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 1,91% tổng số hộ dân cư. Trong đó, khu vực thành thị có 5.881 hộ nghèo (0,73%); khu vực nông thôn (xã) có 28.528 hộ nghèo (2,89%). Nếu tính theo chuẩn nghèo của cả nước, Hà Nội hiện có 11.075 hộ nghèo, chiếm 0,62% tổng số hộ dân, đặc biệt không còn hộ chính sách có công thuộc diện nghèo.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, phương hướng và mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2020 là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như: dịch vụ y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương cũng như kết quả giảm nghèo đã đạt được, từ đó đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước. “Trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân” – Thủ tướng khẳng định đồng thời yêu cầu cần phải nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của công tác này để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Video đang HOT
Nơi nào có quyết tâm nơi đấy có chuyển biến
“Thoát nghèo, vào hộ cận nghèo, nếu chúng ta không tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đồng bào lại quay trở lại nghèo. Đây là điều chúng ta hết sức trăn trở” – Thủ tướng dẫn ra ví dụ về một trong những hạn chế trong chính sách đối với công tác giảm nghèo cần phải khắc phục.
Đặc biệt, Thủ tướng hết sức lưu ý một số hạn chế là có nơi, có lúc nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ về công tác này chưa đúng mức, trách nhiệm chưa cao, thiếu quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đôn đốc. “Thực tế nơi nào cấp ủy, chính quyền quyết tâm, chỉ đạo là có chuyển biến, có kết quả. Đây là vấn đề mà chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục” – Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu công tác giảm nghèo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp quan trọng. Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu năm 2015 và những năm tiếp theo, cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm mục tiêu giảm 1-1,5% hộ nghèo, số hộ nghèo trong các huyện nghèo giảm 3-4%, xuống dưới 30%. Thủ tướng yêu cầu: “Phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Coi đây là một tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền”. Thứ hai, tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, Thủ tướng yêu cầu trong chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư hạ tầng.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tăng thêm dư nợ tín dụng người nghèo so với chỉ tiêu 10% hiện nay để tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng chính sách; đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 chuẩn bị tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn, gắn với việc xây dựng, ban hành và thực hiện chuẩn nghèo mới.
Theo_An ninh thủ đô
Dành hơn 420 tỷ tặng quà tết cho người có công
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình Chủ tịch nước về mức quà tặng cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.
Ảnh minh họa
Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.
Cụ thể, mức 400.000 đồng để tặng quà cho các đối tượng sau:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
- Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
- Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Mức quà 200.000 đồng được đề xuất tặng cho thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sỹ (bố, mẹ; vợ, chồng; con; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ (anh, em, người được họ tộc ủy nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ); người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 là 423.518 triệu đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Theo Phương Nhi
Chinhphu.vn
Công bố chính thức lịch nghỉ các ngày lễ, Tết năm 2015 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền vừa ký thông báo công bố lịch nghỉ các ngày Lễ, Tết năm 2015. Theo đó, Tết dương lịch được nghỉ 4 ngày, Tết Nguyên đán nghỉ 9 ngày và dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động nghỉ gộp thành 6 ngày. Phương án nghỉ Tết này đã...