Nghiêm trị sử dụng thuốc trừ sâu quá mức trong nông sản
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở cần lưu ý tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức. Cần phải nghiêm trị người đưa phân bón, thuốc trừ sâu quá mức vào sản phẩm tiêu dùng. Trong sản xuất, chế biến thực phẩm cũng quy định xử lý nghiêm với những hành vi dùng hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật.
Tại nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm Thủ tướng ban hành có hiệu lực từ 20/10/2018 đã quy định cụ thể mức xử lý vi phạm về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Chế biến tôm tại một doanh nghiệp ở Việt Nam.
Theo đó, nếu sử dụng chất, hóa chất quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất vượt quá giới hạn cho phép hoặc không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm tương ứng.
Mức phạt sẽ tăng lên từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng; Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 50.000.000 đồng.
Cơ quan chức năng kiểm tra tồn dư kháng sinh trong thịt lợn.
Đặc biệt, mức phạt tăng tối đa lên 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu có hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Video đang HOT
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.
Đơn vị vi phạm các quy định trên cũng buộc phải khắc phục hậu quả, như tiêu hủy thực phẩm, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm quy định tại Điều này; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.
Nghị định 115/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm mới có hiệu lực, thay thế Nghị định 178 ban hành từ năm 2013. Điều đặc biệt, Nghị định 115 loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định hình thức phạt tiền.
Mức xử phạt này cao hơn nhiều so với hành vi tương tương trong Nghị định 178, có hành vi tăng mức xử phạt gấp 2-3 lần, nhưng cũng có hành vi bị xử phạt tăng đến 10 lần (cụ thể như bơm tạp chất vào tôm với mức xử phạt tăng từ 300.000 đồng lên đến 3 triệu đồng).
Tú Anh
Theo Dân trí
Nỗi lo mất an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản ở Quảng Ngãi
Trong 169 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Quảng Ngãi kiểm tra có 4 mẫu không đạt. Dù số mẫu không đạt thấp, tuy nhiên đây vẫn là nỗi lo của các ngành chức năng khi thực phẩm nhiễm kim loại nặng, chất kháng sinh vượt mức cho phép vẫn có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hà (phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi) chọn mua rau, tôm và một ít trái cây cho bữa trưa của gia đình. Dù chọn lựa rất kỹ, tuy nhiên chị Hà thừa nhận không thể biết loại thực phẩm mình chọn có đảm bảo an toàn hay không.
"Với người tiêu dùng thì chỉ biết lựa chọn bằng mắt. Thấy loại nào tươi, ngon là mua. Còn thực phẩm có đảm bảo an toàn không thì không thể biết được", chị Hà nói.
Lấy ví dụ đối với bó rau muống vừa mua, chị Hà cho rằng, rau non và rất tươi nên được chọn lựa. Còn người trồng có tuân thủ quy trình khi phun thuốc bảo vệ thực vật hay bón phân hóa học hay không thì phải dựa vào việc kiểm tra của các cơ quan chuyên môn.
"Lo nhất khi ăn rau quả là thuốc bảo vệ thực vật, hoặc thịt thì sợ người bán ngâm tẩm hóa chất. Có lo nhưng buộc phải sử dụng vì đây là những loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày", chị Hà nói.
Nhiều loại thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nguy cơ tồn dư chất độc hại vượt mức cho phép.
Không chỉ người mua, nhiều người bán vẫn không dám chắc thực phẩm mình bán cho người tiêu dùng có an toàn hay không. Một hộ kinh doanh trái cây tại chợ Thu Lộ (phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi), cho biết, trái cây được lấy từ các thương lái ở chợ đầu mối. Những người bán chỉ quan tâm là trái cây phải có bề ngoài bắt mắt, tươi ngon, giá cả phải chăng. Còn việc các loại trái cây đó có sạch hay không cũng không ai dám chắc.
"Nói thật là trái cây có an toàn không thì chỉ có cơ quan chức năng giám sát tại vườn hoặc tại các chợ đầu mối mới kiểm tra được, còn chúng tôi làm sao biết", một người bán trái cây nói.
Theo ông Nguyễn Đức Bình - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT), nguy cơ mất ATVSTP đối với thực phẩm nông, lâm, thủy sản là vấn đề được nhiều cơ quan chức năng quan tâm.
Theo phân cấp, Chi cục hiện quản lý 1.068 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Thời gian qua, Chi cục đã tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế đến mức thấp nhất thực phẩm nhiễm kim loại nặng, chất kháng sinh, tồn dư thuốc BVTV... quá mức cho phép được bán ra thị trường.
Qua kiểm tra, Chi cục đã lấy 169 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy có 4 mẫu nhiễm kim loại nặng, tồn dư chất kháng sinh vượt mức cho phép. Những trường hợp này đã được xử lý theo quy định tại Thông tư 08.
Dù số mẫu có dư lượng chất độc hại vượt mức cho phép ít tuy nhiên đây vẫn là nỗi lo đối với cơ quan quản lý. Bởi, nếu không được phát hiện sớm và giám sát chặt chẽ thì những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Quảng Ngãi kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm.
Sau kiểm tra, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiến hành đánh giá và phân loại A, B, C. Đối với cơ sở xếp loại A và B, Chi cục tiến hành làm thủ tục công nhận đảm bảo điều kiện ATTP. Đối với các cơ sở xếp loại C sẽ được yêu cầu khắc phục ngay các lỗi vi phạm và báo cáo kết quả khắc phục để tiến hành kiểm tra đánh giá lại.
"Những cơ sở có mẫu thực phẩm tồn dư chất độc hại vượt mức cho phép sẽ được yêu cầu kiểm tra quy trình sản xuất để tìm nguyên nhân và khắc phục. Chúng tôi cũng đưa những cơ sở này vào danh sách giám sát nhằm theo dõi và tăng cường kiểm tra định kỳ", ông Bình nói.
Dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên việc quản lý, đảm bảo ATVSTP đối với thực phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nổi lên là nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm mẫu còn hạn chế; chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm, phối hợp; số cơ sở nhỏ lẻ nhiều và phân tán rộng...
"Quản lý rất nhiều cơ sở nhưng nguồn kinh phí chi cho công tác kiểm nghiệm thực phẩm rất ít. Mẫu thực phẩm được lấy từ cơ sở sản xuất được gửi ra TP Đà Nẵng kiểm nghiệm, mỗi mẫu phải mất gần 1,5 triệu đồng. Do đó, nhiều loại thực phẩm chỉ có thể lấy vài mẫu nên khó kiểm soát tốt mức độ an toàn", ông Bình nói.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Vụ nhập viện sau khi ăn bánh mì ở quán nổi tiếng: Đề nghị phạt 82,5 triệu đồng Liên quan vụ việc hơn 210 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì, quán Cô Dung ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị đề nghị xử phạt 82,5 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 3 tháng. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 14-12, một lãnh đạo Phòng Y tế TP Buôn Ma Thuột...