Nghiêm cấm cắt xén chương trình lớp 12
Cùng với việc chốt lại những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 khi chính thức đưa vào quy chế thi, ngày 29-3, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu tất cả các trường THPT toàn quốc tuyệt đối không được cắt xén chương trình học trước thời hạn quy định.
Các trường không được cắt xén chương trình để ôn thi cho thí sinh
Điểm 1 là điểm liệt
Một trong những điểm đáng lưu ý nhất trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2014 được bổ sung lần này là thay đổi cách xác định điểm xét tốt nghiệp. Theo đó, học sinh được xét tốt nghiệp dựa trên điểm trung bình giữa điểm trung bình tổng điểm 4 bài thi và điểm trung bình cả năm lớp 12. Để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh năm nay được yêu cầu phải đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, không có bài thi nào từ 1,0 điểm trở xuống và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên đối với những thí sinh bình thường. Như vậy thay vì điểm liệt là 0 điểm thì năm nay điểm liệt được quy định là 1 điểm và xét cả điểm trung bình năm học lớp 12.
Quy chế thi năm nay đưa ra quy định môn thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn; trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ. Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi: Toán và Ngữ văn 120 phút; Lịch sử và Địa lí 90 phút; Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ 60 phút. Các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ cộng điểm khuyến khích (nếu có) gồm: Chứng nhận nghề phổ thông; Chứng nhận đoạt giải trong các kỳ thi do ngành giáo dục tổ chức hoặc phối hợp với các ngành chuyên môn khác từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT, gồm: thi học sinh giỏi các môn văn hoá; thi thí nghiệm thực hành (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế. Những quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 8-5-2014, trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT hơn 3 tuần.
Video đang HOT
Đảm bảo xếp loại đúng năng lực
Trước những thay đổi này, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những yêu cầu để chuẩn bị tốt nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Do điểm trung bình các môn văn hóa học sinh lớp 12 được tính vào điểm xét tốt nghiệp THPT nên Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Đối với việc ôn thi, ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, nhà trường cần tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm giúp học sinh nâng cao mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức. Theo đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn Ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường THPT và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải. Đặc biệt, để đối phó với việc ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhiều trường đã chủ động cắt giảm các môn phụ, cho thi học kỳ sớm để có thời gian tập trung vào những môn học sinh đăng ký thi, ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị lãnh đạo các sở
GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định.
Theo ANTD
Đánh giá giảng viên: Dễ phát sinh tiêu cực
"Chúng em không quan tâm lắm đến nội dung đánh giá giảng viên vì tiêu chí khá chung chung và bản thân cũng không muốn ảnh hưởng đến tiêu chí bình xét thi đua của giảng viên" - một sinh viên năm cuối ĐH Hà Nội chia sẻ.
Cần xây dựng văn hóa đánh giá giảng viên trong giảng đường đại học
(Ảnh minh họa)
Làm hình thức - trả lời cho có
Yêu cầu lấy ý kiến đánh giá giảng viên từ sinh viên đã được đặt ra 5 năm nay nhưng cho đến giờ, vẫn được thực hiện cầm chừng. Điều đáng nói là ngay một trường ĐH lớn ở Hà Nội nhưng sinh viên khi được hỏi lại khá thờ ơ với hoạt động này.
N.H.Tú, sinh viên năm cuối ĐH Hà Nội cho biết, nhà trường vẫn phát phiếu khảo sát hàng năm để lấy ý kiến đánh giá của sinh viên với giảng viên nhưng nội dung như thế nào thì sinh viên này hoàn toàn không nhớ. "Em cũng không quan tâm nhiều đến nội dung. Chủ yếu là đánh dấu vào phần trả lời đánh giá tốt cho giảng viên lấy thành tích, xếp loại thi đua. Nếu nhà trường thực sự muốn lấy ý kiến của sinh viên để điều chỉnh, nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên thì sinh viên cũng sẵn sàng hợp tác. Còn nếu làm chỉ vì thành tích thì sinh viên cũng chỉ đánh dấu cho có, cho đủ" - nữ sinh viên này cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh phân tích, phần lớn các trường không đánh giá cao ý kiến của sinh viên, làm qua loa, đưa ra các tiêu chí đánh giá chung chung, mơ hồ. Chính điều này đã khiến cho sinh viên trả lời quấy quá cho xong việc. Như vậy, kết quả khảo sát không thu được những ý kiến xác đáng, giảng viên nào cũng nhận được những đánh giá tốt nhưng hoàn toàn không thực chất.
Xây dựng văn hóa đánh giá
Việc khảo sát ý kiến sinh viên được một số trường triển khai dưới nhiều hình thức. Không chỉ lấy ý kiến đánh giá giảng viên qua phiếu khảo sát, trường ĐH Nội vụ còn có những cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện sinh viên các lớp với lãnh đạo nhà trường. Đây là cơ hội để sinh viên phản ánh thực tế học tập, sinh hoạt của mình tại trường cũng như đưa ra các nhận xét, đề xuất về các giờ học trong trường. Tuy nhiên, việc làm này lại không tránh khỏi những trở ngại từ phản ứng thiếu tích cực của giảng viên. "Có thầy giáo sau khi nhận được ý kiến đóng góp của sinh viên về việc trả điểm chậm đã yêu cầu khoa họp lại và phải chỉ ra xem sinh viên nào đưa ra ý kiến đó" - một sinh viên trường này cho biết. Với "văn hóa" tiếp nhận ý kiến đánh giá như vậy, sinh viên chỉ có thể im lặng hay phản ánh qua quít.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: "Giảng viên cần có ý thức sinh viên đánh giá giảng viên là tất yếu, không thể vì học trò đánh giá mình mà không hài lòng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng: "Việc lấy ý kiến sinh viên đánh giá giảng viên đòi hỏi sự thận trọng, nên chia thành nhiều giai đoạn, triển khai từng bước vì nếu không cẩn thận sẽ đem lại kết quả ngược, dễ phát sinh tiêu cực. Còn nếu không lắng nghe những đánh giá của sinh viên, thì không loại trừ tính chủ quan của tập thể giảng viên, trong khi chất lượng giảng dạy là sự sinh tồn của một trường đại học".
Theo ANTD
Đặc cách tuyển dụng giáo viên Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có thông báo tuyển dụng 303 viên chức, trong đó có 214 giáo viên và 89 nhân viên. Điểm mới của đợt tuyển dụng này là mở rộng đối tượng đặc cách. Theo đó, sẽ xét tuyển đặc cách thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp hệ chính quy các trường đại học, học viện trên địa bàn thành...