Nghịch lý xe lắp ráp ở Việt Nam đắt hơn xe nhập khẩu
Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Indonesia khiến giá xe lắp ráp chưa thể rẻ như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Tháng 6/2019, Toyota giới thiệu Fortuner bản lắp ráp với mức giá tăng nhẹ so với bản nhập khẩu Indonesia 2-7 triệu đồng. Quyết định của liên doanh Nhật đến chỉ sau hơn 2 năm kể từ 2017, thời điểm hãng chuyển Fortuner từ lắp ráp sang nhập khẩu nhằm tận dụng ưu đãi thuế 0% khi nhập xe từ các nước ASEAN về bán tại Việt Nam.
Fortuner bản lắp ráp ra mắt tháng 6/2019. Ảnh: Toyota
Tháng 7/2020, Mitsubishi ra mắt Xpander AT lắp ráp trong nước, mẫu MPV hiện bán chạy nhất thị trường ôtô Việt Nam kèm mức giá không đổi so với bản nhập khẩu, 630 triệu đồng. Phiên bản số sàn MT vẫn duy trì hình thức nhập từ Indonesia. Hôm 21/7, sau nhiều lần phủ nhận, Honda cuối cùng vén màn CR-V phiên bản lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc. Tuy vậy hãng này chưa tiết lộ giá bán cụ thể, có thể tăng nhẹ. Nhưng với hàm lượng công nghệ an toàn dồi dào hơn nhiều so với bản nhập khẩu, xe lắp ráp tăng nhẹ giá cũng là điều dễ đoán.
Trước nay, xe nhập khẩu do chịu các loại thuế cao nên thường đắt hơn rất nhiều so với xe lắp ráp. Kỳ vọng của khách hàng luôn là “xe lắp ráp phải rẻ”. Nhưng Fortuner, CR-V hay Xpander lắp ráp trong nước không như kỳ vọng của người tiêu dùng, giá không thấp, thậm chí cao hơn so với bản nhập khẩu.
Vì sao?
“Chi phí nhập một bộ linh kiện hoàn chỉnh dùng để lắp ráp ôtô từ nhà cung ứng ở nước ngoài khi về Việt Nam còn cao hơn so với nhập một mẫu xe CBU hoàn thiện. Đó là nguyên nhân cơ bản”, trưởng phòng truyền thông, bán hàng của một hãng xe Nhật nói. “Giá không thấp hơn so với nhập khẩu nhưng hãng chọn lắp ráp những dòng xe chiến lược như một cách để chủ động hơn về nguồn cung”.
Video đang HOT
Xpander xuất xưởng tại nhà máy Mitsubishi ở Bình Dương hôm 20/7. Ảnh: Mitsubishi
Theo vị này, thuế nhập khẩu linh kiện ôtô vào Việt Nam hiện nay trung bình khoảng 7-9%. Khi sản xuất tại Việt Nam, giá xe ban đầu khó giảm so với việc nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia chỉ với thuế 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 2018.
Một khía cạnh khác chi phối giá xe xuất xưởng là mức nội địa hóa linh kiện. Tỷ lệ nội địa hóa xe con sản xuất tại Việt Nam hiện chỉ đạt 7-10%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra và dưới con số trung bình của ASEAN (55-60%). Theo báo cáo của Bộ Công thương, ngành xe nói chung hiện chỉ tự làm được các thành phần như săm, lốp, ghế ngồi, bộ dây điện… có hàm lượng công nghệ thấp.
Tỷ lệ nội địa hóa xe con loại dưới 9 chỗ ở Việt Nam. Nguồn: Bộ Công thương, Marklines
Gọi là sản xuất xe nhưng thực tế tại Việt Nam, quá trình này thuần về lắp ráp các linh kiện nhập khẩu có sẵn. Kể cả khi nhập linh kiện có giá ngang nước sản xuất, khi về nước giá cũng đội lên vì phải chịu chi phí vận chuyển, lưu kho.
Một sản phẩm để tiến tới hạ giá thành cần đạt hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, tức phải sản xuất nhiều, muốn vậy phải tiêu thụ số lượng lớn. Dây chuyền sản xuất nhiều triệu USD cũng cần vài năm để khấu hao vào sản lượng.
“Chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam hiện nhỉnh hơn khoảng 15-20% so với ở nước ngoài”, trưởng ban kế hoạch chiến lược một hãng xe Nhật cho biết. “Giả sử cùng mức đầu tư cho một sản phẩm nhưng lượng sản xuất ở Thái Lan cao gấp 2-3 lần Việt Nam thì mức khấu hao sản phẩm/xe ở nước láng giềng thấp hơn, tiền đề để giá thành xe giảm”.
Dung lượng thị trường càng lớn, cơ hội tăng sản lượng xuất xưởng một mẫu xe cũng lớn hơn. Xét về khoản này, Việt Nam chưa bằng nhiều nước trong khu vực.
Theo số liệu của Hiệp hội ôtô Đông Nam Á (AAF) trong 2019, xe mới tiêu thụ và năng lực sản xuất ôtô nội địa của Việt Nam xếp thứ 4 khu vực. Indonesia là quốc gia có lượng xe mới bán ra nhiều nhất, Thái Lan dẫn đầu về quy mô xuất xưởng xe mới, trong khi Malaysia xếp thứ 3 xét ở cả hai khía cạnh.
Chỉ ở phân khúc xe sang, việc xe lắp ráp rẻ hơn xe nhập khẩu mới thành hiện thực. Bởi lẽ, hầu hết các xe này nhập khẩu từ châu Âu, Nhật… với thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao, khoảng 70%, không được ưu đãi 0% như từ ASEAN. Tuy vậy, với những Hiệp định thương mại đã có lộ trình, thuế nhập khẩu từ các nước này sẽ được cắt giảm theo từng bậc và tiến tới xóa bỏ trong khoảng 10 năm.
Việc một số mẫu xe đạt doanh số tốt chuyển sang lắp ráp còn phản ánh sức nặng của các chính sách ưu tiên thúc đẩy sản xuất xe hơi nội địa từ Chính phủ đã tác động lên nhiều liên doanh. Xpander, Fortuner hay CR-V đều bán hơn 10.000 xe trong 2019 và đang là những dòng xe chủ lực của Mitsubishi, Toyota hay Honda. Chọn lắp ráp bên cạnh một số sản phẩm khác nhập khẩu không chỉ câu chuyện nguồn cung, mà còn là sự cân đối giữa hai dạng thức kinh doanh để thích ứng với những biến động của thị trường ôtô Việt những năm tới.
Xe MG sẽ được lắp ráp tại Việt Nam vào đầu 2021
Hai mẫu SUV MG ZS và HS hiện đang được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng sẽ được chuyển về lắp ráp tại Việt Nam ngay vào cuối năm hoặc đầu năm sau.
MG sẽ lắp ráp một số mẫu xe tại Việt Nam vào năm 2021. Ảnh: Phúc Vinh
Thương hiệu MG (Morris Garages) trở lại thị trường Việt Nam với nhà phân phối mới là Tan Chong (TC). Doanh nghiệp này hiện đang lắp ráp và phân phối một số thương hiệu xe tại Việt Nam, trong đó có Nissan.
Hai mẫu SUV của MG là ZS và HS sẽ được bán ra thị trường Việt Nam vào tháng 8 tới. TC Services Vietnam cho biết bộ đôi SUV ra mắt sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình của thương hiệu MG tại Việt Nam.
Cả 2 mẫu xe của MG tham chiến ở phân khúc SUV đang rất sôi động tại Việt Nam. Đây cũng là hai đại diện MG bán chạy tại thị trường Thái Lan, nơi có những đối thủ sừng sỏ nhất. Đây là lý do phía TC tự tin với kế hoạch phân phối thương hiệu mới.
MG HS sẽ cạnh tranh với các đối thủ Honda CR-V, Mazda CX-5. Trong khi đó, đàn em MG ZS sẽ đối đầu ở phân khúc B-SUV với các đối thủ trực tiếp là Ford EcoSport, Hyundai Kona.
Thiết kế và các trang bị hướng đến đối tượng khách hàng trẻ, cả 2 mẫu xe MG đều khá bóng bẩy và có độ hoàn thiện rất tốt. Xe cũng hướng đến người dùng với các tiện nghi cao cấp như khoảng để chân hàng ghế sau và khoảng cách trần tốt nhất trong phân khúc, khoang chứa hành lý rộng rãi, cửa sổ trời toàn cảnh, màn hình giải trí cảm ứng tiên tiến kết nối điện thoại thông minh, hệ thống lọc không khí PM2.5 độc lập. Phiên bản MG HS được trang bị cửa gió điều hòa mô phỏng động cơ máy bay, màn hình ảo kích thước 12.3inch hệ thống đèn nội thất đa sắc.
Các trang bị an toàn trên mẫu xe này bao gồm: hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), hệ thống kiểm soát cân bằng động (VDC), hệ thống phân phối lực phanh điện tử (EBD), kiểm soát hành trình, hệ thống kiểm soát độ bám đường (TCS), hệ thống khởi hành ngang dốc (HHC), cảm biến áp suất lốp trực tiếp (TPMS), Kiểm soát phanh ở góc cua (CBC), cảm biến tránh va chạm phía sau, camera lùi, 6 túi khí.
Phiên bản MG HS được bổ sung thêm hệ thống khóa vi sai điện (XDS), hệ thống kiểm soát chống lật xe (ARP), hỗ trợ đổ đèo (HDC), cảnh báo điểm mù (BSD), cảnh báo mở cửa an toàn (DOW), cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau (RCTA), hỗ trợ chuyển làn (LCA).
Theo các thông tin được chia sẻ từ TC Services Vietnam, bộ đôi MG HS và MG ZS hiện đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng sắp tới sẽ chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan trong một vài tháng tới.
Đáng chú ý, Tan Chong cũng đang lên kế hoạch lắp ráp một số mẫu xe MG tại Việt Nam vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau ngay tại nhà máy lắp ráp của mình ở Đà Nẵng, nơi đã từng lắp ráp các mẫu xe Nissan cho thị trường Việt Nam. Việc chuyển đổi nguồn cung sẽ giúp các mẫu xe này có mức giá cạnh tranh hơn so với mức giá hiện nay.
Hiện chưa có thông báo chính thức về việc sẽ dừng phân phối xe Nissan tuy nhiên, theo kế hoạch, bản gia hạn hợp đồng giữa Tan Chong và Nissan sẽ kết thúc vào tháng 9 tới.
Quyết đấu ô tô 'nội', xe nhập khẩu mẫu mã mới tràn vào Việt Nam Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc với nhiều mẫu mã mới lần lượt đổ bộ vào Việt Nam nhằm cạnh tranh xe lắp ráp trong nước vốn đang được hưởng lợi từ chính sách. Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc với nhiều mẫu mã mới lần lượt đổ bộ vào Việt Nam Không còn ồ ạt đổ bộ như những tháng trước, số...