‘Nghịch lý’ Covid-19 ở Ấn Độ
Ca nhiễm nCoV ở Ấn Độ đã vượt một triệu, khiến nước này nhập hội cùng Mỹ và Brazil trong một “câu lạc bộ” không quốc gia nào muốn vào.
Tuy nhiên đằng sau con số này là một nghịch lý. Ấn Độ báo cáo 25.000 ca tử vong, chỉ bằng một nửa số người chết hai quốc gia nói trên ghi nhận vào thời điểm ca nhiễm vượt một triệu.
Người nhà bệnh nhân chết vì nCoV cầu nguyện trước lễ hỏa táng ở New Delhi tuần trước. Ảnh: Reuters.
Tỷ lệ tử vong tương đối thấp của Ấn Độ, cả về tỷ lệ phần trăm trên tổng số ca nhiễm và bình quân số ca tử vong trên một triệu dân, được nhiều người coi là bí ẩn. Chính phủ Ấn Độ nhiều lần dùng số liệu này để trấn an người dân, nói rằng thống kê cho thấy tình hình dịch tại nước này không nghiêm trọng như nhiều quốc gia khác.
Sự lạc quan đó có thể đã được đặt nhầm chỗ. Các chuyên gia cho rằng dữ liệu của chính phủ chắc chắn không thể phản ánh đầy đủ tình hình ở nơi phần lớn người dân chết ở khu vực nông thôn và không được chăm sóc y tế, khiến họ ít khả năng được xét nghiệm hoặc chẩn đoán. Có nhiều dấu hiệu cho thấy những trường hợp chết vì nCoV bị bỏ sót hoặc báo cáo sai. Tỷ lệ xét nghiệm nCoV bình quân đầu người ở Ấn Độ vẫn thấp.
Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất báo cáo ca nhiễm cao trong khi ca tử vong tương đối thấp. Nga ghi nhận gần 760.000 ca nhiễm, trong đó khoảng 12.000 người chết, làm dấy lên nghi ngờ về phương pháp đếm.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi đầu tháng này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bênh vực cho tỷ lệ tử vong thấp của Nga. “Các bạn có bao giờ nghĩ đến việc hệ thống y tế của Nga ưu tú hơn chưa?”, ông nói.
Tỷ lệ tử vong của Nga, được đo bằng cách lấy ca tử vong chia cho ca nhiễm, là 1,6%. Ấn Độ ở mức 2,6% còn Mỹ là 3,9%. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo những số liệu này còn phụ thuộc vào tỷ lệ xét nghiệm và báo cáo ca tử vong, vì vậy, chúng có giá trị hạn chế.
Các chuyên gia đồng ý rằng yếu tố nhiều khả năng khiến tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ thấp là dân số trẻ. Theo điều tra dân số gần đây nhất, chỉ 5% người Ấn Độ từ 65 tuổi trở lên trong khi hơn một nửa ở độ tuổi 25. Các nghiên cứu chỉ ra người già là nhóm người dễ có triệu chứng nghiêm trọng hay tử vong khi nhiễm nCoV.
Một loạt lập luận khác được đưa ra để giải thích tỷ lệ tử vong thấp ở Ấn Độ, như việc nhiều người dân tiêm vaccine lao có thể giúp kích thích hệ thống miễn dịch, chủng virus lây lan ở đây không nguy hiểm như những nơi khác hay người Ấn Độ có một số đặc điểm miễn dịch hoặc di truyền đặc biệt chưa được phát hiện. Nhưng không có bằng chứng cho những lập luận này.
Video đang HOT
Trong khi đó, tình hình dịch ở Ấn Độ không có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến một số bang và thành phố phải tái áp đặt phong tỏa đã được dỡ bỏ vài tuần trước. Cả số ca nhiễm và ca tử vong hàng ngày đều tăng lên những mức cao kỷ lục mới. Ấn Độ “có thể đang đối mặt với một ‘quả bom hẹn giờ’ vì virus vẫn tiếp tục lây lan”, theo Prabhat Jha, nhà dịch tễ học tại Đại học Toronto, Canada.
Jha từng dẫn đầu một nghiên cứu lớn xác định nguyên nhân tử vong của hơn một triệu người ở Ấn Độ. Ông nói rằng cần triển khai nỗ lực có quy mô lớn tương tự nếu nước này muốn hiểu được phạm vi lây nhiễm thực sự. “Cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch là có dữ liệu tốt hơn nhưng chúng đang không được thu thập”, Jha nói.
Ngay cả ở các nước phát triển, số ca tử vong vì Covid-19 cũng chưa được phản ánh đầy đủ trong thống kê chính thức. Vì vậy, các chuyên gia tập trung phân tích “số ca tử vong tăng bất thường”, tức chênh lệch giữa số người chết hiện giờ với cùng kỳ các năm trước, khi dịch chưa bùng phát.
Washington Post đã liên lạc với giới chức 4 thành phố lớn nhất Ấn Độ: Mumbai, Delhi, Chennai và Kolkata, để xin dữ liệu về tổng số người chết mỗi tháng từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2019 và 2020. Chỉ Mumbai cung cấp số liệu đầy đủ và cập nhật trong khi Kolkata không cung cấp.
Tại Mumbai, thành phố đầu tiên ở Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, tổng số ca tử vong trong tháng ba năm nay còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Các quan chức cho biết mức giảm này có thể là do họ đã thực hiện biện pháp phong tỏa mạnh mẽ trên toàn quốc, giúp giảm số ca tử vong vì những nguyên nhân như tai nạn xe hơi. Vào tháng tư, số người chết hai năm tương đương nhau.
Tuy nhiên, vào tháng 5, số người chết trong thành phố là 12.963, cao hơn nhiều so với mức 6.832 cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thành phố này báo cáo số người chết vì Covid-19 vào tháng 5 là 2.269. Nguyên nhân cho bước nhảy vọt này có thể là những ca tử vong từ những tháng trước đến lúc này mới được báo cáo, I.S. Chahal, ủy viên thành phố của Mumbai, nói. Chahal cho biết Mumbai cũng điều trị cho nhiều bệnh nhân từ các khu vực lân cận.
Ông nói thêm rằng giới chức đã nỗ lực ghi nhận đầy đủ các trường hợp tử vong do Covid-19, mặc dù điều đó có thể khiến tỷ lệ tử vong chính thức tăng lên. Hồi tháng 6, Chahal yêu cầu các bệnh viện và phòng khám liệt kê trong vòng 48 giờ bất kỳ trường hợp tử vong vì Covid-19 nào chưa được báo cáo, nếu không ông sẽ đóng cửa các cơ sở. Kết quả là hơn 800 trường hợp tử vong được thêm vào tổng số.
Tại một số thành phố của Ấn Độ, nhân viên nghĩa địa và nhà hỏa táng nói rằng họ đang xử lý nhiều trường hợp tử vong được xác nhận hay nghi do Covid-19 hơn so với số liệu chính thức.
Tại thành phố Vadodara ở tây Ấn Độ, số liệu chính thức cho thấy số ca nhiễm đã tăng hơn 2.000 kể từ đầu tháng 6. Nhưng số người chết hầu như không tăng, chỉ nhích từ 57 lên 60. Trong khi đó, một trong những bệnh viện của thành phố đã ghi nhận ít nhất 100 trường hợp tử vong do Covid-19, vượt xa số liệu chính thức, theo một người giấu tên có quyền truy cập vào hồ sơ y tế.
Vinod Rai, quan chức phụ trách phản ứng Covid-19 của Vadodara, bác bỏ cáo buộc thống kê sai sự thật. “Số liệu của thành phố là chính xác và bao gồm tất cả người chết do Covid-19, được xác định theo hướng dẫn của chính phủ Ấn Độ”, ông nói.
Theo thống kê của chính phủ, từ trước khi đại dịch xảy ra, ước tính 20% người chết ở Ấn Độ không được báo cáo, thường là do những người này chết ở nhà, tại vùng xa thành phố. Chênh lệch trong dữ liệu của Ấn Độ có nghĩa là số người chết vì Covid-19 thực sự cao hơn thống kê chính thức, nhưng không ai biết chính xác cao hơn bao nhiêu nếu không có nghiên cứu sâu hơn, K. Srinath Reddy, chủ tịch Quỹ Y tế Công cộng Ấn Độ cho biết.
Theo Reddy, một số yếu tố khác có thể khiến ca tử vong ở Ấn Độ thấp là phần lớn dân số sống ở khu vực nông thôn, nơi có mật độ dân số thấp hơn thành thị, khiến virus lây lan chậm hơn.
Hơn một nửa số ca tử vong ở Ấn Độ được ghi nhận tại 7 đô thị lớn. Những thành phố này “vẫn đang chiến đấu với virus”, Reddy nói. “Điều không thể nói trước được là liệu chúng ta có thể ngăn virus lây lan sang những khu vực khác đang an toàn hơn hay không”.
Một số chuyên gia nói rằng dù họ tin dữ liệu của Ấn Độ phản ánh tình hình chưa đầy đủ, một điều cần chú ý là các quốc gia khác ở Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Pakistan và Bangladesh, cũng có bình quân người chết trên một triệu dân tương đối thấp.
“Có thể nói nước này nước kia báo cáo dữ liệu giả để che đậy tình hình, nhưng khó có chuyện tất cả các nước đều làm vậy”, nhà virus học Shahid Jameel nói. Ông hy vọng sẽ xuất hiện những nghiên cứu sâu hơn về việc liệu các quần thể dân cư khác nhau có phản ứng miễn dịch khác nhau đối với virus hay không.
Raul Rabadan, giáo sư tại Đại học Columbia, cho biết ông chưa thấy bằng chứng thuyết phục nào chứng minh việc từng phơi nhiễm loại virus khác cải thiện phản ứng của con người đối với nCoV. Các biến thể của nCoV cũng chưa được chứng minh là thay đổi nguy cơ gây chết người của nó.
Việc chỉ ra yếu tố nào dẫn đến tỷ lệ tử vong ở mỗi nơi một khác là thách thức ngay tại trong một quốc gia chứ chưa nói đến giữa các nước với nhau, Rabadan nhận xét. Chẳng hạn, giữa Ấn Độ và Mỹ có sự khác biệt về hệ thống y tế, phương pháp báo cáo ca tử vong, tiêu chí xét nghiệm nCoV và nhân khẩu học.
“Tỷ lệ tử vong có vẻ thấp của Ấn Độ là một nghịch lý, nhưng tôi sẽ nhìn nhận một cách thận trọng”, Rabadan nói.
Người Việt bất ngờ trước lệnh phong toả ở Ấn Độ
Tối 24/3, Linh, sống tại New Delhi, ngỡ ngàng khi nghe Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố phong toả toàn quốc để chặn Covid-19, áp dụng luôn cho ngày hôm sau.
Thông báo mới của Thủ tướng Narendra Modi được phát trên truyền hình quốc gia tối 24/3. Ông cho biết lệnh phong toả có hiệu lực trong 21 ngày nhằm "cứu Ấn Độ" trước Covid-19, cảnh báo nếu không xử lý tốt, Ấn Độ có thể tụt hậu 21 năm.
"Tôi bất ngờ vì chưa chuẩn bị tâm lý cho lệnh cấm dài hơn, khi Ấn Độ vừa kết thúc lệnh giới nghiêm từ ngày 22/3", Nguyễn Huỳnh Khánh Linh nói. Lệnh giới nghiêm kéo dài 14 tiếng được cho là thử nghiệm quan trọng của Ấn Độ về khả năng chống lại đại dịch.
Ấn Độ khi đó ghi nhận hơn 500 ca nhiễm nCoV và 10 người chết, thấp hơn nhiều nước khác. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết số bệnh nhân tại nước này đang gia tăng với tốc độ tương đương giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch ở các quốc gia khác. Tình trạng này sau đó thường dẫn tới sự gia tăng ca nhiễm nCoV theo cấp số nhân.
Sau giây phút cảm thấy "trở tay không kịp", Linh quyết định đặt mua các loại thực phẩm tươi vì đã đủ đồ khô dành cho 7 người trong gia đình. Tuy nhiên, tất cả các nhà cung cấp đều báo không thể giao hàng vì không có giấy phép đi lại. Đến ngày 31/3, sau một tuần ở trong nhà, Linh đi mua thêm thực phẩm và phải giải trình khá lâu với cảnh sát về lý do ra đường. Khi chính phủ bỏ quy định giấy phép đi lại, các kênh bán hàng trực tuyến lại thiếu người giao hàng. Đến đầu tháng 4, nhiều nhà cung cấp thông báo chỉ nhận đơn khi khách trả tiền trước.
Tình trạng quá tải đơn hàng online cũng diễn ra tại Gujarat, bang phía tây Ấn Độ, cách New Delhi hơn 900 km, theo Nguyễn Thanh Tâm. Các thành viên trong gia đình cô đi chợ để mua rau quả tươi hai ngày một lần. Mọi người đều mang khẩu trang, rửa tay để tránh nCoV. Gia đình chồng Tâm, là người Ấn, ăn chay nên cô nói vui rằng mình "không bị áp lực nhiều về ăn uống". Người dân ở Gujarat đều trữ đồ khô theo thói quen nên không có hiện tượng đổ xô mua sắm.
Tại bang Himachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ, nằm trên dãy Himalaya, nơi Trần Tường Thụy đang sinh sống, chính quyền quy định người dân chỉ được đi ra đường trong thời gian 8-11h sáng để mua đồ. Cảnh sát không cho phép dùng phương tiện cá nhân để di chuyển, nhiều người phải đi bộ xa để mua sắm. Sau khi người dân kiến nghị, nhà chức trách cho phép họ gom chung để đặt hàng và chuyển tiền online, nhằm hạn chế tiếp xúc. Thuỵ chỉ mua đồ đủ dùng trong vài ngày, không tích trữ nhiều, vì các cửa hàng vẫn mở bán theo khung giờ quy định.
Người dân Ấn Độ chen chúc lên xe bus ở ngoại ô New Delhi, ngày 29/3, để về quê sau lệnh phong toả. Ảnh: Reuters.
Dù bất ngờ nhưng Linh vẫn ủng hộ lệnh phong toả của chính phủ, cô cho rằng việc chính phủ không báo trước về lệnh hạn chế giúp người dân tránh hoảng loạn. Linh chấp nhận phải đối diện với cả khó khăn trong công việc, khi hàng của công ty bị kẹt ở Nhava Seva, cảng lớn nhất của Ấn Độ, thuộc thành phố Mumbai. Cô là đại diện một công ty của Việt Nam tại Ấn, chuyên về xuất khẩu nguyên liệu nhựa nguyên sinh. Chính phủ Ấn Độ cho phép tất cả các hàng vào cảng được xuất ra, không phân biệt là hàng thiết yếu, cho phép thông quan điện tử nhưng các doanh nghiệp vẫn không thể lấy hàng ra do thiếu tài xế và người bốc xếp.
"Nhiều lao động tự do làm việc ở cảng đã về quê sau lệnh phong toả. Hiện cảng chỉ có khoảng 50% nhân công", Linh nói.
Hàng chục triệu người Ấn Độ cố tìm cách rời khỏi các thành phố lớn để về quê sau khi chính phủ ban hành lệnh phong toả. Trong số 470 triệu lao động của Ấn Độ, khoảng 80% làm phi chính thức, theo New York Times.
Nguyễn Hiền, đang sống ở Mumbai, đoán Ấn Độ rút kinh nghiệm khi theo dõi diến biến nhanh ở Hàn Quốc và Italy nên áp chính sách phòng Covid-19 chặt chẽ. Cảnh sát tăng hoạt động trên phố để giám sát người dân thực hiện lệnh hạn chế đi lại. Chủ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc vẽ vòng tròn, đảm bảo mỗi khách hàng đứng xa nhau 3m. Hiền đang chứng kiến một Mumbai "vắng lặng chưa từng thấy".
Tính đến ngày 3/4, Ấn Độ ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm nCoV, trong đó 72 người chết.
Sống ở Ấn Độ 15 năm, Linh chưa bao giờ trải qua cảm giác bối rối như lúc này. Cô không hoảng sợ trước dịch bệnh nhưng cũng không có cảm giác an tâm hoàn toàn. Mỗi khi có việc ra đường về cô đều phải tắm rửa, giặt đồ để diệt khuẩn, dùng nước muối xúc họng khi bị ho.
"Tôi thấy mình đang phải chiến đấu với một kẻ thù vô hình", Linh nói.
Việt Anh
Cặp vợ chồng đặt tên hai con song sinh là Corona và Covid Một cặp vợ chồng ở Ấn Độ đã đặt tên cho hai đứa con song sinh của mình là Corona và Covid - để nhắc nhở về thời kỳ khó khăn mà họ phải chịu đựng trong đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa Quyết định đặt tên con một cách lạ lùng này được cặp vợ chồng ở thành phố Raipur đưa ra...