Nghịch lý có tiền nhưng không có đất trồng rừng
“Các doanh nghiệp bao giờ cũng vì mục tiêu lợi nhuận, họ không muốn trồng rừng thay thế. Nhưng họ phải ý thức được rằng, trồng rừng thay thế là trách nhiệm đối với quốc gia, đối với toàn cầu để nhằm bảo vệ môi trường, hoàn nguyên diện tích rừng đã mất đi”.
Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã khẳng định như vậy khi nói về mục tiêu trồng rừng thay thế bắt buộc phải hoàn thành trong năm 2016.
Thưa ông, hiện nay tiến độ trồng rừng thay thế trên cả nước còn khá chậm. Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến việc trồng rừng thay thế chưa được đẩy nhanh tiến độ?
- Việc trồng rừng thay thế chậm ở đây chúng ta phải xác định và chia ra làm hai giai đoạn – trước năm 2013 và từ 2013 đến nay. Giai đoạn trước năm 2013, Luật Bảo vệ phát triển rừng và Nghị định 23 đã quy định rất cụ thể về việc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Tuy nhiên, giai đoạn đó các cấp chính quyền địa phương, người dân và chủ dự án vẫn chưa chú trọng đến công tác này. Từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 62 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02 chỉ đạo về trồng rừng thay thế thì đã có nhiều bước chuyển biến rõ rệt.
Video đang HOT
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu trồng cây gây rừng tại khu vực rừng phòng hộ ven biển xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu).Ảnh: H.T
Tuy nhiên, việc này vẫn chậm do các nguyên nhân: Thứ nhất, vẫn còn sự chỉ đạo chưa quyết liệt của chính quyền các địa phương; thứ hai các chủ dự án ý thức chưa tốt trong vấn đề xây dựng các phương án trồng rừng thay thế; thứ ba, nhiều dự án được phê duyệt, chủ dự án đã nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) phần kinh phí trồng rừng thay thế thì địa phương không bố trí được đất để trồng rừng thay thế, nhưng chậm xử lý kinh phí ấy, có thể do quỹ chưa tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo Bộ NNPTNT bố trí đất trồng rừng thay thế ở các địa phương khác để sử dụng kinh phí một cách có hiệu quả.
Các chủ dự án phải ý thức được việc xây dựng phương án trồng rừng thay thế kèm theo báo cáo xin phép đầu tư, để làm sao khi phê duyệt dự án thì có thể trồng rừng thay thế. Trong trường hợp địa phương không có khả năng bố trí đất trồng rừng thay thế thì phải nộp tiền về Quỹ BVPTR để thực hiện trồng rừng thay thế diện tích ấy ở các địa phương khác”. Ông Nguyễn Văn Hà
Như ông nói, hiện tại về mặt thủ tục và những vấn đề liên quan đến chủ trương trồng rừng thay thế đã đáp ứng được hết để đẩy nhanh tiến độ hay chưa?
- Sau khi thực hiện các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ NNPTNT cũng đã tham mưu, trình 2 thông tư: Thông tư 24 và Thông tư 26 sửa đổi Thông tư 24 quy định về trồng rừng thay thế. Về cơ bản, hai thông tư này đã quy định khá chi tiết và tháo gỡ được những vướng mắc trong vấn đề trồng rừng thay thế.
Tuy nhiên, hiện nay ở các địa phương vẫn còn 2 vấn đề vướng mắc, đó là trong thông tư chưa quy định được cụ thể cơ chế hưởng lợi sau khi trồng rừng thay thế. Mặt khác, cũng chưa quy định sau 3 năm trồng rừng thay thế thì đến năm thứ 4 người nào chịu trách nhiệm chăm sóc phần trồng rừng thay thế ấy.
Cuối cùng, cũng chưa quy định cơ chế khi các chủ dự án nộp tiền về Quỹ BVPTR thì ai quản lý, ai làm chủ đầu tư để quyết định vấn đề sử dụng kinh phí. Đó là những vấn đề khó khăn của các địa phương.
Trong cuộc họp trực tuyến về trồng rừng thay thế do Chính phủ tổ chức vào tháng 10.2015, Chính phủ đã chỉ đạo khá quyết liệt vấn đề này. Vậy, Bộ NNPTNT đã đề ra những mục tiêu cụ thể để hoàn thành việc trồng rừng thay thế?
- Ngày 12.10.2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến về chỉ đạo công tác trồng rừng thay thế. Sau hội nghị, Phó Thủ tướng đã ra thông báo, trong đó chỉ đạo trong năm 2015 tất cả các công trình thủy điện đã đưa vào sử dụng thì phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế; đối với các diện tích khác phải hoàn thành công tác trồng rừng thay thế trong năm 2016.
Sau đó, Bộ NNPTNT đã có những văn bản hướng dẫn về định mức cũng như chỉ đạo về việc chuẩn bị cây giống… để sẵn sàng trồng rừng thay thế; đồng thời đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đi đến các vùng khác nhau nhằm đốc thúc việc trồng rừng thay thế và tháo gỡ các vướng mắc của địa phương để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế.
Hiện tại, trên cả nước vẫn còn một diện tích khá lớn chưa được trồng rừng thay thế. Vậy thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ có những giải pháp gì để “lấp đầy” các diện tích trống này?
- Giải pháp cụ thể để hoàn thành việc trồng rừng thay thế đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Về địa phương, UBND tỉnh phải chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng thời không phê duyệt những dự án mà không có phương án trồng rừng thay thế kèm theo. Các địa phương cũng cần làm công tác tuyên truyền để người dân, các chủ dự án hiểu được.
Về phía các chủ dự án, phải ý thức được việc trồng rừng thay thế là nhằm duy trì sinh thái, bảo vệ và đảm bảo môi trường sống cho Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai, góp phần với thế giới để hạn chế biến đổi khí hậu mà chúng ta vừa chứng kiến năm nay có hiện tượng El Nino rất mạnh do biến đổi khí hậu.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet