Nghịch cảnh bệnh viện Mỹ cắt giảm nhân viên giữa Covid-19
Các bệnh viện ở Mỹ phải hoãn hoặc hủy những phẫu thuật không khẩn cấp nhằm dành giường và thiết bị cho bệnh nhân Covid-19, khiến nguồn thu nhập chính bị cắt.
Một số bệnh viện buộc lòng sa thải nhân viên giữa lúc họ đang phải vật lộn điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV.
Một nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhi Quốc gia ở Washington cầm trên tay một mẫu xét nghiệm nCoV ngày 2/4. Ảnh: AFP.
Tuần trước, Bon Secours Mercy Health, công ty điều hành 51 bệnh viện tại 7 bang của Mỹ, thông báo cho nghỉ phép 700 nhân viên. Hôm 6/4, Ballad Health, công ty quản lý 21 bệnh viện ở Tennessee và tây nam Virginia, cũng công bố tin xấu tương tự với 1.300 nhân viên, đồng thời thông báo ban điều hành sẽ cắt giảm lương. Nhân viện tại Bệnh viện Nhi Quốc gia ở Washington tuần qua vừa nhận thông báo họ sẽ phải nghỉ một tuần, sử dụng thời gian nghỉ phép, hoặc nếu không còn phép thì phải nghỉ không lương.
Các nhà điều hành bệnh viện và chuyên gia phân tích nhấn mạnh không phải tất cả nhân viên bị cho nghỉ phép hoặc sa thải đều liên quan trực tiếp tới việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Số khác nói rằng việc cho nhân viên nghỉ phép sẽ giúp giảm số người trong bệnh viện, qua đó làm giảm tốc độ lây lan của virus. Nhưng vì thế mà áp lực đối với các bác sĩ, y tá và những nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch lại trở nên nặng nề hơn. Nhiều người phải kéo dài ca làm việc nhưng phúc lợi và lương lại giảm đi.
Với những bệnh viện đã gặp khó khăn tài chính trước cả khi dịch bùng phát, việc mất thu nhập khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp tục duy trì điều trị cho bệnh nhân.
“Tôi lo lắng về khoảng 25% bệnh viện có tình trạng tài chính yếu kém nhất. Những bệnh viện khác không thể tiếp nhận thêm số bệnh nhân Covid-19 từ các cơ sở này” nếu họ ngừng hoạt động, John Fox, giám đốc điều hành Beaumont Health, hệ thống y tế lớn nhất bang Michigan, cho hay.
Ông sợ rằng số lượng bệnh nhân gia tăng còn có thể gây quá tải cho cả những bệnh viện vốn có nguồn lực tài chính ổn định. “Đó là lúc bạn sẽ phải điều trị cho bệnh nhân trên bãi cỏ phía trước bệnh viện”, ông nói.
Theo Fox, Beaumont Health là một trong những hệ thống ổn định nhất về mặt tài chính ở Mỹ. Dưới điều kiện bình thường, thu nhập ròng của công ty đạt khoảng 16 triệu USD mỗi tháng. Nhưng sau khi hoãn các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp, Beaumont đang thiệt hại khoảng 100 triệu USD/tháng.
Video đang HOT
John Starcher, giám đốc điều hành Bon Secours, nói với các nhân viên rằng hệ thống cũng đang mất khoảng 100 triệu USD mỗi tháng.
Tại Virginia, bệnh viện và các hệ thống chăm sóc sức khỏe dự kiến mất tổng cộng 600 triệu USD trong 30 ngày từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4, Julian Walker, phát ngôn viên Hiệp hội Bệnh viện và Chăm sóc Sức khỏe Virginia, cho biết.
Con số trên phản ánh tổn thất trên toàn hệ thống y tế do việc hủy bỏ các thủ thuật y khoa không khẩn cấp, giới phân tích đánh giá. Một hệ thống bệnh viện điển hình với 1.000 giường và khả năng phẫu thuật ngoại trú được dự đoán mất khoảng 140 triệu USD, tương đương nửa doanh thu hoạt động, trong chu kỳ ba tháng, công ty tư vấn Advisory Board nhận định.
Vấn đề càng trở nên phức tạp bởi nhu cầu phân bổ tài chính cho việc thu mua thêm trang thiết bị giúp bảo vệ nhân viên và chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.
Các cơ sở y tế đã phải chi một lượng lớn tiền để xây các phòng áp lực âm giúp cách ly hiệu quả bệnh nhân Covid-19 với bên ngoài. Nhiều bệnh viện còn thiết lập cả các trạm xét nghiệm nhanh và những lều điều trị, làm cạn kiệt thêm ngân sách. theo báo cáo từ Tổng thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh (IG).
“Các bệnh viện ghi nhận mức tăng giá mạnh đối với một số trang thiết bị”, với việc một nhà điều hành bệnh viện cho biết khẩu trang bình thường có giá nửa đô nay tăng lên 6 đô/chiếc.
Theo Fox, ông đã chứng kiến tình trạng tăng giá đối với cả nhân công và vật tư y tế. Chẳng hạn, mức lương yêu cầu với y tá đã tăng gấp đôi trong ba tuần qua.
Chính quyền liên bang tháng trước phân bổ 100 tỷ USD tới các bệnh viện và một số nhà cung cấp dịch vụ y tế khác nhằm giúp họ bù đắp thu nhập bị sụt giảm, trả chi phí xây dựng các cơ sở tạm thời và mua thêm thiết bị, vật tư.
Nhưng các nhà điều hành bệnh viện và chuyên gia phân tích cho rằng số tiền trên là không đủ. 100 tỷ USD chỉ tương đương tổng doanh thu của ngành kinh doanh dịch vụ bệnh viện mỗi tháng, theo Advisory Board. Các bệnh viện dự kiến phải điều trị bệnh nhân Covid-19 trong vài tháng tới.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuần này sẽ bắt đầu tung ra 30 tỷ USD đầu tiên dưới dạng tài trợ “không ràng buộc” tới các bệnh viện, Seema Verma, quản lý Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid, hôm 7/4, cho hay. Cùng với một gói cứu trợ khác, tổng cộng 64 tỷ USD hỗ trợ bệnh viện sẽ được giải ngân.
Thi thể một bệnh nhân được đưa ra xe đông lạnh tại New York, Mỹ hôm 2/4. Ảnh: AFP.
Các bệnh viện hiện cũng lo lắng về tuyên bố trang trải chi phí điều trị Covid-19 cho cả những người Mỹ không có bảo hiểm mà chính quyền đưa ra, sợ rằng khoản chi này sẽ chiếm phần lớn trong gói cứu trợ 100 tỷ USD đầu tiên.
Không chỉ bệnh viện cảm nhận thấy áp lực. Các bác sĩ gia đình, bác sĩ nhi khoa, nội khoa hay những bác sĩ khác có nguồn thu nhập phụ thuộc vào hoạt động thăm khám trực tiếp đã bắt đầu nhận thấy công việc bị sụt giảm. Vì bệnh nhân ở nhà, họ thường quyết định hoãn các cuộc kiểm tra sức khỏe hay thực hiện những thủ thuật tự chọn.
Vài ngày sau khi lệnh cách ly cộng đồng được ban bố ở Oregon, Phòng khám Grants Pass đã phải cắt giảm khoảng 30% nhân công, giám đốc điều hành Christi Siedlecki cho hay. Phòng khám mới đây sa thải một bác sĩ có triển vọng trở thành đối tác. “Cho ông ấy nghỉ việc ảnh hưởng tới tương lai của chúng tôi”, bà nói.
Theo Siedlecki, phòng khám chưa quyết định có nộp đơn xin tiền từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương hay không. Đây là một phần khác trong gói kích thích từ chính phủ, cung cấp 350 tỷ USD dưới dạng khoản vay cho những công ty vẫn trả lương cho nhân viên trong đại dịch.
Nhưng Siedlecki nghi ngại rằng khoản vay kể trên từ chính phủ không thực sự là một đặc ân. “Ngay cả khoản vay không tính lãi, cuối cùng ai đó vẫn phải trả chúng”, bà nói.
Dù vậy, với nhiều bác sĩ, đây là lựa chọn duy nhất họ có.
“Nhiều phòng khám nhỏ không thể đợi hàng tuần để nhận tiền trợ cấp”, Shawn Martin, phó chủ tịch Học viện Bác sĩ Gia đình Mỹ, nhận xét.
David Pawlowski từ Tập đoàn Y tế Highgate ở Amherst, New York, cho biết họ đã phải sa thải 40% trong khoảng 100 nhân viên. Từ 250 bệnh nhân, Highgate giờ đây chỉ đón khoảng 5 bệnh nhân mỗi ngày.
Pawlowski nói ông và các cộng sự muốn đón thêm nhiều bệnh nhân hơn nhưng cuối cùng quyết định giảm thiểu bộ máy nhân sự và cố gắng chăm sóc nhiều bệnh nhân nhất có thể trực tuyến.
“Để bệnh nhân, những người mắc bệnh mạn tính, đến gặp và tiếp xúc với chúng tôi cũng như để chúng tôi tiếp xúc với họ là việc làm không đúng đắn”, ông nói. “Những thay đổi mấy tuần qua là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nó gần giống như một cơn ác mộng”.
Vũ Hoàng
Trung Quốc điều tra vụ nhiễm nCoV trong tù
Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc cử đoàn thanh tra tới điều tra nhà tù Nhiệm Thành ở Sơn Đông, nơi phát hiện 207 người nhiễm nCoV.
Lôi Đồng Sinh, phó tổng thư ký Ủy ban Chính pháp Trung ương, người phụ trách đoàn thanh tra, cam kết "nỗ lực hết sức" để cách ly các trường hợp nghi nhiễm nCoV và đảm bảo các tù nhân mắc bệnh được điều trị tại bệnh viện.
Ông Lôi cho biết Bộ Tư pháp Trung Quốc đã cử 28 đoàn công tác tới các nhà tù trên toàn quốc để đảm bảo tuân thủ chỉ đạo tăng cường giám sát quản giáo và nhân viên để ngăn chặn nCoV lây lan.
Nhà tù Nhiệm Thành ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Trung Quốc phát hiện hơn 500 trường hợp nhiễm nCoV tại các nhà tù trên khắp đất nước, làm dấy lên lo ngại về các ổ dịch mới. Tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19, ngày 21/2 cho biết có 271 người nhiễm nCoV tại các nhà tù của tỉnh, trong đó 220 trường hợp chưa được báo cáo.
Ủy ban Y tế tỉnh Sơn Đông cùng ngày cho biết 7 quản giáo và 200 tù nhân tại nhà tù Nhiệm Thành dương tính với nCoV. 34 ca nhiễm cũng được ghi nhận tại nhà tù Thập Lý Phong, phía đông tỉnh Chiết Giang. Nhiều quan chức tư pháp và phụ trách nhà tù đã bị cách chức do để virus lây lan tại các cơ sở giam giữ.
Dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán từ tháng 12/2019 và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tính đến ngày 22/2, dịch Covid-19 xuất hiện tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 77.000 ca nhiễm, 2.360 ca tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc đại lục.
Nguyễn Tiến (Theo Xinhua, SCMP)
Một người nhiễm virus corona ở Italy tử vong Adriano Trevisan, 78 tuổi, chết tại Veneto, bắc Italy ngày 21/2, trở thành người nhiễm virus corona đầu tiên tử vong tại nước này. Thợ nề về hưu Trevisan tử vong tại bệnh viện ở Veneto, nơi 10 ngày trước đó ông đã được chữa khỏi một bệnh không liên quan, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza nói tại Rome ngày 21/2. Một...