Nghĩa trang hẹp, sốt sắng lo chỗ hậu sự
Chị Nguyễn Thị Hà, giáo viên một trường mầm non tư thục ban đầu đã hoảng hốt khi hỏi nựng bé Mai đang học lớp chồi xem “nhà con ở đâu?”. Bé gái hồn nhiên: “nhà con gần nghĩa trang…”. Đến khi hỏi mẹ của cháu, chị mới biết, bé Mai nói thật…
Khu dân cư “vây” nghĩa trang
Những người dân tổ 46 phường Quan Hoa, Cầu Giấy (Hà Nội) đã quá quen thuộc với khu nghĩa địa còn sót lại ở giữa khu dân cư: khu nghĩa địa rộng chừng vài trăm m2, với khoảng vài trăm ngôi mộ.
Nghĩa trang hình tam giác, hai “cạnh” của “tam giác” ấy là con đường nhỏ xíu chỉ đi lọt một chiếc xe máy dẫn vào hàng trăm nhà dân cao chót vót mở… mặt tiền quay ra hướng nghĩa trang.
Cạnh còn lại của nghĩa trang “áp lưng” vào một dãy nhà khác, cũng cao chọc trời, với nhiều ô cửa sổ… mở bung.
Khu nhà dân chen chúc, “quây kín” nghĩa trang ở tổ 46 phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đấy là “một góc” nghĩa địa còn sót lại của dân làng Quan Hoa cũ. Trước, khi làng chưa lên phố, khu nghĩa địa nằm ở rìa làng, tiếp giáp với đoạn sông Tô Lịch (hướng đường Bưởi) và một con kênh nhỏ chạy song song với đường Nguyễn Khánh Toàn bây giờ.
Chừng năm 2000, cả khu đất rộng liền kề với nghĩa địa còn khá hoang vu, chỉ có vài khu nhà trọ xập xệ dựng tạm bợ cho sinh viên ngoại tỉnh thuê trọ, hay khu đóng than tổ ong, tập kết vật liệu xây dựng, gạch cát sỏi… của vài tư thương nhỏ lẻ.
Làng lên phố. Sông Tô được kè cứng hóa. Con đường Nguyễn Khánh Toàn kẻ mộ đường thẳng từ bảo tàng Dân tộc học vuông góc với đường Bưởi đã làm “thay da đổi thịt” toàn bộ khu đất có nghĩa trang.
Từ chỗ hoang vu ít người qua lại, đám sinh viên thuê trọ khi đó đi chơi tối về muộn, nhìn thấy ánh đom đóm lập lòe trên bụi tre và những khoảng tối sâu hun hút, chỉ thiếu nước mềm nhũn người vì sợ…, đất quanh nghĩa trang được người ngoại tỉnh tìm về mua.
Chỉ vài năm, khu đất gò bãi của làng Quan Hoa xưa trở thành khu dân cư sầm uất. Nghĩa địa của làng, theo chủ trương cấm chôn cất, mai táng mới…, vì thế mà cứ ngày càng co cụm lại. Không ai bảo ai, nhà dân thi nhau lấn chiếm, khiến cả khu nghĩa trang dường như bị “dồn” về một góc, thành… hình tam giác như ngày nay.
Con đường bé tý tẹo chỉ vừa một chiếc xe máy loằng ngoằng qua những khu mộ, khu dân cư và khu mộ “sống” xen kẽ, không có tường quây để “khu biệt” cõi âm với cõi dương, chứ chưa nói đến có một chiếc cổng tử tế để ra vào nghĩa trang.
Thân nhân, mà hầu hết là người làng Quan Hoa cũ, có ra thắp hương cho người khuất trong các dịp giỗ chạp, thắp bó nhang trên mộ cả trăm nhà dân xung quanh đều được… ngửi.
Sự lộn xộn, chen chúc tới mức xô bồ ấy đã thành “chuyện muôn năm cũ”. Hỏi, người dân sống xung quanh có sợ không, họ đều thành thật: “Rất sợ, nhất là những đêm khuya khoắt có việc đi sớm về muộn. Nhưng, phải “chung sống với mồ mả”, vì chẳng biết khi nào mới có chủ trương di dời phần sót lại của nghĩa trang làng ra những nghĩa trang tập thể đã được quận, Thành phố quy hoạch?!
Các cụ nghỉ hưu… sốt sắng lo tìm chỗ hậu sự
Video đang HOT
Trong tâm linh của người phương Đông, chuyện chết chóc, hậu sự… là một trong những điều tối kỵ, luôn được né tránh kể cả trong suy nghĩ.
Gia đình có người thân mất, lúc đó thân nhân mới lo đến chuyện mua áo quan, tìm chỗ mai táng, hung táng hay địa tang…, coi như sự đã rồi. Thế nhưng, trong muôn vàn nỗi lo của người dân thành phố, giờ đây có thêm mối lo tìm nơi… hậu sự.
Ông Nguyễn Văn B (cán bộ hưu trí phường M.D) nguyên là lãnh đạo của một xí nghiệp mới nghỉ hưu được hai năm nay. Khi mới nghỉ hưu, ông B. lên chương trình cho mình để tận hưởng cuộc sống sau mấy chục năm lao động, cống hiến.
Thời gian dành cho bạn bè cũng nhiều hơn, những cuộc mạn đàm bên ấm trà, ván cờ tướng không cần lo lúc nào tàn cuộc… Thế nhưng, cuộc sống tao nhã ấy không giữ được lâu.
Hội phụ lão, hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc phường… – nơi tập hợp, quy tụ các cụ ông, cụ bà đều ở tuổi thất thập, trong một ngày… đẹp trời gửi đến các hội viên của mình thông báo của một đơn vị đầu tư kinh doanh… nghĩa trang, họ gọi một cách “mềm mại”, đó là “kinh doanh bất động sản dành cho người cõi âm”.
Nhận được thư mời, không riêng ông B, hầu hết bạn bè của ông đều lấy làm giận giữ, vì khác gì đấy là… điềm xấu. Các ông vẫn còn đang phây phây, đang chung sống đầm ấm với gia đình, con cháu, làm sao phải nghĩ đến chuyện… hậu sự.
Nghĩ là nghĩ thế, nhưng ông vẫn đến “nghe xem nó thế nào”. Trong bài thuyết trình của một cán bộ, có phần nói về thực trạng của các nghĩa trang trong nội đô: nghĩa trang nào đóng cửa, nghĩa trang nào quá tải, chủ trương quy hoạch nghĩa trang của thành phố…
Toàn những chuyện “sát sườn” nhà nào cũng phải đến, nhưng từ trước đến nay, nhà nào cũng… né tránh.
Có cả một sử gia nổi tiếng cũng đến tham dự, và sử gia này thẳng thắn cho biết, chính ông cũng đang là khách hàng của chủ dự án đó, ông cũng tự mình mua trước cho mình một… khu mộ đôi trên mạn Hòa Bình.
Sau buổi hội thảo một cách tình cờ đó, câu chuyện về hậu sự không còn là “điều tế nhị” mà ai cũng né tránh nữa. Ông B. rành mạch bàn bạc với vợ con, gia đình… về chuyện rất nghiêm túc đó.
Ông tìm hiểu thông tin trên mạng, theo dõi thời sự về vấn đề quy hoạch nghĩa trang của Hà Nội, chính bản thân ông cũng rất nhiều lần đi… tham quan để trực tiếp mắt thấy tai nghe những mô hình như Công viên Vĩnh Hằng, Lạc Hồng Viên… – “nơi về” mà không ai là ngoại lệ…
Theo 24h
"Xếp hàng" chờ mua đất lo hậu sự ở Thủ đô
"Bố tôi là thế hệ chủ nhiệm HTX đầu tiên nên mới được ưu tiên có một suất "để dành" cho cụ bà, chứ thế hệ chúng tôi thì xếp hàng dài cũng chưa đến lượt..." - ông Đặng Văn Cảnh thành thật khi nói về... chuyện lo hậu sự của người già trong gia đình.
"Nếu chồng lên nhau, thì may ra có chỗ!"
Chuyện người dân Thủ đô mươi năm trở lại đây lo lắng vì chuyện hậu sự do phần lớn nghĩa trang trong nội đô đã chật kín và quá tải là điều hoàn toàn có thật.
Thậm chí, song song với đợt sốt đất Ba Vì do "làn sóng ảo", những địa danh như Đường Lâm, Tản Viên... càng trở nên nổi tiếng vì "người thành phố" đua nhau về "mua đất", "đặt chỗ" cho việc hậu sự của thân nhân mình, nhất là khi có tin đồn đó là những nơi... mả phát!
Ông Đặng Văn Cảnh buồn rầu bên khu mộ nghĩa trang dòng tộc
Chưa hết, một câu chuyện được chính ông quản trang của một nghĩa trang trong nội thành Hà Nội kể: có những gia đình giàu có, đại gia... năm lần mười lượt đến nhờ cậy ông, rằng nếu có nhà nào chuyển mộ thì nhớ "nhận phần" giúp, tiền bạc bao nhiêu gia đình này cũng đáp ứng.
Bởi vì, thứ nhất là nội thành, việc khói nhang cho các cụ thuận tiện thứ hai, là nguyện vọng của những người sống cũng muốn song thân phụ mẫu của mình lúc nào cũng gắn bó, gần gũi bên nhau, kể cả lúc chết.
Nghĩa tranh Chùa Láng chật chội không có chỗ chen chân.
Nhiều chuyện buồn khác, hai dòng họ vốn chi trên chi dưới, cùng nội tộc mà cũng mâu thuẫn, "cạch mặt" nhau chỉ vì chuyện tranh phần đất xây mộ... Thời buổi tấc đất tấc vàng, đến cả đất nghĩa trang cũng bị tranh giành, mà thậm chí "tiền tấn" chồng lên cũng không mua được vì đã... chật kín.
Nằm ở cửa ngõ Thủ đô, làng Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) nổi danh với cây húng Láng có vị thơm khác biệt. Sở dĩ có vị thơm đặc biệt ấy, là nhờ thổ nhưỡng của đất làng Láng có sự đặc biệt không vùng nào có.
Thế nhưng, câu chuyện về đất hậu sự của làng Láng cũng là một vấn đề nhiều người quan ngại.
Ông Đặng Văn Cảnh (phường Láng Thượng) buồn rầu bên hàng bia mộ nội tộc. Cụ thân sinh ra ông nguyên là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Láng Thượng. Cụ đã viên tịch được gần chục năm. Bên cạnh phần mộ của cụ, một khu đất trống đã được xây cất rộng hơn 1m2, lớp vữa trát bên ngoài đã ngả màu xám xịt vì thời gian.
Ông Cảnh thật thà: "phần" ấy là "chỗ để dành" cho cụ bà. Gia đình nhà ông may mắn "nhận phần" được chỗ đất quý hiếm ấy, hai cụ song thân sau này được ở gần nhau. Đấy cũng là nhờ cụ thân sinh của ông Cảnh là Chủ nhiệm hợp tác xã từ lâu, chứ nếu chỉ là xã viên bình thường cũng không có cơ may đó!
Theo ông Cảnh, đất nghĩa trang làng Láng đã chật kín chỗ từ rất lâu, không gia đình nào có thể "chen chân" xí chỗ được, dù có làm "ông nọ bà kia" đi nữa. Phần lớn các gia đình có người thân mai táng tại đây, theo tâm linh phương Đông, "mồ yên mả đẹp", chẳng nhà nào chuyển đi đâu cả.
Con đường nhỏ hẹp từ làng Láng sang chùa Láng cắt qua nghĩa địa làng, giờ trở thành con đường độc đạo để người dân làng Láng đi lại.
"Nhà nào nhanh chân nhận phần từ chục năm trước, thì may ra có chỗ "dự trữ", chứ đến thời tôi, thời con cháu thì đừng có mà mong. Nếu chồng lên nhau được thì may ra có chỗ!" - ông Cảnh nói.
Ngay sau khu nghĩa địa làng Láng, còn một khu đất trống chừng hơn ngàn m2. Ông Cảnh bảo, đấy là khu đất phần trăm của xã viên hợp tác xã nông nghiệp Láng Thượng được quy hoạch làm đất cao sản từ trước.
HTX nông nghiệp không còn tồn tại, cây húng Láng - niềm tự hào của người Láng Thượng đã nằm trong "danh sách bảo tồn", chủ đất chẳng ai bảo ai, tự ý cắt đất ra bán, mỗi m2 bán cũng được cả chục triệu bạc, đấy là mươi năm về trước.
Giờ, gia đình nào có nhu cầu, giá m2 đất để làm hậu sự ấy, chắc phải gấp lên rất nhiều lần, mà chưa chắc đã có người bán.
"Không có đất xây trụ sở cho Ban quản trang!"
Ông Lâm Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại buồn rầu: HTX của ông, trước là HTX nông nghiệp. Thế nhưng, quỹ đất nông nghiệp của HTX đã hết từ lâu lắm, chỉ còn một phần nhỏ, tới đây có con đường chạy từ đền Voi Phục (công viên Thủ Lệ) chạy cắt sang khu Pháo Đài Láng sẽ xén hết phần đất còn lại.
Về nghĩa trang làng Láng, ông Thanh cho hay: trước, làng Láng (phường Láng Thượng) có hai khu nghĩa trang: một khu mộ ướt, một khu mộ khô. Khu mộ ướt nằm ngay phái sau Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã bị giải tỏa để xây dựng khu giãn dân.
Từ năm 1995, khu mộ khô (nằm liền kề với Chùa Láng) đã được chủ trương cấm chôn cất, mai táng. Lý do: nghĩa địa đã hết đất xây dựng.
Khu đất phần trăm của người dân Láng Thượng đang "phất" vì nhu cầu mua đất làm hậu sự của nhiều hộ gia đình trong làng.
Vẫn câu chuyện của ông Thanh: Tôi là chủ nhiệm HTX thật, nhưng mới vừa giờ, ông chú ruột tôi mất cũng không có chỗ để chôn cất, phải đi mua bên ngoài. HTX bây giờ còn hơn 100 xã viên, nhưng vì hết đất canh tác nên HTX cũng phải đổi tên, chuyển ngành nghề thành HTX dịch vụ thương mại.
"Khu nghĩa trang (chôn cất mộ khô) này, luật bất thành văn là "để dành" cho các xã viên HTX. Nhưng giờ, đất đai ngày càng thu hẹp, nghĩa địa đã chật kín hơn chục năm trước nên kể cả tôi là chủ nhiệm HTX cũng chẳng có phần!" - ông Thanh nói.
Ông Thanh cho hay: nghĩa trang làng Láng có diện tích hơn 4.000m2, thế nhưng đã chật kín từ hơn chục năm trước. UBND phường Láng Thượng đã có chỉ đạo cấm chôn mộ tươi, chỉ chôn cất mộ khô, nhưng cũng không còn.
Dân làng có thân nhân mất, phải tự xoay xỏa tìm chỗ khác, mà phần lớn là đi mua đất nghĩa trang cách xa vài chục km.
Ông Thanh buồn rầu: đất nghĩa trang chật kín, ngay cả việc HTX muốn xây dựng một căn nhà nhỏ để làm trụ sở cho ban quản trang cũng không có. Thế nên, Ban quản trang của nghĩa trang Chùa Láng cũng đành "đặt trụ sở" trong trụ sở của HTX thương mại dịch vụ Láng Thượng".
Theo 24h
Cấm viếng vòng hoa: Có chế tài mới khả thi Đi viếng đám tang cán bộ, công chức sẽ không được mang vòng hoa (Ảnh Internet) Theo quy định vừa được Chính phủ ban hành, người đến viếng đám tang cán bộ, công chức sẽ không được mang vòng hoa linh cữu không được để 48 giờ... Nghị định về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức vừa được ban...