Nghĩa tình nơi phương xa
Nằm trong nhóm 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới, Đức đang phải gồng mình để ứng phó với tình trạng dịch bệnh. Trong thời điểm đầy khó khăn của nước Đức, cộng đồng người Việt đã chung tay tương trợ lẫn nhau và tích cực hỗ trợ chính quyền sở tại trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Cộng đồng người Việt tại TP Rostock, Đức tặng khẩu trang cho Bệnh viện Trường Đại học Y Rostock
Hoạt động đang được triển khai tích cực nhất, thu hút sự quan tâm của đông đảo người Việt ở Đức là phong trào quyên góp, mua và may khẩu trang, gồm cả khẩu trang y tế và khẩu trang thường, để trao tặng các bệnh viện, cơ sở y tế ở Đức.
Ban đầu, việc may khẩu trang chỉ xuất hiện nhỏ lẻ trong cộng đồng người Việt, nhưng sau đó nhờ một số cá nhân và tổ chức đứng lên kêu gọi, phong trào đã được lan tỏa đến nhiều địa phương ở phía Đông nước Đức. Người góp tiền, người góp sức, các nhóm may khẩu trang của người Việt nhanh chóng mọc lên ở nhiều thành phố như Berlin, Cottbus, Magdeburg, Leipzig, Dresden, Schwerin…
Nơi khởi phát đầu tiên của phong trào may khẩu trang phòng dịch Covid-19 là ở vùng Dresden. Riêng Hội Văn hóa Việt Nam tại Đức đã mở đầu hoạt động bằng việc tặng 2.000 khẩu trang cho Bệnh viện Vincentius. Tại thành phố biển Rostock, Ban liên lạc lớp Doanh nghiệp Rostock và Hội Phụ nữ Rostock cùng đại diện các cơ sở may, các nhà tài trợ đã trao 2.500 chiếc khẩu trang đầu tiên cho Bệnh viện Klinikum Sdstadt. Cầm trên tay chiếc khẩu trang do chính tay những người Việt tự cắt may, ông Dipl. – Kfm. Steffen Vollrath, Giám đốc bệnh viện, rất xúc động. Ông đánh giá cao tấm lòng sẻ chia của cộng đồng người Việt và chân thành gửi lời cám ơn đến mọi người. Những chiếc khẩu trang khác cũng lần lượt được gửi đến một số bệnh viện địa phương ở thành phố này. Bà con vùng Cottbus cũng đã đem tặng 700 khẩu trang tự may cho bệnh viện thành phố trong sự đón nhận đầy xúc động của lãnh đạo bệnh viện.
Thành phố Berlin là nơi người Việt định cư đông nhất nên phong trào may khẩu trang và quyên góp thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm y tế được tổ chức rất quy mô. Như nhóm Từ thiện Sen Vàng có đến 9 điểm may khẩu trang. Chị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Sen Vàng, chia sẻ: “Có nhiều người Đức đến đặt 5 EUR chưa cộng thuế để mua một chiếc khẩu trang, thế mà anh chị em chỉ may để tặng”.
Những chiếc khẩu trang tuy nhỏ bé, số lượng còn ít so với nhu cầu ngày càng nhiều và đang cấp thiết hiện nay, nhưng đằng sau món quà đó là tấm lòng của bà con người Việt mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào mục tiêu to lớn là đẩy lùi đại dịch, đem cuộc sống yên lành về cho mọi nhà. Ngoài ra, bà con còn gửi tặng trang thiết bị y tế cho hơn 20 cơ sở tại Berlin bao gồm bệnh viện, viện dưỡng lão và các trung tâm y tế. Nhiều nhà hàng Việt cũng gửi tặng hàng ngàn suất ăn cho các bác sĩ và y tá điều dưỡng tại các trung tâm trực khẩn cấp ở bệnh viện. Cũng có không ít người Việt còn tình nguyện giúp đỡ, hỗ trợ miễn phí cho người già, người ốm đau (cả người Việt và người Đức) mua lương thực, thực phẩm, thuốc men trong những ngày dịch hoành hành. Với đông đảo người Việt cùng chung tay hỗ trợ hoạt động chống dịch, đây là dịp để bày tỏ lòng tri ân với nước Đức – nơi họ đã xem như quê hương thứ hai của mình.
HÙNG LÝ
Video đang HOT
Thủ tướng Czech khen ngợi cộng đồng người Việt trong việc chung tay chống Covid-19
Các cửa hàng nhỏ của người Việt cung cấp miễn phí đồ ăn, nước uống cho các lực lượng cứu trợ y tế của Czech, tiếp theo là phong trào may khẩu trang.
Cộng hòa Czech là một trong số các quốc gia Đông Âu đầu tiên áp dụng những biện pháp cứng rắn như hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, đóng các cửa hàng, trường học...Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bà con người Việt tại Czech.
Mặc dù đến thời điểm này, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Czech đã có một số tín hiệu tích cực tuy nhiên sự ứng phó của bà con người Việt trong thời điểm dịch bệnh như thế nào, sự hợp tác phòng chống dịch bệnh giữa hai quốc gia Việt Nam và Cộng hòa Czech trong thời gian qua được thực hiện ra sao?
Phóng viên VOV thường trú tại Cộng hòa Czech đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CH Czech, Hồ Minh Tuấn về những nội dung này.
PV : Thưa Đại sứ, Đại sứ có thể đánh giá chung về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến với cộng đồng người Việt tại Czech?
Đại sứ Hồ Minh Tuấn: Cộng đồng bà con người Việt ở đây rất đông, có số lượng khoảng 70.000-80.000 người. Mô hình của bà con người Việt chủ yếu là kinh doanh vừa và nhỏ chiếm đa số. Trong bối cảnh chính phủ Czech ban bố tình trạng khẩn cấp yêu cầu các cửa hàng dịch vụ đều phải đóng cửa, rõ ràng đây là một tác động mạnh đối với bà con.
Bên cạnh đó, trong cộng đồng ta có một tỷ lệ tương đối lớn bà con đi làm ở các cơ sở của Czech cũng như của người Việt vì vậy nên việc kinh doanh chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống bà con. Tuy nhiên tôi biết hiện nay bà con đang rất bình tĩnh phối hợp với chính quyền Czech cũng như cộng đồng có sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau.
PV : Cộng hòa Czech là một trong các quốc gia có cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc rất đông, Đại sứ có đánh giá như thế nào về những đóng góp của cộng đồng người Việt trong thời gian qua với các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Czech?
Đại sứ Hồ Minh Tuấn: Tôi rất phấn khởi khi liên tiếp nhận được các thông tin từ cộng đồng là khi mà chính phủ Czech bắt tay vào công cuộc chống dịch Covid-19 với điều kiện chưa sẵn sàng về các trang thiết bị y tế. Cộng đồng ta đã rất chủ động trong việc phát huy tinh thần đùm bọc lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, không phân biệt quốc tịch, người nước nào ví dụ như tại các cửa hàng nhỏ cung cấp miễn phí đồ ăn, nước uống cho các lực lượng cứu trợ y tế của Czech, tiếp theo là phong trào may khẩu trang rồi mang đến các cơ sở y tế, các cơ quan chính quyền và các đơn vị tham gia phòng chống dịch của Czech để tặng và phong trào này đang tiếp tục được thực hiện.
Hành động này của chúng ta đều được các quan chức chính phủ Czech ghi nhận và đặc biệt là bộ trưởng ngoại giao Czech đã phát biểu công khai đánh gia cao cộng đồng chúng ta, thủ tướng Babis cũng có ý kiến khen ngợi với cộng đồng người Việt trong việc chung tay với nước sở tại với mối lo chung của nhân loại và cộng hòa Czech.
PV : Việt Nam đang nỗ lực trong hoạt động phòng chống dịch Covid -19, đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia trong đó có Cộng Hòa Czech trong việc ứng phó với dịch bệnh này, Đại sứ có thể đánh giá và chia sẻ những thông tin liên quan về sự hợp tác giữa hai quốc gia về hoạt động này?
Đại sứ Hồ Minh Tuấn: Trong bối cảnh các nước đều tập trung chống dịch cho quốc gia của mình, khi có điều kiện thì các nước vẫn có sự trao đổi hợp tác lẫn nhau. Cuối tháng 3, phía Czech đã tổ chức một chuyến bay chở công dân Czech và công dân EU về nước thông qua việc thuê bao chuyến bay của Bamboo Airway, trong chuyến bay đó hai bên đã trao đổi rất kĩ về vấn đề tạo điều kiện cho đường bay và đồng thời trao đổi về việc chuyển giao một số trang thiết bị y tế thông qua những thủ tục rất nhanh của Chính phủ Việt Nam.
Trước chuyến bay, Thủ tướng hai nước đã có cuộc trao đổi chung về tình hình dịch bệnh hai nước và những nguyện vọng, đề nghị tăng cường hợp tác giữa hai bên, đồng thời Việt Nam cũng đề nghị phía bạn quan tâm đến kiều bào ở Czech trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Còn với công dân Czech ở Việt Nam khi bị nhiễm bệnh thì Việt Nam đã tích cực chữa trị và tạo điều kiện về ăn ở, sinh hoạt và theo chúng tôi được biết công dân Czech ở Đà Nẵng đã hồi phục và ra viện, phía Czech đánh giá rất cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam. Đây cũng là một trong những hành động thể hiện sự quan tâm của chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch lần này.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.
Hải Đăng
Bác sĩ Italy nhiễm nCoV: Đau đớn nhất vào đêm Biferali, bác sĩ tim mạch 65 tuổi ở Rome, nói rằng quá trình điều trị Covid-19 rất đau đớn và ông luôn bị cái chết ám ảnh. Fabio Biferali đã trải qua 8 ngày trong phòng chăm sóc tích cực tại bệnh viện Policlinico Umberto I ở Rome sau khi nhiễm nCoV. "Tôi bị những cơn đau lạ. Với kinh nghiệm của một...