Nghi vợ ngoại tình, chồng giẫm chết con vừa chào đời
Khi vợ báo có thai, Lanh luôn nghi ngờ đó là sản phẩm của những cuộc gặp lén lút. Khi con trai mới chào đời, Lanh đã giẫm đạp cháu bé đến chết.
Những ngày qua, vụ việc người chồng Đinh Lanh (31 tuổi, người Ba Na, trú tại thôn Tung Ke, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai) nghi ngờ vợ ngoại tình rồi sát hại con mới chào đời đã gây chấn động dư luận địa phương.
Chị Nh. (37 tuổi, người cùng làng) bức xúc cho biết: “Người ta nói hổ dữ không ăn thịt con. Vậy mà không hiểu sao, người cha này lại táng tận lương tâm giẫm đạp con tới chết rồi cho vào bao tải giấu vào bụi cây để mọi người không phát hiện ra”.
Theo người dân, Đinh Lanh vốn là chàng trai hiền lành, chăm chỉ. Lanh rất ít khi uống rượu hay quậy phá và chí thú làm ăn. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại đông anh em nên tuổi thơ của anh ta vô cùng cơ cực.
Khi lớn lên, Lanh cưới một cô gái cùng làng. Sống với nhau chưa được bao lâu, Lanh lại bị nhà vợ trả bò, trả heo và đuổi về nhà mẹ đẻ. Trong quan niệm của đồng bào Ba Na, một chàng trai bị nhà vợ trả lễ, đuổi về là sự sỉ nhục. Buồn chán, Đinh Lanh sinh tật rượu chè, tối ngày không thiết tha gì đến nương rẫy.
Phải mất một thời gian dài, cuộc sống của Lanh mới dần trở lại bình thường. Thương cha mẹ vất vả, Lanh lại quần quật đi làm thuê. Trong những lần đi làm thuê, Lanh quen M., một cô sơn nữ dễ mến, nhà khá giả. Chỉ có điều, M. đã qua một đời chồng và có một đứa con riêng.
Khi gặp Lanh, vì quý cái tính hiền hậu và chịu thương chịu khó của chàng trai nên M. quyết định bắt Lanh về làm chồng. Đều trải qua “một lần đò”, cặp trai gái dọn về sống với nhau từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hề làm lễ cưới hỏi hay đăng ký kết hôn theo đúng t hủ tục pháp luật.
Ban đầu, cuộc sống của vợ chồng Lanh khá hạnh phúc. Nhưng sau đó, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện khi Lanh thường xuyên tỏ ra ghen tuông. Mỗi khi đi làm về, nghe người ta nói vợ cười đàn ông khác là Lanh lại giận dữ.
Nhưng vì chưa một lần bắt được tận tay vợ có tình ý với người đàn ông khác nên Lanh đành nín nhịn. Mâu thuẫn, hờn ghen âm ỉ trong lòng càng ngày càng lớn khiến anh ta mù quáng. Anh thậm chí không tin cái thai vợ mang trong bụng là con mình.
Theo những người thân kể lại, cơn ghen của Lanh bùng phát bắt đầu từ việc anh ta nghi ngờ vợ thường xuyên gặp lại chồng cũ.
Khi M. báo có thai, Lanh luôn nghi ngờ đó là sản phẩm của những cuộc gặp lén lút này. Để chắc chắn, Lanh nhiều lần gặng hỏi, buộc vợ phải khai ra sự thật. Thế nhưng giận chồng, M. chỉ một mực im lặng. Từ những nghi ngờ này, ngay khi con trai mới chào đời, Lanh đã giẫm đạp cháu bé đến chết.
Người dân làng Tung Ke kể lại, đêm 29 rạng sáng 30/6, M. chuyển dạ và sinh ra một bé trai kháu khỉnh. “Khi M. chuyển dạ thì trời đang mưa to. Nhà cô ấy lại ở cách khá xa những nhà khác trong làng nên không ai để ý. Sáng hôm sau, M. khóc sướt mướt rồi ôm một cái bọc quấn tấm choàng nhờ tôi mang đi chôn. Tôi mở ra kiểm tra thì thấy đó là một đứa bé mới sinh nhưng bị nhiều vết thương khác lạ. Sau đó, chính tay Lanh đã bỏ thằng bé vào một chiếc bao tải và mang ra lùm cây cách nhà khoảng chừng 50 mét để vào đó. Lanh còn giẫm thêm mấy cái nữa rồi mới vùi bé dưới gốc cây và kéo cành cây đậy lên”, chị Đinh Drô, hàng xóm gần nhà nạn nhân và cũng là nhân chứng trực tiếp của vụ việc kể lại.
Vụ việc trên đã khiến dư luận làng Tung Ke rúng động. Ai cũng tỏ ra căm phẫn trước hành động mất nhân tính của người cha này. Thế nhưng khi mọi người hỏi chuyện thì gã đàn ông độc ác này vẫn thản nhiên trả lời rằng: “Đứa trẻ đó không phải con tôi. Đinh M. đi với người khác nên mới sinh ra nó”.
Video đang HOT
Hiện trường nơi bé trai bị dẫm chết đưa vào bao tải ném đi.
Theo tục lệ của người Ba Na tại địa bàn, người phụ nữ đã có chồng mà quan hệ bất chính với người đàn ông khác và những đứa trẻ sinh ra không phải con của người chồng đang chung sống thì anh ta có quyền giẫm đạp đứa trẻ cho chết đi, trước sự chứng kiến của người vợ và dân làng.
Khi được hỏi về sự việc đau lòng vừa xảy ra, M. cho biết: “Từ khi bắt Đinh Lanh về làm chồng, tôi hết sức khổ sở vì bản tính ghen tuông của anh ta. Vì cho rằng cái thai trong bụng tôi không phải con đẻ của mình nên trước khi cháu bé được sinh ra, Lanh đã dọa sẽ thủ tiêu cháu ngay sau khi chào đời”.
M. cho biết, chính cô cũng không thể khẳng định được đứa trẻ có phải là con của Lanh hay không. Do đó khi người chồng quyết tâm giết chết đứa bé, người mẹ cũng không phản đối.
“Lúc ấy, mình cũng hoảng sợ lắm. Lanh luôn nghĩ đứa bé sinh ra không phải con anh ấy. Mình thừa nhận từng có lần đi với chồng cũ nên không cách nào giải thích. Nhưng danh chính ngôn thuận thì Lanh vẫn là cha đứa trẻ, sao lại hành động nhẫn tâm như vậy được. Mình nghĩ thế nên không ngăn cản.
Hơn nữa, mình mới sinh con xong nên khắp người vẫn đau nhức, bước đi còn không nổi nữa. Chứng kiến Lanh giết con, mình cũng đành bất lực. Khi làm chuyện xấu xong, anh ta còn ép mình bọc con lại và nhờ người mang đi chôn. Nhưng vì mọi người biết chuyện hoảng sợ từ chối, Lanh đành tự mang con ra giấu vào bụi cây để khỏa lấp tội ác”, người mẹ nghẹn ngào kể.
Ngay khi thông tin lan ra, chính quyền xã Ayun đã vào cuộc xác minh và xác định đúng có sự việc trên xảy ra tại địa bàn. Việc đầu tiên, chính quyền địa phương vận động người thân, gia đình đưa cháu bé về chôn cất. Trong đám tang cháu bé xấu số, người mẹ như khóc ngất vì ân hận.
“Giá như lúc ấy mình kiên quyết hơn, không vì sợ hãi cơn ghen tuông và luật tục của đồng bào thì con trai đã không bị Lanh giết hại”, M. tâm sự.
Ông Nguyễn Đình Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Ayun, cho biết: “Sự việc diễn ra trong đêm nên không ai hay biết. Thời điểm chính quyền xã hay tin cử người xuống thì sự việc đã rồi. Ngay khi nhận được tin báo, chính quyền xã đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm ra cách giải quyết, để không còn những đứa trẻ sinh ra bị chết oan vì hủ tục lạ lùng này”.
Tục lệ lạc hậu này đã tồn tại ở đây từ lâu đời. 2 năm trước, chị Đinh Nai Huỳnh ( Chủ tịch hội Phụ nữ xã Ayun) từng cứu sống một cháu bé thoát khỏi hủ tục này. “Chính quyền xã đang trong quá trình rà soát, xác minh lại từng sự việc cụ thể và sẽ trình cấp trên để xin ý kiến giải quyết. Sau đó, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, đưa kiến thức pháp luật vào trong nhân dân, tránh trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo báo Gia Đình & Xã Hội
Hủ tục chôn sống con theo mẹ đã chết
Trẻ em sinh ra mà không may mẹ qua đời hoặc không rõ cha là ai sẽ bị bóp cổ, bỏ đói cho đến chết rồi chôn theo mẹ. Đó là hủ tục ghê rợn của người Bana ở Gia Lai.
Bé Phước được ông Long cứu thoát khỏi hủ tục của người Bana
Lạnh người vì hủ tục
Ngôi làng của đồng bào Bana nằm lọt thỏm giữa bốn bề là rừng núi thuộc xã Ayun (huyện Chư Sê, Gia Lai) - nơi được biết đến với tập tục lạ lùng chôn sống con theo mẹ đã chết khiến những ai nghe kể đều lạnh người.
Ông Phạm Hoàng Long (SN 1950, trú thôn Tung Ke, xã Ayun), người đã cứu sống 1 cháu bé thoát khỏi tục lệ, cho biết: "Tục lệ này của người Bana có từ lâu, trước khi gia đình ông chuyển đến đây sinh sống thì nó đã có rồi".
Ông Long cho biết trong buôn, đứa trẻ nào chẳng may mẹ bị qua đời mà vẫn còn bú thì sẽ bị xử tội chết, bằng cách để đói khát, sau đó mang đi chôn cùng với người mẹ.
Theo ông Long lý giải, sở dĩ có tập tục này vì người Bana quan niệm nếu không để cháu bé theo mẹ thì hồn người chết sẽ không siêu thoát. Hồn ma ấy đeo bám đứa trẻ và bắt nó đi theo.
Hơn nữa, đứa bé còn nhỏ mà không có bàn tay mẹ chăm sóc của mẹ sẽ gây ra phiền toái cho cha, anh chị em trong gia đình. Vì vậy, đứa trẻ phải chết theo mẹ càng sớm càng tốt. Lúc ấy, linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát, người sống cũng khỏi bận lòng.
Ngoài ra, những cô gái lỡ "ăn phải trái cấm" trước hôn nhân phải tự tay bóp chết đứa con mình vừa sinh ra. Nếu người mẹ không thể giết con thì anh em dòng họ của cô sẽ... giúp.
Người Bana ở đây quan niệm những đứa trẻ không cha sinh ra là điềm gở, mang xui xẻo đến cho chính bản thân người mẹ và người dân trong làng. Hơn nữa, nếu người mẹ cố tình nuôi đứa con không cha này thì sẽ không có người đàn ông nào dám lấy cô làm vợ nữa.
"Trước đây, điều kiện sinh nở còn hạn chế nên có nhiều trường hợp tự sinh ở nhà, người mẹ vì thế khó sinh hoặc bị băng huyết mà chết. Sau đó, con của họ cũng bị người thân buộc chết theo mẹ. Còn người không chồng mà sinh con cũng phải tự đào hố rồi đưa con xuống chôn. Khi cán bộ địa phương phát hiện thì đã quá muộn", ông Long kể.
Giành giật sự sống cho trẻ nhỏ
Những năm gần đây ở xã A Yun có 3 cháu nhỏ đối diện với cái chết đã được ông Long và các cán bộ xã cứu sống. Bà Trần Thị Hường, vợ ông Long, cho biết vào năm 2005 bà cùng chồng và 2 cán bộ xã cứu được em Đinh Hoàng Phước (SN 2005) là con của chị Đinh Sang ở làng Tung Ke. Chị Sang là người đã có chồng, nhưng anh này đã qua đời. Sau đó chị có thai với người đàn ông khác, sinh ra cháu Phước.
Theo lệ làng, đứa trẻ này sẽ bị xử tội chết. Những người họ hàng thân thích biết tin chị sinh đã kéo đến vây quanh để tạo áp lực buộc chị phải giết chết cháu bé. Trước áp lực của người thân, khi cháu bé vừa từ bụng mẹ ló đầu ra, chị Sang dùng 2 đùi của mình kẹp chặt đầu Phước để cháu không kịp cất tiếng khóc chào đời.
Biết tin, ông Long cùng vợ và 2 cán bộ xã có mặt, lao vào can ngăn để người mẹ trẻ không làm điều tội lỗi. Một người trong số họ đã dùng hết sức kéo 2 chân chị Sang ra để đứa trẻ không bị ngạt.
"Lúc cháu bé vừa sinh ra, tôi vội chộp lấy chạy về trạm xá xã, phía sau là anh em họ hàng chị Sang rượt theo đòi cướp lại để giết chết. Bọn họ còn đánh tôi bầm cả lưng", bà Hường nhớ lại. Phước được vợ chồng ông Long nhận làm con nuôi và cho cháu ăn học đàng hoàng.
Bé Thương được nuôi dưỡng trong tình yêu thương của chị Huỳnh.
Trước đó, Đinh Sang cũng sinh một đứa con không cha, bị gia đình ép phải giết em bé.
Ít lâu sau, ở làng bên cũng có trường hợp tương tự. Cháu bé bị họ hàng lên kế hoạch "xử tử", nhưng vợ chồng ông Long đứng ra thuyết phục xin gia đình giao lại bé cho chính quyền xã.
Vì thương cháu nhỏ nên ông Long đưa về nhà nuôi, sau đó có cặp vợ chồng hiếm muộn đến xin. Vợ chồng ông cùng chính quyền xã đã đồng ý giao đứa bé cho 2 người này.
Trường hợp gần nhất xảy ra cách đây 2 năm, chị Đinh Nai Huỳnh (chủ tịch Hội phụ nữ xã) đã cứu sống một bé gái từ tay cha đẻ và gia đình của họ. Sự việc diễn ra khi một thai phụ lên nương làm rẫy thì bị trúng gió nằm bất động dưới đất. Lúc này, chị Huỳnh áp mặt vào bụng thì thấy em bé đạp dữ dội.
Ngay lập tức, chị đưa thai phụ ra trạm y tế xã cấp cứu, mổ bắt con. Chị nói dối là mẹ cháu vẫn còn sống để tránh việc người nhà thai phụ bắt cháu phải chết theo mẹ. Sau đó, chị xin về nuôi và đặt tên là Đinh Nai Thương. Sở dĩ chị đặt tên Thương là vì muốn mọi người yêu thương cháu nhiều hơn.
Tuy là người Bana nhưng chị Huỳnh ra sức đấu tranh nhằm xóa bỏ hủ tục, để những đứa trẻ khi sinh ra thoát cái chết oan uổng. Đã từng chứng kiến nhiều cái chết đau lòng nên chị quyết tâm phải xóa bằng được hủ tục này thông qua các bài tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ việc làm của mình là vô lương tâm và vi phạm pháp luật.
Theo Xahoi
Những điểm "trốn nắng" Hè tuyệt vời nhất ở Việt Nam Khí hậu nhiệt đới gió mùa đem theo cái nắng nóng oi ả, hẳn ai cũng muốn tìm nơi nào đó thoát khỏi cái thời tiết khắc nghiệt này. Dưới đây chính là những điểm đến có khí hậu trong lành và khung cảnh đẹp cho bạn lựa chọn để "trốn nắng". Sa Pa, tỉnh Lào Cai Sa Pa là một điểm đến...