Nghị sỹ Mỹ: Hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông là không thể chấp nhận
Hạ nghị sỹ Cộng hòa Mark Gallagher khẳng định các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông là không thể chấp nhận.
Cùng với lời chỉ trích mạnh mẽ này trên Twitter hôm 25/7, ông Gallagher kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật lưỡng đảng của ông cùng Hạ nghị sỹ Jimmy Panetta về việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nặng để đối phó với hành động quân sự hóa và bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.
Tuyên bố của ông Gallagher là tiếng nói công kích mới nhất của các quan chức Mỹ sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Hạ nghị sỹ Cộng hòa Mark Gallagher. (Ảnh: Nhà Trắng)
Trong tuyên bố đưa ra hôm 22/7, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các hành động này của Trung Quốc đe dọa tới hòa bình và an ninh khu vực, “can thiệp vào các hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam”.
“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt, kiềm chế các hành động khiêu khích và gây bất ổn khu vực”, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh trong tuyên bố.
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen thường niên ở bang Colorado cuối tuần trước, Chris Brose, Cựu giám đốc Ủy ban Quân Vụ chịu trách nhiệm tài trợ và giám sát của Bộ Quốc Phòng Mỹ nhận định tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và tranh chấp biên giới giữa Bắc Kinh và New Delhi nên là trọng tâm chính trong các nỗ lực an ninh của Mỹ.
“Tôi không rõ các hoạt động bành trướng sẽ kết thúc ở đâu. Nhưng Mỹ cần tập trung vào khả năng ngăn chặn các hành động bành trướng và gây hấn từ phía Trung Quốc”, ông Brose cho biết.
Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) Đô đốc Karl L. Schultz cho rằng Trung Quốc đang ngày càng hung hăng khi leo thang các hành động không phù hợp với luật pháp quốc tế của tàu dân quân biển và cảnh sát biển Trung Quốc
“Tôi nghĩ đối với tuần duyên Mỹ, hải quân Mỹ, các đồng minh và đối tác cùng những nước láng giềng trong khu vực, chúng ta cần một nỗ lực phản đối quốc tế. Chúng ta cần lên tiếng không chấp nhận những cách hành xử này, những cách hành xử khiêu khích và hung hăng không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ”, ông Schultz nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra hôm 24/7.
Hồi cuối tháng 5, một nhóm nghị sỹ Mỹ tái đề xuất dự luật trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan tới các hành động phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Nếu đề xuất này trở thành “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông”, chính phủ Mỹ sẽ tịch thu các các tài sản tài chính đặt tại Mỹ, thu hồi hoặc từ chối thị thực Mỹ với bất kỳ ai tham gia vào các hành động hoặc chính sách đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định ở Biển Đông.
Video đang HOT
“Đề xuất này tăng cường nỗ lực của Mỹ và các đồng minh chống lại các hành động quân sự hóa bất hợp pháp và nguy hiểm cua Bắc Kinh tại các khu vực tranh chấp, điều mà Bắc Kinh đang tăng cường ở Biển Đông”, Thượng nghị sỹ Dân chủ Ben Cardin cho hay.
Dự luật này cũng nhắc lại cam kết của Mỹ về việc duy trì Biển Đông là khu vực tự do và mở cửa với tất cả các quốc gia, đồng thời buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì các hành vi bắt nạt, ép buộc các quốc gia khác trong khu vực.
Theo dự luật, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải cung cấp báo cáo cho Quốc hội 6 tháng một lần, cập nhật tên của các cá nhân hoặc công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án xây dựng hoặc phát triển tại Biển Đông. Các hoạt động được dự luật này nhắm tới bao gồm: cải tạo, xây đảo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng thông tin di động. Những người đồng lõa hoặc tham gia vào các hoạt động đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định tại các khu vực ở biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát cũng sẽ bị xử phạt.
Những người ủng hộ dự luật này tin tưởng đề xuất của nhóm nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ sẽ có tương lai khả quan bởi nó nhận được nhiều sự quan tâm của Thượng nghị sỹ James Risch, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại mới, người theo dõi sát sao các chính sách và hoạt động của Bắc Kinh.
SONG HY
Theo VTC
Triều đại Trung Hoa yếu kém nhất lịch sử không thể phục hưng vì một câu nói
Nhà Tống được các sử gia sau này đánh giá là triều đại xưa nay hiếm trong lịch sử Trung Hoa, tuy phát triển vượt bậc, nhưng lại không đạt được bất kì một thành tích nào trên chiến trường.
Quân đội nhà Tống hầu như đánh đâu thua đó.
Sau khi Nhà Tống được thành lập năm 960, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận và người kế vị sau này là Tống Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa (sau này gọi là Triệu Quang Nghĩa) ra sức đem quân Bắc phạt, thu hồi Yên Vân bao gồm 16 châu (tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc ngày nay) bao gồm cả Vạn lý Trường Thành, theo China Hightlight.
Khu vực này từ thời Hán, Đường đã là nơi chuyên cung cấp kỵ binh, tạo ra sức mạnh không gì có thể cản nổi trên chiến trường. Ở thời Tống, chiến mã vẫn là thứ vũ khí đem lại hiệu quả cao, trong khi thuốc súng mới chỉ ở giai đoạn sơ khai.
Nhà Tống là triều đại hiếm hoi trong lịch sử Trung Hoa không thể thống nhất hoàn toàn Trung Hoa.
Hai lần Bắc phạt bất thành
Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa lên ngôi có triều tranh cãi. Ngày 13.11.976, Tống Thái tổ Triệu Khuông Dận gọi em trai Triệu Quang Nghĩa vào cung uống rượu. Đến tối, Quang Nghĩa ra về, sáng hôm sau thì hoàng đế khai quốc nhà Tống qua đời ở tuổi 49.
Chính vì sự trùng hợp này mà mãi về sau, Triệu Quang Nghĩa luôn mang tiếng là giết anh trai cướp ngôi. Khi mới lên ngôi, Tống Thái Tông chủ trương thu hồi Yên Vân từ tay người Khiết Đan.
Tháng 7 năm 979, Thái Tông thân chinh dẫn đại quân giao chiến ác liệt cùng quân Liêu ở thành U Châu. Thừa thắng xông lên, quân Tống chia thành các ngả đánh chiếm các châu khác, nhưng đến khi quân tiếp viện của người Khiết Đan từ phương bắc đánh xuống thì đại bại, phải rút lui.
Trong chiến dịch này, Tống Thái Tông suýt bỏ mạng ở U Châu. Trên đường rút về phương nam, ngựa của Thái Tông rơi vào vũng lầy không thoát ra được, hoàng đế nhà Tống lại bị trúng tên, may mắn lắm mới về được kinh đô Biện Kinh (nay là Khai Phong).
Năm 986, sau nhiều lần phòng thủ thành công trước đợt tấn công của quân Liêu, lại nhân cơ hội hoàng đế nhà Liêu qua đời, con trai nhỏ tuổi lên ngôi, Tống Thái Tông dẫn 20 vạn quân Bắc phạt.
Quân Tống hai lần thất bại trong chiến dịch Bắc phạt trước nhà Liêu.
Trước khi ra quân, Thái Tông căn dặn chư tướng tiến quân từ từ, chỉ đánh lấy U châu, đợi khi quân cứu viện Khiết Đan tới thì vòng ra đánh mặt sau chặn đường tiếp lương. Tuy nhiên, nội bộ quân Tống cũng có những sự đố kị lẫn nhau, các tướng tranh giành công trạng, dẫn đến việc tiến quân quá nhanh, tạo sơ hở để quân Liêu đánh mạnh vào tuyến đường tiếp lương. Đến đây, quân Tống đang chiếm các châu ở sâu trong lãnh thổ trở nên hoang mang, tiến không được mà lui không xong.
Thái Tông được tin thất kinh, lệnh cho các tướng lui quân, phòng thủ chặt ở các châu chiếm được, nhưng mọi chuyện đã muộn. Đà tiến công của quân Liêu, với chủ đạo là kỵ binh tạo nên bước tiến không gì cản nổi, quân Tống đại bại phải rút khỏi Yên Châu.
Sự tự tin mù quáng và cố chấp của Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa cho thấy năng lực kém xa Tống Thái Tổ. Sau hai lần Bắc phạt bất thành, Quang Nghĩa không biết nên đánh hay hòa. Thấy hoàng đế chần chừ, các tướng ngoài biên ải cũng mất đi nhuệ khí, chỉ phòng thủ cho qua ngày. Quân Liêu cũng không thể vượt qua các phòng tuyến vì hỏa công của nhà Tống rất mạnh khi phòng ngự.
Đội cấm vệ quân mang nặng hình thức
Năm 991, trong những năm tại vị cuối cùng, Tống Thái Tông cuối cùng cũng đề ra quyết sách, với chủ trương nằm trong 4 chữ "thủ nội hư ngoại", theo sử gia Tư Mã Quang. Câu nói này có nghĩa là tập trung vào vấn đề nội bộ trong nước, chuyện bên ngoài lãnh thổ đều có thể dễ dàng giải quyết.
Dưới thời Thái tổ Triệu Khuông Dận, toàn quốc có 37,8 vạn quân, trong đó có 19,4 vạn người thuộc cấm vệ quân.
Đến thời Tống Thái Tông, cấm vệ quân đã gia tăng quân số lên tới 35,8 vạn người. Các hoàng đế nhà Tống sau này vẫn tiếp tục chủ trương này, gia tăng số lượng cấm vệ quân đến mức lớn chưa từng có.
Cấm vệ quân nhiều đến mức tập trung ở kinh thành không xuể, phải đóng quân ở các địa phương lân cận với danh nghĩa bảo vệ lãnh thổ.
Trung Hoa thời Tống Thái Tông chủ trương hòa hoãn, không phát động thêm chiến dịch quân sự.
Cận vệ của hoàng đế trong cung đều là người ưu tú nhất, được tuyển chọn từ đội cấm vệ. Tuy nhiên, cấm vệ quân thời nhà Tống vì không mấy tham gia vào chiến đấu nên dần dần bị nghi thức hóa, chỉ dùng để phô trương, tiêu tốn một lượng lớn tiền của không cần thiết.
Đến thời Tống Thần Tông Triệu Húc (1048-1085) đã từng ngao ngán vì vấn nạn thừa binh của nhà Tống. Những thất bại liên tiếp trước Đại Việt ở phương nam và Tây Hạ ở tây bắc báo hiệu sự suy vong của nhà Tống.
Năm 1127, nhà Kim của tộc người Nữ Chân sau khi chiếm nhà Liêu, đánh đến thủ đô Biện Kinh, đội quân cấm vệ của nhà Tống dù đông đảo nhưng sức chiến đấu yếu kém sau nhiều năm không được rèn luyện. Kết quả là nhà Bắc Tống diệt vong, những hoàng tộc nhà Tống may mắn chạy thoát, về phương nam lập nên nhà Nam Tống..
Triều đại Nam Tống "an phận" tại phía nam sông Trường Giang, tiếp tục duy trì chính sách thủ nội hư ngoại của các thế hệ trước.
Có thể nói, Tống Thái tổ Triệu Khuông Dận là vị vua có tầm nhìn, nuôi tham vọng thu phục Yên Vân. Người nối nghiệp Tống Thái Tông không có tài cầm quân, hai lần Bắc phạt thất bại để rồi chính mối họa phương bắc khiến nhà Tống đại bại chỉ sau hơn 100 năm.
_______________
Sự yếu kém của nhà Tống đạt đến đỉnh điểm khi nhà Kim hình thành ở phương bắc và tiến xuống phía nam, tạo nên một trong những sự kiện đáng quên nhất trong lịch sử Trung Hoa. Bài dài kỳ tới sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
Theo Danviet
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền Ngày 19/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7/2019 liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ngày 19/7, trả lời câu hỏi của phóng...