Nghị sĩ châu Âu thừa nhận các lệnh trừng phạt Nga không có tác dụng
Ngày 8/5, nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) Clare Daly thừa nhận các đòn trừng phạt chống Nga, trong đó bao gồm cả lệnh cấm vận dầu khí, sẽ không có tác dụng.
Châu Âu sẽ thiệt hại nặng nề nếu tẩy chay nguồn dầu khí Nga. Ảnh: RT
Theo hãng tin RT (Nga), trong một bài phát biểu cùng ngày, nghị sĩ người Ireland Clare Daly nói rằng cấm vận dầu khí Nga sẽ không giúp chấm dứt cuộc chiến hiện nay tại Ukraine.
Bà Clare Daly nhấn mạnh: “Không phải vì tôi ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin, mà vì các biện pháp trừng phạt sẽ không có hiệu quả. Trừng phạt không bao giờ giúp chấm dứt một cuộc chiến… Nếu châu Âu không mua dầu khí Nga, người khác sẽ mua. Người dân châu Âu sẽ phải trả cái giá đó”.
Trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất cấm vận hoàn toàn dầu lửa của Nga vào cuối năm nay. Có tin cho rằng Brussels đã chấp nhận các trường hợp miễn trừ đối với Hungary và Slovakia, hai nước có nền kinh tế phụ thuộc sâu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Nghị sĩ Clare Daly đánh giá Nga “rõ ràng” phải chịu trách nhiệm về tình hình ở Ukraine và làn sóng người tị nạn chạy khỏi nước này. Song đồng thời, bà cũng lập luận rằng phương Tây cũng góp phần vào cuộc xung đột. “Chúng ta không thể làm ngơ trước vai trò của EU và Mỹ. Đó không phải là bào chữa cho Nga. Đơn giản là để lý giải, bởi vì bạn không thể giải quyết một vấn đề nếu bạn không hiểu gốc rễ của nó”, bà Daly nói.
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Slovnaft ở Bratislava, Slovakia ngày 3/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhà lập pháp này cũng nhắc lại phát biểu của Giáo hoàng Francis trong tuần qua rằng việc mở rộng về phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) “có lẽ đã tạo điều kiện” dẫn tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Theo bà Daly, bằng cách gửi thêm vũ khí cho chính quyền Kiev, phản ứng của EU và Chính phủ Ireland gần như là đã leo thang chiến tranh và đảm bảo cuộc chiến ấy tiếp tục.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ ngày 24/2, Mỹ và các nước phương Tây đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga, liên quan tới một loạt lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng cho tới năng lượng.
Riêng EU đã thông qua 5 gói trừng phạt, trong đó có lệnh cấm vận đối với than đá đã được 27 nước nhất trí thông qua. Gói trừng phạt này cũng có lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ euro cho Nga, trong đó có các mặt hàng công nghệ cao, và đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga. Ngoài ra, EU cũng đang mở rộng các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Nga, trong đó có nguyên liệu thô và thiết bị quan trọng, ước tính trị giá 5,5 tỷ euro mỗi năm.
Theo hãng tin TASS, ngày 17/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã để ngỏ khả năng về gói trừng phạt thứ 6 của phương Tây nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn báo Bild am Sonntag (Đức), bà von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, cụ thể là ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga cũng đang được thảo luận. Bà cho biết EU đang phát triển các “cơ chế linh hoạt” cho phép đưa dầu mỏ vào gói trừng phạt tiếp nhằm vào Nga.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN
Mới nhất, Mỹ ngày 8/5 đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt đài truyền hình và các doanh nghiệp Nga, cũng như hạn chế thị thực đối với khoảng 2.600 quan chức Nga và Belarus.
Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, Giám đốc điều hành ngân hàng Gazprombank của Nga nằm trong danh sách “đen” gồm Alexy Miller và Andrey Akimov. Ngoài ra, 8 giám đốc điều hành của ngân hàng Sberbank – nắm giữ 1/3 tài sản thuộc khối ngân hàng Nga, ngân hàng Công nghiệp Moskva và 10 chi nhánh cũng bị áp đặt lệnh trừng phạt. Quan chức này khẳng định: “Các biện pháp trừng phạt hôm nay (8/5) là sự tiếp nối của việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu”.
Video đang HOT
Ngoài ra, quan chức này cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm trực tiếp làm suy giảm năng lực của Nga, bao gồm hạn chế đối với động cơ công nghiệp, xe ủi đất, sản phẩm gỗ và quạt. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tiến hành các biện pháp hạn chế bổ sung đối với sản phẩm hóa học liên quan trực tiếp tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Nhà Trắng cho biết thêm công ty sản xuất vũ khí Promtekhnologiya của Nga, cùng 7 công ty vận tải biển và 1 công ty tàu kéo sẽ bị trừng phạt. Ủy ban Điều hành hạt nhân sẽ đình chỉ giấy phép xuất khẩu nguyên vật liệu hạt nhân đặc biệt tới Nga. Ngoài ra, Nhà Trắng sẽ trừng phạt 3 đài truyền hình lớn của Nga, gồm truyền hình NTV, Russia-1 và One Russia, cấm tất cả các công ty Nga được phép tiếp cận các dịch vụ tư vấn và kế toán của các công ty Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã công bố một loạt các lệnh cấm, hạn chế thị thực đối với 2.500 sĩ quan quân đội Nga và các lực lượng được Nga hậu thuẫn ở Ukraine, đồng thời xác định 8 công ty liên quan đến hàng hải của Nga và bổ sung 69 tàu vào danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moskva, ngày 10/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Về phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/5 cho biết Nga đang theo dõi quá trình chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 của EU và đánh giá theo nhiều kịch bản khác nhau. Bình luận về những thông tin liên quan gói trừng phạt thứ 6 của EU, ông Peskov cho rằng đến nay, tất cả mới chỉ là kế hoạch đang được thảo luận và Moskva đang theo dõi quá trình này. Ông Peskov nhấn mạnh các quốc gia đang cố gắng gây tổn hại cho Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng đang phải trả giá đắt và hậu quả của các biện pháp này đối với người dân châu Âu sẽ tăng lên mỗi ngày.
Trước đó, theo hãng tin TASS của Nga hôm 3/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động Moskva coi là thiếu thân thiện của một số quốc gia nước ngoài và tổ chức quốc tế.
Thông báo của Điện Kremlin cho biết theo sắc lệnh, văn bản này cấm các cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức và cá nhân thuộc thẩm quyền của LB Nga thực hiện các giao dịch và nghĩa vụ đối với các cá nhân và pháp nhân nước ngoài đã bị áp dụng các biện pháp hạn chế trả đũa, cũng như cấm xuất khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm từ Nga có lợi cho những cá nhân và thực thể mà nước này đã trừng phạt.
Những quốc gia coi trừng phạt Nga là cơ hội 'ngàn năm có một'
Khi Mỹ và các đồng minh rời khỏi Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang tiến vào.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.. Ảnh: AFP / Sputnik
Theo trang Asia Times, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, khiến hàng loạt công ty Mỹ và các nước đồng minh rời khỏi Nga, cũng sẽ tạo khoảng trống cho các đối thủ cạnh tranh từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nhảy vào.
Ngày 13/4, đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ NPR đã đặt câu hỏi: "Phương Tây đang giáng đòn trừng phạt vào Nga. Nhưng, chúng có tác dụng không?". Theo một cuộc khảo sát do Trường Quản lý Yale (Mỹ) thực hiện, gần 300 công ty Mỹ, châu Âu, Đông Á và các công ty nước ngoài khác đã hoàn toàn ngừng kinh doanh tại Nga kể từ khi Moskva đưa quân vào Ukraine. Hơn 470 công ty đã tạm ngừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động và hơn 110 công ty khác hoãn các khoản đầu tư mới.
Những tập đoàn nổi tiếng đã từ bỏ hoặc tạm ngừng kinh doanh ở Nga bao gồm các công ty dầu khí BP, Exxon và Shell; nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing; các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson và Nokia; và những "người khổng lồ" công nghệ Alphabet (Google), AMD, Apple, Cisco, Global Foundries, Intel, Nvidia, Samsung, TSMC và Qualcomm.
Điều đó sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga? Một số người nghĩ như vậy. Chính Thị trưởng Moscow, Sergey Sobyanin, cũng từng viết blog rằng tại thành phố của ông, "theo ước tính, khoảng 200.000 người có nguy cơ mất việc làm."
Vào ngày 24/4, chuyên gia Jeffrey Sonnenfeld và nhóm nghiên cứu của ông tại Trường Quản lý Yale đã công bố danh sách cập nhật các công ty đã tạm dừng hoặc cắt giảm hoạt động tại Nga.
Cuộc khảo sát của họ xếp hạng các công ty như sau: Hạng A: Rút lui - Dọn sạch, gồm các công ty hoàn toàn ngừng tham gia với Nga hoặc hoàn toàn rời khỏi Nga (299 công ty); Hạng B: Đình chỉ - Tạm thời ngừng hầu hết các hoạt động nhưng vẫn có các lựa chọn để quay trở lại (364); Hạng C: Mở rộng quy mô - Giảm một số hoạt động quan trọng nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động khác (112); Hạng D: Chờ đợi - Trì hoãn các khoản đầu tư mới trong khi tiếp tục hoạt động kinh doanh thực chất. (143): Hạng F: Vẫn "chiến", gồm các công ty đang tiếp tục kinh doanh bình thường ở Nga (181)
Nhưng theo Asia Times, xếp hạng trên cần phải bổ sung một danh mục khác. Đó là Hạng E: Eurasia - các công ty Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đang tìm cách tận dụng sự rút lui hàng loạt của các đối thủ phương Tây và Đông Á khỏi thị trường Nga.
Có thể thấy phần lớn các quốc gia trên thế giới đã từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ấn Độ
Theo chính phủ Ấn Độ, khoảng 300 công ty Ấn Độ hiện đang hoạt động tại Nga. Thêm nhiều công ty nữa đang trên đường tới. Chủ tịch của Liên đoàn Các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), A Sakthivel, giải thích: "Xuất khẩu sang Nga không nhiều, chỉ ở nông sản và dược phẩm. Bây giờ cả phương Tây đang cấm vận Nga, sẽ có rất nhiều cơ hội cho các công ty Ấn Độ vào Nga ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Astana, Kazakhstan, ngày 9/6/2017. Ảnh: Sputnik
Susil Dungarwal, người sáng lập công ty tư vấn bán lẻ Ấn Độ Beyond Squarefeet Advisory, cho biết: "Chúng tôi đang tìm cách đưa các thương hiệu Ấn Độ đến Nga vì hầu hết các thương hiệu Mỹ và Châu Âu không còn bán ở đó nữa... Giả sử một anh chàng đang điều hành 50 cửa hàng của Calvin Klein với tư cách là một đại lý nhượng quyền chính ở Nga. Bây giờ, Calvin Klein không còn ở đó nữa, nhưng công ty đó vẫn còn 50 cửa hàng trống. Vì vậy, hoặc anh ấy đóng cửa 50 cửa hàng đó và bỏ kinh doanh, hoặc anh ấy có thể mang các thương hiệu Ấn Độ vào thay thế ".
Việc định giá một phần hoặc tất cả hoạt động thương mại Nga - Ấn bằng đồng rupee và đồng rúp sẽ giúp Ấn Độ tránh được các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và giảm sự phụ thuộc vào đô-la Mỹ.
Chỉ có một công ty Ấn Độ là Infosys đang ngừng hoạt động ở Nga (Hạng A); ba công ty khác - Reliance, Tata Motors và Tata Steel - tạm ngừng hoạt động (Hạng B), trong khi 13 công ty Ấn Độ đang tiến hành kinh doanh như bình thường (Hạng F).
Thổ Nhĩ Kỳ:
"Hơn 3.000 doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau ở Nga", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm ngoái.
Hãng hàng không Turkish Airlines vẫn không ngừng bay đến Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có hơn 600 công ty đang làm việc tại Ukraine, quan tâm đến ngăn chặn chiến tranh và khôi phục lợi ích kinh doanh của mình ở cả hai nước, chứ không phải làm cho nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn bằng cách các lệnh trừng phạt.
Phát biểu trên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mevlt avuşoğlu cho biết, "Về nguyên tắc, chúng tôi không tham gia vào các lệnh trừng phạt như vậy. Chúng tôi cũng không có ý định tham gia vào các lệnh trừng phạt này ".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giải thích: "Chúng tôi đang mua gần một nửa lượng khí đốt tự nhiên mà đất nước sử dụng từ Nga. Chúng tôi còn đang xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Akkuyy với Nga. Chúng ta không thể gạt chúng sang một bên... Thứ nhất, tôi không thể bỏ mặc người dân của mình trong cái lạnh giá của mùa đông. Thứ hai, tôi không thể tạm dừng ngành công nghiệp của mình. Chúng tôi phải bảo vệ những điều này ".
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tích cực tại thị trường Nga về xây dựng thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông và xây dựng nhà máy công nghiệp, phát triển bất động sản, máy móc, thiết bị điện, phụ tùng ô tô, hàng không, thực phẩm, dệt may, kim loại và khoáng sản, năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên. Hai nước cũng đang nỗ lực để tạo thuận lợi cho giao dịch bằng đồng rúp và đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng chú ý là cuộc khảo sát của Yale đề cập đến một công ty Thổ Nhĩ Kỳ - hãng hàng không Turkish Airlines (Hạng F), vẫn đang bay đến Nga.
Là thành viên NATO với nền kinh tế công nghiệp đang phát triển và dân số 85 triệu người, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác kinh tế quan trọng của cả Nga và Ukraine.
Trung Quốc
Danh sách Hạng F của Yale bao gồm 41 công ty Trung Quốc (trong đó có một công ty từ Hong Kong và hai từ Đài Loan). Đó là các công ty xây dựng, kỹ thuật và năng lượng do nhà nước kiểm soát, ngân hàng, SAIC Motor và một số công ty công nghệ nổi tiếng bao gồm Alibaba, ANT, China Mobile, Oppo, Tencent, Xiaomi và ZTE.
Huawei, đã đình chỉ các đơn đặt hàng mới ở Nga, được xếp loại D, nhưng hành động của họ có thể chỉ là một nỗ lực để tránh thu hút sự chú ý nhiều hơn của Mỹ. Dù thế nào, Huawei cung đã là nhà cung cấp thiết bị, phần mềm và dịch vụ viễn thông lớn nhất ở Nga. Cùng với ZTE, họ sẽ giành lấy thị phần bị Nokia và Ericsson bỏ rơi.
Có vẻ như Trung Quốc sẽ làm những gì có thể để cung cấp các chất bán dẫn mà Nga không còn có thể nhập khẩu từ phương Tây và Đông Á. Đây sẽ không phải là một sự thay thế hoàn toàn, nhưng nó sẽ tăng lên theo thời gian khi ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc phát triển.
Không rõ chính xác có bao nhiêu công ty Trung Quốc đang kinh doanh tại Nga, nhưng thông tin từ các nguồn truyền thông và chính phủ cho thấy con số này lên tới hàng nghìn, và có khả năng sẽ tăng lên. Chính phủ Trung Quốc được cho là đang giúp các công ty tư nhân của nước này "lấp đầy khoảng trống trên thị trường Nga", đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nga và Trung Quốc cũng đang tăng lượng giao dịch bằng đồng rúp và nhân dân tệ, để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD.
Tóm lại, một nền kinh tế mới của Nga có khả năng xuất hiện khi các công ty Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc tiến vào các thị trường bị bỏ trống bởi người châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước khác phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
Áo chấp nhận thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp Việc Nga yêu cầu các khách hàng thanh toán bằng đồng rúp khi mua khí đốt của nước này đang gây chia rẽ ở châu Âu. Thủ tướng Áo Karl Nehammer. Ảnh: TASS Theo hãng thông tấn Nga TASS ngày 27/4, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết nước này mà đại diện là công ty dầu khí OMV đã chấp nhận các...