Nghị sĩ California mang con sơ sinh đến thượng viện bang
Nữ nghị sĩ Buffy Wicks phải mang con gái hơn một tháng tuổi đến thượng viện bang California sau khi bị từ chối bỏ phiếu thông qua ủy nhiệm.
Buffy Wicks, người đại diện cho hai thành phố Berkeley và Oakland tại nghị viện California, hôm 31/8, phải mang theo con từ nhà ở Oakland đến Sacramento vào ngày cuối cùng của kỳ họp nghị viện bang để bỏ phiếu cho dự thảo luật SB 1120.
Wicks đã đề nghị được ủy nhiệm người bỏ phiếu thay mình vì đang trong thời gian nghỉ sau khi sinh con hồi cuối tháng 7, cũng như lo ngại về nguy cơ nhiễm Covid-19 khi đến bỏ phiếu trực tiếp. Tuy nhiên, lãnh đạo thượng viện bang California từ chối đề nghị của Wicks, vì cho rằng việc mới sinh con không khiến bà có nguy cơ cao với Covid-19.
Theo quy định về bỏ phiếu ủy nhiệm tại nghị viện trong thời kỳ đại dịch Covid-19, chủ tịch nghị viện bang Anthony Rendon có thể cho phép những người “có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn” được bỏ phiếu thông qua ủy nhiệm. Tuần trước, các nghị sĩ ở thượng viện California đã bỏ phiếu từ xa sau khi thượng nghị sĩ Brian Jones dương tính với nCoV.
Bà Buffy Wicks bế con tại nghị viện California tối 31/8. Ảnh: AP.
Video đang HOT
Trong một video tại nghị viện, Wicks địu con gái Elly một tháng tuổi trước ngực, đeo khẩu trang đến phòng họp để bỏ phiếu.
“Tôi thực sự đang ở vào thời kỳ cho con bú khi dự thảo luật được đưa ra. Và tôi đến đây hôm nay vì tin rằng chúng ta cần thông qua dự thảo này”, bà phát biểu trong khi bế con gái đang khóc ở thượng viện California. “Xin hãy thông qua dự luật, và tôi sẽ hoàn thành việc cho con gái bú”.
Bất chấp lời kêu gọi của Wicks, dự thảo luật SB 1120 về xây dựng các căn hộ song lập ở khu vực được quy hoạch dành cho các căn hộ chỉ một gia đình đã không được thông qua. Bà sau đó đã lên Twitter bày tỏ thất vọng với kết quả này và cam kết luôn luôn đấu tranh cho vấn đề nhà ở.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật Mỹ, những nguy cơ mà Covid-19 gây ra với trẻ sơ sinh vẫn còn chưa rõ ràng và có một số báo cáo trẻ sơ sinh bị bệnh nặng sau khi nhiễm virus, dù hầu hết đã hồi phục. Tuy nhiên, phụ nữ sau sinh có thể trải qua một số vấn đề về sức khoẻ khiến họ gặp nguy cơ khi mắc Covid-19.
Chủ tịch nghị viện California Rendon đã bị chỉ trích gay gắt vì buộc Wicks phải mang con nhỏ đi bỏ phiếu.
Valerie Jarrett, cố vấn cấp cao của cựu tổng thống Barack Obama, viết: “Không gì có thể ngăn Buffy Wicks làm công việc của cô ấy, nhưng rõ ràng chúng ta cần cho phép bỏ phiếu uỷ nhiệm với những người người đang nghỉ sinh”.
Kim-Mai Cutler, thành viên của quỹ đầu tư Initialized Capital, cũng bày tỏ sốc trước sự việc: “Tôi phát điên khi thấy Buffy Wicks phải phát biểu ở nghị viện California lúc 23h30 với một đứa trẻ một tháng tuổi đang khóc, vì cô ấy không được quyền bỏ phiếu từ xa trong đại dịch”.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng chia sẻ về sự việc trên Twitter.
Hôm 1/9, ông Rendon đã đưa ra lời xin lỗi. “Tôi chưa bao giờ có ý định thiếu quan tâm tới cô ấy, dù vai trò của cô ấy là một nghị sĩ hay một người mẹ”, Rendon nói trong một thông cáo. “Việc lựa chọn và đưa phụ nữ vào chính trường là những yếu tố cốt lõi trong giá trị dân chủ của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi đã không đảm bảo quy trình của chúng tôi cân nhắc đến các nhu cầu đặc biệt của các thành viên. Nghị viện cần phải làm tốt hơn”.
Người gốc Việt trở thành lãnh đạo Cơ quan Di trú Mỹ
Tony Pham, một luật sư gốc Việt, được bổ nhiệm làm lãnh đạo mới của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ.
Ông Tony được bổ nhiệm hôm 25/8 và sẽ rời vị trí cố vấn pháp lý để trở thành quan chức cấp cao thực hiện các nhiệm vụ của giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), thuộc Bộ An ninh Nội địa (DHS), chịu trách nhiệm về giam giữ, trục xuất người nhập cư và hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia. Người tiền nhiệm của ông, Matthew Albence, đã thông báo rời vị trí trên cuối tháng trước.
"Là một lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm của DHS, ông Tony sẽ đảm bảo ICE tiếp tục bảo vệ biên giới của đất nước chúng ta khỏi tội phạm và nhập cư bất hợp pháp", người phát ngôn của cơ quan này cho biết trong một thông cáo.
Ông Tony Pham. Ảnh: ICE.
Tony Pham sang Mỹ định cư cùng gia đình sau chiến tranh Việt Nam và trở thành công dân Mỹ năm 1985. Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông làm công tố viên ở bang Virginia 8 năm và làm luật sư cho các văn phòng chính quyền địa phương tại thành phố Richmond. Trước khi tham gia ICE dưới chính quyền Tổng thống Trump, ông là lãnh đạo của Nhà tù Khu vực Bán đảo Virginia.
ICE là tâm điểm của cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư tại Mỹ. Trong tháng đầu tiên đương nhiệm, Trump đã giao cho ICE quyền giam giữ và trục xuất bất kỳ người nhập cư nào ở Mỹ thiếu tư cách pháp nhân, tập trung vào những người có tiền án tiền sự.
Dù đã giảm thiểu các vụ bắt giữ và giảm đáng kể lượng người bị giam giữ trong đại dịch Covid-19, ICE tiếp tục là cơ quan chủ chốt trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm trấn áp tình trạng nhập cư trái phép. Việc ICE mở rộng hệ thống giam giữ và tăng cường trấn áp thường xuyên bị các nghị sĩ Dân chủ chỉ trích, trong đó một số người thậm chí kêu gọi bãi bỏ cơ quan này.
Giống như các quan chức cấp cao khác tại các cơ quan thuộc DHS, ông Tony sẽ phục vụ trên cơ sở là quyền giám đốc, do không được đề cử lên Thượng viện xác nhận làm lãnh đạo thường trực.
Ủy ban Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok Ủy ban thượng viện về an ninh nội địa nhất trí phê duyệt đề xuất cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp. Đạo luật Không TikTok trên Thiết bị Chính phủ được Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley trình hồi tháng ba và được Ủy ban Vấn đề Chính phủ và An ninh Nội địa của...