Nghị lực phi thường của người phụ nữ suốt đời sống trong “lá phổi sắt”
Người em trai vừa mới qua đời thì bà hay tin mình cũng bị nhiễm dịch bệnh bại liệt. Sau đó, bà sống trong “ lá phổi sắt” dài gần 2 m, nặng hơn 2 tạ suốt 61 năm.
Martha Mason sống dựa vào người thân chăm sóc.
Dù vậy, bà vẫn lạc quan yêu đời, đỗ thủ khoa một trường cao đẳng, hai trường đại học và là tác giả một cuốn sách lấy nước mắt của rất nhiều độc giả.
Hai nỗi đau lớn trong một gia đình
Martha Mason (SN 1937, Lattimore, Bắc Carolina, Mỹ) từng là một cô bé xinh đẹp, thông minh với mái tóc dài vàng óng. Lúc còn nhỏ, Martha thích đọc sách, có thể đọc từ ngày này sang ngày khác mà không thấy chán. Cô ao ước sau này trở thành một nữ nhà văn nổi tiếng trên thế giới. Thế nhưng, niềm ao ước của thiên thần nhỏ này nhanh chóng bị dập tắt. Từ năm 1940, một trận dịch bệnh bại liệt đã rơi xuống Bắc Carolina. Tất cả người dân ở đây đều hoảng sợ. Dịch bệnh càn quét khắp nơi và những đứa trẻ là nạn nhân lớn nhất. Lúc đó, Martha vô cùng lo sợ và luôn cầu nguyện dịch bệnh sẽ tha cho gia đình bé nhỏ của mình. Tuy nhiên, đến năm cô 11 tuổi, đứa em trai duy nhất đã bị nhiễm bệnh. Mặc dù cha mẹ đưa em của cô chữa từ bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng cuối cùng cậu cũng qua đời. Ngày đưa tang, Martha buồn bã không nhấc nổi đôi chân của mình.
Martha trở thành linh hồn của gia đình để cả cha và mẹ lo lắng, chăm sóc. Trong khoảng thời gian này, cô thường xuyên choáng váng, nhiều lúc không thể tự điều khiển được chân tay, những cơn đau nhói cứ liên tục diễn ra. Cô bắt đầu nhận ra, mình mắc bệnh tương tự em trai. Gia đình quá buồn vì vừa mất người thân, cô không muốn cha mẹ phải bận lòng. Do đó, cô giữ bí mật cho riêng mình.
Martha Mason luôn sống trong “lá phổi sắt”
Tuy nhiên, bệnh tật ngày càng nặng, sức khỏe yếu dần, hơi thở trở nên yếu ớt, cha mẹ cô dễ dàng phát hiện bệnh của con gái. Một lần nữa, ông bà đưa thêm đứa con của mình đi chữa trị. Nằm trên giường ở bệnh viện Asheville, cô bé 11 tuổi không tin vào tai mình khi vị bác sĩ thông báo: “Cháu bị liệt từ phần cổ đến chân. Có thể, suốt đời này cháu sẽ không bao giờ đi lại được. Sự sống kéo dài nhất là hai năm nữa”. Cô cố kìm những giọt nước mắt, nhưng cha mẹ thì không thể.
Bác sĩ cho biết, sự sống của Martha có thể kéo dài thêm vài năm nếu mang “ lá phổi thép“. Sau thời gian ngắn suy nghĩ, cô không ngần ngại trả lời: “Con sẽ cố gắng”. Từ đó, thân thể của cô bị chôn vùi dưới khối sắt siêu nặng, chỉ còn phần đầu đưa ra ngoài. “Lá phổi” này do kỹ sư Havard Philip Drinker sáng chế vào giữa những năm 1920, là một khoang kín khí, được gắn các thiết bị máy móc có khả năng điều khiển tăng hoặc giảm áp lực khí trong khoang, qua đó mô phỏng hoạt động thở của con người. Nhiều vị giáo sư, bác sĩ hàng đầu của Mỹ nhận định, cô bé chỉ sống được chưa đến 5 năm.
Đậu thủ khoa hai trường đại học cùng lúc
Video đang HOT
Nhiều người khi bị bệnh tật sẽ bi quan, Martha cho rằng, ngày nào còn thở, còn mở mắt thì phải sống cho thật xứng đáng. Giai đoạn đầu, cô bé khá khó khăn bởi tiếng rò rò của động cơ cũng như sự vướn víu của “cỗ máy”. Rồi cô nhanh chóng hòa nhịp với cuộc sống mới. Dù bị chôn vùi trong khối sắt khổng lồ nhưng tinh thần ham hỏi hỏi của cô vẫn không suy chuyển. Mỗi ngày, cô nhờ cha mẹ đẩy mình đến trước chiếc tivi đen trắng để theo dõi những sự việc đang xảy ra. Cô thích đến gần chiếc cửa sổ để ngắm nhìn cuộc sống xung quanh. Tối đến, cô lại nhờ cha mẹ đọc sách cho mình nghe.
Mặc dù sống trong bệnh tật nhưng nụ cười luôn hiển hiện trên khuôn môi của bà.
Martha cho rằng, thân thể mình khác thường nhưng tâm trí thì vẫn minh mẫn, không thể cứ chôn vùi trong bốn bức tường lạnh lẽo mãi. Cô xin cha mẹ cho mình được đến trường. Cha mẹ cô từ chối. Không bỏ cuộc, cô dùng mọi lời lẽ để thuyết phục và cuối cùng cũng được chấp thuận. Mẹ cô đành phải bỏ công việc làm ở tiệm bánh để đến trường “phục vụ” cho con gái. Điều bà và các thầy cô giáo không thể tin nổi, cô tiếp thu bài vở rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, cô tập cách nằm đọc sách, nói và nhờ mẹ viết lại tất cả những điều mình suy nghĩ. Không bao lâu, tất cả sách trong thư viện của trường đã được cô ngấu nghiến sạch.
Martha trở thành một trong những học sinh đứng đầu Bắc Carolina. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô nộp đơn nhiều trường đại học nhưng đều bị từ chối vì “lá phổi sắt” trên mình. Không nản chí, cô viết đơn xin nhập học và được trường cao đẳng Gardner-Webb chấp thuận. Hai nằm mày mò cùng sách vở, cô tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và được chuyển tiếp lên học đại học Wake Forest.
Khoảng thời gian này, cô nộp đơn và được một trường đại học nữa chấp thuận. Đối với một người bình thường, học một trường đại học đã là khó khăn, với một người không hoạt động được như cô lại càng vất vả hơn gấp bội. Hàng ngày, cô nghe giảng thông qua một hệ thống liên lạc nội bộ của trường. Cô hoàn thành xuất sắc tất cả những bài luận khiến các giáo sư giảng dạy phải thán phục. Đến năm 1960, cô đồng tốt nghiệp thủ khoa hai trường đại học trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Cô nổi tiếng khắp nước Mỹ và trở thành tấm gương sáng cho các ông bố, bà mẹ dạy dỗ con cái.
Tác giả khiến hàng triệu người độc rơi nước mắt
Thời gian trôi qua, Marth đã trở thành một người phụ nữ lớn tuổi. Về sau này, các nhà nghiên cứu đã sáng chế ra “lá phổi” kiểu mới nhỏ, nhẹ hơn và bà cũng được thử thay thế. Tuy nhiên, khi đeo những thứ này vào, bà cảm thấy không thích hợp nên trở về với “lá phổi sắt” cồng kềnh. Suốt mấy mươi năm đằng đẵng, bà vẫn phải nhờ vào sự chăm sóc của đấng sinh thành. Cha bà mất trong một cơn bạo bệnh. Chỉ còn một mình mẹ vừa lo lắng cuộc sống mưu sinh vừa chăm sóc đứa con gái bệnh tật gây ra khá nhiều ức chế. Do đó, nhiều khi mẹ bà trở nên giận dữ và đánh bà không khoan nhượng. Đến năm 1998, mẹ bà mất trí nhớ và qua đời không lâu sau đó.
Cận cảnh “lá phổi sắt” nhốt Martha Mason suốt 61 năm ròng rã.
Bạn bè thường xuyên tổ chức những bữa tiệc ngay tại nhà để bà cảm thấy thanh thản, vui vẻ hơn nhưng niềm tiếc nhớ người thân vẫn không thể xóa nhòa. Bà suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời, sự sống, tình yêu và thù hận. Đến năm 2000, bà mua chiếc máy vi tính điều khiển bằng âm thanh tại nhà riêng ở Lattimore. Khi đó, bà thường xuyên viết thư điện tử, nghe nhạc cổ điển. Đồng thời, khao khát trở thành nhà văn từ ấu thơ vẫn còn ấp ủ trong tâm trí nên bà nảy sinh ý định viết hồi ký về cuộc đời mình.
Từ đó, không kể ngày đêm, Martha lại viết cuốn sách của chính mình. Hai năm trôi qua, cuốn sách đã hoàn thành. Đến năm 2003, cuốn sách này được xuất bản với tên Breath: Life In The Rhythm Of An Iron Lung (Hơi thở: Cuộc sống trong nhịp điệu của lá phổi thép). Cuốn sách có nội dung về những giai đoạn căng thẳng của cuộc đời bà, đặc biệt là với mẹ ruột. Bên cạnh đó, có những phần gợi lại tuổi thơ êm đẹp và những tháng ngày sống trong “lá phổi sắt”. Điều bạn đọc có thể cảm nhận là từng câu chữ của cuốn sách luôn hiện lên sự yêu đời, tha thiết với cuộc sống. Cuốn sách của Martha được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt, lấy nước mắt của rất nhiều độc giả và được xuất bản lại nhiều lần.
Người phụ nữ này đã ra đi vào ngày 4/5/2009. Dù vậy, những người quen biết khi nhắc lại vẫn luôn dành cho bà nhiều lời thán phục, tiếc thương và tình cảm thương mến. Họ cho rằng, chính nhờ vào tình yêu cuộc sống đã khiến bà chống chọi với bệnh tật, sống lâu dài khiến nhiều giáo sư, tiến sĩ ngành y học bất ngờ.
Theo Xahoi
Hồ sơ mật về quả bom nguyên tử suýt san phẳng nước Mỹ
Nếu không vì một sai sót nhỏ trong mạch điện của quả bom nguyên tử thì có lẽ nước Mỹ đã bị "quét sạch" bởi nó bất ngờ "rơi" từ trên trời xuống. Sự việc này đã được giấu kín hơn nửa thế kỷ cho đến khi tờ The Guardian công bố trên trang tài liệu mật.
Công tắc "cứu mạng" nước Mỹ
Năm 1961, một quả bom nguyên tử với sức công phá lớn gấp 260 lần quả bom hủy diệt thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật trong Thế chiến II, đã rơi xuống bang Bắc Carolina trong tình trạng kích nổ. Ngay sau khi thông tin về vụ thả bom này được tiết lộ, cả nước Mỹ bắt đầu xôn xao và yêu cầu được biết sự thật xảy ra vào năm đó.
Theo tài liệu tờ Guardian của Anh có được, một trong số hai quả bom nguyên tử đã rơi xuống phía Bắc Carolina nhưng chỉ trong khoảnh khắc cuối cùng, do mạch điện áp không hoạt động nên nước Mỹ đã tránh được một thảm họa kinh hoàng. Chính phủ Mỹ đã xác nhận những sai sót của phi công lái chiếc B52 khi đó đang có nhiệm vụ bay qua không phận phía Bắc Carolina, khiến hai quả bom nguyên tử rơi xuống mặt đất, tuy nhiên, họ chưa bao giờ khẳng định một trong hai quả đã được lắp kíp nổ hoàn chỉnh.
Quả bom nguyên tử suýt phá hủy nước Mỹ
Sáng ngày 23/5/1961, trong khi tuần tra liên tục 24 giờ trên không phận nước Mỹ và Đại Tây Dương để đối phó chiến tranh lạnh với Liên Xô cũ, chiếc máy bay ném bom chiến lược B52 chở hai quả bom hydro số hiệu 39 đang bay qua không phận bang Carolina để tiếp nhiên liệu thì bất ngờ gặp sự cố. Điều này buộc tổ bay phải thả hai quả bom xuống khu vực Goldboro, Bắc Carolina. Nhưng, không biết do sự cố hay vô tình mà một trong hai quả bom đã được lắp kíp nổ hoàn chỉnh.
Phi hành đoàn cho biết, trong khi tiếp xăng, cánh phải của B52 bị chảy dầu và họ đã ngừng bơm xăng. Chiếc B52 phải cố bay ra khỏi vùng biển để xả hết lượng xăng vừa bơm, nhưng máy bay đã chảy hết sạch số xăng chỉ trong ba phút, nhanh hơn dự kiến rất nhiều, khiến máy bay mất kiểm soát và rơi xuống đất. Phi hành đoàn gồm 8 người nhảy dù khỏi máy bay và chiếc máy bay đã nổ tung trên không. Hai quả bom lao thẳng xuống mặt đất. Nguy hiểm là một trong hai quả bom đã tự động kích hoạt trạng thái sẵn sàng nổ khi chạm đất, dù được bung ra, cơ chế kích nổ được kích hoạt.
Tuy nhiên, quả bom này khi đâm xuống một cánh đồng đã không nổ. Nhiều khu vực, trong đó có New York, Baltimore, Washington và Philadelphia đã không bị tàn phá, chỉ nhờ một công tắc chuyển đổi điện áp thấp đơn giản trên quả bom này đã hoạt động thành công, ngăn không cho kích hoạt điện áp cao để kích nổ lõi hạt nhân của đầu đạn khi chạm đất. Đáng nói là có bốn công tắc an toàn để tránh trường hợp tự kích nổ trong quả bom thì cả ba cái đều không hoạt động, trừ cái thứ tư.
Nhà báo Eric Schlosser - người công bố tài liệu mật này tiết lộ: "Quả bom sau đó đã được quân đội Mỹ thu giữ thành công. Sau khi kiểm tra, họ phát hiện ra một trong hai quả bom đã được kích hoạt ở chế độ "kẻ thù" và đang trong quá trình kích nổ. Rất may, mạch điện áp gặp sự cố đã khiến quả bom may mắn không phát nổ trên bầu trời Carolina, san bằng cả nước Mỹ chỉ trong tích tắc". Ông cho biết, mỗi quả bom hydro này có sức nổ 4 megaton, tương đương 4 triệu tấn thuốc nổ TNT, tức mạnh gấp 260 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima năm 1945.
Dù sau đó, chính quyền Mỹ trấn an dư luận rằng hai quả bom này không thể nổ (trước đó còn họ nói, máy bay không mang bom), nhưng một báo cáo 8 năm sau của chuyên gia Parker F. Jones ở phòng thí nghiệm Sandia - nơi chịu trách nhiệm về các cơ chế an toàn của vũ khí hạt nhân, viết rằng "một công tắc chuyển mạch điện áp thấp đơn giản đã ngăn chặn thảm họa xảy ra cho nước Mỹ".
Ông phát hiện bốn công tắc an toàn ngăn không cho bom nổ ngoài ý muốn, thì cả ba cái đều bị lỗi, chỉ cái thứ tư là hoạt động. "Loại bom Mk 39 Mod 2 này không có cơ chế an toàn thích hợp trên máy bay B52", ông viết. Ông Jones từng là nhà khoa học có trách nhiệm trong việc thiết kế hệ thống khóa an toàn của bom nguyên tử nên ông nắm rất rõ việc lắp đặt cũng như kích nổ của quả bom. Ông Jones cho biết: "Quả bom được thả xuống Carolina đơn thuần chỉ là một giai đoạn kích nổ thất bại nhưng nó có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với nước Mỹ".
Nhiều chuyên gia phân tích, nếu quả bom nguyên tử không gặp trục trặc, chắc chắn vụ nổ bom nguyên tử sẽ biến nước Mỹ thành một Hiroshima thứ hai với sức hủy diệt khủng khiếp hơn nhiều lần và lịch sử nhân loại chắc chắn sẽ thay đổi. Khi đó, hàng triệu tính mạng người dân ở Washington, Baltimore, Philadelphia và thậm chí là cả ở New York sẽ bị đe dọa bởi bụi phóng xạ. Hiện tại, Chính phủ Mỹ chưa đưa ra những phản hồi chính thức khi tài liệu mật này được công bố.
Bức ảnh nổi tiếng về vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima
Những mũi tên gãy
Tuy nhiên, đây không phải lần duy nhất Mỹ và các nước khác "hút chết" vì các sự cố liên quan đến vũ khí hạt nhân. Theo hồ sơ của cục Lưu trữ An ninh quốc gia Mỹ (NSA), kể từ năm 1950 đến nay, có ít nhất 32 vụ việc tương tự, chủ yếu xảy ra trong thập niên 1960. Các chuyên gia và giới quân sự dùng thuật ngữ "mũi tên gãy" để chỉ các sự cố liên quan đến vũ khí hạt nhân, dẫn đến tình trạng bất ngờ phóng, khai hỏa, kích nổ, mất cắp hoặc thất thoát vũ khí nguy hiểm.
Theo tài liệu của NSA, vụ thất lạc vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử xảy ra ngày 13/2/1950 khi chiếc máy bay ném bom chiến lược Convair B-36B của không quân Mỹ gặp nạn tại thời điểm tham gia diễn tập tấn công trong điều kiện mùa đông. Chiếc máy bay từ căn cứ tại Alaska, chở một bom nguyên tử Mark IV, bị hỏng động cơ do đóng băng và buộc phải thả rơi rồi kích nổ bom trên không. Tuy chứa uranium và thuốc nổ thông thường nhưng do không có lõi plutonium nên quả bom chỉ gây ra một vụ nổ phi hạt nhân lớn gần British Columbia (Canada). Mỹ và Canada sau đó khẳng định không có rò rỉ phóng xạ trong khu vực. Chỉ 9 tháng sau, đến lượt một oanh tạc cơ B-50 do động cơ bị trục trặc đã vứt một quả bom Mark 4 xuống sông St. Lawrence gần Riviere-du-Loup, cách Montreal (Canada) khoảng 482km về hướng Đông Bắc. Quả bom nổ tung trong lúc va chạm và dù không có lõi plutonium, vụ nổ cũng thổi bay gần 45kg uranium chứa trong bom. Sau đó máy bay hạ cánh an toàn tại căn cứ không quân Mỹ ở Maine.
Đến năm 1956, xảy ra một sự cố nghiêm trọng hơn một chiếc B-47 đột nhiên mất tích "không sủi tăm" khi chở theo hai quả bom nguyên tử từ căn cứ không quân MacDill, bang Florida, đến một căn cứ nước ngoài. Liên lạc bị cắt khi máy bay đang trong vùng trời Địa Trung Hải và mọi nỗ lực tìm kiếm trong hàng chục năm qua đều kết thúc trong vô vọng đến tận ngày nay. Cùng năm, lại là máy bay B-47 gặp sự cố với vụ một oanh tạc cơ đâm vào cơ sở chứa vũ khí hạt nhân ở căn cứ không quân Lakenheath tại Suffolk (Anh) trong lúc diễn tập. Lúc đó, cơ sở này chứa đến ba quả bom Mark 6. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy phép màu đã cứu nước Anh khi một quả bị nứt vỏ, lộ kíp nhưng lại không phát nổ.
Mỹ tiếp tục mất một quả Mark 15 nặng 3.400kg trong vụ va chạm chiến đấu cơ năm 1958. Trong lúc hạ cánh xuống căn cứ không quân Hunter tại bang Georgia, chiếc B-47 đụng phải một chiếc tiêm kích F-86. Tai nạn khiến chiếc B-47 buộc phải thả bom xuống vùng biển gần đảo Tybee. Rất may là không có vụ nổ nào và cũng không có thương vong, theo hãng tin UPI. Sau Anh và Canada, đến lượt Tây Ban Nha suýt "lãnh đủ" vì mũi tên gãy Mỹ và cũng do đụng máy bay. Theo AP, hồi tháng 1.1966, chiếc B-52 chở 4 quả bom nhiệt hạch đụng chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 trên không và rơi gần Palomares, Tây Ban Nha, theo bộ Quốc phòng Mỹ. Hai quả bom không có lõi plutonium phát nổ, thải ra một lượng uranium và giới chức phải di dời hơn 1.400 tấn đất ở Palomares. Mỹ nhanh chóng thu hồi được quả bom thứ ba nhưng phải huy động hơn 20 tàu chiến, máy bay và mất nhiều tháng mới vớt được quả thứ tư.
Cũng theo tài liệu do tờ The Guardian công bố, ít nhất 700 tai nạn và sự cố "đáng kể" liên quan đến 1.250 vũ khí hạt nhân đã được ghi nhận từ năm 1950 đến năm 1968. Phóng viên Eric Schlosser chất vấn: "Thông tin này lâu nay luôn bị che giấu để tránh bị đặt câu hỏi về chính sách hạt nhân của Mỹ. Người dân Mỹ luôn được trấn an rằng sẽ không có chuyện vũ khí hạt nhân vô tình bị kích nổ, nhưng đây là bằng chứng cho thấy thảm họa chút nữa là xảy ra vì một chút sai sót".
Theo Người đưa tin
Cuộc sống nghị lực của cháu bé không tay chân Sau cuộc gặp Nick Vujicic ngày 23/5 tại Hà Nội, cuộc sống cháu bé không tay không chân Nguyễn Linh Chi (phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái) đã thay đổi hoàn toàn. Bệnh viện đa khoa Phúc Lâm (Văn Giang- Hưng Yên) đã tiến hành mổ miễn phí cho bé. GS BSBùi Chu Hoành - Giám đốc chuyên môn của bệnh viện,...