Nghị lực phi thường của chàng trai bị máy xay nghiền nát gần nửa người
Một bên cơ thể vỡ toác, Doanh một tay ôm phần ruột đẩy vào khoang bụng, tay kia lết trên sàn đi tìm sự sống, 4 lần chết lâm sàng vẫn không đánh gục được Doanh.
Bác sĩ nói: “Trước mặt tôi mà một nam bệnh nhân còn rất trẻ nằm trên cáng với vết thương toác rộng vùng bụng…” (Hình minh họa)
Một cái kết không tưởng cho ca phẫu thuật, điều trị có lượng truyền máu kỉ lục: 20 lít.
Ngoạn mục thoát chết
Hơn 1 tháng được các y bác sĩ Bệnh viện Đồng Nai điều trị với cường độ cao, bệnh nhân Trần Tất Doanh (SN 1989, ngụ P. Trảng Dài, Biên Hòa, Đồng Nai) đã qua cơn nguy kịch và có thể thều thào trò chuyện.
Câu chuyện của các công nhân có mặt ở hiện trường khó tin đến mức khi được sự xác nhận chính thức của Doanh, chúng tôi mới dám tin là sự thật.
Sáng 22/8, Doanh đang thực hiện công việc tại nhà máy đập trộn (Công ty Vinacafe Biên Hòa) thì bị trượt ngã. Chân trái của công nhân này không may rơi vào lỗ (khoảng 30 cm theo mô tả của các nhân chứng), bên dưới là máy trộn đang hoạt động. Ngay lập tức, chiếc máy cuốn nát phần thân thể của người thanh niên. Đến khi được các công nhân khác can thiệp, toàn bộ chân trái và nửa phần mông của Doanh đã mất, vùng bụng vỡ toác, ruột từ khoang bụng chảy ra bên ngoài. Vết thương quá rộng nên máu chảy xối xả.
“Hai đồng nghiệp vừa đưa Doanh ra khỏi chiếc máy, nhìn cảnh tượng quá kinh hãi nên đều ngất xỉu. Lúc đó Doanh vẫn tỉnh, cậu ôm phần ruột bị chảy ra bên ngoài nhét vào trong. Một tay cậu che vết thương, tay kia dùng để lết ra cửa. Lúc này, những người khác mới phát hiện và hỗ trợ” – Đỗ Thị Thanh Thảo, người chị dâu trực tiếp chăm sóc nạn nhân kể.
Sau đó, nạn nhân được đưa lên taxi, tức tốc đến BV Đồng Nai. Mặc dù đã mất rất nhiều máu, nhưng đến phòng Cấp cứu, Doanh vẫn tỉnh và đọc số điện thoại ông Trần Tất Bang (53 tuổi, cha Doanh) để bạn anh thông báo cho gia đình. Đến lúc này, một tay cậu vẫn ôm chặt khoang bụng vỡ toác, tránh để nội tạng và ruột trôi ra bên ngoài.
Theo lời B.S Ngô Đức Để, Trưởng ê – kip phẫu thuật: “Một cảnh tượng hãi hùng mà không một ai cầm lòng được. Tôi đã có hơn 34 năm trong nghề cũng chưa từng thấy, từng gặp hình ảnh tương tự như thế. Trước mặt tôi mà một nam bệnh nhân còn rất trẻ nằm trên cáng với vết thương toác rộng vùng bụng – vùng chậu bên trái, chân trái đã mất hoàn toàn, mất bộ phận sinh dục, toàn bộ ruột non xổ ra ngoài và máu chảy xối xả từ vết thương giập nát…”
Video đang HOT
Lúc cấp cứu, Doanh bị choáng đa chấn thương mất máu rất nặng, huyết áp không đo được, mạch không bắt được. Việc truyền máu được làm ngay lập tức để giải quyết những biến chứng do thiếu máu như suy tim…
Doanh có nhóm máu O, trong gia đình chỉ có ông Bang và một người anh em họ cùng nhóm máu. Với 4 đơn vị máu lấy được, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của bệnh nhân. Bệnh viện hiện không có đủ máu. Trước tình huống ấy, nhân viên y tế của Vinacafe linh động yêu cầu công ty điều 2 xe chở hàng chục công nhân có cùng nhóm máu O cấp tốc đến BV Đồng Nai. Công tác lấy máu, xét nghiệm diễn ra khẩn trương. Trong khi đó, do chưa xác định được mạch máu bị đứt để có biện pháp cầm máu nên liên tục cung cấp bao nhiêu cũng không đủ.
Ngay trên bàn mổ, Doanh 2 lần bị ngưng tim khiến các bác sĩ phẫu thuật toát mồ hôi. Dự liệu bệnh nhân không qua khỏi luôn thường trực trong mỗi bác sĩ của ê – kíp.
Trong 2h đồng hồ, ca mổ gồm 10 bác sĩ của các chuyên khoa để giải quyết hàng loạt các vấn đề như cầm máu, khâu bằng quan bị vỡ, tạo hình niện đạo lỗ tiểu, rửa và đưa toàn bộ ruột vào ổ bụng, làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn, cắt lọc tạo hình vung sàn chậu trái và giữ chân phải hoạt động ở trạng thái bình thường.
Hoàn thành ca mổ, vẫn chưa ai dám tin Doanh sẽ thoát cái chết. Thậm chí, gia đìnhh cũng chuẩn bị tâm lý với điều đau thương nhất. Theo thông tin từ BV, trong 15h đầu, bệnh nhân đã được truyền lượng máu khổng lồ: 66 đơn vị máu (tương đương 15 lít) và các chế phẩm của máu.
Trở về từ cõi chết và những ẩn ức khó nói thành lời
“Với 80 đơn vị (tương đương 20 lít) máu đã truyền cho đến nay, bệnh nhân còn sống quả là một điều kỳ diệu và đây có thể là kỉ lục truyền máu ở Việt Nam” – BS Để cho biết.
Nói kỳ diệu là bởi, quá trình điều trị hồi sức hậu phẫu của bệnh nhân diễn ra vô cùng gian nan, phức tạp. Truyền một lượng máu quá lớn (gấp 4 – 5 lần lượng máu trong cơ thể người bình thường) đã gây nên tình trạng choáng kéo dài, nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử gây suy gan, suy thận… Từ đó dẫn đến bệnh nhân nhiều lần chết lâm sàng.
Tuy nhiên, tử thần đã thoái lui trước sự kiên trì của tập thể y bác sĩ BV Đồng Nai. “Điều quan trọng nhất là ý chí đấu tranh để được sống của bệnh nhân quá phi thường. Nếu không có điều này, mọi cố gắng can thiệp về mặt y học đều không có tác dụng” – Chu Thị Xuân Phương, Trưởng khoa Hậu phẫu chia sẻ.
Hơn một tháng điều trị, giành giật sự sống, đến nay Doanh đã bắt đầu hồi phục. BV Đồng Nai đã huy động toàn bộ những điều kiện tốt nhất để bệnh nhân đạt trạng thái ổn định. Ngoài việc được các điều dưỡng chăm sóc kĩ càng, Doanh còn được chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu… của bệnh viện hỗ trợ.
Qua các điều dưỡng, được biết thời điểm nhập viện, Doanh cao 1m70, nặng gần 70kg. Sau khi thay toàn bộ máu trong cơ thể đến vài lần, bệnh nhân đã sa sút trầm trọng đến mức kiệt quệ. Không đầu hàng, đội ngũ dinh dưỡng đã kiên trì bổ sung các chất cần thiết để nuôi cơ thể bệnh nhân. Đến nay, da thịt trên cơ thể Doanh bắt đầu săn chắc, không bệu bạo như thời gian trước.
Sau khi tỉnh, câu đầu tiên mà Doanh hỏi người nhà là: “Em có… còn không?”. Trước thắc mắc của người thanh niên 24 tuổi chưa lập gia đình, cả gia đình đều thấy lòng mặn đắng. Để tránh gây sốc cho em, chị Thảo đã cố tình nói dối Doanh chỉ bị mất phần chân. “Tôi nói vậy, em nó giận. Ngước mắt nhìn lên trần nhà liền 30 phút. Sau đó, nó nói là nó biết hết rồi. Nó bảo sao không để em chết đi, còn gì nữa mà sống” – chị Thảo rưng rưng kể.
Một thời gian sau đó, hầu như Doanh không muốn nói chuyện với ai. Suốt ngày chỉ nằm chong mắt nhìn lên trần. Tâm trạng lộ rõ sự thất vọng, khủng hoảng. Lúc này, ông Bang, chị Thảo cùng các y bác sĩ đã liên tục trò chuyện, thuyết phục để Doanh lấy lại tinh thần.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Bông (51 tuổi) mẹ của Doanh vốn mang bệnh suy nhược đã ngã quỵ khi hay tin con gặp nạn. Suốt mấy ngày sau khi vụ việc xảy ra, bà không ăn uống, đêm không ngủ khiến căn bệnh càng thêm trầm trọng. Ông Bang và chị Thảo phải xin nghỉ việc túc trực tại BV chăm sóc Doanh.
Ông Bang cho hay, sau khi con trai qua khỏi, ông đã đại diện gia đình đến Công ty Vinacafe để cám ơn lãnh đạo công ty và các công nhân đã tình nguyện hiến máu cứu Doanh. “Nếu không có tấm lòng của các anh chị em ấy thì con tôi không thể sống đến tận bây giờ”. Được biết, toàn bộ chi phí điều trị cho Doanh do phía công ty chi trả.
Khi PV tiếp xúc Doanh, bệnh nhân này đang được tập vật lý trị liệu. BS Nguyễn Như Giao, Phó trưởng khoa Vật lý trị liệu yêu cầu bệnh nhân liên tục hít thở sâu, tập vận động hai tay, lưng và chân còn lại. BS Giao kể, suốt thời quá trình điều trị hậu phẫu, bệnh nhân đã được tập hô hấp, vận động các nhóm cơ chính trên cơ thể, tránh tình trạng suy giảm chức năng hoạt động. Nhìn vẻ mặt đau đớn của Doanh khi nâng những quả tạ nhỏ, có lẽ ai cũng mong cậu thanh niên nhanh chóng vượt qua bi kịch này.
Chiếc chân đứt lìa đã được gia đình bệnh nhân mang đi thiêu. Một phần cơ thể Doanh giờ thành tro bụi. Chỉ mong, những ẩn ức, đau buồn và tự tin cũng sẽ nhanh tan thành mây khói, để chàng thanh niên đứng vững trên cây nạng sống đẹp phần đời phía trước.
Câu chuyện về Doanh đã truyền thông điệp về sự đấu tranh phi thường cho sự sống đến nhiều bệnh nhân khác đang giằng co giữa hai bờ sinh – tử tại bệnh viện Đồng Nai. Gia đình, các y bác sĩ trực tiếp điều trị và biết Doanh đều đang rất mong cậu tiếp tục là một tấm gương về nghị lực vượt qua nghịch cảnh.
Theo xahoi
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và hai người vợ là chị em ruột
Trước khi qua đời, bà Nhiễu, người vợ đầu tiên của thầy giáo bị liệt tay Nguyễn Ngọc Ký, dặn em gái nối bước chăm lo cho chồng mình.
Ông Ký và người vợ hiện tại, vốn là em gái ruột của người vợ đầu. Trước khi qua đời, người vợ đã hết lòng cậy em tiếp duyên chị để đỡ đần sớm tối cùng anh lúc tuổi già. Ảnh: Lê Phương
Bằng "bàn chân kỳ diệu", cậu bé bị liệt đôi tay Nguyễn Ngọc Ký đã viết nên cổ tích đời mình bằng những câu chuyện đầy nghị lực. Ngấp nghé tuổi thất thập, nhà giáo ưu tú nổi tiếng vẫn miệt mài viết văn, tư vấn tâm lý. Và thiên tình sử cảm động của ông cùng hai chị em gái ruột đã trở thành một huyền thoại đẹp.
Luôn tay xoa bóp đôi tay mềm thõng và đôi chân với nhiều những vết kim tiêm do quá trình chạy thận nhân tạo của ông Ký, bà Vũ Thị Đậu bắt đầu chuyện tình của mình bằng tiếng cười nhẹ nhàng: "Đúng là duyên phận, tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày mình sẽ tái giá và càng không nghĩ đến chuyện ngược đời là nên duyên với anh rể của mình". Quay qua nhìn bà Đậu trìu mến, ông Ký tươi cười tiếp lời:"Được một người vợ hiền hết lòng yêu thương chăm sóc đã là hạnh phúc, cuộc đời mình lại may mắn được đến hai người phụ nữ tuyệt vời bên cạnh".
Từng dòng ký ức của câu chuyện tình cảm động được nối tiếp nhau trong cơn mưa chiều yên ả, tại ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ quận Gò Vấp, TP HCM. Bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký kiên trì tập luyện để viết bằng chân. Tên tuổi của cậu bé đã nổi tiếng khắp cả nước với hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích học tập xuất sắc. Ngày tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có hẹn gặp riêng Ký, trò chuyện về hướng đi sự nghiệp và hỏi han chuyện vợ con. Chàng trai trẻ thật thà: "Với điều kiện sức khỏe của mình, cháu lo công tác làm nghĩa vụ bình thường của người cán bộ đã khó. Nếu lấy vợ, phải gánh thêm trách nhiệm làm chồng, làm cha, cháu sợ không đủ sức nên chưa dám nghĩ tới". Thủ tướng nhẹ nhàng: "Hoàn cảnh của cháu phải xây dựng gia đình càng sớm càng tốt, có vợ có con cháu sẽ thêm nguồn động viên, giúp đỡ đặc biệt không gì bằng" và hứa hẹn "nếu cần sẽ đứng ra mai mối giúp". Lần gặp ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho Ký, mơ ước nhỏ nhoi về hạnh phúc gia đình dần nhen nhóm trong cậu.
Ra trường, ông Ký về lại ngôi trường nơi quê nhà mà ngày xưa ông đạt giải học sinh giỏi Toán quốc gia để giảng dạy. Một lần, người anh kết nghĩa đến nhà chơi, dẫn theo cô em gái vợ Vũ Thị Nhiễu, vốn là cô gái xinh đẹp có tiếng của vùng Hải Hậu, Nam Định. Nhiễu vừa tốt nghiệp và cũng đang về quê để chuẩn bị trở thành cô giáo. Phút giây đầu tiên gặp gỡ, trái tim đôi trẻ đã như cùng chung nhịp đập, ánh nhìn đã trao gửi bao yêu thương quyến luyến. Sau cuộc hội ngộ đầy vấn vương, ông anh kết nghĩa ra về, hẹn tháng sau sẽ cùng Nhiễu trở lại.
Đúng hẹn, ông anh bận việc không xuống được, cô Nhiễu một mình đạp xe đạp hơn 30 km xuống thăm ông. Mải mê trò chuyện, trời tối, đường xa, lo Nhiễu thân gái dặm trường nên ông Ký ngỏ ý giữ cô ở lại. Trong buổi tối với cảnh khuya tĩnh mịch, những vì sao lấp lánh bên thềm hiên vắng, câu chuyện của hai trái tim vừa nhen nhóm lửa yêu bỗng tâm đầu ý hợp hơn bao giờ hết. Sáng hôm sau cô gái ra về, mang theo cả tâm trạng chàng trai với bao nhớ thương dịu vợi: "Tối nay hai đứa bên thềm/ Trời không trăng, đất dịu hiền lặng im/ Khuya về thăm thẳm màn đêm/ Vẫn đôi mắt ấy ánh lền sắc hồng/ Đây của em cả tấm lòng/ Muốn dâng anh trọn giữa vòng yêu thương/ Đây của anh cả quê hương/ Muốn dành em hết bốn phương đất trời". Những bâng khuâng lưu luyến được chàng trai trải lòng qua những lá thư đong đầy yêu thương "Tình ta là một ngọn thơ/ Anh là người thợ say sưa kiếm tìm. Thời gian gạn lọc trái tim/ Biết yêu hẳn có niềm tin vô bờ".
Khi hay tin con gái đem lòng yêu chàng trai tật nguyền, gia đình Nhiễu không đồng ý. Chính cô Đậu bấy giờ vì thương chị đã nhào vào hứng đỡ những trận đòn của bố. Và trước những ngăn cản quyết liệt, cô Nhiễu vẫn vững một lòng tin son sắt: "Dù cho sóng gió phũ phàng/ Lòng em vẫn đứng vững vàng bên anh". Ông Ký càng cảm phục gấp bội trước tấm lòng cô gái. Cuối cùng, trước tình yêu tha thiết của đôi trẻ và nhờ lời thuyết phục "liều" của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: "Trên đời này ai cũng chết, chỉ có nhà văn nhà thơ là không chết. Cứ gả Nhiễu cho Ký sẽ không phải khổ đâu", cụ già mới đồng ý. Ông cụ đã cùng nhà thơ Đoàn Văn Cừ đón xe xuống nhà Nguyễn Ngọc Ký ăn cơm chuyện trò. Và một tháng sau, ngày 26/12/1970 đám cưới diễn ra trong niềm hạnh phúc tột cùng. Người thân, bạn bè hân hoan chúc mừng cho mối duyên đẹp của đôi trẻ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng gửi tặng quà cưới là xấp lụa trắng để cô dâu may áo dài đi dạy, xấp kaki để chú rể may comple đến lớp và tấm cái khăn nhiễu trùng tên cô dâu.
Ba đứa con, hai gái một trai, xinh xắn, ngoan hiền lần lượt ra đời. Hai vợ chồng vừa đi dạy vừa làm kinh tế, nuôi lợn trồng rau để chăm lo các con ăn học thành đạt. Đến năm 1993, ông Ký vào Nam công tác, bà Nhiễu vẫn tảo tần ở quê. Bất thình lình bà bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Ông tức tốc trở về Bắc chăm sóc bà rồi sau đó đưa vào Nam chữa trị. Bảy năm trời bà nằm một chỗ, ông vừa cáng đáng mọi việc để chu toàn kinh tế, vừa là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời, chăm lo miếng ăn giấc ngủ, sát cánh cùng bà chiến đấu bệnh tật.
Trong những giờ phút thập tử nhất sinh trên giường bệnh, bà Nhiễu thường nắm tay cô em gái Vũ Thị Đậu dặn dò: "Nếu chị có mệnh hệ nào thì không có ai chăm anh, cậy em tiếp duyên chị để đỡ đần sớm tối cùng anh lúc tuổi già. Anh ấy tình nghĩa, đức độ, nếu em gắn bó cùng anh ấy thì chị mới yên tâm được". Bà Đậu giãy nãy, không đồng ý vì "từ lúc chồng mất, em không bao giờ tính chuyện đi bước nữa, càng không có chuyện em vợ mà đi lấy anh rể ngược đời ấy". Không an lòng để chồng đơn độc khi mình nhắm mắt xuôi tay, lúc chỉ có riêng ông Ký, bà Nhiễu lại tỉ tê "cái Đậu góa bụa, một thân một mình nuôi con vất vả, mong anh chịu lời em mà bảo bọc mấy mẹ con nó".
Sau 7 năm kiên cường chống chọi bệnh tật, bà Nhiễu ra đi mãi mãi sau cơn tai biến lần hai. Lời trăng trối dặn dò của bà Nhiễu không được chấp thuận vì con cái của cả ông Ký và bà Đậu đều không đồng ý. Cuối cùng trong một đợt ông ốm nặng dài ngày, con cái bận công việc không thể lo lắng chu toàn cho bố đã nhớ lời dặn dò của mẹ, viết thư nhờ dì Đậu vào Nam chăm bố. Cơ hội gần gũi đã giúp 2 người thấu hiểu nhau hơn. Được sự ủng hộ vun vén của mọi người, họ quyết định gắn bó, nương tựa vào nhau trong lúc bóng xế tuổi già bằng một đám cưới nhỏ giản dị. Con ông Ký thống nhất gọi bà Đậu là "dì", con bà vẫn gọi ông là "bác".
Hạnh phúc từ cuộc sống riêng đã giúp ông ý thức hơn bao giờ hết giá trị thiêng liêng của gia đình. Và bằng công việc "gỡ rối tơ lòng" qua tổng đài điện thoại trong 10 năm nay, ông đã đứng ra hàn gắn cho hàng nghìn cặp đôi trước nguy cơ đổ vỡ.
Cơn mưa chiều vẫn dai dẳng, tiếng nói cười của đôi vợ chồng già vẫn ấm áp trong nếp nhà nhỏ. Gần 3 năm nay, mỗi tuần ông Ký phải chạy thận 3 lần. Bà Đậu sớm hôm kề cận chăm sóc ông như chị gái đã làm, giúp ông thêm sức mạnh để "gõ phím bằng chân", hoàn thành những trang cuối cuốn tự truyện xúc động "Tôi học đại học". Mỗi chuyến được mời đi giao lưu nói chuyện của ông, đều có bóng dáng nhanh nhẹn của bà âm thầm tháp tùng bên cạnh.
Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Ông bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi. Bảy tuổi, ông quyết tâm đến trường, cắn răng chịu đau để luyện tập dùng chân để viết. Ông hai lần được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích học tập xuất sắc. Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú. Ông cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân, là tác giả của hơn 30 đầu sách, nổi bật với các sách cho lứa tuổi thiếu nhi. Hiện ông về hưu và sống tại Gò Vấp, TP HCM. Ở tuổi 67, ông vẫn miệt mài viết sách, là chuyên gia tư vấn tâm lý qua tổng đài điện thoại và là diễn giả của những buổi giao lưu nói chuyện, truyền lửa cho thế hệ trẻ.
Theo Xahoi
Bảy năm bò đến trường tìm con chữ Với đôi chân tật nguyền, chỉ nặng 23 kg, nhưng bằng nghị lực phi thường, Lầu A Sáng (14 tuổi, Mộc Châu, Sơn La) đã tìm đến con chữ để hiện thực ước mơ của mình. Sự hiếu học của em làm nên điều kỳ diệu giữa núi rừng Tây Bắc. Em Lầu A Sáng bò đi học trên con đường rừng với...