Nghi chồng có bồ, chi chục triệu cài phần mềm gián điệp
“Chồng tôi phải vứt chiếc HTC hơn 8 triệu đi vì không làm cách nào xóa được phần mềm chết tiệt ấy!” – một bà vợ lén cài phần mềm gián điệp vào điện thoại chồng chia sẻ.
Theo dõi sếp chồng “bất tắc dĩ”
“Để nghe lén được điện thoại quá đơn giản, tôi đã từng nghe lén điện thoại chồng”, chị Ngọc (Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết. Chia sẻ về cách sử dụng phần mềm, chị kể, chỉ cần tìm góc khuất hoặc đợi lúc chồng ngủ, chị lấy điện thoại bật 3G lên tải đường link phần mềm nghe lén về. Sau đó, bên công ty mà chị đã qua tìm hiểu và trả chi phí trước đó sẽ gửi cho tôi một mã từ SMS để nhập vào.
“Tuy nhiên để nghe được thông tin từ máy của chồng, tôi phải dùng một sim điện thoại khác (sim này do công ty bán cho). Các thông tin tôi muốn nghe từ máy chồng sẽ tự động chuyển qua tổng đài (công ty) và chuyển vào chiếc máy có cài sim mới này của tôi”, chị cho hay.
Bà vợ này cho biết thêm, để duy trì, người dùng phải trả 300.000 – 600.000 đồng mỗi tháng để duy trì sim. Công ty yêu cầu phải trả tiền liền 6 tháng tới một năm.
Không riêng gì chị Ngọc, sau khi những thông tin về hơn 14.000 người bị nghe lén điện thoại được công bố, trên nhiều diễn đàn, nhiều người thừa nhận từng nghe lén điện thoại của chồng, thậm chí cả con. Chị Lan (Từ Liêm, Hà Nội) kể, vì muốn kiểm soát cô con gái đang tuổi lớn nên chị đã cài đặt phần mềm này vào máy của con.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra, cô con gái ít tin tưởng chị và ở nhà gần như không chia sẻ gì với bố mẹ khiến chị vô cùng phiền lòng.
“Nghe lén sếp chồng bất tắc dĩ” là chia sẻ dở khóc dở cười của chị Mai (Quảng Ninh). Nghi ngờ chồng có bồ nên chị lên Hà Nội tìm mua phần mềm “thám tử” và mua gói “phần mềm ngoại” của Mỹ, giá 10 triệu dùng trong 2 quý.
Tuy nhiên, khi vừa cài xong buổi sáng chưa kịp “hóng” được gì thì nhận được thông báo của chồng rằng, do điện thoại của sếp bị rơi xuống nước nên anh đã đưa tạm điện thoại của mình cho sếp dùng. “Mình ngậm đắng nuốt cay, mất toi 10 triệu chưa kể lại bất tắc dĩ theo dõi cả sếp của chồng”, chị Mai hậm hực kể.
Đủ các phần mềm nghe lén điện thoại cho các hệ điều hành được rao trên mạng
Video đang HOT
Vứt bỏ điện thoại vì không xóa được phần mềm
“Chồng tôi phải vứt một chiếc HTC giá hơn 8 triệu đi vì không làm cách nào xóa được cái phần mềm chết tiệt ấy!” là chia sẻ dở khóc dở cười của một nickname megaut….
Theo nickname này, vì nghi chồng có bồ nên chị lấy trộm máy của chồng cài đặt mà không tìm hiểu. Chồng chị sau đó “hoàn toàn trong sáng” nhưng chiếc máy HTC “cài thử” đã không thể xóa được phần mềm. Máy liên tục bị hết pin nhanh chóng và tự động vào 3G dù không truy cập.
Trên mạng Internet, hiện vẫn có người rao bán phần mềm nghe lén với giá chỉ 1,5 triệu đồng, đảm bảo “không thể xóa phần mềm khỏi máy, ngay cả khi chọn cài đặt lại dữ liệu nhà sản xuất”. Khách hàng có mua phần mềm hay không ngay khi cài thử đã chính thức bị chiếm quyền điều khiển, toàn bộ dữ liệu sẽ bị lấy và gửi lên máy chủ.
Với cụm từ khóa “phần mềm nghe lén điện thoại”, trên mạng xuất hiện hàng loạt công ty và các trang mạng quảng cáo, rao bán thiết bị chuyên nghe lén, định vị, theo dõi. Các công ty này xuất hiện khắp Hà Nội.
Công ty điều tra và cung cấp thông tin T.L quảng cáo, khi cài spy phone (phần mềm nghe lén điện thoại) tất cả các cuộc gọi đến gọi đi, tin nhắn, nội dung hội thoại giữa hai bên, vị trí người gọi, thậm chí cả môi trường xung quanh điện thoại rồi ghi hình khi người gọi videocall (gọi thoại có hình) đều ghi được lại. Các nội dung được ghi lại ngay cả khi người bị theo dõi xóa thậm chí đổi sim.
Giá các phần mềm này được rao bán 400.000 đồng/tháng, 6 tháng 1,2 triệu đồng… và 5 triệu đồng để theo dõi một thuê bao trọn đời.
Theo khảo sát của chúng tôi, sau khi có thông tin công ty Hồng Việt bị cơ quan chức năng phát hiện nghe lén hơn 14.000 điện thoại, sáng 24/6, nhiều số điện thoại quảng cáo và rao bán phần mềm nghe lén đã từ chối cài đặt dùng thử. Khi hỏi cụ thể, đa phần đều giải thích là họ chỉ “cung cấp phần mềm tiện ích”.
Điện thoại “cục gạch” cũng bị nghe lén Trước thắc mắc nhiều người cho rằng chỉ những chiếc điện thoại smartphone, truy cập được internet mới bị nghe lén, ông Nguyễn Minh Đức – Chuyên gia an ninh mạng cho rằng, 100% các điện thoại có tính năng cài đặt đều có nguy cơ bị cài thêm các phần mềm không mong muốn, phần mềm gián điệp. Dấu hiệu để nhận biết điện thoại bị nghe lén là trên góc màn hình thường xuyên xuất hiện biểu tượng GPS dù không kích hoạt. Ngoài ra, pin điện thoại hết nhanh, điện thoại hoạt động chậm lại.
Theo Zing News
Dễ dàng lấy cắp thông tin từ phần mềm nghe lén điện thoại
- Tất cả những dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc điện thoại, hình ảnh, video... của thuê bao điện thoại bị giám sát sẽ được phần mềm Ptracker lưu lại và đẩy lên máy chủ sau đấy khoảng 5-10 phút...
Ảnh minh hoạ
Sau một thời gian thực hiện chuyên án điều tra về phần mềm nghe lén điện thoại di động, mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - công an TP Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền đã kiểm tra và phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Việt Hồng tạo ra và kinh doanh phần mềm Ptracker để truy cập bất hợp pháp vào điện thoại thông minh của người dùng, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp thông tin...
Quá trình thanh tra, kiểm tra và khai thác dữ liệu máy chủ của công ty Việt Hồng xác định: Theo giấy phép kinh doanh, Công ty Việt Hồng thành lập năm 2010, đăng ký kinh doanh các ngành nghề: lập trình máy tính, sản xuất phần mềm máy tính, hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin.
Từ tháng 6/2013, công ty này phát triển, cung cấp dịch vụ trong phần mềm có tính chức năng giám sát điện thoại di động, bao gồm 2 gói: dành cho cá nhân (tên gọi Ptracker) và dành cho doanh nghiệp (tên gọi PtrackerERP). Các phần mềm này chỉ hỗ trợ hệ điều hành Androi.
Đối với phần mềm Ptracker, sản phẩm cuối cùng mà khách hàng nhận được là thông tin riêng của người sử dụng điện thoại: âm thanh, hình ảnh, video, số liệu định vị, số điện thoại gọi đi/đến, nội dung tin nhắn, danh bạ điện thoại, thông tin về các trang web điện thoại đã truy cập.
Trong khi đó, phần mềm PtrackerERP ngoài việc theo dõi vị trí, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi và các trang web đã truy cập của nhân viên (doanh nghiệp), PtrackerERP còn có chức năng trao đổi thông tin, phục vụ nhiệm vụ báo cáo của nhân viên với người quản lý.
Theo một cán bộ điều tra phòng PC50 cho hay, tính năng và quy trình cài đặt phần mềm này rất đơn giản. Nếu khách hàng có nhu cầu, công ty Việt Hồng sẽ cho cài phần mềm và dùng thử trong 24 tiếng. Khách hàng có thể vào tải về tại trang web của công ty, nhắn tin để nhận đường link, hoặc nhân viên công ty trực tiếp cài trên máy. Thời gian cài đặt Ptracker khoảng 3-5 phút, phụ thuộc tốc độ đường truyền Internet.
Tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy bị giám sát này sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ sau đấy chỉ 5-10 phút. Sau đó, người sử dụng chỉ cần đăng nhập vào địa chỉ trang web giamsat.vhc.vn của công ty Việt Hồng là có thể tiến hành xem lại tất cả các thông tin của máy điện thoại bị giám sát.
Để duy trì các tính năng của Ptracker, Công ty Việt Hồng đã thuê máy chủ của Công ty cổ phần dữ liệu Toàn Cầu
Điều đáng nói, phần mềm này có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật, tắt 3G/GPRS. Các tin nhắn này không được lưu lại trong hộp thư đi/đến như các tin nhắn khác.
Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng điện thoại bất kỳ rồi nhắn tin với cú pháp: @#*6xxxx (xxxx thay đổi tùy từng nội dung điều khiển, tính năng khác nhau như: phần mềm có đang hoạt động không, bật tắt 3G...).
Sau 24 tiếng sử dụng miễn phí, nếu khách hàng muốn sử dụng phần mềm trên thì phải chuyển tiền vào 1 trong 3 tài khoản của công ty Việt Hồng. Số tiền chuyển vào tuỳ theo gói thời gian sử dụng: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc gói vĩnh viễn.
Để thu hút khách hành sử dụng dịch vụ trên, công ty Việt Hồng đã cho đăng tải thông tin liên quan đến các sản phẩm phần mềm này trên một số trang xã hội và lập một số website để quảng cáo, giới thiệu.
Tại thời điểm kiểm tra số lượng tài khoản từng cài Ptracker là 14.140 tài khoản, trong đó số lượng tài khoản chưa bị xóa dữ liệu thông tin riêng của người sử dụng điện thoại là 7.447 tài khoản (dữ liệu còn lưu tại máy chủ của Việt Hồng).
Hiện tại, có khoảng 600 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm. Theo kết quả xác minh của thanh tra, từ tháng 9/2013 đến thời điểm thanh tra, Việt Hồng đã thu lợi bất chính trên 900 triệu đồng.
Một cán bộ tham gia điều tra vụ việc cho hay, khác với hoạt động của các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao khác, hoạt động của công ty Việt Hồng khá ngang nhiên khi đơn vị này quảng bá đầy đủ thông tin sản phẩm, địa chỉ của mình trên mạng internet.
Với phần mềm Ptracker do công Việt Hồng cung cấp, các thuê báo điện thoại bị cài đặt dễ dàng bị ăn cắp thông tin cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm cơ quan chức năng khám phá ra vụ việc thì chưa có bị hại nào đến cơ quan điều tra trình báo. Công an TP Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận những thông tin phản ánh từ các nạn nhân và người dân để phục vụ công tác điều tra, phá án.
Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Khánh Công
Theo_VnMedia
Hàng chục nghìn điện thoại bị nghe lén: Luật sư nói gì? - Hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của nhiều người có dấu hiệu tội phạm theo điều 125 BLHS... Ảnh minh họa Như tin đã đưa, mới đây Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...