Nghi án bé gái bị xâm hại tại trường: “Con đau lắm mẹ ơi!”
Khi phát hiện con bị chảy máu rất nhiều từ vùng kín, chị C. đã ôm con vào lòng vỗ về, hỏi han cháu. Lúc đó cháu chỉ khóc rồi than: “Con đau lắm mẹ ơi! Từ chiều đến giờ còn không đi tiểu được”, “Mẹ đưa con đi bác sĩ đi”…
Tại buổi làm việc Hội bảo trợ quyền trẻ TPHCM, chị C., mẹ bé gái trong nghi án bị xâm hại tại trường tiểu học Lương Thế Vinh, Thủ Đức, TPHCm đã chia sẻ nhiều thông tin về sự việc với báo chí.
Theo đó, tối 14/2, chị C. phát hiện chiếc quần con gái đang mặc và hai chiếc quần thay trước đó đều dính rất nhiều máu. Sau một lúc hoảng loạn và gọi điện cho một số người, chị cố gắng giữ bình tâm nói chuyện với con. Mới đầu cháu chỉ lặp đi lặp lại “Con có chuyện này kể cho mẹ” nhưng không nói ra mà chỉ khóc rồi liên tục kêu đau.
Chị C. bật khóc khi kể lại những lời con chia sẻ
Cháu kêu: “Con đau lắm mẹ ơi. Từ chiều đến giờ còn không đi tiểu được, con đau lắm!” rồi nài nỉ: “Mẹ đưa con đi bác sĩ đi”. Chị nhẹ nhàng nói, con muốn bác sĩ giúp con hết đau, con phải cho mẹ và bác sĩ biết con bị gì. Đến lúc này cháu khóc to, kêu: “Chú làm con đau lắm mẹ ơi”.
Cháu đưa tay chọt chọt, vỗ vỗ xuống bàn diễn tả lại động tác và hồn nhiên nói: “Chú làm như ba đóng đinh vậy đó mẹ!”. Trái tim người mẹ lúc đó muốn vỡ nát.
Kể đến đây, chị C. chảy nước nước, nghẹn ngào nấc lên từng tiếng.
“Tôi là một người vợ, một người mẹ… khi nhìn con tôi đã biết chuyện gì xảy ra với cháu. Nhưng tôi vẫn không dám tin cho đến khi chính cháu thốt ra”, chị C. đưa khăn lau nước mắt.
Ngay trong đêm, chị gọi taxi đưa con vào bệnh Từ Dũ thăm khám cho cháu và được các bác sĩ ở đây hướng dẫn chị gửi tố cáo lên cơ quan công an về việc con mình bị xâm hại.
Video đang HOT
Chị C. kể, cháu kể lại rất rõ sự việc là lúc đó cháu đang bỏ giày lên kệ, người xấu đi từ phía sau phía sau. Các bạn khác nhìn thấy liền bỏ chạy, còn con chỉ mới chạy được một hai bước thì đã bị chú kéo lại, giữ con lại rồi làm đau con.
Những ngày sau đó cháu vô cùng hoảng loạn, sợ hãi, nói không muốn đi học ở trường Lương Thế Vinh nữa vì sợ gặp kẻ xấu. Cháu nói khi nhắm mắt lại cũng nhìn thấy kẻ xấu làm đau cháu.
Nhà trường không hề hỏi han cháu N.?
Tối 14/2, khi thấy con bị chảy máu, chị C. đã gọi ngay điện thoại ngay cho giáo viên chủ nhiệm là Nguyễn Thị Thanh Hà hai cuộc nhưng cô Hà không nghe máy. Chị gọi cho cô bảo mẫu lớp con tên Giang kể về sự việc và nhờ cô Giang tìm và giữ lại chiếc khăn bị dính máu cháu bỏ vào thùng rác. Khi đó, cô Giang không hề nói về việc cháu khóc hay bé bị té với chị.
Hôm sau, vào ngày 15/2, khi làm việc với cơ quan công an tại trường, cô Giang nói cháu N., con chị có vấn đề về tâm sinh lý, thường hay “tự sướng” khi ngủ. Chị C. rất bức xúc vì tại sao cháu đi học từ tháng 8, một thời gian dài như vậy nếu cháu có vấn đề sao cô không trao đổi với phụ huynh để can thiệp kịp thời.
Việc cháu N. nói mình bị té trong ngày làm việc với cơ quan công an tại nhà trường như trong báo cáo được cho là của Phòng GD-ĐT Thủ Đức cách đây vài hôm, chị C. nói cả tối hôm xảy ra sự việc đến tận sáng 15/2 cháu đều khẳng định mình bị “chú làm đau”. Và việc này đã được công an dựng lại hiện trường.
Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q. Thủ Đức, TPHCM nơi phụ huynh tố cáo con con bị xâm hại trong lớp
“Tuy nhiên, trong thời gian tôi làm việc cùng công an phía dưới lớp thì bé N. ở phía trên lớp chơi với cô Giang và các bạn. Khoảng 20 phút sau khi chơi với cô Giang sau đó bé mới nói mình bị té, điều này làm tôi rất bất ngờ”, chị C. nói.
Về nguyên nhân bé bị té, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn luật sư TPHCM, Chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TPHCM nêu quan điểm là không hợp lý. Cháu N. học bán trú, nếu bé bị té đến ra máu như vậy thì tại sao nhà trường phải đưa bé lên phòng y tế hoặc đưa đến bệnh viện gần nhất?
Chị C. cũng thắc mắc, nếu con mình bị té trong thời gian nhà trường quản lý như nhà trường thông tin thì trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên quản lý ở đâu? Từ ngày xảy ra sự việc, bé không hề nhận được một lời hỏi han, chia sẻ nào từ phía nhà trường, giáo viên. Với cô giáo chủ nhiệm, chỉ duy nhất vào ngày 17/2, chị đến rút hồ sơ chuyển trường cho con thì mới gặp cô.
Các thông tin này chị C. cũng đề cập trong các lá đơn tố cáo, kêu cứu, tường trình về sự việc gửi các cơ quan chức năng. Chị cũng nói, chị rất đau lòng và suy nghĩ rất kỹ đến tương lai của con trước khi quyết định theo đuổi tố cáo sự việc nhưng chị không thể im lặng vì cả sự an toàn của nhiều đứa trẻ khác.
Chúng tôi đã tìm cách liên lạc với lãnh đạo Trường tiểu học Lương Thế Vinh như nhắn tin, gọi điện, đến tận nơi… để hỏi thêm thông tin – nhất là việc nhà trường, giáo viên không hề hỏi han bé sau khi sự việc xảy ra – nhưng lãnh đạo trường hoàn toàn né tránh, không gặp báo chí.
Theo Hoài Nam (Dân trí)
Xâm hại tình dục trẻ em: "Yêu râu xanh" núp bóng người thân quen
Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó nhiều vụ kéo dài, không được giải quyết dứt điểm khiến không chỉ nạn nhân và gia đình mà cả dư luận hết sức bức xúc.
Trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ở nhiều địa phương chậm được xử lý gây nên bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Gần đây nhất là việc gia đình chị Nguyễn Thị L (ở Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo con gái chị bị một người đàn ông xâm hại.
Ngày 13.3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc này. Trước đó, Chủ tịch nước đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện KSND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp, điều tra sớm làm rõ và có kết luận về vụ dâm ô trẻ em tại TP.Vũng Tàu.
Thủ phạm là người rất bình thường, quen biết
Nói về các vụ xâm hại tình dục trẻ em, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS) cho biết: "Tôi cay đắng, thậm chí phát khóc khi nói về những vụ việc này". TS Hồng cho biết, nhiều người thường cho rằng kẻ XHTD trẻ em là những kẻ không bình thường, biến thái, mắc bệnh (tâm thần) mới có những hành vi khốn nạn đó. Nhưng thực tế hầu hết những "yêu râu xanh" đó hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ, sức khoẻ tâm thần. Đó có thể là công chức, cán bộ, thậm chí có chức vụ cao, là trí thức, là doanh nhân. Khi bị phát hiện, nhiều người còn nhận xét về kẻ xâm hại là "người tốt", "hiền lành", "đứng đắn", "hay giúp đỡ người khác". Nhưng tại sao những kẻ đó lại đang tâm hãm hại các cháu bé, thậm chí cả con đẻ, cháu ruột, hay học trò của mình...?
"Nếu chúng là người tốt, hiền lành, các cháu bé đáng thương của chúng ta có lỗi hay sao? Có phải các cháu có lỗi vì dễ thương quá, xinh xắn quá, ngây thơ quá và bất lực quá?" - TS Hồng phẫn nộ.
Bà Hồng chia sẻ, gần đây, bà đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về vấn nạn này. Vì không thể tiếp cận được các số liệu của các cơ quan chức năng và cũng vì nguồn số liệu đó khá sơ sài nên bà đã tổng hợp các vụ XHTD phụ nữ và trẻ em được đưa tin trên báo điện tử trong vòng 5 năm (từ 2011-2016). Phân tích sơ bộ ban đầu cho thấy trong số 322 trường hợp bạo lực tình dục được đưa tin, có tới 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, thậm chí có những bé chỉ mới 2 tuổi; 60% nạn nhân ở độ tuổi 11-25. Một số trường hợp bị bạo lực kép: Nạn nhân bị cưỡng hiếp, cướp tài sản, hành hung và thậm chí bị giết chết, chiếm 32%. Số vụ hãm hiếp tập thể với phần lớn là do 3 đến 5 thủ phạm chiếm 13,5%.
"Trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ hay không đi ra khỏi nhà vào đêm tối, phân tích của chúng tôi cho thấy 73% số thủ phạm XHTD là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng. Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ XHTD cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân" - TS Hồng cho biết.
Theo TS Hồng, XHTD để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả tài chính cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân và gia đình đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế do phải chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị. Thậm chí, không ít người đã tìm đến cái chết để thoát khỏi ám ảnh và bế tắc sau khi bị XHTD.
Không thể thờ ơ
Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam năm 2015, có tới 87% số phụ nữ từ 2 TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% số người chứng kiến đã không có hành động gì. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam cũng trong năm 2015, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.
Bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP) cho rằng, nếu chúng ta không lên tiếng thì các vụ XHTD sẽ tiếp tục "leo thang" càng ngày càng nghiêm trọng. Khi kẻ xâm hại không bị trừng trị sẽ có thêm nhiều kẻ xâm hại khác phạm tội. Và trẻ em, phụ nữ sẽ thành các "con mồi" của chúng mà không nhận được sự bảo vệ.
"Chỉ chưa đến một ngày sau khi báo chí đưa về vụ việc cháu bé 8 tuổi nghi bị xâm hại ở Thủ Đức, các báo lại đồng loạt đưa tin Phòng Giáo dục Thủ Đức có công văn nói rằng không có việc cháu bé bị xâm hại. Cháu bị chảy máu vùng kín là do tự ngã. Tôi thật sự phẫn uất khi đọc những thông tin này. Cũng nhân lời khẳng định của nhà trường và Phòng Giáo dục Thủ Đức về việc không có người lạ vào trường, tôi muốn nhắc lại rằng 90% số trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục do người quen, trong đó gần 50% là người trong gia đình, họ hàng. Do vậy, đừng vội loại trừ người có thể xâm hại các em không phải người "lạ". Vì thế, chừng nào vụ việc này chưa được làm rõ, các trẻ em khác vẫn có thể có nguy cơ" - bà Hoàng Anh cho biết.
Theo bà Hoàng Anh, gần đây đã có trường hợp em bé 13 tuổi ở Cà Mau quyên sinh sau khi bị XHTD và vụ việc của em cũng không được lắng nghe, được giải quyết. "Trong các phản hồi trên facebook, tôi thấy một bà mẹ thậm chí đã miêu tả nỗi đau như thế này "nếu con gái tôi bị lạm dụng, có thể tôi sẽ phải giúp nó chết để nó không bị dằn vặt trong nỗi đau cả đời". Đây là một ứng xử tiêu cực, nhưng để nói là nỗi đau do XHTD trẻ em là kinh khủng. Ngay cả việc kẻ thủ ác bị đưa ra ánh sáng, bị phạt tù, nỗi đau với trẻ em và gia đình của họ cũng khó mà giảm đi nhưng ít nhất để họ còn có niềm tin, tin vào một xã hội liêm chính và công bằng" - bà Hoàng Anh nói.
Theo bà Khuất Thu Hồng, một số vụ XHTD trẻ em đã gặp phải sự vào cuộc chậm trễ của cơ quan thực thi pháp luật và thái độ bàng quan, dung túng của cán bộ công quyền. Một số vụ khác lại được giải quyết theo cách "hoà giải" và đền tiền ngay cả khi vụ việc đã có dấu hiệu hình sự, tội phạm nhận tội. Ngoài ra, quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm thậm chí còn khiến nhiều nạn nhân dường như bị bạo lực và lạm dụng thêm nhiều lần nữa.
"Nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì nhận ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng ngừa và thực thi luật pháp lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực. Thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý XHTD lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình" - TS Hồng phân tích. Theo TS Hồng, nếu những vấn đề này không được giải quyết thì XHTD đối với trẻ em và phụ nữ sẽ còn tiếp tục gia tăng, với diễn biến ngày càng phức tạp.
Trước các vụ XHTD trẻ em liên tục mà không được giải quyết dứt điểm, 15 tổ chức trong Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) đã ra "tâm thư" kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn này.
Theo Danviet
Chơi một mình, bé gái 2 tuổi bị hàng xóm xâm hại Về gần đến nhà trọ ở quận Thủ Đức (TP HCM) sau chầu nhậu với nhóm bạn, Tú thấy bé gái ngồi chơi một mình liền bế về phòng hãm hại. Ngày 19/12, Nguyễn Văn Tú (28 tuổi, quê Thanh Hóa) bị Tòa Gia đình và Người chưa thành niên - TAND TP HCM xét xử về tội Hiếp dâm trẻ em. Theo...