Nghi án bà lão bị giết vì đeo dây chuyền vàng
Bà Võ Thị B. sống bằng nghề làm thuê làm mướn gắng gượng nuôi hai người con trai nên người, để phòng thân lúc tuổi già, bà tích cóp, chắt chiu mua được sợi dây chuyền vàng ưng ý, nhưng cũng có thể nó đã khiến kẻ ác tâm lập mưu giết bà cướp của.
Vụ việc khiến dư luận vô cùng bức xúc và bất an khi kẻ thủ ác vẫn chưa bị đền tội giết người.
Sợi dây chuyền oan nghiệt
Ngày 14/6, PV tìm đến ấp 8 (xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) để tìm hiểu về vụ việc giết người, cướp của gây rúng động dư luận thời gian vừa qua. Theo thông tin ban đầu từ công an xã Lộc An, bà Võ Thị B. (SN 1957, quê Sóc Trăng) đến ấp 8, xã Lộc An làm vườn thuê được 6-7 năm.
Khoảng 3 tháng trước đây, bà B. sang làm và trông coi vườn cho ông Trần Văn Lạp (54 tuổi, ngụ thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Công việc chủ yếu của bà là ban ngày làm cỏ, tưới phân, chăm sóc cho vườn tiêu, cao su, tối đến trông coi vườn sầu riêng đang sai trái. Do ông Lạp sống ở thị trấn Lộc Ninh mà vườn thì ở ấp 8, xã Lộc An, nên mọi việc liên quan đến vườn tược, ông tin tưởng giao hết cho bà B.
Không phụ lòng sự tin của ông Lạp, bà B. làm việc rất chăm chỉ, chịu khó. Dù tuổi gần 60 và cũng có hai người con trai đã ngoài 30 tuổi, bà vẫn miệt mài lao động, không muốn an hưởng tuổi già. Hàng tháng bà đều gửi tiền về quê chu cấp cho con cháu và đều đặn lên Bình Phước thăm mẹ đẻ. Ngoài hai đứa con trai thỉnh thoảng lên làm thuê và thăm nom mẹ, bà B. còn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của gia đình ông Nguyễn Thu (ngụ ấp 8, xã Lộc An). Gia đình ông Thu xem bà như người thân nên cứ 2 – 3 ngày, bà B. lại xuống nhà ông Thu chơi.
“Bà thân với gia đình tôi lắm, đặc biệt thương con Ý (Nguyễn Thị Như Ý, con gái ông Thu, 17 tuổi – PV), coi nó như con. Mỗi lần đi đâu xa hay cần giúp đỡ, bà ấy đều gọi con Ý. Con gái tôi cũng coi bà như mẹ. Cách đây một năm, bà B. có nhờ Ý chở ra thị trấn Lộc Ninh mua một sợi dây chuyền trị giá khoảng 7 triệu đồng. Bà B. ưng ý lắm nên lúc nào cũng đeo ở cổ. Sợi dây chuyền là niềm ao ước bấy lâu của bà. Bà làm thuê cho bao nhiêu người, tằn tiện, chắt chiu nhiều năm mới mua được. Vậy mà, cũng vì nó mà bà ấy mất mạng”, ông Thu bàng hoàng tâm sự về người bạn thân thiết của gia đình.
Theo ông Thu, ngày 11/6, bà B. gọi điện nói mình bị đau đầu và nhờ Ý chở đi mua thuốc về uống. Nhưng hôm đó cháu Ý đi làm nên ông Thu đi mua thuốc giúp và đem đến chòi cho bà. Đến chòi, nơi bà B. trông coi vườn, thấy bà B. mệt mỏi nên kêu bà lên xe để ông chở xuống nhà mình chăm sóc. Hai vợ chồng ông Thu cho bà B. uống nước cam, thuốc cảm và trải giường cho bà nằm nghỉ. Được một lúc, thấy khỏe lại nên bà B. đòi về, ông bà Thu không đồng ý, giữ bà lại ăn cơm và muốn bà ở chơi đến hôm sau mới cho về.
Nhưng bà B. kiên quyết đòi về vì bà lo vườn sầu riêng của ông chủ không ai trông coi và còn nhiều việc phải làm. Vợ chồng ông Thu đành để bà về mà trong lòng thấy lo lắng, tội nghiệp cho thân già cô độc. Khoảng 8h ngày 12/6 (nhằm mùng 5/5 âm lịch, tết Đoan Ngọ), ông Thu gọi điện mời bà B. xuống nhà dùng cơm nhưng điện thoại không liên lạc được. Ông Thu nói: “Tôi nghĩ chắc điện thoại của bà hết pin nên cũng không lên vườn làm gì. Tôi chỉ dặn vợ để dành cho bà ấy một phần đồ ăn, đến chiều để bà B. xuống ăn, nhưng đâu ngờ…”.
Những dấu vết khó hiểu tại hiện trường
Bữa cơm ngày tết Đoan Ngọ của người dân xã Lộc An bị cắt ngang bởi tiếng xì xào, bàn tán lan nhanh về cái chết tức tưởi của bà Võ Thị B. Gia đình ông Thu cũng vội vàng tới xem sự tình: “Tôi không thể tin được. Một người vốn sống hiền lành, không điều tiếng lại chết oan uổng đến vậy. Sợi dây chuyền được bà nâng niu, yêu quý đã khiến bà ấy mất đi mạng sống quý giá”, ông Thu bức xúc chia sẻ với PV.
Video đang HOT
Cái chết của bà B. được ông Trần Văn Lạp phát hiện vào khoảng 15h ngày 12/6, khi ông này xuống thăm vườn. Ông Lạp tường thuật: “Tôi chạy xe từ thị trấn Lộc Ninh xuống ấp 8, xã Lộc An để thăm bà B. và xem vườn tược thế nào. Khi tôi đậu xe, bước vào thì thấy cửa chòi khóa chặt, bên trong bà B. đã chết với nhiều nhát dao đâm vào ngực. Qua sự xác minh của công an điều tra, tôi biết được bà B. đã mất sợi dây chuyền thường ngày bà vẫn đeo ở cổ và 2,2 triệu đồng tiền mặt. Vườn của tôi cách xa nhà dân nên khi sự việc bất hạnh xảy ra với bà B. không ai hay biết”.
Theo ghi nhận của công an xã Lộc An, đồ đạc, chăn gối trong chòi vung vãi khắp nơi, có lẽ nạn nhân đã chống trả quyết liệt với kẻ thủ ác nhưng do tuổi cao nên đã bị giết chết dưới lưỡi dao oan nghiệt. Tuy nhiên, khi chết, trên người nạn nhân Võ Thị B. vẫn còn đeo nhẫn và bông tai khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy khó hiểu.
Ông Nguyễn Thu đang tường thuật lại sự việc cùng PV.
Hai con trai của bà B. gồm Lê Văn Nhớ và Lê Văn Quên đều đã có gia đình và sống tại Sóc Trăng. Đau đớn trước cái chết của mẹ, họ cho biết: “Cha tôi mất khi mẹ mới 30 tuổi. Thế nhưng, mẹ vẫn quyết ở vậy nuôi dưỡng chúng tôi lớn khôn. Bà sống rất tằn tiện, mỗi tháng lương được hơn 3 triệu mà bà vẫn tích cóp gửi về quê lo cho con cháu. Chúng tôi chưa trả hiếu cho mẹ được ngày nào thì nay kẻ ác đã nhẫn tâm giết mẹ cướp của. Người tốt như mẹ tôi sao chịu nhiều bất hạnh”.
Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, hai con trai của bà Võ Thị B. đã mang xác bà về an táng tại quê nhà. “Xa quê, 2 năm mới về thăm quê một lần, lần này thì mẹ tôi đã ở lại quê vĩnh viễn rồi. Mẹ tôi mất đi nhưng biết đến bao giờ, kẻ thủ ác mới bị trừng trị để trả lại sự công bằng cho mẹ tôi”, anh Quên khóc nức nở khi bộc bạch trước cái chết oan ức của mẹ già.
Kẻ tình nghi và manh mối phá án
Trước cái chết của bà B., nhiều người dân sống ở địa phương xâu chuỗi lại những sự kiện và cũng đưa ra những nhận định ban đầu về đối tượng tình nghi. Theo đó, người dân cho biết, trước thời điểm bà B. bị sát hại có một thanh niên từng làm thuê cho ông Lạp đến xin ngủ nhờ ở chòi vài ngày. Tuy nhiên, bà B. không đồng ý nên người thanh niên lạ mặt ấm ức bỏ đi. Trước đây, người thanh niên này từng làm thuê cho nhiều nhà quanh vùng, không hiểu sao mới làm vài ngày cho ông Lạp thì bỏ đi không làm nữa.
Sau đó, người này làm gì, ở đâu, người dân không ai nắm rõ. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Thu: “Ngày bà B. bị sát hại, một số người ở ấp 8, xã Lộc An thấy đối tượng này lén lút tìm đường ra quốc lộ 13 và bắt xe khách đi đâu đó. Nghe đâu, người đó tên Cường, cũng làm thuê nhưng lười biếng nên nhiều chủ ghét không thuê làm việc, cứ lang thang vất vưởng xin ở chòi này vài hôm, rồi lại đi. Bà B. sợ không cho ở cùng, có lẽ lúc đó, đối tượng quan sát thấy bà có sợi dây chuyền to mà lại sống trong vườn một mình nên nhẫn tâm giết người cướp của”.
Nhiều luồng thông tin khác cũng cho rằng, trong lúc bà B. xuống nhà ông Thu dưỡng bệnh, đối tượng đã lẻn vào chòi tìm tiền bạc và tư trang của bà. Thế nên, đồ đạc trong chòi mới bị xáo trộn. Có lẽ, khi tên cướp đang lục tìm của cải thì bà B. về tới phát hiện đã giằng co với tên này và bị hắn đâm chết rồi lấy đi sợi dây chuyền vàng?
Quyết tâm vạch mặt hung thủ
Ông Đoàn Sinh Hùng, Trưởng công an xã Lộc An cho biết: “Hiện cơ quan công an vẫn chưa bắt được hung thủ. Cơ quan công an đang tiến hành điều tra và rà soát các đối tượng khả nghi để tổ chức truy bắt đối tượng. Do nạn nhân chưa đăng ký tạm trú, chưa đăng ký hộ khẩu nên chính quyền địa phương không nắm rõ lý lịch và hoàn cảnh của bà B. Vả lại, nơi xảy ra vụ việc cách xa khu dân cư nên rất ít manh mối để phá án. Người dân địa phương hiện đang rất bức xúc và lo ngại việc đối tượng nguy hiểm vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”. Hiện cơ quan công an đang tích cực khoanh vùng, điều tra, quyết tâm vạch mặt hung thủ.
Theo NTD
Vào 'mắt bão' tóm gọn ông trùm 'cái chết trắng'
Ngay sau khi triệt phá thành công đường dây ma túy tầm cỡ tại đỉnh đèo Tằng Quái, lực lượng quân hàm xanh lại có chuyến công du sang Lào nhưng không phải để nghỉ dưỡng, mà là bắt đầu cuộc phá án mới.
Kẻ đó là Quàng Văn Dương, SN 1969, từ năm 2005 đã sang Luông Nậm Thà (Lào) sinh sống nhưng lại thường xuyên về Thanh Luông (Điện Biên) thăm anh rể là ông Lò Văn Thịch. Mỗi lần về thăm, Dương thường cho ông Thịch rất nhiều tiền, song điều đáng nói là anh ta thường hay giao du với những đối tượng có "tiếng tăm" trong giới đánh hàng "đen trắng" trên địa bàn.
Với sự nhạy cảm nghề nghiệp, các trinh sát phán đoán Dương là đối tượng trong một đường dây ma túy cỡ lớn ở nước ngoài, đang muốn mở rộng địa bàn và đó là lý do có cuộc ra nước ngoài "ăn dưỡng" như lời các anh nói với vợ.
Phông Xa Lỳ là một tỉnh Bắc Lào tiếp giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và tỉnh Điện Biên của Việt Nam, quốc lộ 279 từ thành phố Điện Biên Phủ qua cửa khẩu Tây Trang - đi Mường Khoa - tỉnh U Đom Xay và tỉnh Luông Lậm Thà (Lào)... Trên địa bàn các tỉnh này, đời sống kinh tế của nhân dân các bộ tộc Lào còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp;
Nơi đây được coi là địa bàn lý tưởng cho các đối tượng tội phạm buôn bán - sản xuất - vận chuyển ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng về tập kết tại các địa điểm bí mật và móc nối để vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ.
Các đối tượng buôn bán ma túy (chủ yếu heroin và hồng phiến) từ Lào câu kết với tội phạm ma tuý người Việt Nam hình thành các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy lớn từ Lào vào Việt Nam với nhiều thủ đoạn tinh vi, và luôn sử dụng vũ khí "nóng" để bảo vệ trong quá trình hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy.
Sau gần một tháng quăng quật, lăn lộn trinh sát trên tuyến đường hơn 1.000 km trên đất bạn, các trinh sát đã xác định thân nhân tên Dương cũng như các mối quan hệ chính của đối tượng.
Quàng Văn Dương còn có tên Lào là Thạo Thông. Năm 1985, anh ta sang Lào sinh sống và lập nghiệp tại Luông Nậm Thà cùng với gia đình. Quan hệ của anh ta rất phức tạp, chủ yếu là những kẻ có máu mặt ở các tỉnh Bắc Lào. Để khẳng định vai trò của Dương, các trinh sát đã vào đủ vai diễn để anh ta sớm bộc lộ bản chất.
Sau nhiều lần tình cờ gặp người thanh niên có biệt danh Sếu tại nhiều nơi như vũ trường, nhà nghỉ, Dương chủ động làm quen, hỏi có nhu cầu mua ma túy không, loại nào anh ta cũng có. Một hai lần không nhận được câu trả lời nhưng thấy "sếu" thường xuất hiện ở Lào, Dương đã không bỏ qua cơ hội.
Anh ta khoe tham gia "bộ đội cõng hàng" từ năm 2002 và kiếm được nhiều tiền, hiện có một xe ca chở khách hoạt động từ Luông Nậm Thà đi thủ đô Viêng Chăn và đây cũng chính là "con lừa" trong việc vận chuyển số hàng khổng lồ từ Viêng Chăn về Luông Nậm Thà để giao cho khách Lào và Việt Nam. Sau nhiều lần thăm dò, Dương nhận lời về Điện Biên thăm nhà "sếu".
Một buổi chiều đầu năm 2008, Dương và "sếu" gặp nhau tại một quán cafe vườn tại thành phố Điện Biên. Sau những câu chuyện tầm phào, họ chia tay nhau nhưng Dương vẫn cố nán lại, chỉ để trò chuyện với cô chủ quán. Những câu hỏi bâng quơ tưởng như rất vô tình song cũng giúp Dương nắm được "sếu" là một tay có "số má" ở Điện Biên.
Từ hôm đó, anh ta chủ động ngỏ ý nhờ tìm mối tiêu thụ "hàng" ở Việt Nam với số lượng lớn, mỗi lần từ 20 bánh heroin trở lên còn hồng phiến thì phải hàng chục đến hàng trăm nghìn "hạt".
"Sếu" chỉ ậm ừ vì cho rằng đây là việc quan trọng, anh ta không thể quyết được mà phải để đại ca định đoạt. Dương đồng ý, sau khi để lại một ít hàng trắng, vài viên hồng phiến làm mẫu, đã cho "sếu" 2 số điện thoại của mình. Dương cho biết hàng của mình từ Mianma nên chất lượng đảm bảo và để làm ăn lâu dài, anh ta sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ để đại ca của Sếu Việt Nam gặp đại ca của hắn.
Đến lúc này thì trước mắt các chiến sĩ biên phòng, một đường dây ma túy tầm cỡ của các đối tượng người Lào và người Việt trên đất Lào dần hé lộ. Một chuyên án lớn được xác lập, có sự tham gia của những trinh sát giỏi của Cục biên phòng và sự phối hợp của lực lượng công an nước bạn.
Ngày 15.4.2008 tại Mường Khoa, Dương đưa các bạn hàng người Việt vào thị xã U Đom Xay (Lào) để gặp các ông chủ người Lào và xem hàng. Tại đây, họ được gặp hai anh em Cà Văn Tụt, Cà Văn Pọm, nhà ở cách bến xe U Đom Xay 3 km nhưng với linh cảm nghề nghiệp, các anh phán đoán tên trùm chưa xuất hiện.
Sau vòng "chào hỏi" bằng những tép, những viên ma túy mời nhau, hai vị khách dứt khoát không bàn việc làm ăn vì lý do chưa được gặp "ông chủ chính", buộc ba tên Dương, Tụt và Pọm phải đồng ý đưa bạn hàng đi Luông Nậm Thà gặp ông chủ và trực tiếp xem kho "hàng".
Tuy nhiên, với bản chất cáo già, tên trùm đã cảnh giác từ chối chưa tiếp xúc ngay với lý do đi vắng và chỉ cho khách hàng xem hàng mẫu. Tỏ thái độ không tin, hai thầy trò "sếu" tuyên bố "chưa thấy gì khả quan để làm ăn" và rút về Việt Nam.
Chuyến xâm nhập ấy đã cho các trinh sát một thông tin quý là ngoài ba tên đã gặp thì kẻ đứng điều hành đường dây chính là Giàng Hủ, một tên người Mông ở Luông Nậm Thà (Lào) và đường dây này vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ khu vực "Tam giác Vàng" về Luông Nậm Thà và thị xã U- Đom Xay, sau đó tiếp tục đưa về thị trấn Mường Khoa vào Việt Nam tiêu thụ.
Trước sự bỏ về đột ngột của thầy trò "sếu", Dương chuyển lời xin lỗi của Giàng Hủ và mời các "sếu" Việt Nam sang chơi và bàn chuyện làm ăn. Ngày 20.4.2008, 2 "sếu" lại lên đường sang thị trấn Mường Khoa (Lào) và được Dương đón, đưa đi U Đom Xay (Lào). Tại đây, ngoài các tên Cà Văn Tụt, Cà Văn Pọm còn có thêm tên Cà Văn Tám và "ông trùm" Giàng Hủ.
Rượu, gái và hồng phiến được mang ra đãi khách. Sau một đêm ăn nhậu, các đối tượng cho khách xem một "kho nhỏ" hàng hồng phiến của chúng ngay tại U Đom Xay với khoảng 200.000 viên. Tên Tụt cho biết "hàng trắng" mới bán hết, hiện chỉ còn khoảng 10 bánh rồi khuyên các "sếu" thử hồng phiến, nếu được có thể cung ứng gấp đôi số hiện có.
Trước khi chia tay, Tụt còn "biếu" khách 30 viên hồng phiến để đi đường "cắn cho khỏe".
Các thông tin về đối tượng được báo cáo kịp thời về ban chuyên án và ngày 25.4.2008 tại Hà Nội, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - Phó Tư lệnh và đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô - Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm ma túy đã có cuộc họp với Ban chuyên án, đưa ra chủ trương "đánh" ngay từ bên kia biên giới. Chỉ ít ngày sau, lực lượng đánh án hoàn chỉnh kế hoạch phá án và sẵn sàng phối hợp với Công an Lào chuẩn bị phá án.
Liên lạc giữa các "sếu" Việt Nam với các đối tượng ở Lào được giữ thường xuyên. Tỏ ra hào hiệp, "ông chủ trẻ" Việt Nam còn hứa sẽ chi riêng cho Dương 3.000 USD nếu giúp anh ta thành công trong vụ này và chính vì lời hứa này mà mọi di biến động và hoạt động của các đối tượng, kể cả sự chuẩn bị cho vụ làm ăn và diễn biến tâm lý của "ông chủ" Giàng Hủ... đều được Dương thông báo cặn kẽ.
15h ngày 6.5.2008, theo thỏa thuận, hai bên sẽ giao dịch tại thị trấn Mường Khoa. Nhưng khi hai "sếu" Việt Nam vừa đặt chân sang Lào thì Giàng Hủ đòi họ phải lên thị xã U Đom Xay để xem tiền và xem hàng. Chỉ nghe có đến thế thôi, trước mặt Dương, ông chủ trẻ đã quát lên: "Chúng mày bỏ ngay ý định cướp tiền đi, nếu không làm ăn thì thôi, tao sẽ mang tiền về Việt Nam".
Thái độ cứng rắn, thêm vào lời giải thích của Dương rằng đối tác sang Lào bất hợp pháp, lại vác bao tiền lớn (70.000 USD nên cuối cùng Giàng Hủ đã phải nhượng bộ, đồng ý giao dịch ngay tại Mường Khoa. Hắn phái Tụt, Pọm tới xem tiền, sau khi kiểm đếm thấy có 68.000 USD, Pọm đã thông báo cho Hủ và kể từ khi dán niêm phong số tiền trên, chúng không cho hai khách hàng liên lạc với ai, mọi cử động đều bị giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, tại "bản doanh" của ban chuyên án tại Mường Khoa, câu hỏi các đối tượng sẽ đưa hàng bằng phương tiện gì, ý đồ, phương thức giao hàng như thế nào... vẫn chưa có lời giải vì không biết tin tức gì ngoài ám hiệu cuối cùng do trinh sát gửi về là đối tượng đã niêm phong hàng, và họ đang trên đường từ U Đom Xay về Mường Khoa.
Bị kèm chặt trong suốt quá trình di chuyển từ U Đom Xay về Mường Khoa, chỉ một sơ suất nhỏ thì kế hoạch chuyên án sẽ bị phá sản và tính mạng của đại gia trẻ sẽ nguy hiểm, "sếu" Việt Nam quyết định "mua đứt" tên Dương bằng cách hứa chi thêm cho hắn 5.000 USD nữa.
Quá sung sướng, Dương tiết lộ toàn bộ kế hoạch và ý đồ của Giàng Hủ. Theo đó sẽ có 3 người mang hàng về tận Mường Khoa và tiền sẽ nhận trong nhà nghỉ ở Mạc Chay - đối diện khách sạn của người Tàu (Sô Ly Na), còn "hàng" sẽ giao ở bên kia phía bờ sông Nậm U, thời gian giao hàng vào khoảng trưa 8.5.2008.
Thông tin trên đã thay đổi toàn bộ cục diện của chuyên án, từ còn đang thăm dò, đấu trí với các đối tượng, ban chuyên án đã ở thế chủ động đón đánh đối tượng trong tình huống bất ngờ nhất.
Từ 9h00 ngày 8.5.2008, các trinh sát được lệnh tắt tất cả các máy điện thoại không liên lạc để thăm dò theo dõi động tĩnh trong khu vực. Thời tiết nóng bức, thêm vào đó là sự cố đứt cáp phà Mường Khoa do một xe tải chở 30 tấn ngô gây nên khiến cho giao thông đi lại bị ách tắc.
Công an huyện Mường Khoa được tăng cường để ổn định tình hình trong thị trấn và sự xuất hiện của lực lượng công an sở tại khiến cho các đối tượng cảnh giác, thận trọng.
Ba ngày đêm chờ đợi căng thẳng, nét lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt những người tham gia đánh án. Đến 11h15, nhận được thông báo các đối tượng đang nghỉ ăn cơm để chuẩn bị giao hàng, lệnh tác chiến phát đi, tất cả các tổ vào vị trí chiến đấu sẵn sàng đợi lệnh.
11h30 cánh cửa phòng nhà nghỉ bật mở, 2 giọng nói lơ lớ tiếng Việt: "Sếu T. đâu?", và trong lúc cả Dương, Giàng Hủ và "sếu" chuẩn bị đếm tiền thì các trinh sát đạp cửa xông vào. Hai tên chỉ kịp kêu ú ớ: "Tôi là người U Đom Xay..." đã bị các trinh sát khoá gọn.
Trong lúc nhộn nhạo, "ông chủ" T. đạp ngã một công an Lào, "ôm" cặp tiền nhảy qua cửa sổ nhà nghỉ trốn mất. Gần như đồng thời, tại một địa điểm khác, 3 kẻ mang 48.000 viên hồng phiến cũng bị bắt. Việc khám nhà các đối tượng ở U Đom Xay diễn ra chớp nhoáng.
Tang vật thu giữ tại nhà Cà Văn Tụt là 102 viên ma túy tổng hợp; 200g thuốc phiện; 0,1 g heroin cùng nhiều tang vật khác...
Sau gần 2 tháng lăn lộn trên đất bạn, lực lượng phòng chống ma túy đã triệt phá thành công một đường dây sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, bắt 6 đối tượng và nhiều tang vật khác. Số ma túy tổng hợp thu được đạt kỷ lục lớn nhất bị bắt giữ trên tuyến Tây Bắc từ trước tới nay.
Theo vietbao
Đường dây cá độ bóng đá trăm tỷ (Kỳ 3) Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng thời điểm cuối năm 2012, vấn nạn đòi nợ thuê dẫn đến bất ổn xã hội được cử tri và lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, đưa ra chất vấn các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cùng thời điểm đó, tài liệu về Chuyên án 412B ngày một dày thêm, thể hiện rõ...