Nghẹt thở cuộc truy đuổi cán bộ Cục Đăng kiểm giữa đêm
Cán bộ Cục Đăng kiểm phóng ô tô như điên, vượt qua sự ngăn cản của gần 20 cảnh sát. Một cuộc rượt đuổi nghẹt thở đã diễn ra giữa đêm tại trung tâm TP Hà Nội.
Rạng sáng 26-2, phát hiện một chiếc xe hãng Toyota BKS 29A – 154.54 di chuyển ở khu vực Hồ Gươm (Hà Nội) có dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác đặc biệt Y3/141 do Trung tá CSGT Phạm Quang Minh chỉ huy đã ra tín hiệu dừng xe, nhưng tài xế không những không chấp hành mà còn tăng ga phi thẳng vào tổ công tác.
Ngay lập tức, tổ công tác Y3/141 đã thông báo qua bộ đàm đề nghị các tổ khác phối hợp. Nhận được thông báo, tổ công tác Y1/141 và Y2/141 bố trí lực lượng đón lõng chiếc xe này, nhưng bất chấp hiệu lệnh dừng xe của hai tổ công tác, tài xế này vẫn phi với tốc độ nhanh, khiến hàng chục cảnh sát nhảy tránh nhằm đảm bảo an toàn. Chiếc xe sau đó lao vào phố Hàng Khay.
Chiếc xe “điên”.
Đến ngã tư Hàng Khay – Hàng Bài, chiếc xe này đi ngược chiều vào phố Hàng Bài. Tại đây, trinh sát hình sự tổ công tác Y4/141 “dàn trận” đón “xe điên”.
Chiếc “xe điên” giảm tốc độ, tưởng chừng như dừng lại, rồi bất ngờ quay ngoắt lại vào hướng phía trong Hồ Gươm. Gần 20 cảnh sát của tổ công tác Y5/141 và Y4/141 lập chốt chặn, nhưng tài xế vẫn cố tình đâm thẳng, “hất” hàng rào cảnh sát sang hai bên.
Liên quân 141 đã tung lực lượng ở cả 5 tổ công tác đặc biệt tiến hành truy đuổi, quyết tóm được chiếc xe ngông cuồng. Cuộc rượt đuổi đầy kịch tính diễn ra qua nhiều tuyến phố.
CSGT mưu trí dùng “bồ câu” khống chế “xe điên”
Trong quá trình đuổi theo và bắt kịp chiếc xe này, CSGT đã ra tín hiệu yêu cầu dừng xe, nhưng tài xế vẫn không chấp hành. Hai CSGT tổ Y5/141 đã mưu trí dồn ép chiếc ô tô, khiến tài xế phải giảm tốc độ. Nắm bắt cơ hội này, hai chiếc xe chuyên dụng của CSGT bất ngờ vọt ga lên phía trước, chặn đứng hướng di chuyển của chiếc ô tô khi chiếc xe này đến cửa số nhà 19 phố Hàng Mắm, phường Hàng Bạc.
Video đang HOT
Đến lúc lúc này, không còn đường thoát thân, gã tài xế vẫn tăng ga, tông thẳng vào 2 chiếc xe “bồ câu”. Đúng lúc này, lực lượng CSCĐ và hình sự hóa trang bắt kịp, nhanh chóng dùng biện pháp mạnh trấn áp, khống chế đối tượng.
Tài xế
Tại trụ sở CA phường Hàng Bạc, tài xế chiếc “xe điên” này khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình. Đối tượng được làm rõ là Nguyễn Thanh Sơn, SN 1985, trú tại số nhà 22 D1, Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội, là cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ngồi ghế sau có một cô gái và một nam thanh niên người nước ngoài mang quốc tịch Canada.
Nồng độ cồn trong hơi thở của Sơn vượt quá quy định
Nguyễn Thanh Sơn khai nhận vừa đi uống rượu cùng một nhóm bạn về. Khi CSGT kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của Sơn rất cao, vượt quá so với quy định.
“Em biết là em uống rượu rồi. Em đã vượt qua một chốt chặn của tổ công tác, nếu bị bắt thì chắc chắn em sẽ bị thu xe, nên em cố đạp chân ga bỏ chạy. Lúc đầu em không biết tại sao em bị bắt, còn bây giờ thì em biết em sai rồi!”- Sơn nói với PV báo PL&XH tại CA phường Hàng Bạc.
Tổ công tác141 đã lập biên bản xử lý.
Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Theo một cảnh sát, người vi phạm có thể sẽ bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.
Theo PLXH
Tương lai VAMA thống lĩnh thị trường ô tô
Thông tư mới nhất của Bộ Công thương bổ sung quy định về thủ tục nhập khẩu ô tô mới dưới 9 chỗ có tính chất không khác gì một lệnh cấm đối với các nhà nhập khẩu không chính hãng. Trong khi đó, VAMA có lý do để ăn mừng...
Không còn ô tô nhập khẩu "ngoài luồng"
Tinh đến hết năm 2009, Việt Nam đã có hơn 1.700 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô (số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam). Các cơ quan nhà nước, cụ thể là Cục Đăng kiểm không có chức năng và nhiệm vụ kiểm tra năng lực, quy mô và trách nhiệm của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Do đó, không có cơ quan nào giám sát việc bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Trên thực tế, trong đợt triệu hồi xe Toyota toàn cầu cách đây vài năm do lỗi chân ga, quyền lợi của nhiều khách hàng mua xe nhập khẩu không chính hãng tại Việt Nam đã bị bỏ quên, khi không thể ràng buộc trách nhiệm với bất cứ doanh nghiệp nào (chỉ có duy nhất một doanh nghiệp nhập khẩu độc lập tổ chức sửa chữa và thay thế tại Việt Nam).
Các salon độc lập thường thu gom xe tại các thị trường nước ngoài, sau đó nhập về Việt Nam. Do không có kế hoạch đặt hàng tại chính hãng sản xuất hoặc nhà phân phối ở nước ngoài, nên cũng không có hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ hậu mãi... từ chính hãng. Từ đó, việc mua linh kiện thay thế, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của salon nhập khẩu, chứ không có ràng buộc về pháp lí.
Ngoài ra, một thực tế không thể phủ nhận là có rất nhiều nhà nhập khẩu chỉ có showroom bán hàng mà không có xưởng dịch vụ và không có khả năng cung cấp linh kiện chính hãng, đúng chủng loại cho xe cần sửa chữa, thay thế.
Chính vì vậy, sự ra đời của Thông tư 20/2011/TT-BCT là tín hiệu mừng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi có quy định rõ hơn về trách nhiệm của các nhập khẩu đối với khách hàng. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩm một nguy cơ khác: sự độc quyền nhập khẩu dẫn đến khả năng lũng đoạn giá trên thị trường.
Thị trường mất tính cạnh tranh
Khi một nhà phân phối được ủy quyền đã có mặt tại Việt Nam, không một nhà phân phối nào khác nằm trong hệ thống phân phối toàn cầu của chính hãng có thể cung cấp sản phẩm vào Việt Nam.
Mẫu Toyota Yaris do TMV nhập khẩu chính hãng
Khi đã có Toyota Việt Nam (TMV) nhập khẩu và phân phối chính hãng xe Toyota tại Việt Nam, không một nhà phân phối nào khác, như Toyota USA, Toyota Trung Đông hay Toyota Đài Loan, được tập đoàn mẹ là Toyota Nhật Bản cấp phép phân phối sản phẩm cho các doanh nghiệp nhập khẩu độc lập tại Việt Nam.
Nắm giấy uỷ quyền nhập khẩu và phân phối xe chính hãng tại Việt Nam hiện chia thành 2 nhóm. Một là các liên doanh lắp ráp và sản xuất ô tô như Toyota Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam... - các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Hai là các đại lý có giấy phép nhập khẩu chính hãng như Euro Auto phân phối xe BMW, World Auto phân phối xe Volkswagen, VinaMazda phân phối xe Mazda...
Thông tư 20/2011 của Bộ Công thương sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng các sản phẩm chính hãng, được hưởng dịch vụ bảo hành, sửa chữa, cung cấp linh kiện từ các đại lí đủ trình độ và năng lực do chính hãng ủy nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, khi không còn các đối thủ cạnh tranh nhập khẩu tự do, khó đảm bảo rằng các nhà nhập khẩu chính hãng không lợi dụng sự độc quyền để đưa ra các mức giá bán cao hơn giá trị thực tế, vin vào những lí do như chi phí sản xuất, quản lí, trượt giá... trong khi người tiêu dùng có ít lựa chọn.
Ví dụ, một chiếc Land Cruiser Prado 2011 do TMV phân phối có giá bán 1,923 tỷ đồng (xấp xỉ 92.000 USD, theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 18/5/2011 là 20.673 VND/USD), trong khi chiếc xe tương tự được các salon tự do rao giá bán 88.000 - 90.000 USD với nhiều trang bị hơn. Tương tự, xe Honda Accord 3.5 nhập từ Mỹ được các salon tự do bán với giá khoảng 75.000 USD, thì Honda Việt Nam phân phối với giá 1,71 tỷ đồng (tương đương 82.000 USD), hàng nhập từ Thái Lan.
Nhập khẩu - Hướng đi của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?
Các liên doanh lắp ráp và sản xuât ô tô trong nước đều đang có xu hướng tăng nhập khẩu xe từ các nhà máy tại Đông Nam Á, chứ không còn tập trung lắp ráp và sản xuất trong nước.
TMV đã nhập khẩu xe Yaris, Land Cruiser Prado 2011. HVN nhập khẩu xe Honda Accord. Nissan Việt Nam nhập Navara. Mitsubishi nhập Pajero. Hầu hết các sản phẩm này hầu hết có xuất xứ Thái Lan.
Hiện tại, Thái Lan được coi là công xưởng lớn nhất của ngành ô tô không chỉ tại Đông Nam Á mà còn trên thế giới, làm bàn đạp để các nhà sản xuất tiến vào khu vực thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa thừa sức đáp ứng được yêu cầu 40% của AFTA để được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0 vào năm 2018.
Toyota hiện sản xuất pick-up để tiêu thụ trên toàn thế giới tại Thái Lan. Ford đã quyết định đầu tư thêm 800 triệu USD để nâng cấp cho dây chuyền lắp ráp xe Ranger và xe Focus thế hệ mới. Mitsubishi (Nhật) công bố khoản đầu tư mới 532 triệu USD cho nhà máy thứ 3 chuyên sản xuất ô tô chạy điện i-MiEV. Nissan đã tung ra thị trường sản phẩm xe sinh thái March với vốn đầu tư hơn 168 triệu USD. General Motors (Mỹ) cũng thông báo kế hoạch đầu tư 12 triệu USD cho hệ thống thiết bị phụ trợ ô tô tại cơ sở lắp ráp ở tỉnh Rayong, miền Đông Thái Lan... Và Volkswagen, sau một thời gian cân nhắc, cũng đã quyết định chọn Malaysia để lắp ráp và sản xuất các sản phẩm của mình tại khu vực ASEAN.
Giấc mơ về một dòng xe chiến lược "Made in Vietnam" đang càng trở nên xa vời.
Theo Dân Trí