Nghẹt thở bởi ô nhiễm
Suốt 5 năm bị nhà máy tái chế nhựa “tra tấn”, hàng chục người dân tại thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng, huyện Krông Păk (Đăk Lăk) đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cái mà họ nhận được là sự im lặng đáng ngờ.
Lúa chết, người bệnh
Vừa gặp chúng tôi, ông Lương Phước Triệu – Trưởng thôn Nghĩa Lập, liền than thở: “Chúng tôi bị tra tấn suốt ngày đêm các chú ơi! Cuộc sống sinh hoạt và ngay cả sức khỏe của chúng tôi luôn bị đe dọa bởi nhà máy này. Đấy, nhà ông Phạm Trường Sơn chỉ có 500m2 ruộng giờ mất trắng. Rác rưởi thì vung vãi khắp nơi, người thì đau ốm… Dân sống sao nổi?”.
Cảnh bừa bộn tại cơ sở tái chế nhựa ở thôn Nghĩa Lập.
Video đang HOT
Bà Trần Thị Tín – một người dân trong thôn cho biết: “Họ xả thải thẳng ra môi trường mà không xử lý khiến nước trong hồ và cả giếng ăn của chúng tôi đen ngòm, hôi thối. Chẳng những không thể dùng vào việc nấu nướng mà khi tắm thì người sinh ghẻ ngứa, chẳng ai dám dùng. Mấy năm nay, mỗi ngày gia đình tôi đều phải đi mua bình nước về dùng cho việc ăn uống”.
Người dân còn cho biết, sức khỏe của rất nhiều người trong thôn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt người già và trẻ em mắc bệnh về hô hấp và đau đầu rất nhiều. “Những người sống gần nhà máy luôn phải đóng cửa vì không thể chịu nổi mùi khét và tiếng ồn. Thậm chí, lúc đi ngủ, chúng tôi cũng phải mang… khẩu trang. Hai con của tôi và nhiều đứa trẻ khác trong thôn đã mắc bệnh viêm xoang”- bà Nguyễn Thị Phượng, nhà đối diện cơ sở chế biến nhựa tái sinh nói với chúng tôi. Chị Hồ Thị Bé cũng cho biết: “Tôi đang mang thai nên tối nào cũng phải về nhà mẹ để ngủ vì không khí ở đây rất ngột ngạt, khó thở”.
Chưa thể kết luận ô nhiễm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà máy chế biến nhựa tái sinh nói trên là của ông Nguyễn Sỹ Hùng. Từ ngày thành lập (năm 2007), nhà máy này luôn hoạt động 24/24 giờ; mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn hạt nhựa từ bao bì tái chế. Nhà máy có máy giặt, 1 máy băm và 1 máy nấu nhựa luôn hoạt động hết công suất. Cứ đến khoảng 18 giờ mỗi ngày, cơ sở này bắt đầu nấu nhựa nên đây cũng là khoảng thời gian mà người dân xung quanh bị “hành hạ” nhiều nhất do mùi khét cháy của nhựa. Quan sát cơ sở này, chúng tôi ghi nhận: Nước thải được xả ra bể chứa rồi xả thẳng xuống ruộng của dân.
Theo phản ánh của người dân trong khu vực, ngay từ khi cơ sở này ra đời, không thể chịu nổi sự ô nhiễm, họ đã làm đơn gửi cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. Tuy nhiên từ đó đến nay họ vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hồi âm nào…
Ông Trần Hữu Thái – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Păk- cho biết: Mới đây, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở này do vi phạm cam kết bảo vệ môi trường. Riêng nguồn nước và không khí có bị ô nhiễm hay không thì phòng không thể kết luận bởi… không có phương tiện đo đếm. Tuy nhiên, sắp tới phòng sẽ đề nghị Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Còn ông Nguyễn Xuân Hưng- Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Păk cũng cho biết thêm: Tại thời điểm kiểm tra, ống khói của cơ sở này chỉ cao 5m, thấp hơn quy định 7m. Cơ sở này có xây 3 bể lắng lọc, tuy nhiên việc xử lý không triệt để.
Theo Dân Việt
Hiểm họa tiềm ẩn từ một cơ sở tái chế rác thải y tế
Cơ sở tái chế rác thải y tế, súc rửa chai lọ thủy tinh của bà Phạm Thị Kha, tại khu vực chân Đế, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đang áp dụng "công nghệ" tái chế thủ công không đảm bảo an toàn nên tiềm ẩn nhiều hiểm họa ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Nỗi lo của người dân
Trong dãy lán lụp xụp, những bao chai lọ thủy tinh là các rác thải y tế được chất đầy lên tận nóc nhà, đổ tràn lan ở ven đường ngay sát chân cầu Đế. Tận mắt chứng kiến cơ sở tái chế của bà Kha, các cán bộ phụ trách về môi trường, công an xã Gia Phú đã rất ngạc nhiên bởi "công nghệ" tái chế rác thải được sử dụng tại đây hết sức đơn giản. Các loại chai lọ đang còn dính thuốc được đóng vào bao tải, cho vào bồn chứa ngâm để tẩy rửa nhãn mác và hóa chất...
Vấn đề nhiều người dân sống ở đây quan tâm, lo lắng đó là cơ sở tái chế rác thải y tế này xả nước thải ra sông Hoàng Long, nguồn nước cho nhà máy nước sạch xã Gia Phú - nơi cung cấp nước cho khoảng 2 nghìn hộ dân và các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn xã. Cũng tại đoạn sông này, từ trước đến nay người dân các thôn Thượng, thôn Làng, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn và thôn Đế Hạ, xã Đức Long, thôn Kiến Phong, xã Gia Tường, huyện Nho Quan sống ven hai bên sông vẫn có thói quen dùng nước sông tắm giặt và sinh hoạt hàng ngày.
Ông Vũ Văn Huy, thôn Kiến Phong, xã Gia Tường, huyện Nho Quan, làm việc tại bãi cát ngay bên cạnh cơ sở tái chế rác thải cho biết: Khi có gió thổi, từ phía cơ sở tái chế rác thải bốc lên mùi như mùi thuốc trừ sâu rất khó chịu. Hơn nữa, ngay gần khu vực cánh đồng, vào mùa mưa bão, chai lọ, mảnh vỡ thủy tinh từ cơ sở này sẽ bị cuốn trôi bởi nước ngập, phân tán rất nguy hiểm cho nông dân khi cày, cấy.
Mặc dù vậy, bà Phạm Thị Kha lại cho rằng, tuy có mùi, nhưng mùi đó là rất bình thường, không ảnh hưởng gì đến xung quanh. Bà Kha nói, trước đây khi chưa phát hiện ra bể chứa trong lòng đất, nước tràn ra ngoài, nhưng nay đã cho nước chảy qua bể lọc không phải xả ra sông. Khi bị hỏi, ngay cả khi cho nước thải qua bể chứa sẽ vẫn thẩm thấu ra ngoài gây ảnh hưởng đến nguồn nước, bà Kha lý sự, cơ sở của bà cách xa nguồn nước và nước thải chỉ là xà phòng nên không gây hại.
Vi phạm đã rõ ràng
Cơ sở tái chế rác thải của bà Kha đã hoạt động tại khu vực cầu Đế này từ nhiều năm nay. Bà Kha luôn miệng khẳng định, có người cho bà thuê khu đất này kinh doanh. Tuy nhiên, theo Công văn số 107/CV-ĐQLGT 2 của đoạn Quản lý giao thông số 2, thuộc Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình, thì đơn vị này không hề cho thuê, mượn khu đất này. Đây là vị trí nằm trong quy hoạch xây dựng trạm quản lý đường sông và khu tập kết vật liệu phòng chống bão lụt của ngành giao thông vận tải. Như vậy khu nhà, đất Bến Đế đã bị bà Phạm Thị Kha tự ý chiếm dụng.
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, số 09Đ8000231 do Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn cấp, bà Kha đăng ký bán thuốc thú y, giống rau và thu mua phế liệu, không phải đăng ký kinh doanh tái chế rác thải, địa điểm được ghi rõ là tại nhà, địa chỉ đường 477, thôn Ngô Đồng, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, không phải tại chân cầu Đế như hiện tại.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo phòng Tài nguyên Môi trường huyện Gia Viễn và xã Gia Phú cho biết: Cơ sở tái chế rác thải y tế của bà Kha hoàn toàn tự phát, nước thải không qua xử lý được xả thẳng ra sông Hoàng Long gần đó gây ảnh hưởng đến môi trường. Không những thế, bà Kha còn vi phạm kinh doanh sai ngành nghề và địa điểm kinh doanh trong giấy phép đăng ký.
Dư luận đặt câu hỏi, những sai phạm của bà Kha đã rõ, vậy tại sao các cơ quan chức năng địa phương vẫn chậm trễ trong việc xử lý vụ việc này?
Theo Báo Tin Tức