Nghẹn ngào dòng tâm thư cô bé lớp 9 gửi người mẹ quá cố
“Mẹ, con nhớ mẹ vô cùng, nhớ mẹ nhiều lắm. Con sợ mưa đêm, bởi đó cũng là lúc con cô đơn nhất. Con sợ ở cái thế giới xa xôi ấy mẹ bị ướt, mẹ bị hành hạ vì mưa. Mẹ à, mẹ cứ yên giấc nhé, con ở nơi này bình yên lắm..”, đó là những dòng tâm thư của cô bé Anh gửi đến người mẹ quá cố cả mình.
Vượt qua hơn 1.000 bài dự thi, bức thư của em Nguyễn Anh Thư (học sinh lớp 9A, trường THCS Anh Sơn) đã lấy đi nhiều nước mắt của tất cả mọi người để xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “ Thư gửi mẹ hiền” do tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức.
Sinh ra trong gia đình vốn có đầy đủ tình yêu thương đùm bọc của bố, mẹ và chị gái, nhưng khi đang học lớp 8, căn bệnh ung thư quái ác đã cướp mất đi người mẹ đáng kính của Thư.
Cho đến một ngày em trở về nhà sau buổi học vất vả, em bỗng thấy thiếu vắng mẹ, những lúc áo bị rách không có mẹ vá, những lúc buồn không có mẹ chia sẻ… Nỗi đau ùa đến, Anh Thư giận mẹ đã rời xa mình, nhưng xót xa hơn cô bé lại giận chính bản thân mình đã quá vô tâm.
“Rồi một ngày, con bỗng nhận ra, con đã mất đi một thứ tình cảm quan trọng và thiêng liêng lắm. Con cố ngoảnh lại đi tìm, về những nơi thân thuộc, gắn với kỉ niệm con và mẹ để tìm. Nhưng mẹ ạ, tất cả chỉ là hư vô, chỉ là thất vọng mà thôi”, Anh Thư viết.
Anh Thư tại buổi lễ trao giải
Buồn bã, đau xót trước hoàn cảnh của mình, để rồi trong một ngày mưa, Anh Thư cầm bút viết những dòng thư đầu tiên gửi người mẹ thân yêu đã khuất. Bức thư dài 5 trang giấy, với hơn 2.000 chữ là những cung bậc tình cảm từ hoài niệm, vui, buồn của Anh Thư khi nhớ về mẹ.
Trong bức thư cô bé Anh Thư viết.
Gửi mẹ hiền yêu dấu!
Mẹ ơi, hôm nay trời lại mưa rồi mẹ ạ.
Video đang HOT
Những hạt mưa cứ rả rích rả rích từng giờ không ngớt. Khuya, con ngồi lại viết thư cho mẹ. Bức thư đâu tiên con viết bằng tất cả tâm hồn dành tặng cho mẹ. Mẹ, con nhớ mẹ vô cùng, nhớ mẹ nhiều lắm. Con sợ mưa đêm, bởi đó cũng là lúc con cô đơn nhất. Con sợ ở cái thế giới xa xôi ấy mẹ bị ướt, mẹ bị hành hạ vì mưa. Mẹ à, mẹ cứ yên giấc nhé, con ở nơi nay bình yên lắm.
Thời gian cứ thắm thoắt thoi đưa, biết bao đêm rồi, đôi mi con cứ ướt nhòa đi vì nước mắt, đôi mắt buồn của mẹ bờ vai ấm áp của mẹ cứ hiện lên trong ký ức con. Con nhớ, nhớ biết bao ngày mưa như thế, mẹ cùng con ngồi lại với nhau bên chiếc cửa sổ thân thuộc ấy để trò chuyện. Nào là ” Không biết giờ này bố ngủ chưa con nhỉ?”, nào là ” Mẹ ơi, hồi sáng con được điểm 10 môn Văn”,…
Chuyện vui, chuyện buồn con với mẹ đều tâm sự cùng nhau. Những hạt mưa tí tách như cùng vui, cùng buồn với ta, mẹ nhỉ! Ấm áp thật. Nhớ lại, con cứ ngồi cười một mình vì khi đó con ngây thơ quá. Hì hì. Nhưng mẹ à, đó mãi mãi và mãi mãi chỉ là dĩ vãng thôi mẹ, mẹ với con sẽ chẳng bao giờ lấy lại những điều đó một lần nữa. Mẹ bỏ con đi rồi. Bỏ con cô đơn một mình để về với ông bà, tổ tiên nơi xa xôi ấy rồi. Để con bơ vơ, lạnh lẽo trên cái thế giới thực tại quá xa vời với mẹ như thế này rồi. Con mệt mỏi! Con gục ngã! Con biết dựa vào ai đây?
Mẹ! Mẹ trả lời con đi.
Mẹ ơi, vậy là đã hai năm mười ba ngày ba tháng rồi mẹ. Cái khoảng thời gian thật sự không ngắn đâu mẹ ạ. Mẹ bỏ con đi nhanh quá. Ở nơi ấy, mẹ có nhớ con không, nhớ bố, nhớ chị Hương không? Mẹ có mệt, có sút cân không? Mẹ có bị căn bệnh quái ác kia hành hạ mẹ nữa không. Con thương mẹ nhiều lắm nhưng con hận. Con hận căn bệnh suy gan cấp ấy. Nó đã làm con mất đi một người quan trọng nhất cuộc đời. Mất đi những phút giây yêu thương bên mẹ. Và con mất đi bờ vai ấm áp để con dựa vào khi con thất bại. Và mất tất cả rồi mẹ ơi. Con khóc.
Mẹ, con thực sự mệt mỏi, sao chẳng có ai chịu ở lại với con vậy mẹ. Bố thì đi làm tận ở Phú Quốc. Chị Hương thì ở tận trong kia, rồi ông bà nội cũng về với mẹ nơi ấy rồi! Con mệt, con khóc, con buồn, con nhớ, con đau, con biết tâm sự cùng ai đây. Mẹ ơi!.
Dòng tâm thư của cô bé khiến người đọc nghẹn ngào
Những hoài niệm vừa mộc mạc, vừa trong trẻo của một cô bé lớp 9 đã khiến nhiều người đọc không khỏi xót xa. Trong bức thư của em có tâm sự của chính bản thân mình, có cả những cảm xúc lắng động về người thân yêu nhất, người đọc dường như cảm giác chính mình cũng đã mất một thứ gì đó quý giá nhất khi cầm bức thư của Anh Thư.
Trong bức thư, Anh Thư ước: “Mẹ à, mẹ hãy là một bà tiên hiền dịu và cho con một điều ước nho nhỏ đi mẹ. Con ước bà tiên ấy được sống lại với con 1 ngày để con được chăm sóc bà – Việc mà trước đây con chưa từng làm…”.
Cuối bức thư, Anh Thư viết: “Kiếp sau dù thế nào đi nữa, mẹ sẽ mãi là mẹ của con, con thương mẹ nhiều”.
Được biết, trong kỳ thi học sinh giỏi vừa qua, Anh Thư đã đạt giải Khuyến khích môn Văn và giải Nhì môn Tiếng Anh. Hiện, Anh Thư đang cố gắng ôn luyện để thi vào trường chuyên THPT huyện Anh Sơn.
Tại buổi trao giải, em Nguyễn Anh Thư òa khóc: “Em muốn nói với các bạn, chúng ta đau khổ nhất và thiệt thòi nhất chính là khi mất mẹ. Vì vậy nếu các bạn may mắn còn mẹ trên đời hãy biết trân quý, học giỏi và đáp đền sự may mắn đó…”.
Trong buổi trao giải, nhiều người đã bật khóc khi nghe những dòng thư của cô bé Anh Thư gửi tặng mẹ.
Cô giáo Nguyễn Thị Bắc, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, trường THCS Anh Sơn cho biết, hoàn cảnh em Thư rất đặc biệt, mất mẹ, bố và chị đều ở xa, một mình em tự chăm sóc bản thân.
“Hoàn cảnh của Thư rất đáng thương, dù bé nhưng em đã có tính tự lập cao, được nhiều người mến mộ. Em là một học sinh ngoan, hiền lành có ý chí nghị lực vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trong học tập. Hiện nay, em mới chuyển đến ở với dì ruột, như vậy em sẽ được chăm sóc tốt hơn”, cô Bắc chia sẻ.
Cuộc thi “Thư gửi mẹ hiền” được phát động ngày 7/6/2016 và kết thúc vào ngày 20/9/2016, với mong muốn tạo ra môi trường lành mạnh, giúp các em học sinh có cơ hội rèn luyện, phát triển kỹ năng viết, khơi dậy những dòng cảm xúc, suy nghĩ đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và những người thân yêu. Cuộc thi đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham gia. Có 18/21 huyện, thành thị triển khai với 101.906 bài tham gia dự thi. Sau thời gian sàng lọc và chấm bài, ban tổ chức đã lựa chọn 28 bài thi để trao giải vào ngày 21/4.
Theo Hoài Nam (VNM – PL.XH)
Độc đáo phong tục "giỗ sống" bố mẹ để báo hiếu
Xưa nay, chúng ta chỉ biết làm một mâm cơm thịnh soạn cúng ông bà quá cố vào ngày Tết chứ ít biết đến phong tục "giỗ sống" cha mẹ để báo hiếu.
Không khí Tết đã trùng xuống, mọi người đã bắt đầu nhịp sống thường ngày. Tuy nhiên, tập tục "giỗ sống" cha mẹ của người dân tộc Nguồn (Minh Hóa, Quảng Bình) khiến nhiều người tò mò.
Tương truyền rằng, ngày xưa, có một người đàn ông lên rừng bẫy được một con lợn to, anh ta chọn những miếng thịt ngon nhất để dâng mẹ già cùng với cơm nếp. Một năm sau, vào dịp Tết mẹ anh trở nên bệnh nặng, bèn nói: "Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng".
Hai vợ chồng thương mẹ nhưng nhà nghèo không có tiền để mua những món ngon nên đem thóc giống ra thổi cơm. Người chồng lặn lội bắt cá suối, người vợ thì làm thịt con gà cuối cùng của gia đình sắm sửa một bữa cơm thịnh soạn cho mẹ.
Kỳ lạ, gia đình anh ăn nên làm ra, sức khỏe mẹ cũng tốt hơn. Người dân trong làng thấy vậy đều cho rằng nhờ có con cái hiếu thảo nên trời đất phù hộ. Cũng từ đó, các gia đình trong vùng đều chọn thức ăn ngon nhất để dâng lên cha mẹ để báo đáp bậc sinh thành khi ngày ngày Tết đến.
Mâm cơm cúng của người Nguồn dâng lên ba mẹ
Mâm cơm được dâng lên, con cháu lần lượt sẽ nói với ông bà, cha mẹ những lời sám hối của mình nếu như có những việc khiến bậc sinh thành phải phiền lòng. Sau đó cả nhà dùng bữa cơm báo hiếu để cầu chúc cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi, mong gia đình năm mới đầm ấm.
Ngoài những món ăn truyền thống của người Nguồn trong bữa cơm như bánh chưng, cá khe, rau tớn xào tôm, gà... các con còn làm những món mà cha mẹ thích ăn nhất.
Đối với gia đình có nhiều người con, đúng luật thì mỗi người sẽ làm một mâm con dâng lên cha mẹ, để tránh trùng nhau thì họ phải bàn nhau trước. Tuy nhiên, ngày nay do hoàn cảnh, nhiều người lập nghiệp xa quê nên có thể làm chung một mâm cơm.
Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Hùng Vĩ, chuyên gia văn hóa dân gian cho biết: "Chúng ta săn sóc, cung phụng đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh việc chăm sóc về tiện nghi vật chất, tình thương yêu, lo lắng phát xuất tự đáy lòng của người con hiếu thảo mới thực sự là ngọn lửa sưởi ấm lòng cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui trong những tháng ngày còn lại.
Theo đánh giá của cá nhân tôi thì đây là một phong tục đẹp. Các dân tộc khác chỉ làm mâm cơm cúng tổ tiên. Sau một năm lao động vất vả đây là dịp để con cháu nhìn lại, tâm tình cùng ba mẹ mình. Hiện, ngày Tết chúng ta ăn cơm cùng nhau, trò chuyện đủ thứ chuyện nhưng ít khi có những lời sám hối. Việc mỗi người con tất bật chuẩn bị những món ăn tỏ lòng thành kính như vậy khiến những người làm bậc cha mẹ cảm thấy mình được nâng niu, coi trọng".
Ông cũng cho biết thêm, tùy vào hoàn cảnh mà có những cách báo hiếu riêng. Ví như người con đó học tập sinh sống ở nước ngoài thì không thể về dâng mâm cơm báo hiếu bố mẹ. Mỗi người nên hài hòa, cân bằng tùy vào hoàn cảnh, không nên quá nguyên tắc.
Theo Ngọc Thi (Báo Gia đình xã hội)
Bí quyết nuôi dưỡng tính trung thực cho trẻ Phản ứng tức giận với hành động sai trái của con có thể gây ra nhiều tác hại hơn lợi ích, theo một nghiên cứu mới công bố. Trẻ có xu hướng nói dối vì sợ bố mẹ tức giận Trẻ em thường có xu hướng nói thật hơn khi chúng nhận thấy bố mẹ phản ứng tích cực, ngay cả khi biết...