Nghe tới đám cưới, tự nhiên… nhức đầu: “Làm ơn hát đúng tông được không?”
Đi dự đám cưới, một trong những điều phát rầu, nhức đầu nhất có lẽ là phải chịu đựng những màn thể hiện âm nhạc một cách… thảm họa.
Có thể khẳng định, ở 100% đám cưới đều có chương trình văn nghệ. Khi những món ăn được bưng bày lên bàn, là lúc ai cũng có thể trở thành… “ca sĩ” bước lên sân khấu để góp lời ca tiếng hát. Để rồi, dù những “sơn hào hải vị” hiện diện trước mắt, nhưng nhiều người… “nuốt không trôi, ăn không vô” mà chỉ muốn… bịt tai lại để không nghe thấy những màn… “hát không ra hát, vè chẳng ra vè”.
Nhiều người rất mê hát ở đám cưới bất kể khả năng hát hay hoặc dở. Ảnh Q.P
“Nhạc đi đường nhạc, lời đi đường lời”
Nguyễn Kim Cương (cựu SV Trường ĐH Văn Lang) nhớ lại chuyện cách đây chưa đầy nửa tháng, khi dự đám cưới của người bạn cùng quê tại một nhà hàng ở Q.Tân Bình. “Đi đám cưới mà tưởng đang xem chương trình… Giọng ải giọng ai. Bởi có nhiều người dù không có khiếu ca hát vẫn tự tin đăng ký cầm mic hát một cách say sưa. Khổ nỗi, đã hát không hay mà hát đến hai, ba bài liên tục. Nghe mà phát nản”, Cương kể.
Chuyện của Cương khá phổ biến, khi nhiều người cũng từng là khán giả bất đắc dĩ, dù muốn dù không cũng phải chịu đựng nghe những màn trình diễn hát mà như… đọc. “Mà ngộ lắm, nhiều người thích hát một cách lạ lùng. Họ đăng ký hát cho bằng được trong các đám cưới. Và khi tới lượt, được MC gọi tên lên sân khấu, đã hát một cách… trớt hoớt”, Nguyễn Thị Thùy Sinh (27 tuổi, làm việc ở Bệnh viện Hoàn Mỹ, TP.HCM), cho biết.
“Có lần, một anh chàng cũng đẹp trai bước lên sân khấu, nghe giới thiệu về tên ca khúc, tên nhạc sĩ… một cách trôi chảy, cũng tưởng anh chàng này hát hay lắm. Đâu có ngờ, nhạc đi đường nhạc mà lời đi đường lời. Nhạc đã ra đến Bình Thuận mà lời chỉ mới tới Đồng Nai”, Hoàng Thị Diệu Linh (30 tuổi, làm việc ở một công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM), tỏ ra ngán ngẩm.
Nhiều người dù hát không hay nhưng rất tự tin cầm mic để… hát mà như đọc. Ảnh X.P
Cũng theo Linh, lần đó khi anh chàng đang mải mê chìm đắm trong những giai điệu nhạc, thì ở phía dưới, nhiều người tỏ ra khó chịu: “Hát gì dở dữ vậy trời?”, “Hát vậy mà cũng hát”. Cũng có người bảo: “Hát không hay không quan trọng. Nhưng có thể nào làm ơn hát vô nhịp, hát đúng không được không”… Và rồi, sau hơn 4 phút, khi anh chàng đã thể hiện xong màn trình diễn, mọi người vỗ tay rào rào. “Không phải để ngợi khen, mà vỗ tay vì… mừng quá. Kiểu như mừng vì cuối cùng anh chàng ấy cũng “hát” xong, đã đưa bài hát về… đến bờ, và mừng vì không phải nghe một giọng ca… í ẹ đến vậy”, Linh nói.
Có những người trẻ cũng kể, nhiều khi đi đám cưới mà… quạu. Quạu chỉ vì rơi vào tình cảnh chẳng đặng đừng, phải nghe những: Đồi thông hai mộ, Đắp mộ cuộc tình… trong một không khí hân hoan, tươi vui như đám cưới. “Dù có thể hát những bài hát không hợp với đám cưới, nhưng thà hát hay cũng đỡ. Đằng này, đã chọn bài hát… trật quẻ mà còn hát lạc nhịp nữa thì… đúng là mệt mỏi toàn tập”, anh Lê Nguyên Phương (32 tuổi, nhà ở Block A10, chung cư EHome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM), tâm sự.
Những đám cưới luôn không thể thiếu những tiết mục văn nghệ. Ảnh Q.P
Video đang HOT
Cãi nhau hầm bà lằng
Có nhiều người còn kể, không những nhức đầu vì phải nghe những màn thể hiện khả năng âm nhạc “khó có thể… dở hơn”, mà còn nhức đầu vì phải chứng kiến những tình cảnh trời ơi đất hỡi. Mà nguyên nhân chính cũng liên quan đến chương trình âm nhạc ở đám cưới.
“Hồi tháng 3 có đi dự đám cưới người cùng ty tại một nhà hàng nổi tiếng ở Q.4. Đang ăn uống, tự nhiên trong bàn có người nổi sùng rồi buông lời chửi thề. Hóa ra người này đã viết phiếu đăng ký để được hát từ lúc món ăn đầu tiên vừa mới bưng ra. Vậy mà cho đến khi chuẩn bị ăn tráng miệng vẫn chưa được hát nên bực dọc, la lối”, Nguyễn Công Trọng (34 tuổi, làm việc tại một công ty môi trường ở Q.7, TP.HCM), nhớ lại.
Trọng kể tiếp: “Người đàn ông ấy gọi MC lại để hỏi lý do vì sao chờ quá lâu vẫn chưa đến lượt. MC mong thông cảm, vì lượng người đăng ký quá đông. Người này lại hỏi còn mấy bài nữa thì có thể hát. MC thú thật thời gian đã “lố” nên chương trình văn nghệ phải khép lại. Thế là người đàn ông nổi cơn tam bành la lối om sòm”.
Có người hát ở đám cưới mà thể hiện những ca khúc… Đắp mộ cuộc tình, Đồi thông hai mộ. Ảnh X.P
Mới đây, bản thân người viết từng tham dự một tiệc cưới. Chú rể và cô dâu chỉ mới 25, 27 tuổi nên đa phần khách khứa đều trẻ. Và những màn thể hiện ca nhạc đều là những ca khúc hot, hit hiện nay. Dù người cầm mic hát những bài: Bên trên tầng lầu, Và ngày nào đó, Hạ còn vương nắng hay: Từ khi gặp em, Dù cho mai về sau… thì ban nhạc cũng “chung tần số”, chơi một cách ăn khớp, ngọt xớt.
Nhưng có người lên yêu cầu ban nhạc chơi một bài… cải lương. Cả ban nhạc lập tức “đứng hình”. Người chơi guitar nhìn người chơi trống. Người chơi trống nhìn người chơi cajon. Ai nấy đều nhìn nhau hoang mang: “bài này nhạc phải chơi thế nào?”. Khi đại diện ban nhạc mong hãy đổi ca khúc, dù bài gì cũng được nhưng đừng là cải lương, “người đàn ông tưởng chừng sắp được hát cải lương”… không hát nữa mà… chửi oang oang vào mic: “ban nhạc ở Sài Gòn mà tệ hơn ở quê”, “cái bài đấy mà đánh nhạc không được”, “đánh nhạc cải lương không được mà bày đặt đi nhận sô đám cưới”. Kèm theo mỗi câu là đệm những từ khó nghe. Để rồi màn cãi nhau hầm bà lằng của hai bên diễn ra gần cả 15 phút. Mọi người ngồi dưới nhìn lên ngơ ngẩn chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra…
“Ớn nhất là mấy trường hợp đã ngà ngà hơi men. Được lên sân khấu cầm mic là… cầm luôn. Không cho MC lấy lại. Và sau đó hát liên tục như liveshow của họ”, (Trần Đình Trung, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
“Có những khi đi đám cưới mà chưa kịp ăn uống gì phải ra về. Do không chịu nỗi những màn hát dở banh nóc”, ( Vũ Tuấn Cường, SV Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM).
“Mong là mọi người tự lượng sức mình, nếu đã hát dở thì đừng lên sân khấu. Vì đó không phải là “góp vui”, mà là… “góp bực” cho đám cưới”, ( Phan Phương Phương, quản lý tại một nhà hàng tiệc cưới ở Q.Tân Bình, TP.HCM).
Người làm sự kiện nói về trào lưu "No Kids Zone" trong đám cưới: Đó cũng là một cách bảo vệ trẻ em
Không mời trẻ em đến tham dự đám cưới đang là chủ đề khiến dân tình tranh cãi và dành nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây.
Vừa qua, thiệp cưới của một nữ ca sĩ nổi tiếng đã thu hút sự chú ý của rất đông khán giả. Bên cạnh những bàn luận về chiếc thiệp xịn sò cỡ nào thì điều khiến công chúng quan tâm hơn cả lại là yêu cầu "tiệc người lớn nên không đính kèm trẻ em".
Quy định không đưa trẻ em đến lễ cưới gây ra nhiều tranh cãi
Trên thực tế, đây không phải đám cưới của người nổi tiếng đầu tiên đưa ra yêu cầu như vậy. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn luôn trở thành chủ đề gây tranh cãi. Người thì cho rằng việc cấm trẻ em đi dự đám cưới là quá khắt khe:
"Những bữa tiệc sang trọng như đám cưới, sinh nhật, ra mắt sản phẩm,... sẽ là những trải nghiệm rất hay với bọn trẻ. Chúng sẽ hiểu rõ hơn về các sự kiện xung quanh, vừa học hỏi vừa vui vẻ. Nên mình thấy cấm thì khắt khe quá".
Người lại cho rằng đó là sự văn minh và cũng vì muốn thoải mái cho người tham dự:
"Tôi hoàn toàn đồng ý với yêu cầu này vì đôi khi mang trẻ em theo, bố mẹ cũng không được dự tiệc trọn vẹn. Phải lo cho các con ăn uống. Mà trẻ em cũng không thể ngồi yên quá lâu nên đôi khi chúng sẽ chạy nhảy khắp nơi và dễ gây ra sự cố không ai mong muốn".
Khách được mời đến tham dự đám cưới thì 9 người 10 ý vậy còn những người trực tiếp lên kế hoạch, tổ chức sự kiện nói gì về vấn đề này?
Đám cưới là sự kiện mang tính cá nhân cao, chẳng phải nên tôn trọng ý kiến của chủ bữa tiệc sao?
Trào lưu "No Kids Zone" trong đám cưới vốn không hề mới nhưng ở Việt Nam giờ mới dần được nhiều người biết đến hơn. Và ở nhiều nơi trên thế giới, trào lưu này vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều do mỗi người sẽ có một quan điểm, góc nhìn khác nhau cũng như do phong tục, văn hoá của mỗi châu lục, quốc gia. Tuy nhiên dù ở bất kì đâu, chủ nhân bữa tiệc là cô dâu và chú rể vẫn có vai trò quan trọng nhất và có quyền quyết định về ngày vui, sự kiện cá nhân của mình.
Chị Hiền Thảo - Founder của The Sisters Planner cho hay: "Trên phương diện là một wedding planner mình tán thành với việc chủ nhân của bữa tiệc đưa ra một thông điệp rõ ràng tới với các vị khách mời. Bởi lễ cưới là một sự kiện mang tính cá nhân rất cao, do vậy trong trường hợp nếu cô dâu chú rể đã đưa ra quyết định này cho lễ cưới, hãy tôn trọng họ".
Cũng đồng ý với quan điểm trên, chị Hương Nguyễn - Lead wedding planner tại MHs Planner nói: "Mình có 10 năm kinh nghiệm, đã từng tổ chức nhiều tiệc cưới lớn nhỏ cho các đối tượng khách hàng khác nhau thì đúng là việc trẻ em theo bố mẹ đến dự tiệc cưới là khá phổ biến. Tuy nhiên theo mình, việc có nên mang theo trẻ em hay không còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa chủ bữa tiệc và người được mời cũng như quan điểm riêng của cô dâu, chú rể.
Nếu mối quan hệ đủ thân (bạn bè thân, họ hàng, người nhà) và chủ bữa tiệc không ghi chú gì thì việc mang theo trẻ em đến dự tiệc là không có gì phải bàn cãi. Nếu một trong 2 điều kiện trên không được đáp ứng thì người được mời thực sự sẽ cần cân nhắc là mình có nên mang theo trẻ em hay không, hay bản thân mình có muốn tham dự một bữa tiệc có quy định không mang theo trẻ em, mặc dù mình rất thân với cô dâu chú rể?
Ngoài ra, điều này hoàn toàn là quyết định của chủ nhân bữa tiệc. Nói cho cùng thì đám cưới là một bữa tiệc cá nhân rất đặc biệt, chẳng phải chúng ta nên tôn trọng ý muốn của người chủ bữa tiệc đặc biệt ấy sao? Với tư cách người được mời, nếu bạn cảm thấy việc không được mang trẻ em theo là quá khắt khe, bạn vẫn có thể chọn cách khác để chúc phúc cho chủ nhân bữa tiệc mà không cần phải có mặt tại bữa tiệc".
Chị Hiền Thảo - Founder của The Sisters Planner
"No Kids Zone": Khắt khe nhưng cũng là cách để bảo vệ trẻ em
Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, cả chị Hiền Thảo và chị Hương Nguyễn đều từng tổ chức nhiều đám cưới có sự tham dự của các bạn nhỏ. Trong một vài buổi tiệc, nhiều trường hợp khách mời đưa theo trẻ em nhưng không báo trước, khiến chủ nhân bữa tiệc cũng như bên tổ chức bị thụ động trong khâu sắp xếp chỗ ngồi.
Ngoài ra, các bạn nhỏ cũng thường tò mò và hiếu động, phấn khích khi thấy đồ trang trí hay khi cô dâu, chú rể tiến vào sân khấu làm lễ cưới. Do vậy, không chỉ gia đình mà những người tổ chức sự kiện cũng phải bố trí người giám sát tại các vị trí quan trọng để đảm bảo các bé không gặp sự cố cũng như không gây ảnh hưởng tới chương trình.
"Một chương trình lễ cưới theo phong cách phương Tây, hiện đại sẽ có rất nhiều phần, từ đón tiếp, cho tới cử hành lễ, rồi phần giao lưu trước tiệc tối, cho tới tiệc tối và nhảy kết thúc tiệc. Với một lễ cưới dài như vậy, việc tham gia lễ của các bé sẽ cần sự giám sát của ba mẹ hoặc người thân, chưa kể tới việc bé nào nghe lời người lớn, bé nào không. Trong một số khoảnh khắc rất trang trọng của buổi lễ, nếu cha mẹ hoặc người thân không kịp để mắt, có thể khiến các bé xuất hiện trong khung hình, hoặc trên sân khấu ngoài ý muốn, khiến chủ nhân bữa tiệc khá bối rối.
Yêu cầu không đưa theo trẻ em đôi khi cũng là cách để bảo vệ chúng (Ảnh minh hoạ)
Một số ví dụ có thể kể ra như: bé lên sân khấu khi cô dâu chú rể đang trao lời thề nguyện, mè nheo khóc lóc giữa lễ, bé tò mò và nếm thử bánh cưới khiến bánh biến dạng, các bé nhổ hoa trang trí, nghịch bàn tiệc... Các sự việc này thực ra không thuộc lỗi của ai cả, vì các bé chỉ đơn giản là còn nhỏ và tò mò, còn cha mẹ đôi khi cũng khó mà kiểm soát được tất cả; còn người "chịu trận" lại là cô dâu chú rể hoặc đội ngũ điều phối chương trình.
Bên cạnh đó, đôi khi một số lễ cưới sẽ được lên chương trình theo hướng "người lớn", xuất hiện các hình ảnh nhạy cảm hoặc nằm ở các khu vực nguy hiểm như gần vách núi, nơi có sông, hồ, suối...; ở những lễ cưới như vậy, việc mang trẻ nhỏ theo cũng là điều rất đáng cân nhắc, mà đôi khi chỉ người tổ chức ra chương trình mới nắm được, nên việc không đưa theo trẻ em lúc này cũng đóng vai trò để bảo vệ các bé nữa", chị Hiền Thảo phân tích thêm.
Nhiều người cho rằng, việc cho trẻ tới tham dự lễ cưới sẽ tăng trải nghiệm cuộc sống cho trẻ, vậy nên "No Kids Zone" là một điều nên bài trừ. Tuy nhiên, chị Hiền Thảo lại nghĩ khác. Bởi số đông các cặp cô dâu, chú rể hiện nay vẫn yêu thích lựa chọn tổ cưới theo hướng truyền thống và không có bất cứ yêu cầu nào về việc này. Do đó, các bạn nhỏ dù ít hay nhiều, chắc chắn vẫn sẽ có cơ hội trải nghiệm lễ cưới và các lễ nghi kèm theo. Cùng với đó, trong nhiều đám cưới, trẻ em còn trở thành nhân vật chính khi tung cánh hoa hồng hay mang nhẫn lên cho cô dâu, chú rể. Điều đó cũng rất đáng yêu đối với nhiều người.
Giải pháp nào cho cô dâu, chú rể để vừa hợp tình vừa hợp lý?
Theo kinh nghiệm của mình, chị Hương Nguyễn chia sẻ: "Cũng đã có rất nhiều khách hàng của mình lăn tăn về việc nên hay không nên quy định "No Kids Zone" trong đám cưới của họ. Trong những trường hợp này, mình thường đưa ra gợi ý tạo một góc vui chơi dành riêng cho trẻ em kèm theo một vài hoạt động như chú hề, vặn bóng, tô tượng,... Hoặc nếu ngân sách và không gian thoải mái hơn nữa, có thể làm thêm khu vực ăn uống tự chọn cho trẻ em với menu riêng. Sau một vài lần xử lý theo cách trên thì mình thấy cả chủ nhân bữa tiệc, cả khách mời và đặc biệt là các em bé đầu rất vui vẻ".
Cô dâu chú rể có thể tổ chức 2 buổi tiệc riêng hoặc có thêm một khu dành riêng cho trẻ em (Ảnh minh hoạ)
Đồng tình với ý kiến trên, chị Hiền Thảo bổ sung: "Với lễ cưới của người nổi tiếng hoặc những cặp đôi Việt có khả năng tài chính dư dả, có lẽ họ thường chọn tổ chức tiệc thân mật và tiệc truyền thống cho lễ cưới của mình.
Trong tiệc thân mật sẽ giới hạn khách mời thân thiết nhất và mang tính cá nhân cao. Những buổi tiệc như vậy thường sẽ là thời gian gần gũi, thậm chí "nổi loạn" và thăng hoa nhất của cặp đôi trước khi về chung nhà. Do đó, họ cũng muốn khách mời tham dự được thoải mái, không vướng bận con nhỏ, và đó cũng có thể là lý do khiến họ quyết định áp dụng yêu cầu người lớn không đính kèm trẻ em. Ngược lại, bữa tiệc truyền thống sẽ là nơi diễn ra các nghi thức thông thường và bữa tiệc này do mang tính "an toàn" nên sẽ rộng mở cho mọi đối tượng khách mời".
Cô dâu đẩy xe lăn đưa chú rể không còn khả năng đi lại vào lễ đường Trong đám cưới, cô dâu thường được chú rể dắt tay vào lễ đường thực hiện các nghi thức đánh dấu ngày trọng đại. Thế nhưng không phải cặp đôi nào cũng vậy, cách đây không lâu Weibo chia sẻ video ngắn ghi lại đám cưới đặc biệt ở Hồ Nam, Trung Quốc. Cô dâu đẩy xe lăn đưa chú rể vào lễ...