Nghe tin lò giết mổ thủ công “tái xuất”, nhiều DN phản ứng gay gắt
Nếu đề xuất để lò giết mổ thủ công được phép hoạt động sẽ gây bất công cho môi trường đầu tư, tạo tiền lệ cạnh tranh không lành mạnh và đi ngược lại chương trình hiện đại hóa cơ sở giết mổ của UBND TP.HCM.
Đó là một trong những phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp, khi nhận được thông báo về đề xuất cho lò giết mổ heo thủ công của công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn được hoạt động trở lại.
Cụ thể, trong báo cáo gởi HĐND và UBND TP.HCM hôm nay 13.11, ông Bạch Đăng Quang, Phó giám đốc HTX Tân Hiệp – chủ đầu tư Nhà máy Tân Hiệp, cho biết HTX đang cố gắng hoàn tất các thủ tục về thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công công trình để chuyển Sở Xây dựng thẩm định xin cấp phép xây dựng toàn bộ dự án.
Lò giết mổ hiện đại của công ty An Hạ đầu tư ở Củ Chi vướng nhiều thủ tục vẫn chưa thể hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: Nguyên Vỹ
“Khi đi vào hoạt động, nhà máy có quy mô công suất giết mổ 400 con/giờ sẽ góp phần cung cấp lượng lớn thực phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng và hỗ trợ người chăn nuôi”, ông Quang khẳng định.
Trước đó, cuối tháng 10, HTX Tân Hiệp đã có công văn gửi Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải TP.HCM xin phép san lấp mặt bằng công trình, hạ trạm điện thế đến khu vực nhà máy thực phẩm Tân Hiệp. Nhưng đến nay, HTX này vẫn chưa nhận được ý kiến chấp thuận của các đơn vi có liên quan.
Ngoài ra, tuyến đường vào Nhà máy thực phẩm Tân Hiệp do UBND huyện Hóc Môn phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vẫn chưa được thi công theo như dự kiến.
Để thực hiện đúng tiến độ mà UBND TP giao, HTX này đã ký hợp đồng mua máy móc giết mổ hiện đại, thiết bị xử lý nước thải, thiết bị cấp đông cho đến kho đông lạnh 8.000 tấn của châu Âu phục vụ việc giết mổ công nghiệp và cấp đông đủ tiêu chuẩn quốc tế, hiện vẫn đang cất trong kho.
Nếu không được giết mổ theo quy trình hiện đại, thịt heo khó đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyên Vỹ
Video đang HOT
Về đề nghị cho lò mổ thủ công của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn hoạt động trở lại, ông Quang không đồng tình cách giải quyết này. Bởi nếu được chấp thuận sẽ tạo bất công cho môi trường đầu tư, tạo tiền lệ cạnh tranh không lành mạnh, đi ngược lại chương trình hiện đại hóa lò mổ của UBND TP.
“Việc thay lò mổ thủ công ở các tỉnh bằng lò mổ thủ công ở thành phố cũng không có gì khác biệt. Bản thân các lò mổ thủ công địa phương cũng được cơ quan thú y kiểm tra đầu vào trước khi đưa thịt về thành phố. Cách làm này giống như bao năm nay thịt heo ở Long An đưa về chợ đầu mối Bình Điền”, ông này phân tích.
Ông Quang đề nghị, thay vì khôi phục lại lò giết mổ thủ công, UBND huyện Hóc Môn và thành phố nên hỗ trợ tối đa những nhà máy công nghiệp, tạo điều kiện để các đơn vị sớm thực hiện tiến độ để đưa vào hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị sớm hoàn thành các lò giết mổ hiện đại để giải quyết nhu cầu thịt sạch cho người tiêu dùng và đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi heo. Ảnh: Nguyên Vỹ
Chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho rằng thủ tục không hề đơn giản với chính lò giết mổ hiện đại mà bà đang đầu tư. Lò mổ công nghiệp thì đã sẵn sàng máy móc, cơ sở hạ tầng nhưng vướng quá nhiều giấy phép đến giờ chưa hoàn thành.
Trong công văn thông báo của Sở NNPTNT, bà Thắm cũng cho biết không thấy nhắc đến điều kiện đến khi nào thì việc cấp phép này chấm dứt dù là tạm thời, thái độ của Sở đối với các lò khác cũng chưa cụ thể.
“Một lò thủ công được phép mổ thì các lò khác cũng sẽ mổ thủ công theo, nguy cơ “tái bẩn” trong miếng thịt sẽ lặp lại. Nỗ lực của các chủ lò tiến lên hiện đại hóa dễ đổ sông đổ biển. Nếu không giải quyết thấu đáo, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối và sẵn sàng đưa lò mổ xuống Long An”, bà Thắm nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NNPTNT, TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn nên phải cấp thiết đặt vấn đề xây dựng hệ thống giết mổ công nghiệp hiện đại. Đây là điều kiện tốt làm tiền đề để các doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết. Nếu xuất khẩu thì TP.HCM là nơi cuối cùng đảm bảo khâu giết mổ an toàn để cung ứng nguồn thịt sạch.
Theo Danviet
Giám đốc Sở NN TP.HCM: "Không có chuyện ưu ái cho lò mổ thủ công"
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM khẳng định, không có chuyện Sở này ưu tiên cho phép lò giết mổ thủ công của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn ở xã Xuân Thới Thượng hoạt động.
Cuối tuần qua, Sở NNPTNT đã ban hành Công văn số 2924/SNN-KHCN, lấy kiến các sở, ban, ngành và UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) về việc Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn xin được hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công, với công suất giết mổ 2.000 con/ngày, cơ sở giết mổ Xuyên Á được hoạt động trở lại với công suất giết mổ 500 con/ngày.
Ngay sau đó, một số đơn vị, chủ đầu tư các nhà máy giết mổ công nghiệp đã gặp mặt một số phóng viên báo chí để phản đối Sở NNPTNT TP.HCM.
Sở NNPTNT TP.HCM kiên quyết lộ trình giết mổ công nghiệp để đảm bảo nguồn thịt sạch cho người tiêu dùng thành phố. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trả lời PV báo Dân Việt chiều 13.11, ông Trung cho rằng, việc Sở NNPTNT ban hành công văn chỉ là để lấy ý kiến các đơn vị, ban ngành liên quan về đề xuất của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, sau đó Sở NNPTNT sẽ báo cáo UBND TP.HCM.
"Không hề có chuyện Sở ưu tiên cho cơ sở giết mổ thủ công ở Xuân Thới Thượng hoạt động trong khi các cơ sở khác thì bị dẹp. Quan điểm của Sở là kiên quyết loại bỏ các lò mổ thủ công và tạo điều kiện tốt nhất để các lò mổ công nghiệp sớm đi vào hoạt động", ông Trung khẳng định.
Ông Trung cũng cho biết, trước đó, Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn liên tục có ý kiến, thúc ép các cơ quan chức năng cho phép lò mổ thủ công trong khuôn viên quy hoạch lò mổ công nghiệp của đơn vị này được hoạt động.
Cũng liên quan tới vấn đề lò mổ của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, ông Trung cho biết, đây là 1 trong 8 cơ sở giết mổ công nghiệp đang được quy hoạch trong phương án quy hoạch giết mổ đến năm 2020 của TP.HCM, theo Quyết định số 2032, trong đó tổ chức 8 cơ sở giết mổ (gồm 6 ở huyện Củ Chi và 2 ở huyện Hóc Môn).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công ty này chỉ làm đến nhà xưởng thì chấm dứt, và đề nghị phần diện tích còn lại (lưu trữ thú sống) để làm nhà máy giết mổ thủ công. Đến giữa năm 2016, UBND xã Xuân Thới Thượng đã ra quyết định đình chỉ thi công, buộc phải tháo dỡ toàn bộ cơ sở này. Nhưng lò vẫn tồn tại từ đó đến nay.
"Tôi khẳng định lại là không tồn tại khái niệm giết mổ "bán công nghiệp". Sau khi công ty này nhiều lần kiến nghị, chúng tôi cũng có văn bản báo cáo, cùng các sở ngành liên quan để xuống kiểm tra làm việc, giải thích cho chủ đầu tư nghe để thông cảm và tập trung tiến hành hệ thống công nghiệp, đảm bảo đúng tiến độ có sản phẩm sạch cho người tiêu dùng thành phố", ông Trung nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) có lò mổ Nam Phong cũng đã bị niêm phong do ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp này cũng từng đặt vấn đề được đưa lò mổ bị niêm phong về xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) để làm tiếp nhưng Sở NNPTNT không đồng ý.
Việc đặt lò mổ ở xa thị trường TP.HCM cần xem xét tính hiệu quả kinh tế. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Nếu chúng ta cứ dễ dãi cho phép các lò thủ công chỉ cần di chuyển ra ngoại thành rồi tiếp tục giết mổ thủ công sẽ phá vỡ toàn bộ tiến độ và mong muốn có nguồn thịt sạch của TP bấy lâu nay", ông Trung cho biết.
Ông Trung cho rằng, ông cũng rất tâm tư khi nhiều lần Công ty Chế biến thực phẩm Hóc Môn gửi kiến nghị cho lò mổ thủ công hoạt động, thì một số chủ đầu tư khác lại ý kiến rằng nếu giải quyết cho lò Hóc Môn hoạt động thì họ sẽ xem xét ngừng dự án nhà máy giết mổ công nghiệp.
"Nếu đánh đổi cho một công ty làm thủ công mà mất đi cả hệ thống hiện đại đang xây dựng là một điều đáng tiếc, nên tôi vẫn kiên quyết đề xuất lãnh đạo thành phố đề nghị doanh nghiệp Hóc Môn tập trung xây dựng lò mổ công nghiệp", ông Trung nói.
Còn về việc triển khai hệ thống giết mổ hiện đại có phần chậm trễ, ông Trung cho biết, Sở cũng đã rút kinh nghiệm, lấy ý kiến các ngành liên quan để hệ thống lại rồi cùng góp ý thêm lần nữa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn trục trặc, do áp dụng Luật Đầu tư công lại có những phát sinh mới cần giải quyết.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban ATTP TP.HCM cũng thông tin, đơn vị này vừa nhận công văn của Sở NNPTNT, tuy nhiên, chỉ là để lấy ý kiến về đề xuất của doanh nghiệp ở Hóc Môn nói trên. Chưa hề có quyết định hay chủ trương nào về việc sẽ ưu tiên cho phép lò mổ thủ công ở Xuân Thới Thượng hoạt động trở lại. Còn nếu có cho phép thì đây cũng chỉ là biện pháp tình thế!
Là một trong những người phản đối việc Sở NNPTNT cho phép lò mổ thủ công ở Xuân Thới Thượng hoạt động, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) nêu quan điểm, bản thân bà đã kiên quyết không cho 13 hộ bị phát hiện tiêm thuốc an thần vào heo hồi tháng 10 vừa qua tiếp tục giết mổ tại lò Xuyên Á, để đảm bảo ATTP. Còn lại 8 hộ làm đúng quy trình nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép cho mổ lại nên phải "chạy lông bông" khắp nơi tìm chỗ giết mổ.
"Trong số 13 hộ vi phạm thì có đến 2/3 số hộ có cổ phần tại lò giết mổ ở Hóc Môn. Khi cho phép lò thủ công này hoạt động, các hộ đó sẽ lại kéo về Hóc Môn, như thế là rất bất công cho 8 hộ không vi phạm. Sau đó bất công cho các lò mổ khác đã đầu tư tiền của tiến lên quy trình giết mổ công nghiệp hiện đại", bà Thắm phản hồi.
Theo Danviet
Kỳ bí rừng chè cổ thụ nghìn năm tuổi 1.500m trên đỉnh Khang Su Văn Gốc chè to như thùng gánh nước, thân cao 10-15m, mọc lên giữa rừng già của xã Pa Vây Sủ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được coi là bảo vật. Cây chè có tuổi thọ cả nghìn năm nay. Một ngày đầu tháng 11, phóng viên Dân Việt đã men theo những con đường mòn để tới khá phá khu rừng này....