Nghệ thuật thêu tay của người Dao Thanh Y
Người Dao Thanh Y ở Tiên Yên cũng giống như các dân tộc anh em khác, có các giá trị văn hoá, phong tục tập quán riêng mang ý nghĩa sâu sắc.
Đặc biệt, các bộ trang phục của đồng bào được phụ nữ Dao Thanh Y thêu cầu kì, tinh tế nhưng phù hợp với phong tục và tập quán lao động sản xuất.
Mỗi bộ trang phục của người Dao Thanh Y không chỉ chứa đựng bản sắc dân tộc mà còn thể hiện sự khéo léo, tư duy sáng tạo và khả năng thẩm mỹ của những người phụ nữ nơi đây. Các họa tiết, hoa văn thể hiện lòng yêu quê hương, bản làng nơi họ sinh ra và mối giao hòa của họ với thiên nhiên, đất trời.
Mỗi bộ trang phục đều được người phụ nữ dân tộc Dao Thanh Y thêu cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện sự sáng tạo và tư duy thẩm mĩ.
Chị Dương Thị Hậu, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, huyện Tiên Yên, cho biết: Khác với dân tộc Dao Thanh Phán, các bộ phận thêu trên trang phục chủ yếu là hai vạt áo, hai gấu quần và thắt lưng, thì trang phục của phụ nữ DaoThanh Y là sự kết hợp của nhiều màu sắc, các họa tiết thêu chỉ tập trung trên chiếc mũ đội đầu, ở ngực. Phần lớn thêu bằng các miếng khăn vuông, rồi cài trên mũ đội đầu hoặc vạt yếm ở ngực.
Video đang HOT
Màu sắc của bộ trang phục rất phong phú, như vàng, đen, trắng, xanh, đỏ kết hợp được trên nền vải đen, hội tụ đủ ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mỗi màu sắc ấy lại tượng trưng cho tư tưởng tâm linh của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, rằng nếu mặc trang phục sắc màu sặc sỡ sẽ tránh được thú dữ, bởi thú có dữ đến đâu cũng vẫn yêu cái đẹp. Điều này cho thấy một nếp nghĩ, tâm hồn đẹp của những con người quanh năm cuộc đời gắn bó với núi rừng.
Có đi, có khám phá mới thấy, văn hóa chính là sự lưu truyền ở trí nhớ. Kỹ năng thêu thùa được người phụ nữ Dao Thanh Y rèn luyện từ nhỏ, vì vậy họ thành thục và điêu luyện với từng đường kim mũi chỉ, các họa tiết trên trang phục chủ yếu thêu vo bằng tay mà không cần kẻ vẽ, tạo hình từ trước. Sản phẩm cuối cùng không phải mặt phải đang thêu mà là mặt lật ngược lại, cho thấy sự độc đáo, phản ánh trí tuệ đặc biệt của người phụ nữ Dao Thanh Y. Có thể nói, công việc thêu thùa của người phụ nữ Dao Thanh Y đã đạt tới trạng thái thiền định. Chính công việc này đã giúp cho họ tạm quên đi cuộc sống nhọc nhằn, tạo cho bản thân một lối sống hồn nhiên, vô ưu mà vẫn đằm thắm dịu dàng như bông hoa của núi rừng.
Trang phục cưới của cô dâu dân tộc Dao Thanh Y với nhiều lớp tầng, đặc biệt là 16 khăn vuông cài quanh người với quan niệm cầu phúc cho cô dâu, chú rể.
Trong các phụ kiện đi kèm bộ trang phục phụ nữ Dao Thanh Y thì đôi xà cạp để quấn chân là phải thêu kỳ công và khó nhất. Vì cần phải thêu kín các hoa văn trên mặt vải bằng chỉ màu và sau khi thêu xong thì mảnh xà cạp không phải là miếng vải phẳng nữa mà có hình khum khum một chút, khi quấn vào bắp chân phải ôm khít, không thể lỏng ra được.
Thắt lưng thì được thêu bằng chỉ màu gần giống dây buộc bao dao của người Tày, khổ rộng năm đến bảy phân. Không chỉ thêu những hình ảnh thường thấy trong sinh hoạt hằng ngày, hình con chim, con nhện, bông hoa tám cánh hay còn gọi là hoa mào gà cũng xuất hiện trên khăn đội đầu và vạt áo của nữ.
Theo người Dao Thanh Y quan niệm, những mẫu hoa văn này có nghĩa là cầu mong may mắn. Cùng với đó là hình cây thông, hình chim phượng hoàng, hình mặt trời… Các họa tiết không nhiều, không rối, rất hài hòa và nổi bật. Điều đó thể hiện tâm hồn phóng khoáng, sự rung cảm trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và tài năng nghệ thuật của người phụ nữ Dao Thanh Y. Đây cũng là một phần trong quan niệm về thế giới và ý thức chế ngự thiên nhiên của đồng bào.
Để giữ được nghệ thuật thêu và làm ra bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ Dao Thanh Y đã truyền dạy cho những người con gái, cháu gái từ khi còn nhỏ từng đường kim, mũi chỉ. Sự kiên trì đó giúp những người con gái Dao Thanh Y trước khi về nhà chồng đều có thể tự tay làm trang phục áo cưới cho mình. Việc truyền dạy cứ tuần tự như thế, tự nhiên như giữ cho ngọn lửa cháy mãi trong bếp lửa của ngôi nhà. Vì thế, những người phụ nữ Dao Thanh Y từ đời này qua đời khác chính là những người giữ gìn, bảo tồn một phần văn hóa dân tộc mình qua bộ trang phục…
Trang phục nam người Mông
Không rực rỡ sắc màu và nổi bật như trang phục phụ nữ, trang phục của nam giới người Mông đơn giản hơn. Với màu đen chủ đạo, cùng những đường cắt cúp độc đáo, bộ trang phục đã góp phần tôn lên vóc dáng khỏe khoắn của nam giới người Mông.
Người Mông Xanh trong trang phục truyền thống.
Người Mông luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, cho nên, trang phục nam giới hầu hết đều do người phụ nữ Mông làm ra. Để làm được một bộ trang phục truyền thống nam người Mông phải trải qua rất nhiều các công đoạn, từ trồng lanh dệt vải, may áo...
Trang phục nam của các nhóm người Mông hầu như giống nhau, đều có áo, thắt lưng, quần. Áo được may theo kiểu xẻ ngực, cổ tròn đứng; áo không có cầu vai, được xẻ tà hai bên hông, có túi ở hai bên tà áo; áo có hàng cúc vải ở phía trước. Màu sắc chủ đạo của áo nam là màu đen. Trong đó, áo của đàn ông Mông Trắng có khuy áo đơm theo nẹp tà trước ngực, cổ áo đứng, có viền những đường chỉ trắng hình ô quả trám. Áo nam giới Mông Đen, hai vạt trước may trung gian giữa 2 kiểu xẻ nách và xẻ ngực. Tuy 2 vạt trước nhưng cài khuy áo hơi lệch sang phía ngực phải, gần cửa tay cũng đáp thêm một đoạn vải màu thêu hoa văn trang trí. Áo nam giới Mông Xanh hầu như không có trang trí gì đáng kể, trừ một đường viền nhỏ ở cửa tay.
Quần thường được may bằng vải lanh màu chàm theo kiểu chân què, cạp rộng, đũng thấp rộng. Khi mặc, cạp được quấn lại cho vừa với vòng bụng, phần thừa được giắt sang một bên rồi dùng dây lưng thắt lại. Điều đặc biệt ở quần nam là cách khâu ghép ống đũng vào nhau rất kỹ thuật.
Người Mông không có loại quần riêng cho các dịp đặc biệt mà quần mặc thường ngày cũng là quần mặc trong lễ hội, đám cưới, đám tang..., nhưng khi diện thì mặc quần mới. Quần ống rộng thuận tiện cho sinh hoạt, đi lại ở vùng núi cao, đường ghềnh, dốc, nên hiện nay, loại quần này vẫn được sử dụng phổ biến.
Nam giới người Mông đi giày vải, đội mũ nồi. Chiếc mũ nồi là một bộ phận không thể thiếu trong bộ trang phục nam truyền thống của người Mông. Chiếc mũ nồi tạo cho đàn ông người Mông có một sắc thái riêng, không lẫn vào dân tộc khác. Ngoài tính thẩm mỹ thì mũ nồi rất phù hợp với điều kiện trời rét của vùng cao nơi người Mông sinh sống như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang... Mũ nồi rất gọn nhẹ, linh hoạt khi vui chơi, di chuyển và lao động sản xuất. Khi đội mũ nồi, người ta thường đội hơi lệch về một bên, tôn vẻ phong cách của người đàn ông. Những lúc thổi khèn, chơi quay, phi ngựa, chiếc mũ nồi vẫn bám chắc trên đầu mà không bị rơi ra, vì nó được thiết kế và đội đúng kỹ thuật.
Theo một số người cao tuổi dân tộc Mông tại huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết, cũng giống cây khèn, trang phục truyền thống là biểu tượng đầy kiêu hãnh của đàn ông người Mông. Trong những ngày lễ lớn của địa phương, con trai người Mông mặc trang phục truyền thống cùng với chiếc khèn. Họ biểu diễn điệu múa khèn với từng bước nhảy điêu luyện. Những động tác mạnh mẽ, uyển chuyển như hội tụ tinh hoa của cuộc sống lao động, sự hòa đồng của con người với thiên nhiên được thể hiện vô cùng tinh tế.
Có thể nói, trang phục truyền thống của người Mông nói chung và trang phục của đàn ông người Mông nói riêng là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này. Bởi thế, dù trải qua thời gian, nhiều loại quần áo mới, vải vóc các loại xuất hiện, bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông vẫn luôn được đồng bào dân tộc duy trì, gìn giữ, tạo nên nét văn hóa riêng đặc sắc.
Những trang phục cưới truyền thống đẹp và độc đáo trên khắp thế giới Trang phục cưới truyền thống mang đậm phong tục tập quán, nền văn hóa, thói quen của từng quốc gia. Cô dâu ở Trung Quốc thường mặc trang phục màu đỏ tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, còn người Nhật thích mặc kimono trắng, màu tượng trưng cho sự tinh khiết... Ghana: Đám cưới truyền thống của người Ghana rất rực rỡ...