Nghệ sỹ Quốc Tuấn đã lên kế hoạch cho ngày trở lại
Sau một khoảng lặng dài trong sự nghiệp điện ảnh, Quốc Tuấn đã bắt đầu lên kế hoạch cho ngày trở lại của mình bằng một vai trò hoàn toàn mới: Đạo diễn.
Trở lại với Trái tim kiêu hãnh
Khán giả đang rất muốn biết lý do vì sao diễn viên Quốc Tuấn “mất tích” trên màn ảnh nhỏ khá lâu?
Có hai lý do khiến tôi không xuất hiện trên truyền hình như những năm trước. Thứ nhất: Sau bộ phim Luật đời – đạo diễn Mai Hồng Phong, tôi tập trung toàn bộ thời gian và chất xám của mình vào làm đạo diễn cho tác phẩm truyền hình đầu tay Trái tim kiêu hãnh. Phải mất hơn bốn năm để hoàn thành kịch bản cộng thêm hơn một năm sửa đổi, hoàn thiện các ý tưởng trên giấy, tôi mới bắt đầu vào quá trình thực hiện bộ phim này. Vì vậy tôi không còn đủ thời gian cho việc làm diễn viên nữa.
Nghệ sỹ Quốc Tuấn
Và còn một điều tế nhị khác nữa là diễn viên chuyển sang làm đạo diễn như tôi cũng sẽ ít nhận được lời mời đóng phim hơn. Theo xu thế chung hiện nay, chủ yếu là các đạo diễn trẻ làm phim mà tâm lý thì họ không thích để một ông đạo diễn khác đóng phim, soi mình làm thế nào, chỉ đạo ra sao…. Đây cũng là lý do tôi không xuất hiện trên truyền hình.
Anh có từng đặt ra tham vọng sẽ trở thành một đạo diễn như hiện nay?
Có lẽ là chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều đó khi trong vai trò một diễn viên. Nghề diễn cũng giống như đi câu, phải luôn trong tình trạng chờ đợi được người khác mời, vì vậy đến một giai đoạn nhất định nào đó mình cũng sẽ cảm thấy chán. Hơn nữa, tôi cũng đã bắt đầu già rồi, ở cái tuổi phía dốc bên kia cuộc đời nên không còn thực sự hấp dẫn như một số các bạn đồng nghiệp trẻ, có lợi thế về ngoại hình. Tất cả những điều đó khiến tôi khao khát sẽ trở thành một nhà làm phim. Nghiệp diễn đã giúp tôi có được nhiều trải nghiệm, bản lĩnh, cho tôi có một tư duy chắc chắn khi bước sang vai trò một đạo diễn.
Quay lại một chút với tác phẩm đầu tay Trái tim kiêu hãnh của anh. Anh đã nói từ nung nấu kịch bản tới quá trình làm phim mất hơn 5 năm?
Ban đầu tôi chỉ định làm Trái tim kiêu hãnh khoảng 10 tập thôi. Nhưng sau khi viết thì nó lại dài tới 20 tập mà bản thân tôi vẫn muốn tiếp tục câu chuyện ấy, vẫn muốn khai thác đến tận cùng các vấn đề đã đặt ra. Tôi cố gắng viết thật nhiều để triển khai các ý tưởng của riêng mình mặc dù viết lách không phải là thế mạnh, sở trường của tôi. Hơn nữa có một thực tế là hiện nay kịch bản hay cho đạo diễn lựa chọn trở thành của hiếm mất rồi. Tôi vẫn còn là một đạo diễn trẻ, tên tuổi mới nên nếu phim đầu tay không ấn tượng cũng sẽ bị chìm ngay giữa những tên tuổi khác.
Vậy anh tự nhận mình là một đạo diễn trẻ?
Những người có tuổi đời cao như tôi (cười) mặc dù đã có kinh nghiệm chuyển từ nghề diễn viên sang đạo diễn nhưng cũng gặp phải không ít những khó khăn khi bắt đầu lấn sân sang làm đạo diễn. Vì vậy chữ trẻ mà tôi nhắc đến chính là trẻ về mặt thâm niên nghề nghiệp.
Sau bộ phim truyền hình này anh có ý định sẽ làm một phim truyện nhựa?
Tất nhiên! Đó là mong muốn của bất cứ ai khi bước chân vào con đường đạo diễn điện ảnh. Sau bộ phim này, tôi sẽ triển khai một kịch bản phim nhựa ấp ủ từ lâu với cái tên Con cầu tự. Đây là dự định được nung nấu cách đây 5 năm và hiện tại cứ bồi đắp dần dần. Tôi cũng đã nói ở trên rồi, kịch bản hay khó đến tay mình lắm, phải tự đi bằng đôi chân của mình trước đã. Bước vào nghề đạo diễn, tôi muốn đầu tư cho nó thật kỹ, làm phim một cách tử tế và chắc chắn một ngày nào đó, Quốc Tuấn không khiến mọi người phải thất vọng.
Anh lý giải tại sao trước đây anh luôn đóng vai chính diện, những vai diễn một màu từ phim này sang phim khác?
Video đang HOT
Thực tế đó cũng là lối mòn trong đời diễn viên như tôi. Nhưng tôi nói thẳng là đóng chính diện khó hơn phản diện đấy. Những giải Oscar thường thuộc về vai phản diện nhiều, chứ chính diện có mấy đâu.
Anh là một người khó tính và cầu toàn trong công việc?
Đúng thế. Tôi là người rất thực tế, không chuộng hư danh và cực kỳ cầu toàn trong công việc. Kể cả khi đã nổi tiếng tôi cũng rất thận trọng với hình ảnh của mình. Tôi quan niệm nghệ sĩ là một cái nghề, là bản chất công việc cần phải cố gắng giữ gìn để không làm xấu nó, không chạy theo vẻ bề ngoài.
Không muốn xa con trai dù chỉ… một ngày
Tôi thấy cuộc sống bên ngoài của anh rất bình dị, khác xa sự sa hoa của những nghệ sĩ khác với nhà lầu, xe hơi. Anh không có tham vọng làm giàu hay bởi làm nghệ thuật nghèo?
Tôi cũng đang cố gắng đây. Nhà thì đang xây rồi nhưng lại muốn bán đi để mua chung cư. Tôi thích ở chung cư vì nó khiến các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn.
Con trai anh sức khỏe giờ đã tốt lên nhiều sau biết bao ngày tháng phải đấu tranh với bệnh tật hiểm nghèo. Anh chị đã có ý định sinh em bé thứ hai?
Cái này cũng khó nói lắm. Hai vợ chồng tôi kết hôn khi tuổi cũng đã cao. Sau khi sinh bé Bôm lại phải vất vả, chạy đôn chạy đáo lo chữa bệnh cho cháu nên đến giờ cũng không nghĩ đến việc sinh thêm con nữa. Với vợ chồng tôi, chỉ mình Bôm là đủ và chúng tôi cũng muốn dành toàn bộ thời gian, công sức để chăm sóc cho cháu thật tốt. Bây giờ đây, tôi hoàn toàn thanh thản. Tôi chiến đấu cho con mình được hòa nhập và đi học, thế là hạnh phúc rồi. Tôi bảo với con trai, năm nay là năm của bố. Bố ưu tiên con mấy năm, bây giờ đến lượt bố phải làm việc.
Với cậu con trai chịu nhiều thiệt thòi, anh đã làm gì để con anh luôn là một cậu bé rất tự tin?
Tôi và con trai cực kỳ gắn bó với nhau. Chúng tôi chơi với nhau như bạn. Tôi thường đưa đón cháu đi học. Lẽ ra mọi hôm giờ này tôi đi chơi tennis nhưng đợt tới, tôi bận làm phim nên quyết định ở nhà chơi với con. Tôi thường động viên con, con là đàn ông thì phải mạnh mẽ. Tôi cho con phụ cùng mình để nó có ý thức chứ không chiều một cách thái quá, sợ nó yếu đuối đi. Cháu cũng hòa nhập với mọi người rất tốt sau khi đi chữa bệnh về.
Vợ chồng nghệ sĩ Quốc Tuấn trong thời gian chữa bệnh cho bé Bôm – con trai anh tại Hàn Quốc.
Đây là điều may mắn với gia đình tôi. Giờ, người lạ đến nhà, cháu ra bắt tay tự giới thiệu tên tuổi mình và hỏi khách tên gì, không hề mặc cảm. Con tôi giờ mới được gọi là đi học nên xuất phát chắc chắn sẽ chậm hơn các bạn cùng lứa. Tôi nghĩ cứ để con mình phát triển tự nhiên vì đời người dài lắm. Tư duy mình nên thay đổi, không nhất thiết phải ép con thành cái này cái khác làm gì. Tôi muốn dạy cho con tính độc lập, bởi nếu không nó sẽ không thể tự đứng vững. Mà mình dù thương con cũng không thể theo nó suốt cuộc đời…
Những ngày chăm sóc bé Bôm ở bệnh viện hẳn là những ngày đầy vất vả?
Có lẽ nếu tôi nói, mọi người cũng không hình dung được khó khăn, vất vả của vợ chồng tôi khi phải đưa con đi chữa bệnh suốt gần 7 năm. Vợ chồng tôi coi bệnh viện là cái nhà thứ hai của mình, đi đi về về mang theo niềm hi vọng vào sự hồi sinh của con trai. Bảy năm trải qua 7 cuộc phẫu thuật đối với một đứa bé – đó là kỳ tích.
Anh nhớ nhất điều gì sau những ngày dài bôn ba chữa bệnh cùng con nơi xứ người?
Khi tôi đưa con sang Australia để làm phẫu thuật, do trục trặc về nhà tài trợ nên vợ không được đi cùng. Mình tôi với con ở nơi xứ người, trong khi thời tiết ở đó vô cùng khắc nghiệt, lạnh thấu xương, khiến tôi gần như cả tháng trời không ngủ được. Nhiều lúc thấy mình như người mộng du, cứ chới với nhưng rồi vì thương con, sợ rằng sức khỏe của mình có thể sẽ gây ảnh hưởng đến con, tôi tự nhủ mình không được gục ngã. Bởi cả cuộc đời phía trước của con đều đang nằm trong những ngày phẫu thuật nơi đất khách quê người.
Xin cảm ơn anh nhiều. Chúc anh sẽ thành công ngay từ bộ phim đầu tay với vai trò đạo diễn!
Con trai của đạo diễn Quốc Tuấn – bé Bôm bị bệnh APERT (bệnh xương cứng sớm cục bộ), một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới với tỷ lệ 1/160.000 người. Suốt 7 năm chạy chữa cho con trai ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ trên thế giới, diễn viên Quốc Tuấn gần như vắng bóng hoàn toàn trên màn ảnh nhỏ. Anh từng tâm sự không muốn rời Hà Nội dù chỉ một ngày vì sức khỏe của con. Đối với anh cậu con trai chính là gia tài lớn nhất mà thượng đế đã dành cho vợ chồng anh.
Theo nguoiduatin
Xã hội hóa phim truyền hình Việt có thật sự là sai hướng?
Muốn giới thiệu bản sắc của đất nước mình, muốn toàn cầu nền văn hóa của dân tộc mình, không gì nhanh và dễ bằng phim ảnh.
Xã hội hóa là việc làm thiết yếu
Từ sau khi gia nhập WTO, Điện ảnh Việt Nam đứng trước nhiều thách thức. Làn sóng phim nước ngoài ồ ạt đổ về. Với hệ thống chiếu bóng, phim Việt đã yếu lại còn mất tích ngay trên chính sân nhà. Các kênh truyền hình mọc ra như nấm, với các giải pháp mới và tân tiến hứa hẹn phục vụ nhu cầu tăng lên từng ngày của khán giả. Nhưng với số lượng các phim truyền hình Việt Nam vốn đã ít ỏi, giờ lại càng chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ trong mạng lưới truyền hình ngày càng được mở rộng với 67 đài, 200 kênh truyền hình. Đấu lại với thế giới trên sân nhà bằng phim nhựa gần như là không thể, sân chơi phim truyền hình vốn là lợi thế giờ cũng yếu hơn hẳn về số lượng so với phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc, phim Mỹ... chính vì lẽ đó, việc xã hội hóa phim truyền hình ra đời là việc làm cần thiết.
Theo qui định mới trong Luật Điện ảnh sửa đổi và ban hành vào tháng 7/2010, tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim, thời gian chiếu phim vào "giờ vàng" từ 20 - 22h trong ngày. Với số lượng các đơn vị sản xuất ít ỏi (VFC ở miền Bắc, TFS ở miền Nam) chắc chắn sẽ không đảm bảo nhu cầu của các kênh truyền hình ngày một tăng lên. Bởi vậy rất nhiều các hãng phim tư nhân, các công ty truyền thông đã tích cực tham gia vào công tác sản xuất phim để đáp ứng nhu cầu này. Chưa bao giờ thị trường phim ảnh Việt Nam lại trở nên sôi động như thế. Số lượng phim truyền hình Việt tăng lên đáng kể về mặt số lượng cũng như chất lượng với nhiều đề tài phong phú hơn.
Quyền lợi thuộc về số đông
Chủ trương xã hội hóa phim Việt trước hết đã tạo ra quyền lợi cho chính khán giả Việt. Thay vì phải xem và hiểu văn hóa của các nước khác, khán giả Việt có dịp trải nghiệm cuộc sống xung quanh từ những bộ phim của các nghệ sĩ Việt. Rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội đã được lên phim, tạo ra những dấu ấn và bước đầu cũng đã có rất nhiều thành công với những cái tên như: Chạy Án, Ma làng, Luật đời, Bí thư tỉnh ủy (VFC), Vó ngựa trời nam (TFS), Lập trình trái tim (FPT Media), Bỗng dưng muốn khóc (BHD), Vệt nắng cuối trời (Lasta) .... Tuy còn nhiều hạn chế và khó khăn nhưng từ những thành công ban đầu này, khán giả cũng đã thấy được sự nỗ lực, công sức của các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam. Một loạt các giải thưởng dành riêng cho phim truyền hình ra đời như để cổ vũ thêm tính sáng tạo của các nghệ sĩ.
Cảnh trong phim Chạy án
Cảnh trong phiom Bỗng dưng muốn khóc
Phim Lập trình cho trái tim
Cảnh trong phim Tháng củ mật
Có thể nói đây là một hướng đi đúng. Chúng ta chưa thể xuất khẩu phim như các nước khác trong khu vực nhưng trên sân nhà, cán cân dường như đã thay đổi. Những bộ phim truyền hình Việt ít nhiều đã theo kịp những chuyển động liên tục của xã hội. Phim Việt đã đề cập tới gần như hầu hết các đề tài trong cuộc sống, từ nông thôn đến thành phố. Khán giả Việt Nam dần có thói quen mong chờ theo dõi, bàn luận về những bộ phim Việt, thay vì trước đây họ phải khó khăn để nhớ những tên nhân vật Hàn Quốc, Đài Loan...
Phim Hoàng tử ếch
Phim Ngôi nhà hạnh phúc
Nhìn ra thế giới, ngay gần nước ta, những người anh em Châu Á như Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc vốn từ lâu đã rất nổi tiếng với các bộ phim truyền hình. Thập niên 80, 90 cả Châu Á chìm trong sự phổ biến của phim bộ Hongkong, Đài Loan. Nửa cuối thập niên 90 và trong những năm đầu thế kỉ, cán cân nghiêng sang phía đất nước kim chi Hàn Quốc với một loạt những cái tên như: Cảm xúc, Ước mơ vươn tới ngôi sao, Anh em nhà bác sĩ ... Những gương mặt Hàn, phong cách Hàn được coi như chuẩn mực của cái đẹp.
Nhớ lại chỉ hơn chục năm về trước, điện Ảnh Hàn Quốc gần như không có nhiều thành tựu. Phim truyền hình Hàn Quốc ban đầu ra đời chỉ đề dành bán xà phòng và dầu gội đầu, nhưng sau đó đã quảng bá thành công cả một nền văn hóa vốn không quá tiêu biểu. Từ những bộ phim truyền hình sản xuất ồ ạt, bán ra rẻ như cho, giờ đây cả thế giới đã phải biết tới công nghệ showbiz Hàn qua làn sóng Hallyu. Huy động sức mạnh của cả xã hội với chính sách quốc gia, văn hóa Hàn Quốc gần như đã chiếm lĩnh hầu hết khu vực Châu Á. Vậy tại sao, đây không phải là bài học mà Việt Nam nên học hỏi? Chính vì thế, việc xã hội hóa là một hướng đi mới mà không mới. Đây là cách đi chung của thế giới, và Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó.
Với việc tỉ lệ phim Việt chiếm ít nhất 30% trên các kênh truyền hình thì các công ty sản xuất phim tư nhân ra đời là điều tất nhiên. Trước đây khi các đơn vị làm phim chủ yếu tập trung trong khối nhà nước, số lượng phim làm ra ít, các nghệ sĩ thường gặp rất nhiều vất vả trong việc mưu sinh. Nghề làm phim trước đây không phải là một lựa chọn nghề nghiệp an toàn. Sinh viên trường Điện ảnh ra trường thường rất khó khăn kiếm việc làm. Nhưng giờ đây, với sự ra đời của hơn 600 đơn vị làm phim, các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình đã có thể sống được bằng nghề, đã có thể trau dồi, rèn luyện tay nghề thường xuyên hơn. Thêm người làm, tăng số lượng phim, mảnh đất cho các nghệ sĩ rộng ra, nhưng cùng với đó là sự cạnh tranh. Cạnh tranh giữa các đơn vị sản xuất về chất lượng, cạnh tranh với thị hiếu đám đông khi khán giả Việt ngày càng sành sỏi, thông minh. Rõ ràng, phim Việt đang tràn trề cơ hội thăng tiến. Cạnh tranh luôn luôn thúc đẩy sự tiến bộ.
Báo chí - Người bạn đồng hành
Nhìn sang các nước khác một chút, những bộ phim trong thời gian đầu của Hàn Quốc hay Trung Quốc, Đài Loan cũng không hẳn đã xuất sắc. Nhưng như một chủ trương, giới truyền thông, báo chí Hàn Quốc luôn ủng hộ, cổ súy cho dòng phim nội. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển ở những bước đi ban đầu. Còn ở Việt Nam thì sao? Những ý kiến "bội thực phim Việt", hay "lấy số lượng bù chất lượng" có trên khắp các mặt báo. Tất nhiên, không thể nói từ khi công cuộc xã hội hóa diễn ra, chất lượng phim Việt chỉ hoàn toàn tăng lên. Số lượng phim đã tăng lên rất nhiều, nhưng về chất lượng thì vẫn còn nhiều điểm trừ. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều món ăn tinh thần phong phú đa dạng đã được khán giả đón nhận. Lấy tiêu chí phục vụ khán giả, ý kiến phê bình là cần thiết để nâng cao chất lượng, nhưng điều đó không có nghĩa công sức của các nghệ sĩ chỉ đáng bị chê trách trên khắp các mặt báo như hiện nay.
Báo chí từ lâu luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu với văn học nghệ thuật. Ở các nền điện ảnh trên giới, vai trò của các nhà báo luôn rất quan trọng. Tại các liên hoan phim lớn, giải do Hiệp hội các nhà báo trao tặng luôn là những giải thưởng danh giá. Nhưng có điều, khi các nhà báo thế giới muốn viết về phim, họ đều rất hiểu phim cũng như nắm rất rõ từng quy trình làm phim. Trong giáo trình dạy phân tích và phê bình Điện Ảnh tại các trường Đại học lớn ở Mỹ, các sinh viên luôn được dạy cách phân tích tại sao bộ phim lại được làm ra như vậy, chứ không phải là bộ phim này nói về điều gì và như thế có hay hoặc dở hay không ? Với người Mỹ, "phim xong là xong, không còn gì đề nói", bạn có nói hay can thiệp bộ phim cũng không thay đổi được. Các ý kiến báo chí hoặc chỉ mang tính giới thiệu hoặc chỉ phân tích cách làm của các nhà làm phim và đưa ra những ý kiến mang tính khách quan mà thôi.
Trong hoạt động báo chí thì " chống để xây" là một trong những nguyên tắc vô cùng quan trọng. Ngoài ra, báo chí cũng là một kênh ghi nhận phản ứng của dư luận đến với những nhà làm phim và cũng là kênh PR quan trọng cho phim Việt đến được với đông đảo công chúng. Vì vậy, nếu báo chí trở thành người bạn đồng hành của các nhà làm phim thì sẽ lợi rất nhiều cho công cuộc phát triển của nền điện ảnh và truyền hình nước nhà.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Phim giờ vàng: Chất lượng "đồng thau" Tiếp sau những bộ phim được đánh giá cao về chất lượng, nội dung tư tưởng và tâm huyết của ê kíp đoàn làm phim thì giờ vàng phim truyện Việt trên VTV3 liên tiếp xuất hiện những bộ phim mà dường như chất lượng chẳng hề tương xứng chút nào. Càng đi càng đuối Sự ra đời của khung giờ vàng trên...