Nghệ sĩ Võ Vân Ánh: Để hiện đại dẫn lối về truyền thống
“Sự hứng thú ngay từ giây phút đầu tiên là ấn tượng rất quan trọng để hình thành sự yêu thích hay đam mê của người trẻ đối với nghệ thuật, chính vì thế tôi chọn một ngôn ngữ hiện đại để giới thiệu với các thế hệ học viên các nhạc cụ truyền thống hay giai điệu truyền thống. Sự gần gũi về cảm nhận sẽ là cánh cửa giúp cho tâm hồn rộng mở, xóa đi khoảng cách về địa lý hay tuổi tác….”, chia sẻ của nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh.
Sinh năm 1975, học đàn tranh từ năm 6 tuổi trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, năm 1995, đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc và giải Nhất độc tấu nhạc dân tộc hiện đại – chị mang tài sản là kiến thức âm nhạc Việt cổ của mình vào các sân chơi sáng tác nhạc phim hiện đại và thành công rực rỡ ở Mỹ: Âm nhạc cho bộ phim được đề cử giải Oscar Daughter From Danang do chị sáng tác năm 2003; đoạt giải Emmy Awards với soundtrack phim Bolinao 52 năm 2009, bộ phim tài liệu A Village Called Versailles với phần âm nhạc do chị đồng sáng tác đã đoạt giải thưởng Khán giả trong Liên hoan phim New Orleans. CD Three Moutain Pass của chị đoạt Top 10 những CD hay nhất thể loại world music tại Mỹ và Top 50 những CD hay nhất của tất cả các thể loại âm nhạc tại Mỹ năm 2013… và đâu là hoạt động yêu thích nhất của chị trong âm nhạc?
- 3 mảng lớn mà tôi tập trung trong âm nhạc, là: biểu diễn, sáng tác và giảng dạy; biểu diễn giúp tôi giới thiệu con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới, từ những hình tượng nhỏ bé như cây đa, bến nước cũng ẩn chứa đằng sau cả một câu chuyện ý nghĩa về thói quen sinh hoạt, tập tục ngày cũ…; sáng tác giúp tôi chuyển tải suy nghĩ, xúc cảm của chính mình còn giảng dạy chính là để gìn giữ văn hóa dân tộc, tạo nên những thế hệ kế tiếp duy trì và phát triển âm nhạc truyền thống.
Video đang HOT
Di chuyển giữa Mỹ và Việt Nam liên tục, và chị cũng không có nhiều thời gian, vậy làm sao để đảm bảo việc đào tạo khi mà học sinh là các em nhỏ nhiều màu da, ngôn ngữ khác nhau và ở hai bên bán cầu?
- Công nghệ đã xóa nhòa mọi khoảng cách. Nhạc cụ không thay đổi nhưng phương pháp giảng dạy bây giờ đã khác với ngày xưa rất nhiều, bên cạnh việc quan sát từng học viên, đánh giá điểm mạnh để phát huy và yếu để khắc phục, hỗ trợ – thì việc truyền tải online cũng là một công cụ rất đắc lực giúp tôi giữ sợi dây kết nối với học viên của mình. Đa số các em rất nhạy cảm, thông minh và chăm chỉ, việc “vỡ bài” hay luyện tập và tương tác với cô giáo qua mạng được thực hiện khá thuận lợi và đều đặn. Có những học viên một năm cô trò chỉ gặp nhau có vài hôm, nhưng vẫn có thể phát triển, đeo bám giáo trình và luyện tập đều đặn.
Các học viên và cả khán giả trẻ tuổi tỏ ra rất hứng thú với các giai điệu hiện đại được chơi bằng đàn tranh, hoặc các giai điệu cổ đã được chị xử lý lại với phong cách hiện đại, quan điểm của chị khi chọn world music với sự kết hợp cổ – kim để trình diễn và đào tạo?
- Mỗi thế hệ có một quan điểm riêng và nhiều hình thức thể hiện, nhưng giá trị âm nhạc là không thay đổi, đặc biệt là các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, không thể áp đặt cách nhìn và cả gu thưởng thức vào tất cả các đối tượng, tôi trân trọng giá trị truyền thống nhưng tôn trọng cảm xúc hiện đại, và đó là lý do khiến tôi có thể chia sẻ cảm nhận về truyền thống thông qua ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, để hiện đại dẫn lối về truyền thống. Và có thể đó là lý do khiến tôi nhận được sự ủng hộ của học viên, khán giả là giới trẻ…
Vậy còn làm việc với những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới thì sao?
- Tôi đã từng lưu diễn qua 25 nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ quốc tế; điều quan trọng nhất khi làm việc với những người nổi tiếng, có tên tuổi – có lẽ điều quan trọng nhất là tôn trọng mình và tôn trọng người, phải khẳng định được mình là ai, gốc của mình ở đâu? Phải biết lắng nghe, chia sẻ.
Nếu bạn muốn được đánh giá cao, hãy chia sẻ những thông tin trung thực. Với những thông tin mình không biết phải thừa nhận là không biết, nhưng hãy cởi mở rằng mình biết người có thể trả lời tốt hơn câu hỏi đó. Âm nhạc là một câu chuyện và để tìm đến những điểm chung, mình phải biết cách đối thoại…
Xin cảm ơn chị!
Theo Danviet