Nghệ sĩ Việt: ‘Bêu riếu con trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tâm lý’
Các bậc phụ huynh là nghệ sĩ nêu quan điểm cha mẹ không nên đưa chuyện riêng tư của con lên mạng xã hội. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các bé.
Tối 13/3, sự việc chị Hồng Nhung – vợ nghệ sĩ Xuân Bắc – đăng tải bài viết thể hiện cảm xúc khi phát hiện con bị rủ rê vào các nhóm chat trên mạng.
Trên trang cá nhân, chị cũng cho biết đã tịch thu điện thoại và đưa ra lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc kiểm soát con cái sử dụng điện thoại, mạng xã hội.
Cách xử trí của vợ nghệ sĩ Xuân Bắc gây ra sự tranh cãi đến từ cộng đồng mạng. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng hành động của chị Hồng Nhung thể hiện sự nóng vội trong cách giáo dục con. Hơn nữa, việc đưa chuyện riêng của con cái lên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến tâm lý của các bé trong quá trình phát triển. Luồng ý kiến còn lại cho hay chị Hồng Nhung chỉ muốn cảnh báo những bậc phụ huynh.
Zing có cuộc phỏng vấn với vợ chồng ca sĩ Đăng Khôi, Thanh Thảo về quan điểm trong việc dạy con sử dụng điện thoại, mạng xã hội và biện pháp của họ nếu phát hiện con truy cập những nội dung người lớn, không phù hợp với lứa tuổi.
Cha mẹ phải tôn trọng quyền cá nhân của con
Từ Mỹ, Thanh Thảo cho biết bé Jacky – con nuôi của cô – chưa được phép sử dụng điện thoại cá nhân dù đã bước sang tuổi 11. Hàng ngày, cậu bé đi học tại trường và tuân thủ giờ giấc theo quy định. Trong thời gian Jacky phải học online tại nhà vì dịch bệnh, cậu bé được nhà trường cấp một máy tính cá nhân và cài sẵn ứng dụng Zoom để phục vụ việc học tập, tương tác với giáo viên, bạn bè và đọc sách online mỗi tối trước khi ngủ 20 phút.
Vào ngày nghỉ cuối tuần, Thanh Thảo cho phép Jacky dùng điện thoại để liên lạc, nói chuyện với bà ngoại qua mạng xã hội. Ngoài ra, vì cậu bé có thú vui chơi game cùng bạn bè trên máy tính, nữ ca sĩ giới hạn thời gian cố định cho con chơi cùng các bạn.
“Trước khi cho phép con chơi game cùng bạn bè, bản thân tôi phải tìm hiểu bé chơi trò gì, nội dung ra sao, có phù hợp với lứa tuổi của con không. Tôi cũng nói trước với con về thời gian được phép chơi game nên Jacky nghiêm túc thực hiện. Ngoài ra, con không lướt các trang web hay vào xem những nội dung khác”, cô cho hay.
Thanh Thảo khuyến khích các con vận động ngoài trời thay vì sử dụng điện thoại. Ảnh: NVCC.
Thanh Thảo chia sẻ cô chú trọng dạy con phát triển những kỹ năng cá nhân, vận động những trò chơi ngoài trời, đưa các con đi đạp xe, chạy bộ, hoạt động thể lực ngoài công viên thay vì sử dụng điện thoại.
“Ở Mỹ, gia đình nào cũng gần các công viên có các trò chơi trẻ em, nên vào khoảng thời gian rảnh rỗi, các bậc cha mẹ thường đưa con ra sân chơi”, cô cho biết.
Theo quan sát và tìm hiểu của nữ ca sĩ, tại Mỹ, quyền cá nhân của mỗi đứa trẻ được tôn trọng tối đa. Phụ huynh phải có cách giáo dục và dạy dỗ con cái thật khéo léo. Nếu đánh mắng con hay có các biện pháp mạnh, những đứa trẻ có quyền phản ánh lại với nhà trường hoặc gọi cảnh sát.
Cô dẫn chứng khi giới chức của bang California – nơi gia đình Thanh Thảo đang sinh sống – lên kế hoạch bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các trường công lập bậc tiểu học và trung học, trường học sẽ gửi thông báo về cho từng gia đình. Và phụ huynh phải lấy ý kiến của học sinh về việc có muốn tiếp tục đeo khẩu trang hay không. Nếu trường hợp các bé không đồng ý tháo khẩu trang thì cha mẹ phải tôn trọng và tiếp tục cho con đeo khi đến lớp.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh ý thức được việc tạo ranh giới phù hợp và lành mạnh giữa việc nuôi dạy và tôn trọng quyền riêng tư của con trẻ. Họ đặc biệt không chia sẻ thông tin cá nhân của con trên mạng xã hội để tránh xảy ra các trường hợp ngoài ý muốn như bắt cóc, tấn công…
Video đang HOT
Thanh Thảo nói khi các bé đến tuổi vị thành niên, cha mẹ có thể cho phép con sử dụng điện thoại hay mạng xã hội. Tuy nhiên, họ sẽ cài đặt các chế độ lọc trên Internet để con không thể truy cập vào các trang web lạ, đường link có nội dung nhạy cảm.
“Đến khi các con đủ tuổi được phép sử dụng điện thoại, cha mẹ cũng phải tôn trọng sự riêng tư của con cái. Quan điểm từ tôi là sẽ không tự ý kiểm tra điện thoại cá nhân của con. Mình phải dạy con bằng tư duy, bằng sự trò chuyện hàng ngày để con biết giới hạn các thông tin trên mạng xã hội. Không nên thể hiện sự giận dữ và cấm đoán, bởi vì nếu càng cấm, những đứa trẻ lại càng tò mò”, nữ ca sĩ bày tỏ.
Điều quan trọng nhất theo Thanh Thảo là phụ huynh nên đồng hành cùng với sự phát triển của con. Các bậc cha mẹ nên làm gương, không xem, truy cập những đường link, trang web có nội dung phản cảm trước mặt con cái. Họ phải cùng con cái trò chuyện như bạn bè về những vấn đề phát triển tâm sinh lý khi bắt đầu bước vào tuổi khám phá cơ thể mình để tránh việc các bé tự tìm hiểu những thông tin lệch lạc gây ảnh hưởng đến con.
Giận dữ thể hiện sự bất lực từ cha mẹ
Cùng quan điểm, vợ chồng ca sĩ Đăng Khôi – Thủy Anh tiết lộ cả hai con trai đều chưa sử dụng điện thoại. Thời gian học online, vợ Đăng Khôi giao máy tính cá nhân của chị để con sử dụng.
“Hệ điều hành máy tính cá nhân của tôi được cài đặt mật khẩu để con không thể truy cập. Con trai chỉ sử dụng máy tính có các chức năng phục vụ việc học. Việc duyệt web được giới hạn ở một vài trang liên quan đến học tập”, Thủy Anh trao đổi với Zing.
Vợ chồng Đăng Khôi theo sát con trong quá trình học tập, vui chơi. Ảnh: NVCC.
Khi được đặt câu hỏi về độ tuổi cho phép con cái sử dụng điện thoại, mạng xã hội, vợ Đăng Khôi chia sẻ tùy thuộc vào mong muốn và đề nghị của con trai nhưng sẽ kéo dài thời gian càng lâu, càng tốt. Hiện tại, hai bé nhà Đăng Khôi vẫn được phép chơi game trên máy tính, cha mẹ không cấm đoán tuyệt đối. Tuy nhiên, nam ca sĩ luôn đồng hành và theo sát trong việc chọn lựa, tìm hiểu loại hình giải trí cho các bé.
“Người lớn nào cũng là một đứa trẻ nhưng đứa trẻ chưa bao giờ từng là người lớn. Việc đánh mắng, chì chiết trẻ không khiến trẻ hiểu ra vấn đề và nhận ra lỗi lầm của bản thân (nếu phụ huynh coi đó là lỗi lầm) mà chỉ khiến trẻ có cảm giác mình bị ép buộc, cấm đoán. Trẻ dậy thì luôn đặt câu hỏi Tại sao?. Tại sao cha mẹ cấm đoán con? Tại sao con phải làm như này như kia? Nếu chúng ta không giải thích vấn đề mà chỉ chỉ trích con, sự ấm ức càng dồn nén trong trẻ”, vợ Đăng Khôi nói.
Theo Thủy Anh, trong trường hợp phát hiện con truy cập, xem những nội dung không phù hợp với lứa tuổi, việc trước tiên cha mẹ nên làm là bình tĩnh. Sau đó, các phụ huynh cần tìm hiểu kỹ càng về việc con mình có bị ép buộc tham gia các hội nhóm chia sẻ hình ảnh người lớn.
Điều quan trọng nhất, theo vợ Đăng Khôi là cha mẹ tuyệt đối không đem chuyện của con bêu rếu trên mạng xã hội, sẽ gây ảnh hưởng tâm lý của các bé.
“Tôi luôn nghĩ kể cả với con cái, bố mẹ đừng đưa ra quyết định khi đang nóng vội. Chúng ta phải đặt câu hỏi lỗi là tại ai? Tại con hay tại chúng ta? Covid-19 đã khiến thời gian online của trẻ nhiều hơn, phụ huynh chỉ trao công cụ cho con nhưng không hướng dẫn hay chỉ bảo. Cha mẹ cũng có lỗi khi không cho con những định hướng về việc sử dụng Internet an toàn cũng như không nên né tránh các bài học về giới tính”, vợ Đăng Khôi cho biết.
Cô nói việc phụ huynh tước đoạt điện thoại khi phát hiện con xem những nội dung người lớn là biện pháp trừng phạt thể hiện sự bất lực của cha mẹ. Thủy Anh bày tỏ trong xã hội hiện đại, điện thoại, mạng xã hội là những công cụ để con cái giao tiếp, khám phá và học tập. Thay vì ngăn cấm, phụ huynh nên quản lý thời gian sử dụng điện thoại của con, tìm hiểu các ứng dụng, quản lý nguồn thông tin mà con truy cập.
“Hơn hết, phụ huynh hãy coi đấy là một cơ hội để trò chuyện với con và dạy con nhiều hơn về các vấn đề giới tính. Trẻ xem phim người lớn không phải là điều phụ huynh dễ chấp nhận nhưng phải hiểu đó là điều bình thường mà nhiều đứa trẻ sẽ trải qua. Đừng vì một vấn đề như vậy mà khiến con trở nên tiêu cực, xa cách bố mẹ hơn”, cô nêu quan điểm.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường đánh giá phần lớn phụ huynh Việt Nam thay vì dành thời gian để giải thích cho con cái hiểu lý do chúng mắc lỗi và cách xử trí để tránh vi phạm hoặc sửa sai, họ chọn phương án ngắn nhất để giáo dục là quát mắng, đánh đòn để ép con nhận sai.
“Có một điều tôi luôn tin đó là con cái sẽ mô phỏng lại những gì mà cha mẹ đã làm trước mặt nó một cách vô thức, vì cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của chúng nó. Mình tức giận đập đồ chơi của chúng nó, sau này chúng nó sẽ đập đồ chơi của người khác thậm chí là đập cả bát cơm mà mình đang ăn. Dạy con là trách nhiệm, nhưng dạy con đúng cách là cả một vấn đề”, anh chia sẻ.
Bà xã Đăng Khôi chia sẻ quan điểm: Tước điện thoại của con là điều cuối cùng Thuỷ Anh sẽ làm vì sự trừng phạt này thể hiện sự bất lực của bố mẹ!
Chia sẻ của vợ Đăng Khôi đang nhận được nhiều sự đồng tình từ khán giả.
Là mẹ bỉm có 2 cậu con trai, mới đây Thuỷ Anh - bà xã Đăng Khôi đã đăng tải bài viết nêu quan điểm về việc phụ huynh nên làm gì khi phát hiện con xem phim người lớn. Theo đó, Thuỷ Anh cho biết cô rất lo lắng một ngày nào đó các con tò mò về giới tính rồi vào web đen xem giấu bố mẹ.
Tuy nhiên, Thuỷ Anh chỉ ra 3 vấn đề phụ huynh cần lưu tâm để giáo dục con đúng cách, tránh khiến con trở nên tiêu cực, xa cách bố mẹ hơn. Cô nhấn mạnh: " Tước đoạt điện thoại của con là điều cuối cùng Thủy Anh sẽ làm vì đó là một cách trừng phạt thể hiện sự bất lực của bố mẹ".
Thuỷ Anh nêu quan điểm về chủ đề: "Con xem phim người lớn, lỗi tại ai?"
Nguyên văn chia sẻ của Thuỷ Anh như sau:
CON XEM PHIM NGƯỜI LỚN: LỖI TẠI AI?
Hãy nhớ rằng, bây giờ là năm 2022, không phải những năm 2000. Và chúng ta cũng từng có những tò mò như vậy trong quá khứ.
Thủy Anh cũng có 2 cậu con trai và Thủy Anh biết rằng, một ngày nào đó con sẽ tò mò về giới tính, bắt đầu giấu bố mẹ để thử vào một trang web đen nào đấy hay đóng cửa phòng không cho bố mẹ vào. Hỏi Thủy Anh có lo không, lo chứ, lo sốt vó lên được! Nhưng chỉ muốn nhắn nhủ với các mẹ 3 điều này.
1. Khi con xem phim người lớn, đó là chỉ dấu cho biết con đã tới giai đoạn tò mò về tính dục/tình dục/giới tính. Nhìn nó ở một khía cạnh tích cực, phụ huynh biết rằng đã tới lúc mình cần "hành động" - không phải cấm đoán mà là giáo dục. Mình đã bắt đầu dạy con về giới tính và cách bảo vệ bản thân mình từ khi con 4 tuổi. Mình có nhiều bài chia sẻ và còn thực hiện tình huống để thử thách con, mọi ng có thể xem lại nhé.
2. Đừng đổ lỗi cho con, cho Internet, cho xã hội, cho nhóm bạn xấu hay bất cứ ai chúng ta có thể đổ lỗi... ngoài mình! Bố mẹ cũng phải thấy điều này là một phần trong cách giáo dục con cái của mình.
3. Con trẻ có cảm xúc. Điều này quan trọng lắm lắm luôn mọi người ơi! Khi muốn làm bất cứ điều gì với con ở độ tuổi dậy thì (cấm đoán, trừng phạt, mắng mỏ, chỉ trích...) hãy nhớ rằng con có cảm xúc và thực tế rằng ở tuổi này, con chưa thể điều tiết hết cảm xúc của mình, dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.
Người lớn nào cũng đã từng là một đứa trẻ nhưng đứa trẻ chưa bao giờ từng là người lớn. Việc đánh mắng, chì chiết trẻ không khiến trẻ hiểu ra vấn đề và nhận ra lỗi lầm của bản thân (nếu phụ huynh coi đó là lỗi lầm) mà chỉ khiến trẻ có cảm giác mình bị ép buộc, cấm đoán. Trẻ dậy thì luôn đặt câu hỏi "Tại sao?" - tại sao cha mẹ cấm đoán con? tại sao con phải làm như này như kia? nếu chúng ta không giải thích vấn đề mà chỉ chỉ trích con, sự ấm ức càng dồn nén trong trẻ.
Phụ huynh phải thực sự bình tĩnh khi phát hiện con xem nội dung không phù hợp. Thứ nhất, quyền riêng tư của con là điều chúng ta nên coi trọng nên việc giải thích tại sao bố mẹ biết được con xem nội dung không phù hợp là điều cần thiết. Thứ hai, chúng ta đã tìm hiểu đủ kỹ để biết con bị ép buộc vào những nhóm đó hay con tự nguyện? con đã tham gia lâu chưa hay mới tìm hiểu? phụ huynh không được đem chuyện của con ra bêu rếu vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ rất nhiều. Thủy Anh luôn nghĩ, kể cả với con cái, bố mẹ đừng đưa ra quyết định khi đang nóng vội. Và thứ ba, lỗi là tại ai? Tại con hay tại chúng ta? Covid đã khiến thời gian online của trẻ nhiều hơn, phụ huynh chỉ trao công cụ cho con nhưng không hướng dẫn hay chỉ bảo. Bố mẹ cũng có lỗi khi không cho con những định hướng về việc sử dụng Internet an toàn cũng như không nên né tránh các bài học về giới tính.
Tước đoạt điện thoại của con là điều cuối cùng Thủy Anh sẽ làm vì đó là một cách trừng phạt thể hiện sự bất lực của bố mẹ. Không quản được thì cấm? Không được! Điện thoại không chỉ là nơi để con liên lạc giao tiếp mà còn là kênh học tập, khám phá thế giới bên ngoài của con mà ở tuổi này, có điện thoại là điều cần thiết. Bạn có thể quản lý thời gian sử dụng điện thoại của con tốt hơn, tìm hiểu các ứng dụng quản lý nguồn thông tin con truy cập... Và hơn hết, hãy coi đấy là một cơ hội để trò chuyện với con và dạy con nhiều hơn về các vấn đề giới tính.
Trẻ xem phim người lớn không phải là điều phụ huynh dễ chấp nhận nhưng phải hiểu đó là một điều bình thường mà nhiều đứa trẻ sẽ trải qua. Đừng vì một vấn đề như vậy mà khiến con trở nên tiêu cực, xa cách bố mẹ hơn. Vậy chúng ta nên nói với con về những gì?
- Thứ nhất, hãy chia sẻ với trẻ về ham muốn (sở thích, khao khát, ước muốn) về chủ đề giới tính, tình dục.
- Thứ hai, hãy tìm hiểu xem con làm gì để thỏa mãn ham muốn đó; xem porn có thể chỉ là một khía cạnh. Cởi mở nói chuyện với con, bạn có thể biết được nhiều điều hơn.
- Thứ ba, hãy nói với con về ranh giới/giới hạn. Có những thứ con không được làm (và giải thích tại sao không được làm) ở độ tuổi này.
- Cuối cùng, hãy nói với con về sự đồng thuận/từ chối.
Cuối cùng, Thủy Anh có thể giới thiệu cho mọi người một số công cụ để việc sử dụng Internet của con an toàn hơn. An toàn hơn chứ không phải kiểm soát chặt hơn, vì suy cho cùng, không một đứa trẻ nào muốn tước đoạt tự do cả.
Thuỷ Anh cũng lo lắng một ngày nào đó 2 cậu con trai mình tò mò giới tính, giấu bố mẹ xem web đen
Tuy nhiên, theo Thuỷ Anh, các phụ huynh không nên hành động nóng vội mà từ từ giáo dục cho con về về tính dục, tình dục, giới tính
"Tước đoạt điện thoại của con là điều cuối cùng Thủy Anh sẽ làm vì đó là một cách trừng phạt thể hiện sự bất lực của bố mẹ", Thuỷ Anh cho biết
Nam ca sĩ chiều vợ nức tiếng Vbiz: Hết mua xe hơi còn tặng túi hiệu đắt đỏ nhân dịp Valentine Đã hơn 10 năm gắn bó nhưng cặp vợ chồng đình đám Vbiz này luôn khiến netizen ngưỡng mộ về tình cảm dành cho nhau. Valentine là dịp để các cặp đôi thể hiện tình cảm dành cho nhau. Ngay từ sáng 14/2, cả showbiz đã rầm rộ những màn phát "cẩu lương" của các cặp nghệ sĩ. Trong đó, không thể thiếu...