Nghệ sĩ Tòng Sơn và nỗi niềm khi lá đơn xin vào trại dưỡng lão nghệ sĩ bị từ chối
Tuổi già bệnh tật và không còn nơi nương thân, nghệ sĩ Tòng Sơn viết đơn xin vào ở trong Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM nhưng đơn của ông bị từ chối…
Vào năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton có chuyến thăm Việt Nam. Dịp này, Tổng thống Bill Clinton cùng đoàn tùy tùng ghé thăm cảng Container quốc tế Việt Nam ở TP.HCM. Nghệ sĩ khẩu cầm Tòng Sơn được vinh dự mời đến biểu diễn. Giữa hàng trăm quan khách cấp cao cấp của hai nước, nghệ sĩ Tòng Sơn tự tin thể hiện tài năng của mình qua cây kèn harmonica, những âm điệu trầm bổng du dương vang lên đã làm say đắm cả phái đoàn ngoại giao nước Mỹ. Khi bản nhạc vừa chấm dứt, những tràng pháo tay vang lên không dứt tán thưởng cho tài nghệ của ông…
Nhắc lại câu chuyện xa xưa cách đây 16 năm để thấy rằng nghệ sĩ Tòng Sơn đã từng có một thời “oanh liệt” trong làng giải trí Việt Nam. Ông là một trong những người được khán giả mến mộ đặt cho biệt danh là “quái kiệt”. Buồn thay ngày tháng rất đẹp ấy đã xa rồi. Hoàn cảnh của ông giờ bi đát lắm. Bước qua tuổi 86 với bệnh tật, cô đơn, nghèo túng, ông phải sống trong ngôi nhà trọ diện tích chưa tới 12m2 ở khu Bàn Cờ, Sài Gòn và một mình chống chọi với bệnh tim ngày càng thêm trầm trọng. Có lần những người cùng xóm thấy cả buổi ông không mở cửa phòng, họ đập cửa nhà thấy ông đang nằm thoi thóp đau đớn. Mọi người vội đưa ông vào viện cấp cứu.
Để giữ hình ảnh của mình mãi đẹp trong lòng khán thính giả, ông sợ những người yêu mến ông phải thấy cảnh một ông lão Tòng Sơn tàn tạ nơi đầu đường xó chợ, vì thế ông quyết định viết một lá đơn xin được vào ở tại Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM. Đơn của ông bị từ chối với lý do ông không phải là hội viên của Hội âm nhạc thành phố. Tuyệt vọng, lão nghệ sĩ Tòng Sơn chỉ còn biết kêu… trời!
Nói đến Tòng Sơn, những người mộ điệu nghĩ ngay đến người nghệ sĩ được mệnh danh là “quái kiệt” bởi cách sử dụng nhạc cụ của ông rất quái lạ và độc đáo. Tòng Sơn có thể cùng một lúc thổi hai cây kèn một ở lỗ mũi và một ở miệng. Độc đáo hơn ông vừa thổi vừa ăn chuối và vừa uống bia. Tài nghệ như thế nên từ những thập niên 50 của thế kỷ trước, tên tuổi của Tòng Sơn nổi tiếng khắp miền Nam. Ông được mời lưu diễn khắp nơi trong và ngoài nước, từ châu Á đến châu Mỹ, châu Âu…
Video đang HOT
Nghệ sĩ Tòng Sơn năm 20 tuổi
Đến thăm ông vào một buổi sáng Sài Gòn có vài cơn mưa nhỏ, căn phòng trọ chật hẹp trong khu Bàn Cờ nơi ông ở không đủ sức chứa đến năm sáu người. Phòng ở trống trơn, chỉ có chiếc giường là vật có nhiều diện tích nhất. Góc bàn nhỏ bày la liệt những vỉ thuốc chữa bệnh, thuốc trợ tim. Có lẽ thứ làm ông tự hào nhất là tấm bằng xác lập kỷ lục “Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam” của Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận. Trên tường còn treo một vài tấm ảnh của ông thời trai trẻ, một chàng trai phong độ, đẹp trai và tài hoa.
“Tôi là một người suốt đời chưa từng có tên ghi trong sở nhà đất”, nghệ sĩ Tòng Sơn nói vui khi nhắc đến gia cảnh của mình. Đằng sau câu đùa đó là nụ cười với nỗi niềm chua xót. Ông cho biết, hơn 60 năm tuổi nghề, ông chưa từng có cho mình một ngôi nhà riêng, lang thang hết trọ chỗ này chuyển đến trọ chỗ khác. Từng có một gia đình và có đến 10 đứa con nhưng rốt cuộc “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Người tình của ông, tri kỷ của ông giờ chỉ còn là tiếng kèn với những giai điệu buồn đến nao lòng.
Tòng Sơn không phải là tên thật của ông. Ông tên là Dương Ngô Tòng, nghệ danh Tòng Sơn là để tri ân công lao dưỡng dục của thân phụ ông. “Sơn là tên cha tôi, Tòng Sơn có nghĩa là theo cha”, đó là giải thích của lão nghệ sĩ về nghệ danh của mình.
Nghệ sĩ Tòng Sơn sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ. Tuổi thơ của ông là những ngày chinh chiến chạy giặc Tây. Chưa bao giờ ông nghĩ sau này mình sẽ trở thành một danh cầm, một “quái kiệt” như bây giờ. Số phận run rủi, trong một lần tình cờ ông nhặt được cây kèn harmonica của một người lính Pháp đánh rơi trên đường đi bố ráp. Chiếc kèn Tây là lạ và đẹp ngày ấy đã gắn liền với số phận của ông.
Năm 16 tuổi, bằng chiếc kèn nhặt được, những giai điệu vỡ lòng bắt đầu được phát ra từng chính miệng của Tòng Sơn. Đi đâu Tòng Sơn cũng mang theo cây kèn harmonica ấy. Năm 1950, Tòng Sơn lên Sài Gòn làm thợ sắp chữ cho một nhà máy in. Những buổi tối buồn và nhớ nhà, Tòng Sơn lại mang kèn ra thổi, lúc đó Tòng Sơn mới phát hiện ra mình có năng khiếu về nhạc cụ này.
Nghệ sĩ Tòng Sơn biểu diễn vừa thổi kèn vừa ăn chuối – Ảnh: internet
Tòng Sơn chính thức bước vào con đường nghệ thuật vào khoảng năm 1956 sau khi ông trúng tuyển trong cuộc thi “Tuyển lựa tài tử” do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Từ đó tiếng kèn của ông vang xa và ngày càng điêu luyện hơn với các ngón nghề có một không hai. Thế giới nghệ thuật đầy hào hoa, cám dỗ đã quyến rũ Tòng Sơn bước vào. Nơi đó ông nhận được những vinh quang và cả những bạc bẽo đắng cay.
Tuổi già, bệnh liên miên không đi biểu diễn được, lão nghệ sĩ Tòng Sơn phải đối diện với một thực tế phũ phàng, tiền ăn cho mình, tiền thuốc, tiền trọ và nhiều thứ nữa. “Bạn bè, người thân và các nghệ sĩ đồng nghiệp chỉ giúp đỡ một phần nào thôi chứ làm sao lo hết được. Tôi đứng trên sân khấu Trống Đồng biểu diễn cho khán giả đến 25 năm, nhưng đến nay họ cũng cắt mất show này. Tôi sợ một ngày phải cô đơn nằm chết ở một góc phố nào đó”, nghe nghệ sĩ Tòng Sơn tâm sự mà chúng tôi cay mắt.
Anh chị em nghệ sĩ và báo chí đến thăm nghệ sĩ Tòng Sơn vào sáng 22.8.2016
Câu chuyện của nghệ sĩ Tòng Sơn kể cho chúng tôi nghe thỉnh thoảng phải dừng lại bởi cơn đau đột ngột. Mặt ông nhăn lại nhưng sau đó lại nở một nụ cười rất hiền. Nghệ sĩ Tòng Sơn nói rằng ông từng có một thời “oanh liệt” nhưng điều đó không quan trọng, bởi sứ mệnh của người nghệ sĩ là cống hiến, là con tằm rút ruột nhả tơ. Quy luật muôn đời là vậy, than trách để làm gì. Trong câu chuyện của Tòng Sơn, ông cố tránh né nhắc đến những cuộc tình, những người đàn bà đã từng được ông gọi là vợ. Có lẽ đó là nỗi niềm, là những điều thầm kín mà ông cần được tôn trọng.
Tất cả đã trôi qua, thực tại của ông bây giờ là căn bệnh tim ngày càng trầm trọng. Ông muốn có một chốn bình yên để nương náu khi tuổi đã về già. Tuy nhiên, cái mơ ước tưởng chừng như nhỏ bé ấy lại là quá xa vời với một người nghệ sĩ cả đời cống hiến như ông.
Mở chiếc valy chứa đầy các loại kèn harmonica lớn nhỏ mà ông cả đời sưu tập được, chọn một chiếc, nghệ sĩ Tòng Sơn thổi cho chúng tôi nghe bài Hạnh phúc lang thang.
“Nhưng năm tháng vô tình mà lòng người cũng vô tình/ Rồi màu úa thay màu xanh/ Người yêu xa bến mộng đò xưa đã sang sông dòng đời trôi mênh mông/ Dáng xưa nay xa rồi đường khuya mưa rơi rơi/ Phố xưa quên một người bàn chân gieo đơn côi/ Gió mang theo cơn lạnh về rót lệ trên môi…”.
Căn phòng trọ của ông bỗng trở nên chật hẹp, giai điệu bài hát buồn đến não nùng vượt xa khỏi không gian bé nhỏ ấy rồi lên tận đến trời xanh. Sài Gòn lại mưa, đôi mắt của nghệ sĩ Tòng Sơn ươn ướt.
Lá đơn xin vào Khu dưỡng lão nghệ sĩ của ông bị trả lại vẫn còn nằm im dưới chiếc gối ngủ mỗi đêm, thi thoảng ông đem ra đọc lại rồi ngậm ngùi tự hỏi: “Tôi có phải là một người nghệ sĩ không?”.
Theo Motthegioi