Nghệ sĩ tiếc thương ĐD phim Ván bài lật ngửa
Lê Hoàng Hoa – đạo diễn phim Ván bài lật ngửa đã từ giã cõi đời sau thời gian chống chọi với căn bệnh tim mạch, tiểu đường. Nguyễn Chánh Tín, Thẩm Thúy Hằng… và nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự nuối tiếc trước sự ra đi đột ngột của đạo diễn tài hoa này.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín: “Tôi học ở ông nhân cách sống”
Trong số những tác phẩm điện ảnh mà tôi tham gia, Ván bài lật ngửa (8 tập) được nhiều nhà phê bình nhận định là đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam. Nguyên tác kịch bản phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã sửa đổi khá nhiều chi tiết so với tiểu thuyết và đã đặt tên chính thức cho bộ phim là Ván bài lật ngửa.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín.
Bộ phim này đã đoạt giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ 7 – 1985. Tôi ghi nhớ công lao của ông, người đạo diễn tài hoa, người hết lòng vì một nền điện ảnh tiên tiến. Giữa tôi và ông có nhiều kỷ niệm, qua đó tôi học hỏi ở ông nhân cách sống, sự nghiêm túc trong nghề. Vĩnh biệt ông, người đã tạo ra một Nguyễn Thành Luân – vai diễn để đời trong sự nghiệp nghệ thuật của tôi.
Đạo diễn tài ba Lê Hoàng Hoa
Nghệ sĩ Mộng Tuyền: “Anh sẽ sống mãi trong lòng công chúng”
Tôi đến sân khấu với nghệ danh Kim Loan, vì ba tôi hồi đó là dân đờn ca tài tử, đã lập ban tài tử ở Bến Ninh Kiều, Cần Thơ mang tên Kim Loan. Đến khi tôi lên Sài Gòn, tham gia vào làng nghệ thuật chuyên nghiệp, được gặp đạo diễn Lê Hoàng Hoa, ông đã mời tôi tham gia bộ phim 11 Giờ 30 do Trung tâm Điện ảnh Sài Gòn sản xuất.
Nghệ sĩ Mộng Tuyền
Lúc đó đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã hỏi tôi: “Em hát cải lương được bao lâu?”, tôi nói chỉ mới bắt đầu, anh nói thêm: “Với điện ảnh, sự bắt đầu này đòi hỏi gấp 3 lần so với sân khấu cải lương”. Vĩnh biệt anh Hoa, anh mãi mãi sẽ sống trong lòng công chúng yêu nghệ thuật và điện ảnh nước nhà.
Ca sĩ Thanh Lan: “Anh là người lạc quan, yêu đời”
Video đang HOT
Ca sĩ Thanh Lan
Tôi tham gia bộ phim Chân trời tím do Liên ảnh Công ty sản xuất, dựa theo tiểu thuyết của Văn Quang đã được anh Lê Hoàng Hoa dàn dựng năm 1970. Đây là phim màu, màn ảnh đại vĩ tuyến, kinh phí thời đó là 7 triệu đồng, doanh thu 50 triệu đồng. Tôi quý anh Hoa bởi tính lạc quan, yêu đời. Lúc thành danh hay gặp trắc trở trong cuộc sống gia đình, lúc nào anh cũng lạc quan, yêu đời. Vĩnh biệt anh, người anh cả của điện ảnh quê nhà, người đã cho những diễn viên chúng tôi cơ hội để tỏa sáng và được công chúng yêu mến.
Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà: “Vĩnh biệt một người anh tài ba”
Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa chọn tôi vào phim Điệu ru nước mắt (thực hiện năm 1970), tuy ảnh hưởng của dòng phim cao bồi Mỹ nhưng được đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã cố gắng Việt hóa. Nhân vật du đãng Trần Đại dẫu một thời làm mưa làm gió trên giang hồ nhưng tận sâu trong nội tâm vẫn cần tình yêu, tình bạn.
Đạo diễn Hoàng Hoa chú ý khai thác sự chuyển hóa của một tên cướp, để nhấn mạnh tư tưởng “quay đầu là bờ”. Hay tin anh Hoa qua đời, tôi bàng hoàng xúc động. Vậy là tôi đã mất đi một người anh…
Nghe Thanh Tú: “Nuối tiếc phần 2 “Con ma nhà họ Hứa”!”
Tôi có nhiều kỷ nhiệm với anh Hoàng Hoa khi tham gia bộ phim Con ma nhà họ Hứa (1972-1973) do anh làm đạo diễn. Bộ phim dựa vào câu chuyện có thật trong gia đình nhà họ Hứa. Phim được quay tại một biệt thự ở Đà Lạt. Ngày nay, ngôi biệt thự này nổi tiếng là thần bí và người dân ở Đà Lạt khi nhắc đến ngôi biệt thự này, thường gọi nó là “căn nhà ma”.
Bộ phim này do ông chủ của đoàn cải lương Dạ Lý Hương (lúc đó cũng đứng ra lập hãng phim) đầu tư và mời đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện. Phim còn có sự tham gia của NSND Năm Châu, NSND Bạch Tuyết, cố nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm, Tư Rọm, cố nghệ sĩ Năm Sa đéc, cố NSND Ba Vân, cố nghệ sĩ Khả Năng, Thanh Việt và nghệ sĩ hài Tùng Lâm.
Nghệ sĩ Thanh Tú
Tôi nhớ mãi những phân đoạn phải quay nhiều lần, vì tôi cũng sợ ngôi nhà ma ở Đà Lạt, mà anh Hoa thì lúc nào cũng bắt tôi phải khám phá, thâm nhập để khi quay có cảm xúc thật. Nhớ đến bộ phim lại nhớ đến dự án dở dang của anh khi muốn làm phần 2 câu chuyện phim này, thế mà nay anh đã ra đi. Xin thắp nén hương vĩnh biệt anh.
NSƯT Thẩm Thúy Hằng: “Mãi nhớ về anh”
Tôi tham gia nhiều phim do anh làm đạo diễn. Nhớ nhất là phim Giỡn mặt tử thần. Lúc đó tôi và Bảo Ân đóng chung. Tuy nhiên vì phim được dàn dựng cận ngày 30/4, đến nay vẫn là bộ phim tư liệu của điện ảnh nước nhà chưa được trình chiếu. Nay, hay tin anh mất, tôi rất xúc động. Chia tay anh Hoa, mong anh dưới suối vàng mỉm cười vì phim ảnh của anh công chúng vẫn luôn nhớ, giới nghệ sĩ chúng tôi vẫn dành nhiều cảm xúc khi xem lại và khi nhắc về anh.
NSƯT Thẩm Thúy Hằng và cố nghệ sĩ La Thoại Tân.
Giai nhân Thẩm Thúy Hằng
NSƯT Hữu Châu: “Cám ơn ông, người đạo diễn tài hoa”
Tôi không phải là người của điện ảnh nhưng ngưỡng mộ ông vì Ván bài lật ngửa là niềm tự hào của giới nghệ sĩ điện ảnh Việt. Qua phim trên, Nguyễn Chánh Tín và Thương Tín đã trở thành bộ đôi mà hồi nhỏ, thế hệ diễn viên của chúng tôi yêu thích, khao khát được thể hiện nhân vật hai anh đã đóng.
NSƯT Hữu Châu
Điều làm tôi cảm kích và học hỏi rất nhiều ở những tác phẩm điện ảnh mà ông đã làm, đó là sự nghiêm túc trong dàn dựng, phim ít có lỗi kỹ thuật, càng không có những cảnh quay ẩu. Ông cẩn thận đến từng chi tiết, hành động và luôn dành khoảng trống để người xem lắp trí tưởng tượng vào phim do ông làm. Nay ông đã ra đi, để lại niềm thương tiếc cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó có cả những nghệ sĩ sân khấu của chúng tôi.
Nghệ sĩ Lý Hùng: “Mong chú yên nghỉ cõi vĩnh hằng”
Tôi học ở chú sự năng động trong làm việc, những thao tác, những tích tắc chuyển biến tâm lý để khán giả không kịp dự đoán mà phải bất ngờ. Chú cắt cảnh, chọn tiêu đề của cận ảnh rất hay, rất chắc lọc. Mong chú yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng để mãi mãi được sống với tình yêu của công chúng dành cho điện ảnh nước nhà.
Nghệ sĩ Lý Hùng
Lê Hoàng Hoa – đạo diễn phim Ván bài lật ngửa – đã từ giã cõi đời lúc 0h41 phút ngày 31/7, thọ 79 tuổi. Ông ra đi sau thời gian chống chọi với căn bệnh tim mạch, tiểu đường.
Lúc 14h ngày 31/7, lễ nhập quan đạo diễn Lê Hoàng Hoa sẽ được tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện An Bình (397 Trần Phú, quận 5 – TP.HCM), sau đó di quan về Nhà tang lễ TP.HCM (số 25, Lê Quý Đôn). Lễ truy điệu đạo diễn Lê Hoàng Hoa sẽ được tổ chức lúc 7 giờ ngày 3/8, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân – TP.HCM.
Theo Người Lao Động
Đạo diễn 'Ván bài lật ngửa' qua đời
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa ra đi sau thời gian chống chọi với căn bệnh tim mạch, tiểu đường, từ giã cõi đời lúc 0h41 ngày 31/7, thọ 79 tuổi.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa tên thật là Đoàn Lê Hoa, sinh năm 1933 tại Huế. Thuở nhỏ, ông học tại trường Saint Pierre, lớn lên học trường Khải Định - Huế. Sau đó, ông thi đậu học bổng của ICA (International Cooperation Administration) sang Mỹ du học 3 năm rồi trở về nước làm phim. Năm 33 tuổi, khi Trung tâm Điện ảnh Sài Gòn thành lập (1960), Hoàng Hoa làm một số bộ phim tài liệu thành công và đã được giao thực hiện bộ phim nhựa đầu tiên 11 giờ 30.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa.
Đây được xem là bộ phim truyện màn ảnh rộng đầu tiên của điện ảnh phía Nam, đưa nữ diễn viên cải lương Kim Loan (tức nghệ sĩ Mộng Tuyền) bước lên đài danh vọng. Sau 1975, đạo diễn Lê Hoàng Hoa với tên gọi là Khôi Nguyên đã tiếp tục đem lại doanh số kỷ lục cho phim Việt Nam từ năm 1981 đến 1987 với 8 tập phim Ván bài lật ngửa. Phim này nhận được nhiều lời khen từ các nhà chuyên môn và khán giả. Đến ngày nay đây vẫn là bộ phim tình báo thành công nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Trong cuộc đời làm đạo diễn của ông, Lê Hoàng Hoa đã góp phần đưa những tên tuổi diễn viên trở thành ngôi sao điện ảnh không chỉ vang danh trong nước mà còn được biết đến tại quốc tế: Kiều Chinh, Mộng Tuyền, Thanh Nga, Thiên Trang, Trần Quang, Hùng Cường, Kim Vui, Thanh Lan... và đặc biệt là NSƯT Nguyễn Chánh Tín.
Những phim bộ phim đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã thực hiện trước 1975 và đưa tên tuổi ông trở thành người đạo diễn tài hoa bậc nhất gồm: Chân trời tím, Điệu ru nước mắt, Gác chuông nhà thờ, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Bẫy ngầm, Con ma nhà họ Hứa, 5 hiệp sĩ bất đắc dĩ, Triệu phú bất đắc dĩ, Người chồng bất đắc dĩ, Chàng ngốc gặp hên...
Những phim ông thực hiện sau 1975 góp phần đưa điện ảnh nước nhà giai đoạn phát triển sau ngày miền Nam thống nhất đã là nền tảng cho sự kế thừa của nhiều đạo diễn trẻ sau này: Ngọn lửa Krông Jung, Ván bài lật ngửa (8 tập), Cao nguyên F-101 (2 tập), Đằng sau số phận (3 tập), Tình không biên giới...
Vĩnh biệt người đạo diễn đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà, công lao đào tạo, dìu dắt của ông không bao giờ phai mờ trong tấm lòng biết ơn của các thế hệ đạo diễn, nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam.
Lúc 14h ngày 31/7, lễ nhập quan đạo diễn Lê Hoàng Hoa sẽ được tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện An Bình (397 Trần Phú, quận 5, TP.HCM), sau đó di quan đến Nhà tang lễ thành phố (Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ truy điệu đạo diễn Lê Hoàng Hoa sẽ được tổ chức lúc 7 giờ ngày 3/8, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM.
Theo Người Lao Động
Việt Trinh ngày ấy và bây giờ "Bây giờ mà viết về Việt Trinh thì không biết là sớm hay muộn. Đã có một thời, có xa xưa gì đâu, số lượng tạp chí có in hình Việt Trinh trong một tháng khéo chất cao hơn đầu cô", đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ. Việt Trinh với nụ cười tươi tắn Tôi không phải đạo diễn đầu tiên của Việt...