Nghệ sĩ Kiều Mai Lý: Từ cô bé gánh nước thuê đến đào hát nổi tiếng
Từ một cô bé gánh nước thuê, bằng niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Kiều Mai Lý trở thành đào hát nổi tiếng. Câu chuyện này được nữ nghệ sĩ kể lại trong Ký ức Sài Gòn.
Kiều Mai Lý trở thành khách mời trong chương trình ‘Ký ức Sài Gòn’. ẢNH: BTC
Tuổi thơ gian truân và hành trình trở thành một cô đào
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý (tên thật là Nguyễn Thị Lý) sinh năm 1949 trong một gia đình nghèo, đông con. Bà có 9 anh chị em và tất thảy đều được sống cùng bố mẹ, chỉ trừ mỗi bà. Nữ nghệ sĩ kể, khi bà được chừng một tuổi thì mẹ mang thai đứa em kế. Một đêm nọ, mẹ nằm mơ thấy bà té sông chết nên rất hoang mang. Rồi không biết nghe ai mách bảo, bố mẹ quyết định cho bà làm con nuôi của một cặp vợ chồng hiếm muộn trong xóm, định rằng sau khi sinh con xong sẽ đón về. Thế nhưng, sau thời gian gắn bó cùng bố mẹ nuôi, được yêu thương hết mực, Kiều Mai Lý lại không muốn về nhà cũ.
Hình ảnh lúc trẻ của nghệ sĩ Kiều Mai Lý. ẢNH: BTC
Ở với bố mẹ nuôi, Kiều Mai Lý được yêu thương hết mực. Tuy nhiên, vì nhà nghèo nên mỗi khi ra chợ bán hàng rong, ông bà thường gánh theo nữ nghệ sĩ. Bản thân Kiều Mai Lý cũng hiểu chuyện từ rất sớm. Khi được 7-8 tuổi, bà đã biết phụ giúp bố mẹ. Khuya, bà dậy sớm đi bộ từ nhà ra chợ Bà Chiểu lấy bún, lấy rau về cho bố mẹ bán dù ngủ gục không ít lần. Rồi khi bố mẹ chuyển sang bán cháo cá, nữ nghệ sĩ cũng hăng hái phụ giúp công việc rửa chén. Năm 10 tuổi, bà nói bố mẹ làm cho mình 2 chiếc thùng để gánh nước cho gia đình. Nữ nghệ sĩ còn đi gánh thuê để có tiền mua đôi dép mới. Thế nhưng, sau một tháng trời, bà bị lừa hết tiền công. Nhớ về những ngày tháng đó, Kiều Mai Lý cười bảo: “Tại vì hồi đó gánh nước nhiều nên mới bị lùn”.
Mặc dù sắc vóc nhỏ con nhưng bù lại, Kiều Mai Lý có giọng hát trong và lảnh lót. Bà kể năm lên trung học, gần trường Hà Huy Tập có một ngôi đình, là nơi “đóng đô” của đoàn Thanh Hương – Hùng Minh. Vì mê cải lương nên trưa nào tan học, bà cũng chạy ra đó “ngồi đồng” hai, ba tiếng chỉ để coi tập tuồng. Về nhà, bà bắt chước lại nghệ sĩ Thanh Hương hát bài Cô bán đèn hoa giấy. Anh rể thấy nữ nghệ sĩ có giọng hát hay, mới dẫn bà đến gặp thầy Năm Đồng dạy đờn ca tài tử để học hát. Nhờ sáng dạ nên Kiều Mai Lý ca tới đâu chắc tới đó. Được một thời gian, thầy dắt bà đi diễn và đặt nghệ danh là Kiều Mai Lý. Năm 16 tuổi, trong một lần hát đám cưới, tiếng hát của bà lọt vào tai ông bầu đoàn Hoa Xuân Minh Há và từ đó xuất hiện một cô đào chánh.
Từ cô gái có cuộc sống khó khăn, với niềm đam mê nghệ thuật, bà quyết tâm theo đuổi và trở thành cô đào hát được mọi người yêu mến. ẢNH: BTC
Một năm sau đoàn rã, Kiều Mai Lý tưởng chừng sự nghiệp đi vào ngõ cụt thì trùng hợp lúc đó nghệ sĩ Minh Cảnh lập đoàn mới và cũng đang tìm một cô đào. Thế là Kiều Mai Lý gia nhập với mức lương 40 ngàn đồng, một số tiền rất lớn mà chưa bao giờ gia đình bà mơ tới. “Ké” hào quang của nghệ sĩ Minh Cảnh, bà vụt lên trở thành một cô đào nổi tiếng của Sài Gòn. Tuy nhiên, nữ nghệ sĩ chỉ gắn bó 4 tháng rồi chuyển sang đoàn Dạ Lý Hương với hợp đồng lên đến 350 ngàn đồng. Nữ khách mời nhớ lại: “Đoàn lúc đó tập trung toàn nghệ sĩ tài danh như chị Bạch Tuyết, chị Ngọc Giàu, chị Mai Lan, chị Hồng Nga, chị Kim Ngọc, chị Phượng Liên. Mình có “chút ét”, chen vô ở đâu đây? Nhưng phải về thì mới phát triển, được đứng chung sân khấu với những anh chị như vậy là một vinh dự”.
Cơ duyên với hài kịch từ những lần diễn thế
Không chỉ hát tốt, bà còn ghi dấu ấn với những vai diễn hài hước. ẢNH: BTC
Xuất phát là nghệ sĩ cải lương, song nghệ sĩ Kiều Mai Lý còn được biết đến là một nghệ sĩ hài, diễn viên kịch nói, truyền hình, điện ảnh. Sự lấn sân này bắt nguồn từ những lần “thế vai” bất đắc dĩ và sự ham học hỏi của bà. Nữ khách mời kể lúc còn hát chung ở đoàn Dạ Lý Hương, nghệ sĩ Hồng Nga chuyên trị “đào mụ”. Trong một lần đồng nghiệp nghỉ sanh, bầu gánh buộc bà phải thế vai. Ngặt nỗi lúc ấy Kiều Mai Lý chỉ mới 17, 18 tuổi, làm sao có thể vào vai mụ, lại còn vào vai mẹ của danh hài Tư Rọm. Thế là chỉ còn có nước trông đợi vào việc hóa trang nhưng sau khi vẽ mặt thì “già đâu không thấy, chỉ thấy mặt vằn vện như con cọp”.
Vừa mới qua thử thách vai mụ thì tới lượt “đào lẳng” Kim Ngọc nghỉ sanh. Kiều Mai Lý lại phải lên thay vai và lần này thử thách dành cho bà là phải thể hiện sự hoạt náo, hài hước trên sân khấu. Bà đã tung hứng với nghệ sĩ Hùng Cường và mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả. Cứ thế, nét duyên ngầm, chất hài của bà dần được bồi đắp và phát huy. Sau này, khi về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, danh hài Bảo Quốc thấy Kiều Mai Lý có duyên nên rủ lập nhóm tham gia cuộc thi Tiếng cười sân khấu . Nhóm hài lúc đó gồm Bảo Quốc, Hương Huyền, Chí Hiếu, Kiều Mai Lý… đã xuất sắc đoạt giải nhất với tiết mục Người chồng bất đắc dĩ . Đó cũng là giai đoạn bắt đầu thời kỳ hoàng kim của hài kịch ở TP.HCM.
Hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, Kiều Mai Lý đã được sống trọn vẹn với niềm đam mê của mình. Ước nguyện còn lại của bà là được chết với nghề, trên sân khấu hay dưới sân khấu cũng được, “miễn là được theo nghề đến hơi thở cuối cùng”. ẢNH: BTC
Năm 1982, HTV ra mắt chương trình Trong nhà ngoài phố , phát sóng mỗi tối thứ năm, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Lúc này, Kiều Mai Lý và các nghệ sĩ như Bảo Quốc, Hồng Vân, Kim Xuân… lại có dịp tỏa sáng, trở thành những nhân vật trụ cột của chương trình. Những vai diễn của nghệ sĩ Kiều Mai Lý đa phần có tính cách dữ dằn nhưng ngoài đời bà rất vui vẻ, yêu đời và thân thiện với mọi người. Nữ nghệ sĩ hóm hỉnh nói: “Người ta hiền muốn chết luôn vậy đó!”.
Tuy mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả nhưng cuộc đời của nghệ sĩ Kiều Mai Lý lại khá truân chuyên. Tuổi thơ cơ cực, vừa có tên tuổi trong nghề thì lập gia đình. Được chồng yêu thương ủng hộ mở đoàn riêng nhưng do thời cuộc, đoàn bị thu hồi. Từ khá giả, hai vợ chồng bỗng dưng trắng tay. Tổ thương cho bà nhiều vai diễn trong nước và “đắt show” hải ngoại để hai vợ chồng gầy dựng lại. Gia đình hạnh phúc chưa được bao lâu thì năm 2006, ông đổ bệnh rồi bỏ mẹ con bà ra đi. Kiều Mai Lý và con gái nương tựa nhau đến bây giờ.
Hiện tại, ở tuổi ngoài 70, bà vẫn cùng con gái rong ruổi trên đường phố Sài Gòn, đến phim trường, đến sân khấu, tiếp tục miệt mài cống hiến cho nghệ thuật. Đó là niềm đam mê duy nhất và lớn nhất trong cuộc đời của nữ nghệ sĩ. Bà luôn mong mỏi cải lương nói riêng và sân khấu nói chung luôn được giữ gìn và phát triển.
Đám tang Thanh Nga: Con cháu bị đạp xuống đường mương, có người còn suýt lọt xuống huyệt
"Tôi và các anh chị em đi cùng nhau nhưng vì còn nhỏ nên bị người ta đạp hết xuống đường mương" - nghệ sĩ Hồng Loan kể.
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga được mệnh danh là Nữ hoàng sân khấu, với một tên tuổi nổi danh lừng lẫy. Bởi vậy, khi Thanh Nga bị ám sát, biết bao người từ khắp mọi miền cả nước đã đổ tới đưa tiễn, khóc thương cô.
Vừa qua, tại phần tiếp theo của chương trình Hồi ký Thanh Minh - Thanh Nga, nghệ sĩ cải lương Hồng Loan (cháu của Thanh Nga) đã kể lại những điều không thể quên trong đám tang Thanh Nga.
Chúng tôi bị người ta đạp hết xuống đường mương
Lúc đám tang má Ba Thanh Nga, bố Bảo Quốc không cho tôi đi vì sợ đông quá, mình còn nhỏ sẽ bị đạp chết hoặc lạc đường nhưng tôi và các anh chị em trong nhà vẫn chạy ra tang lễ để đưa tiễn má Ba.
Vô được tới nơi, tôi nhìn toàn người là người. Ba tôi la tôi quá trời. Sau đó, chúng tôi chạy lên xe quảng cáo để đi theo mọi người đưa tiễn má Ba.
Lúc xe quành vào con đường nhỏ dẫn tới chùa Nghệ sĩ (nơi an nghỉ của Thanh Nga), người ta dồn tới đông tới mức xe không đi được, phải dừng lại. Chúng tôi phải xuống xe để đi bộ vào trong.
Tôi và các anh chị em đi cùng nhau nhưng vì còn nhỏ nên bị người ta đạp hết xuống đường mương. Họ giẫm đạp lên chúng tôi.
May quá, có mấy người lớn nhìn chúng tôi đeo khăn tang mới nhận ra và hô lên: "Trời ơi, con cháu của Thanh Nga này, dạt ra cho chúng nó đi". Nói rồi họ kéo chúng tôi từ dưới mương lôi lên rồi tự dạt đường chúng tôi vào chùa ngồi.
Bà nội và ba mẹ la chúng tôi quá trời, không cho ra chỗ hạ huyệt, chỉ được ngồi gần đó.
Tôi còn nhớ, lúc chuẩn bị hạ huyệt cho má Ba Thanh Nga, người ta quá đông, chen lấn nhau một cách kinh khủng. Có những người suýt bị lọt xuống huyệt mộ luôn vì người phía sau cứ dồn lên phía trước.
Ba Bảo Quốc không chịu nổi nữa, liền chạy ngay tới bàn thờ má Ba rồi gục xuống
Tới đêm đầu tiên đoàn diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga, ba Bảo Quốc cũng có một vai. Ba vừa nói: "Muôn tâu thái hậu" rồi ngẩng lên thì chỉ toàn thấy hình ảnh của má Ba Thanh Nga.
Ba bị điếng người trong một giây phút, cổ họng nghẹn lại, không thể nói ra một lời nào nữa.
Mãi một lúc sau, ba mới sực tỉnh và nhận ra chị mình không còn nữa. Ba phải cố gắng hết sức, nuốt hết mọi thứ vào trong lòng để hoàn thành vai diễn của mình.
Tới khi bước vào sân khấu, ba không chịu nổi nữa, liền chạy ngay tới bàn thờ má Ba rồi gục xuống. Rất nhiều cô chú, anh chị trong đêm hôm đó cũng bị tình trạng giống như vậy.
Đó là cả một giai đoạn đau thương của gia đình tôi
Ai cũng biết, bác Thanh Sang ngày xưa diễn cặp với má Ba, gây ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Sau khi má Ba mất, bác Thanh Sang phải chuyển sang diễn với những người khác.
Bác diễn biết bao nhiêu đêm, tới một ngày không thể chịu nổi sự dồn nén nữa, liền chạy vào ban thờ má Ba khóc: "Bà Nga ơi bà Nga, sao bà bỏ tôi mà đi như vậy. Tôi không thể nào diễn được với những nghệ sĩ khác nữa".
Những người xung quanh nghe bác Thanh Sang nói vậy không ai có thể cầm lòng được. Rất nhiều cô chú, anh chị nghệ sĩ đều yêu thương má Ba nên bị cú sốc lớn.
Thời gian đó kéo rất dài, chứ không hề ngắn. Cứ mỗi đêm diễn, cả đoàn lại diễn trong không khí chẳng khác nào đưa đám ma. Chẳng ai còn vui vẻ, đùa giỡn nhau trong sân khấu.
Cả đoàn yên lặng, mọi người lúc nào cũng nhớ về má Ba. Đó là cả một giai đoạn đau thương của gia đình tôi.
Rất nhiều nghệ sĩ dù ở nước ngoài như Pháp, Đức, Mỹ đều tỏ lòng thương tiếc má Ba. Ông Hữu Phước thời điểm đó còn viết cả một bài vọng cổ khóc má Ba Thanh Nga.
Bài vọng cổ đó đến giờ tôi nghe lại vẫn thấy từng câu, từng từ đều sâu sắc, giống như cả trái tim, linh hồn ông gửi đến má Ba Thanh Nga.
Từng có 1000 cây vàng, thay 30 chiếc xe hơi, 3 đời vợ toàn mỹ nhân, Kim Tử Long giàu cỡ nào? Kinh doanh bất động sản, nhà hàng, quán ăn giúp Kim Tử Long sở hữu cuộc sống sung túc, giàu có. Sở hữu 1000 cây vàng, thay 30 xe hơi Kim Tử Long sinh năm 1966, anh nổi tiếng khi làm diễn viên cải lương cho nhiều đoàn hát như Trần Hữu Trang, đoàn Huỳnh Long, đoàn Minh Tơ, Sông Bé... Hiện giờ,...