Nghệ sĩ hài Vượng râu: ‘Sản phẩm của tôi ít bị chê lắm’
Hơn 20 năm làm nghề, nghệ sĩ hài Vượng râu tự tin “Người ta có thể không thích tính cách của tôi nhưng sản phẩm của tôi thì ít bị chê lắm”.
Có nhiều người gọi Vượng râu là “đồng bóng” khi đang yên vị làm đĩa hài Tết, mỗi năm tòm tèm cũng bỏ túi vài trăm triệu thì bỗng dưng lại “vác” của nả trong nhà ra làm show Gala Tết Vạn lộc. Nhưng nghe anh tâm sự về nghề mới thấy sự nghiêm túc của nghệ sĩ này trong lĩnh vực sân khấu nói chung và hài nói riêng.
Anh bảo, thị trường hài Tết thực ra vẫn hot, vẫn bán tốt. Nếu khéo, bỏ vài trăm triệu cũng thu được cả tỷ (tất nhiên tính cả tiền quảng cáo). Nhưng “đó chỉ là cần câu cơm thôi, còn khi vào nhà hát thì hài phải được đặt đúng với hai chữ “thánh đường”, anh chia sẻ.
“Nhiều người cứ mặc định tôi là người “nổ” nhưng ai tiếp xúc với tôi cũng đều quý cái tình, cái tâm với nghề như tôi. Và nếu để ý mọi người sẽ thấy, người ta có thể không thích tính cách của tôi nhưng sản phẩm của tôi thì ít bị chê lắm”, nghệ sĩ hài đất Bắc tự tin.
“Người ta có thể không thích tính cách của tôi nhưng sản phẩm của tôi thì ít bị chê lắm”.
Là người được đào tạo bài bản và nghiêm túc ở trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, như bao nghệ sĩ đích thực khác, Vượng râu luôn khao khát làm những gì lớn hơn, có giá trị đóng góp với nghề chứ không phải chỉ dựa vào nó để sống. Tuy nhiên, cũng phải tích cóp hơn 20 năm làm nghề, nghệ sĩ hài Vượng râu mới đủ dũng khí để bỏ tiền làm show cho ra tấm ra món.
Trong mong muốn của mình, việc anh bỏ ra vài tỷ làm show là hướng đến một chương trình mang tính nghệ thuật và học thuật. Với các sản phẩm băng đĩa hài trước đây, anh thú thực chỉ được coi là “hàng chợ” thôi, còn muốn cao cấp thì phải “bê” vào nhà hát. Đó mới là thánh đường của nghệ thuật. Nhiều bầu show sở dĩ không muốn vào là vì chi phí tổ chức quá lớn, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Họ thích ăn chắc mặc bền hơn và chỉ những người có máu nghề mới dám thực hiện.
Với Gala Tết Vạn lộc, đặc biệt với tiểu phẩm cùng tên, Vượng râu đã thoát khỏi cái danh “nổ” và “hài tục”. Anh chọn chủ đề khá thời sự nhưng gần gũi: cuộc sống càng hiện đại, người ta càng xa rời Tết, quên đi sự sum họp và gắn kết của người thân mỗi độ xuân về. Câu chuyện nhắc nhở người xem, dù bận rộn đến đâu, sang hèn thế nào cũng phải lấy giá trị gia đình làm cốt lõi.
Diễn xuất của các nghệ sĩ, đặc biệt là vai ông bố quê của Vượng râu đã cho thấy tài năng biến hóa đa dạng của nghệ sĩ này, vừa gây cười vừa khiến người xem phải khóc.
Vượng râu trong tiểu phẩm hài Tết Vạn lộc năm ngoái.
Năm nay, Gala Tết Vạn lộc vẫn chú trọng đến sự nhân văn, cười không chỉ để giải trí mà phải ý nghĩa và tác động đến cảm xúc của người xem. Anh tiết lộ: “Tiểu phẩm được lấy ý tưởng từ câu chuyện Mất cái ví của Nguyễn Công Hoan. Đây cũng là tác phẩm đã mang lại cho tôi thành công khi lựa chọn làm đề tài thi tốt nghiệp khoa đạo diễn vào năm 2011″.
Video đang HOT
Cũng như chương trình năm ngoái, nghệ sĩ hài Vượng râu vẫn gắn với Tết để tăng độ “ép-phê” và nói được câu chuyện của ngày nay. “Câu chuyện đề cập đến hai thế hệ già và trẻ. Lối sống nhanh, sống vội đã khiến người trẻ không còn coi trọng chữ hiếu như xưa. Đó là trình trạng đáng báo động. Phú quý sinh lễ nghĩa nhưng thực chất mới được “lễ” thôi, còn “nghĩa” rất ít. Họ chăm chút cho ông bà, cha mẹ được sống đầy đủ nhưng đâu biết rằng với người già, tình cảm quý giá hơn tiền bạc rất nhiều”, Vượng râu bày tỏ.
“Tiểu phẩm sẽ khiến người xem phải nhìn lại bản thân, trong đó có tôi. Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh bởi câu chuyện về bố. Với cụ, Tết là được ở bên con cháu, đông đủ, vui vầy để chụp một bức ảnh làm kỷ niệm gia đình mỗi năm. Vậy mà chưa có năm nào đủ, được đứa nọ thì thiếu đứa kia”.
Nghệ sĩ hài Vượng râu cùng các nghệ sĩ trong chương trình năm nay.
Tuy nhiên, theo nghệ sĩ hài Vượng râu, câu chuyện sẽ không “lên gân”, dạy dỗ mà rất nhẹ nhàng để khán giả tự cảm nhận. “Như năm ngoái, xem tiết mục của tôi xong, có khán giả nói với tôi rằng, lẽ ra gia đình sẽ đi du lịch vào dịp Tết nhưng sau khi xem, họ quyết định hủy để về quê ăn tết với bố mẹ”, nghệ sĩ hài Vượng râu chia sẻ.
Anh cũng tiết lộ rằng, chủ đề nhân văn, hướng đến giá trị gia đình sẽ được duy trì làm màu sắc chủ đạo cho Gala Tết Vạn lộc, không chỉ năm nay mà còn nối dài ở các chương trình tiếp theo.
Ngoài tiểu phẩm Mất cái ví (Vượng râu, Chiến Thắng, Xuân Nghĩa…), chương trình còn mang đến hai tiểu phẩm thú vị khác của nhóm Bảo Liêm – Bảo Trung – Đức Hải và nhóm Trà My – Quang tèo – Giang còi. Phần âm nhạc cũng được đầu tư kỹ lưỡng khi có sự góp mặt của 40 nghệ sĩ tên tuổi, hội tụ cả 3 miền Bắc – Trung – Nam như: vợ chồng nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền – Chế Phong, Giao Linh, Ngọc Sơn, Duy Mạnh, Long Nhật… Ca sĩ Đan Trường dù đang bận rộn ở Mỹ nhưng vẫn nhận lời tham gia để mang lại sự hấp dẫn cho chương trình.
Chương trình diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào ngày 3/12. Đến nay, vé VIP của Gala Tết Vạn lộc đã được bán hết. Trong đó, nhiều khán giả đặt vé từ nước ngoài để tặng cho người thân.
Theo Zing
Vân Dung, Quang Thắng nức nở kể về "bố" Phạm Bằng
Những bạn diễn gắn bó với nghệ sĩ Phạm Bằng hàng chục năm chia sẻ những kỉ niệm về ông.
NSƯT Phạm Bằng ra đi vào lúc 20h ngày 31.10 tại bệnh viện Hồng Ngọc, hưởng thọ 85 tuổi. Trước đó, gương mặt gạo cội của Gặp nhau cuối năm đã trải qua khoảng 3 tháng điều trị với vài lần mổ và phẫu thuật cả trong nước và nước ngoài.
Sự ra đi của nghệ sĩ Phạm Bằng khiến nhiều đồng nghiệp, bạn bè bàng hoàng bởi ông giấu thông tin về bệnh tình với tất cả mọi người.
Nghệ sĩ Phạm Bằng ra đi bất ngờ khiến nhiều bạn bè chưa kịp thăm hỏi.
Trong số những nghệ sĩ nữ từng làm việc cùng nghệ sĩ Phạm Bằng, Vân Dung có thể xem là nữ diễn viên có nhiều kỷ niệm nhất với nghệ sĩ Phạm Bằng. Cô đã khóc nức nở khi nhắc về người đồng nghiệp của mình: "Tôi sốc, thực sự rất sốc. Không biết phải nói gì, làm gì vào lúc này cả".
Vân Dung và Phạm Bằng là một cặp đôi ăn ý trên sân khấu.
Với Vân Dung, Phạm Bằng không chỉ là một bậc cha chú lão luyện trong kịch nói và truyền hình mà còn là một người "bạn diễn" ăn ý và người bạn thân thiết ngoài đời. "Chú từng khen ngợi tôi rất nhiều, bao nhiêu năm đóng hài với nhau nhưng chú luôn chỉ bảo, động viên tôi từng chút một".
Nghệ sĩ Quang Tèo là người em đã gắn bó với NSƯT Phạm Bằng nhiều năm. Anh kể: "Tối 30.10, tôi còn định rủ một vài người bạn vào thăm chú Bằng mà chưa kịp thì chú đã đi, đau lòng và ân hận lắm".
Quang Tèo cho biết, anh và nghệ sĩ Phạm Bằng thường xuyên đi diễn cùng nhau tại các tỉnh xa. Dù đã cao tuổi nhưng sức khỏe của "bố" Bằng là điều khiến Quang Tèo nể phục. "Tối nhớ có lần lái xe chở chú Bằng lên tận Điện Biên để công tác. Đi một quãng đường xa nhưng lên đó, chú Bằng vẫn có thể uống rượu "sòng phẳng" khi ngồi cùng bàn với các thanh niên trai tráng. Chứng kiến điều ấy, ai cũng sốc vì chú Bằng khỏe quá", nghệ sĩ Tiến Quang nhớ lại.
Quang Tèo và nghệ sĩ Phạm Bằng, Vượng Râu trong một tiểu phẩm hài.
Trong kí ức của nghệ sĩ Quang Tèo, "bố" Bằng là một người hài hước và thân thiện nhưng lại cực kì nghiêm túc với những tác phẩm mà mình tham gia.
"Chú Bằng ít khi nhận lời diễn kiểu tự do mà đều phải có kịch bản. Kịch bản dở chú sẽ không nhận dù có thân thiết như thế nào. Mỗi lần tập với chú là tôi rất áp lực vì phải sang tận nhà chú. Biết chú nghiêm túc nên tôi luôn cố gắng sắp xếp để tiết mục hoàn thiện nhất", nghệ sĩ Quang Tèo rơm rớm nước mắt kể lại.
Nghệ sĩ Quang Thắng chia sẻ, anh cảm thấy có lỗi và áy náy với nghệ sĩ Phạm Bằng vì chưa kịp vào thăm thì ông đã ra đi.
"Gần 1 tháng trước, tôi còn cùng chú Phạm Bằng đi thu một đoạn quảng cáo trên sóng phát thanh. Khi đó, tôi thấy sức khỏe của chú có vẻ yếu nhưng hỏi thì chú lại không nói gì về bệnh tật. Thậm chí, chú vẫn còn rất lạc quan và tếu táo. Tôi không thể nào ngờ, đấy lại là lần cuối cùng được gặp chú", Quang Thắng nghẹn ngào.
Quang Thắng nói, anh quen biết nghệ sĩ Phạm Bằng đã trên dưới 15 năm. Hai người đã đóng chung nhiều tiểu phẩm trong các chương trình như Gặp nhau cuối tuần, Gala cười,... và các đĩa hài tết trong nhiều năm. "Chú Bằng luôn là một người làm việc nghiêm túc, hết lòng", Quang Thắng nói.
Hình ảnh vui vẻ của nghệ sĩ Giang Còi và Phạm Bằng trong một lần đi diễn tỉnh.
Giống như Quang Thắng, nghệ sĩ Giang Còi không giấu được niềm xúc động khi nhắc đến những kỉ niệm với NSƯT Phạm Bằng. Giang Còi cho biết, anh đã làm việc với NSƯT Phạm Bằng gần hai chục năm, có quá nhiều kỉ niệm giữa hai người mà anh không thể nào nhớ hết.
"Có lần tôi và chú đi quay xa, tới tận khuya với quay về Hà Nội. Tôi lái xe, còn chú ngồi bên cạnh nói chuyện. Lúc mệt quá, tôi đỗ xe gần trạm xăng, tranh thủ chợp mắt. Lúc đó, chú vẫn thức. Tôi hỏi sao chú không ngủ, chú chỉ cười nói: "Tớ già rồi, lại mắc bệnh khó ngủ nên không ngủ được".
Tới khi về tới Hà Nội, chú mới thật thà tâm sự: "Tớ buồn ngủ lắm nhưng nếu không ngồi cạnh nói chuyện, sợ cậu mệt quá buông tay lái. Lúc xe đỗ, tớ phải thức để canh, lỡ đâu bị mất đồ diễn, mai sắm lại sao kịp".
Với Giang Còi, nghệ sĩ Phạm Bằng là một đàn anh nhiều tâm huyết với nghệ thuật, dù rất nghiêm túc trong nghề nhưng ngoài đời lại là một người hóm hỉnh, thân thiện.
"Chú Phạm Bằng xưng hô với tôi là cậu - tớ dù chú gần bằng tuổi bố tôi. Có lần, tôi và chú có dịp làm việc chung. Lúc về, hai chú cháu đi bộ và ngồi uống một vài chai bia. Nhiều người trong quán nhận ra gọi chú. Chú luôn đáp lại bằng nụ cười thân thiện. Tôi nói vui: "Chú cười mãi thế không mỏi miệng ạ?". Chú chỉ cười bảo, người ta có quý thì mới chào mình, vậy sao mình không đáp lại được bằng nụ cười".
Phạm Bằng vẫn đi diễn miệt mài cùng các thế hệ đàn em dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm".
Nói đến sự ra đi của người đàn anh thân thiết, Giang Còi nức nở trong ân hận vì chưa kịp vào thăm thì nghệ sĩ Phạm Bằng đã ra đi. "Chú sống cô đơn lúc cuối đời vậy mà lúc ra đi, lại không có tôi ở bên", nghệ sĩ Giang Còi nức nở.
Theo Danviet
Vượng Râu "mổ xẻ" phim 'Tấm Cám': Kịch bản kém và quá nhiều..."sạn" "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" đang là bộ phim thu hút sự chú ý của khán giả, người khen cũng nhiều mà người chê cũng không ít. Nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng (nghệ danh Vượng Râu) sau khi xem xong "Tấm Cám" cũng có những bình luận mang đậm cá tính của anh trên trang cá nhân. PV Dân Việt đã trò chuyện...