Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm phải dừng biểu diễn
Hội thảo Nâng cao tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VH-TT&DL TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra ngày 27-12 tại TP.HCM.
Trước thềm hội nghị, trao đổi với nhạc sĩ Phạm Đình Thắng – cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn.
* Thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều việc, như ca sĩ Thủy Tiên uốn éo bên cạnh tượng các chiến sĩ trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ca sĩ Minh Hằng mặc trang phục phản cảm trong Đêm mỹ nhân ở Quảng Bình hay sự kiện Lý Nhã Kỳ mặc áo hở hang trong vở kịch được truyền hình trực tiếp Bản giao hưởng Điện Biên… Rõ ràng tính thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn phụ thuộc rất nhiều vào nghệ sĩ, vậy cơ quan quản lý văn hóa sẽ đề cập đến việc định hướng về trang phục hay vũ đạo… trong hoạt động biểu diễn tại hội thảo này như thế nào?
- Từ trước đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn chưa bao giờ có ý định ra một văn bản có quy định “ngắn đến đâu”, “hở đến đâu” bởi quy định về trang phục và thẩm mỹ vô cùng khó. Thời gian gần đây, các ca sĩ trẻ ăn mặc quá thoáng theo quan điểm thẩm mỹ của chính họ chứ họ không đại diện cho một trường phái nghệ thuật nào. Tất cả những việc đó cần được bàn trong hội thảo lần này. Ban tổ chức cũng mong các ý kiến được đưa ra thẳng thắn để tất cả các đối tượng liên quan đều được nghe và tranh luận.
* Ông có cho rằng sau tất cả những sự cố phản cảm ấy, cục sẽ có định hướng, nhắc nhở các đơn vị nghệ thuật biểu diễn?
- Cái này nói mãi rồi, tất cả văn bản pháp quy hay quy định đều đã có hết, không thiếu cái gì cả. Vấn đề ở đây là thực hiện và giám sát kiểm tra. Như ở những chương trình nghệ thuật để xảy ra sai sót thì sở nào cấp giấy phép sở ấy phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ tất cả trách nhiệm về bộ.
Video đang HOT
Để xảy ra những sai sót, lẽ ra thanh tra tại địa phương phải dừng chương trình lại để xử lý. Mà xử lý thì đã có nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa nghệ thuật hay quy chế 47 và nghị định 103 về biểu diễn nghệ thuật.
Một số hình ảnh phản cảm gây bất bình dư luận thời gian qua – Ảnh tư liệu
* Nhưng dù có quy định xử phạt hành chính, xử phạt hôm nay thì ngày mai các ca sĩ vẫn tiếp tục ăn mặc phản cảm?
- Nói thế cũng không hoàn toàn đúng, vấn đề là cách quản lý của địa phương không thống nhất mà còn nương nhẹ trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đối với các nghệ sĩ việc phạt tiền 5, 10 triệu, thậm chí 50 triệu cũng không làm họ sợ mà phải dừng biểu diễn. Với nhiều ca sĩ thu nhập của họ mấy chục triệu một buổi biểu diễn thì phạt vài triệu ăn thua gì. Tuy nhiên, nếu kèm theo đó là rất nhiều hình thức phạt bổ sung, nghệ sĩ ăn mặc phản cảm gây bất bình trong dư luận thì sẽ phải tạm dừng biểu diễn, đó mới là điều khiến các nghệ sĩ sợ nhất.
Tất cả những quy định đó đều nằm trong dự thảo nghị định biểu diễn đang chờ Chính phủ ban hành.
Thiếu giản dị, thừa… diêm dúa
Có rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài đến trình diễn tại Việt Nam, họ ăn mặc rất giản dị nhưng lại rất hiệu quả trong việc xây dựng phong cách, hình ảnh và cả biểu diễn. Đứng cạnh họ, những nghệ sĩ của chúng ta trông thật quê mùa, lòe loẹt và diêm dúa cùng phần trình diễn không có gì đặc sắc mà đêm nhạc của “hoàng tử bé” David Archuleta tại TP.HCM vừa qua là một ví dụ.
Một căn bệnh trầm kha khác của các nghệ sĩ Việt Nam là sính đồ hiệu. Không thể phủ nhận sức hút từ đồ hiệu. Nhưng không phải cứ khoác từ đầu đến chân những Gucci, LV, Channel… là đẹp và sành điệu. Chưa kể đôi lúc những thiết kế đó rõ ràng không hợp với vóc dáng, tạng người, thần thái, màu da… của người Việt.
Sử dụng đồ hiệu quá lố và phối hợp một cách vô tội vạ rất dễ khiến bạn trở nên kệch cỡm và quê mùa bởi vì thời trang phục vụ cho con người, chứ con người không phải là cái móc áo của thời trang.
Ông Phạm Đình Thắng – Ảnh: H.Điệp
Dù khá kín đáo và cầu kỳ, bộ váy nổi tiếng của Alexander McQueen trông vẫn rất “khó coi” khi được Lý Nhã Kỳ khoác lên người – Ảnh tư liệu
Theo Tuổi Trẻ
Cục Nghệ thuật Biểu diễn 'mổ xẻ' chuyện ca sĩ mặc hở hang
Tình trạng nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, vấn nạn hát nhép, sự sai phạm của các đơn vị tổ chức biểu diễn... sẽ được Cục Nghệ thuật Biểu diễn thảo luận tại hội thảo diễn ra ở TP HCM ngày 27/12.
Ngày 12/12 tại TP HCM, Cục Nghệ thuật Biểu diễn gặp gỡ báo giới, thông báo về hội thảo "Nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn" sẽ diễn ra tại thành phố vào 27/12. Sự kiện này do Cục chủ trì, phối hợp với Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM. Hơn 120 đơn vị nghệ thuật và nhiều nghệ sĩ sẽ tham gia vào hội thảo.
Theo số liệu của Cục, hơn 60% các hoạt động nghệ thuật ở VN diễn ra tại TP HCM, vì thế, thành phố này được đánh giá là địa bàn trọng điểm và được chọn để tổ chức hội thảo quy mô toàn quốc.
Trong một chương trình ca nhạc diễn ra ở TP. HCM, một nhóm nhạc nữ
quay lưng về khán giả để cởi bỏ trang phục ngay trên sân khấu.
(Ảnh: Thoại Hà)
Cục trưởng Cục nghệ thuật Biểu diễn Vương Duy Biên cho biết, mục đích của hội thảo nhằm: giúp cơ quan quản lý nhìn lại thực trạng hoạt động vốn xảy ra nhiều sai sót trong thời gian Khẳng định giá trị thẩm mỹ truyền thống - đánh giá mặt được và chưa được về tính thẩm mỹ trong các chương trình nghệ thuật biểu diễn. Từ đó, Cục hy vọng tổ chức được các buổi khảo sát, nhận diện gu thẩm mỹ của từng thành phần khán giả. Ngoài ra, cuộc hội thảo cũng đón nhận góp ý để đưa ra giải pháp cụ thể trong việc định hướng quản lý, sáng tác... Cục sẽ hoàn chỉnh dự thảo nghị định về hoạt động thuật biểu diễn, trình chính phủ trong tháng 12.
Gần đây nhất xảy ra vụ việc "Đêm mỹ nhân" được tổ chức nhằm mục đích từ thiện, giúp đỡ sinh viên nghèo, mồ côi và người già neo đơn của Quảng Bình, diễn ra tại Đồng Hới hôm 14/8. Trong chương trình, ca sĩ Minh Hằng và vài nghệ sĩ khác đã sử dụng trang phục được cho là chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như hoàn cảnh. Cuối cùng, đơn vị tổ chức "Đêm mỹ nhân" bị phạt 3,5 triệu đồng.
Ngoài việc tập trung vào các vấn đề "nóng" như xử phạt, chấn chỉnh nghệ sĩ hát nhép, ăn mặc phản cảm, hội thảo còn bao quát nhiều vấn đề về phong cách, trang phục biểu diễn, quy trình tổ chức chương trình từ khâu âm thanh, ánh sáng thiết kế sân khấu đến việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc...
"Chúng tôi mong chờ những ý kiến mổ xẻ vấn đề thực tiễn hơn là nặng tính học thuật, máy móc. Những tham luận đóng góp tốt được biên soạn thành tài liệu giúp cơ quan quản lý điều chỉnh quy chế cho phù hợp với thực tế", ông Vương Duy Biên nói.
Cục kỳ vọng, sau khi trình chính phủ dự thảo, nghị định mới ra đời sẽ cụ thể, rõ ràng hơn trong quy định hoạt động nghề nghiệp của nghệ sĩ, tổ chức biểu diễn cũng như phân cấp quản lý hoạt động nghệ thuật ở từng địa phương...
Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Vương Duy Biên hy vọng, hội thảo
diễn ra ở TP HCM sẽ đón nhận được những ý kiến đóng góp thực tế,
sát sườn với thực trạng biểu diễn nghệ thuật trong nước hiện nay.
(Ảnh: Thoại Hà)
Nghị định khi ra đời sẽ kèm theo thông tư của Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch để hướng dẫn quy trình thực hiện. Ông Biên cho biết, nội dung nghị định có nhiều điểm mới. Ví dụ: Dự thảo quy định chương trình biểu diễn đã xin phép từ Bộ và Cục thì về địa phương không cần phải xin giấy tiếp nhận chương trình ở địa phương đó. Ngoài ra, nếu một địa phương đã cấp phép cho một chương trình biểu diễn thì nhà tổ chức có thể mang đi biểu diễn ở tỉnh thành khác mà không cần phải xin giấy tiếp nhận mới ở địa phương đó... Tuy vậy, Cục và Bộ ủy quyền cho địa phương giám sát và phát hiện sai phạm trong từng trường hợp cụ thể...
Theo VNE
Liveshow Chế Linh: Sở kiên quyết cấm - BTC kiên quyết ... bán vé Vé liveshow Chế Linh tại Hà Nội vẫn được bán bình thường (cả trực tiếp và qua mạng), dù từ đầu tháng chương trình này đã bị rút giấy phép. Kiên quyết cấm biểu diễn Ngày 01/11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội đã ra quyết định thu hồi giấy phép biểu diễn liveshow ca nhạc Chế Linh...