Nghề mại dâm ở Hy Lạp: Bước đường cùng của phụ nữ vì suy thoái kinh tế
Nền kinh tế sụp đổ và sự xuất hiện của hàng chục nghìn người di cư đẩy phụ nữ Hy Lạp vào con đường mại dâm với thu nhập bấp bênh và nguy cơ lây nhiễm HIV.
Vị khách mua dâm bước vào căn phòng hẹp tối lờ mờ dưới tầng hầm của tòa nhà xập xệ ở trung tâm Athens, Hy Lạp. Elena, 22 tuổi, đứng dậy và cởi áo choàng. Evaggelia, “tú bà” 59 tuổi, ngay lập tức xung trận: “Cô gái này của tôi rất tuyệt vời”, bà vừa nói vừa chỉ vào “thực đơn”. “Anh có thể không cần đặt cọc. Cô gái của tôi có thể làm mọi thứ trên giường”.
Vị khách trung niên xoa xoa cằm và nhìn Elena, một cô gái lai Nga – Ba Lan, trong khi cô vuốt mái tóc vàng óng và xoay người trên đôi giày đen cao chót vót. “OK”, cuối cùng vị khách nói.
Giá của giao dịch là 20 EUR, khoảng 23 USD.
Một cô gái mại dâm trên đại lộ Poseidonos ở Glyfada, vùng ngoại ô phía Nam Athens. Ảnh: NYT.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không một ngành nghề nào tại Hy Lạp không phải chịu ảnh hưởng, kể cả mại dâm. Nền kinh tế sụp đổ và sự xuất hiện của hàng chục nghìn người di cư đã đẩy phụ nữ vào bước đường cùng: trở thành gái mại dâm.
Trong khi phụ nữ trên khắp thế giới đang kêu gọi bình đẳng giới và lên tiếng chống lại nạn quấy rối tình dục, bạo lực tình dục với phong trào #MeToo, thì trong nhiều căn phòng lập lờ ánh đèn đỏ – tím tại Hy Lạp, những người phụ nữ lại đang câm lặng rao bán cơ thể mình bên chiếc bàn đầy bao cao su.
“Tôi làm vì tiền chứ không vui vẻ gì”
“Tôi ghét quan hệ tình dục. Tôi thích tiền, nhưng không thích công việc này”, Elena nói.
Không ai trong số những cô gái điếm được phỏng vấn cho rằng nghề nghiệp của họ là một loại dịch vụ xã hội, và họ thường bày tỏ sự ghê tởm với khách hàng của mình.
Evaggelia, người làm việc cùng nhà thổ với Elena, nói với New York Times: “Những người đàn ông đến đây không xứng đáng có được bạn gái. Họ nghĩ rằng với 20 EUR, họ đang mua bán thứ gì đó thì đúng hơn”.
Tất cả phụ nữ hành nghề mại dâm đều nhất quyết sử dụng một tên giả vì lý do an toàn và sợ bị kỳ thị. Không ai muốn ở đây, nhưng họ cần phải làm vậy vì tiền.
Video đang HOT
Dimitra, một phụ nữ trung niên phá sản vì cuộc khủng hoảng tài chính, hiện hành nghề mại dâm trên phố Filis, nói với New York Times: “Tôi từng có một cửa hàng hoa trong 18 năm và được gọi là bà Dimitra, còn bây giờ tôi là gái điếm, tôi ở đây vì tiền chứ chẳng vui vẻ gì”.
Một nhà thổ giá rẻ ở khu Keramikos gần Athens, Hy Lạp. Ảnh: NYT.
Giống với Dimitra, Anastasia, 33 tuổi, cũng coi nghề này như kế sinh nhai. Tuy nhiên cô nói rằng việc kinh doanh đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Mọi người đều nghèo. Họ hứa sẽ quay trở lại khi có tiền và nhiều người còn mặc cả”, cô nói khi đang đi gần khách sạn Easy Access, địa điểm quen thuộc của những “giao dịch một đêm” thường kéo dài khoảng 10 phút cho tới nửa giờ.
Anastasia cho biết khách hàng đôi khi yêu cầu quan hệ tình dục không an toàn. Nhiều gái điếm nghiện ma túy vẫn chấp nhận những vị khách này với giá dưới 10 EUR (gần 12 USD). “Những cô gái này bị nhiễm AIDS, nhưng họ không quan tâm, họ thậm chí còn làm vậy để trả thù. Nhưng họ thực sự đã phá hủy thị trường mại dâm”, cô nói thêm.
Rời xa khu trung tâm, Moniaca, 30 tuổi đến từ thành phố Thessaloniki, phía Bắc Hy Lạp, làm gái điếm tại một nhà thổ giá rẻ ở khu Metaxourgio, Athens. Cô nói rằng đã làm nghề này được 10 năm từ khi còn sống trên đảo Crete, phía Bắc Hy Lạp. Cô chuyển tới Athens 5 năm trước để tìm kiếm cuộc sống mới và ban đầu từng làm việc tại một phân xưởng.
Tại thời điểm đó, Moniaca đã hoàn thành năm đầu của khóa học đầu bếp. Cô muốn dùng tiền lương để chi trả học phí cho năm thứ 2, nhưng đến giờ Moniaca vẫn không nhận được tiền từ chủ xưởng.
Moniaca hành nghề mại dâm tại khu Metaxourgia, Athens. Ảnh: NYT.
“Tôi đến nhà thổ vì đây là công việc duy nhất được trả tiền”, cô nói. Mỗi ngày, Moniaca dành 6 tới 8 tiếng đồng hồ cố gắng ve vãn khách hàng, nhưng hầu hết họ đều bỏ đi. “Họ không có tiền, suốt 7 năm qua họ đã lâm vào tình trạng này”, cô nói với New York Times.
Khi Moniaca có được một khách với giá 10 EUR (12 USD) cho 10 phút “động phòng”, cô được phép giữ lại một nửa số tiền cho mình, còn lại là của nhà thổ. “Một vài năm trước họ còn cho thêm tiền bo từ 20 đến 50, thậm chí 100 EUR nếu họ cảm thấy thỏa mãn. Giờ đây không ai đưa tiền bo nữa”, Moniaca nói.
Vaso, 65 tuổi với 20 năm kinh nghiệm trong nghề mại dâm, cho biết mặc dù mức giá đã giảm đáng kể, khách hàng vẫn trở nên rất kén chọn. Bà nói: “7 hoặc 8 năm về trước, 20 tới 30 người đàn ông sẽ bước vào phòng cùng một cô gái. Giờ đây họ chỉ đến nhìn qua và nói ‘tôi sẽ quay lại sau’”.
Hậu quả của cuộc khủng hoảng kép
Ở Hy Lạp, các nhà thổ đã đăng ký có quyền kinh doanh mại dâm hợp pháp, mặc dù trên thực tế phần lớn nhà thổ ở Athens đều hoạt động trái phép. Bất chấp việc vi phạm pháp luật, nhiều phụ nữ vẫn rao bán dịch vụ “tình một đêm” trên các con phố. Với nhiều người, họ coi đây là kế sinh nhai nhưng cũng có trường hợp bị buôn bán vào nhà thổ.
“Mại dâm đang ngày càng phát triển và biến đổi trong bối cảnh môi trường chính trị, kinh tế và văn hóa thay đổi”, ông Grigoris Lazos, giáo sư tội phạm học tại đại học Panteion, Athens, nói với New York Times. Ông đã dành 6 năm nghiên cứu ảnh hưởng của hai cuộc khủng hoảng di cư và tài chính Hy Lạp đối với nghề mại dâm ở Athens.
Trong nghiên cứu, ông thống kê được rằng số lượng phụ nữ hành nghề mại dâm tại thủ đô nước này đã tăng 7% từ năm 2012, trong khi đó giá dịch vụ lại sụt giảm chóng mặt. “Trong năm 2012, một lần giao dịch sẽ mất trung bình khoảng 39 EUR (44 USD). Đến năm 2017, con số này chỉ còn 17 EUR (19 USD)”, ông Lazos nói.
Khu phố Filis ở Athens nổi tiếng với những nhà thổ. Ảnh: NYT.
Luật pháp Hy Lạp quy định địa điểm của nhà thổ phải cách trường học, bệnh viện, nhà thờ, vườn trẻ và quảng trường công cộng ít nhất 200 mét. Tuy nhiên, chỉ có 8 trong tổng số 798 nhà thổ ở Athens tuân thủ quy định này, ông Lazos cho biết.
Con số này hoàn toàn khác với số liệu thống kê từ phía cảnh sát cho rằng chỉ có khoảng 300 nhà thổ tại thủ đô Hy Lạp. Ông Theodoros Chronopoulos, phát ngôn viên của sở cảnh sát Athens, giải thích rằng con số này không bao gồm các cơ sở hoạt động ngầm và cho biết họ đang nỗ lực để bắt giữ các đối tượng buôn bán phụ nữ.
Do tác động của cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp, những vị khách mua dâm hiện chủ yếu là người di cư sinh sống trong các căn hộ tồi tàn với giá thuê rẻ mạt. “Mức lương của họ từng đạt mức 800 đến 900 EUR (khoảng 900 đến 1.000 USD)/tháng, giờ thì họ còn không có thu nhập”.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ông Lazos, kể cả không có người di cư thì số khách mua dâm vẫn tăng 5% trong giai đoạn 2012-2017.
“Tình dục là thứ gì đó mà đàn ông chúng tôi không thể từ bỏ được. Nó giống như việc hút thuốc”, Manolis, một lái xe taxi 33 tuổi thường xuyên đến nhà thổ, nói với New York Times. Anh chỉ vào những cánh cửa để ngỏ đang hắt sáng trên con phố mại dâm Filis như tín hiệu mời chào khách mua dâm và nói: “Với 20 EUR, tôi có thể dễ dàng tìm được một cô gái điếm, bằng cách này hay cách khác”.
Hương Ly
Theo Laodong
Quan hệ ngoại giao Albania-Hy Lạp tiếp tục leo thang căng thẳng
Ngày 1/11, Albania đã triệu Đại sứ Hy Lạp tại Albania sau khi xảy ra làn sóng biểu tình phản đối vụ cảnh sát Albania bắn chết một người thiểu số gốc Hy Lạp trên lãnh thổ Albania.
Chiếc xe cứu thương chở xác của ông Kostandinos Kacifa ở Tirana ngày 20/10. (Nguồn: LSA)
Vụ việc làm leo thang căng thẳng trong mối quan hệ vốn "không xuôi chèo mát mái" giữa 2 quốc gia láng giềng.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Albania cho biết đã triệu Đại sứ Eleni Surani để phản đối các cuộc biểu tình ở thủ đô Athens và thành phố Thessaloniki của Hy Lạp trong những ngày qua.
Một số người biểu tình quá khích còn phóng hỏa một văn phòng du lịch của Albania tại Hy Lạp.
Các cuộc biểu tình nhằm phản đối vụ ông Konstantinos Katsifas, mang 2 quốc tịch Albania và Hy Lạp, bị cảnh sát Albania bắn chết ngày 28/10 tại làng Bularat, miền Nam Albania.
Bularat nằm ở khu vực biên giới phía Albania và là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc thiểu số Hy Lạp.
Vụ việc xảy ra khi ông Katsifas, 35 tuổi, dùng súng tự động Kalashnikov bắn chỉ thiên tại một lễ tưởng niệm binh lính Hy Lạp tử nạn trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Ông Katsifas đã không tuân lệnh của cảnh sát yêu cầu ông này hạ vũ khí và đã nã súng vào cảnh sát, kéo theo một cuộc đấu súng dài 30 phút. Đoạn video ghi lại vụ việc đã được truyền thông Albania đăng tải.
Sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền Athens đã yêu cầu Albania cung cấp thêm thông tin, trong khi Tirana cho biết đang tiến hành cuộc điều tra toàn diện.
Mối quan hệ giữa Albania và Hy Lạp vốn tồn tại nhiều tranh cãi về ngoại giao, trong đó vấn đề người thiểu số là nguồn cơn gây căng thẳng.
Hai nước cũng đang trong tiến trình đàm phán để giải quyết bất đồng dai dẳng liên quan tới vấn đề đường lãnh hải.
Theo vietnamplus
NATO lập kế hoạch khắc chế tàu ngầm Nga Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ nghiên cứu phát triển các phương tiện không người lái dưới biển nhằm chống lại mối đe dọa từ tàu ngầm Nga. Theo đó, vào tháng 7/2018, các nước NATO đã ký kế hoạch phát triển công nghệ chung nhằm chống lại thuỷ lôi và tàu ngầm của các...