Nghề lắm công phu
Viết báo, nghề báo là một nghề cực kỳ công phu, đòi hỏi người trong nghề có một bản lĩnh lớn hàm chứa nhiều điều, đó là sự nhẫn nại, sức nghĩ nhậy bén.
Viết báo, nghề báo là một nghề cực kỳ công phu (Ảnh minh họa: Lê Phương)
Bởi nghề này là một nghề làm cả một đời dài, mà lại luôn luôn có một sức bao quát, khái quát lớn; nhìn xa trông rộng, rất trọng chữ và lễ nghĩa, thâm thuý với kho tàng của văn hoá của quá vãng, cởi mở và xởi lởi mở lòng đón nhận và nghênh tiếp thật sự lớn với những sống động của hình hài tương lai đang vừa hiện diện. Đây là một nghề có sức bền vô song; có một sức hấp dẫn khó lường và trường tồn.
Nhiều chục năm qua, nước ta đã có những nhà báo rất giỏi, rất đáng tự hào, xin được tạm vinh danh: Nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Thép Mới, nhà báo Quang Đạm, nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Phan Quang; trẻ hơn và năng nổ có nhà báo Xuân Ba.
Cái năm anh Nguyễn Đình Thi và tôi trực tiếp làm tờ tạp chí Tác phẩm Văn học của Hội Nhà văn; một hôm anh Nguyễn Đình Thi hỏi tôi: “ Em có đọc và nghĩ gì với năm bài chính luận của anh Hoàng Tùng viết về tội ác của bọn Pôn Pốt – Iêng Xa Ry”.
Tôi thưa với anh ngay, như sau: “Em nhớ là em đã đọc đi đọc lại nhiều lần năm bài chính luận đó. Và em vô cùng kính trọng anh ấy“. Anh Nguyễn Đình Thi nói tiếp: “A nh cũng thế, anh đã đọc nhiều lần và anh còn đến gặp anh ấy, để hỏi thêm. Xưa nay, tất cả những bài báo anh Hoàng Tùng viết, anh đều đọc, mà đọc kỹ. Đây là một nhà báo rất đáng nể”.
Mai, chúng ta tổ chức một gặp gỡ hẹp chừng dăm nhà văn, rồi mời anh Hoàng Tùng đến, đề nghị anh ấy kể lại cho một ít quá trình viết năm bài chính luận ấy. Anh nhớ, sau năm bài đó, quân đội ta đã giúp quân đội giải phóng Campuchia lật đổ thành công chế độ Pôn Pốt. Theo anh, trong các thể loại văn báo chí, thì thể loại văn chính luận là khó nhất. Nhà báo phải có tuổi đời dày dặn rồi thì mới viết được.
Câu chuyện tôi viết ra trên đây là sự việc đã qua lâu. Tôi chỉ còn nhớ những nét chính mà nhà báo Hoàng Tùng đã nhận lời mời của anh Nguyễn Đình Thi, tới dự cuộc họp nhỏ do tạp chí Tác phẩm Văn học chúng tôi đã tổ chức. Dưới đây tôi xin phép được viết tiếp ra mấy ý chính nữa.
Để có tài liệu viết năm bài chính luận ấy, đã có một khối lớn công việc của trước đó. Nhà báo Hoàng Tùng đã đọc kỹ hàng chục tờ báo nước ngoài bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung Hoa là những số báo đã và đăng bài viết về sự tàn bạo và phá hoại của bọn Pôn Pốt – Iêng Xa Ry, trong suốt thời gian chúng tiếm quyền, cho đến những ngày nhân dân các tầng lớp tại Campuchia đã cùng giải phóng quân của mình lật đổ chúng.
Video đang HOT
Đấy là chưa kể nhà báo Hoàng Tùng còn nghe đài, các đài phát thanh của các nước. Và đọc rất nhiều các tài liệu thu được do bên quân đội của chúng ta cung cấp. Có thể nói hôm đó, một số nhà văn của Hội Nhà văn dự họp, đã học được nhiều kinh nghiệm và rất quí trọng những điều nhà báo Hoàng Tùng kể lại: đó là những dòng viết của nhà báo.
Và một bài báo hay, là nhờ ở nơi nguồn tài liệu đã thu thập được. Hội Nhà văn cũng có một người viết báo, và một nhà báo kỳ tài là nhà văn Tô Hoài. Ông năm nay tuổi 93. Ông làm báo ngay từ năm 1947-1950, đó là tờ báo Cứu quốc tại Việt Bắc. Sau hoà bình 1954, thành lập Hội Nhà văn, ông cũng làm chủ bút các tờ báo Văn, Văn học, Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới. Chẳng những thế, ông còn là một người viết bài sành điệu nữa.
Nghề viết báo, nhà báo và nghề viết văn, nhà văn, có rất nhiều công đoạn là hoàn toàn giống nhau. Và, cái giống lớn nhất sau khi thu thập tài liệu là đi, chúng ta vẫn gọi là đi thực tế để ghi chép, lấy tài liệu. Bởi diện mạo và nội hàm của hiện thực ở cái nơi mà nhà báo đang muốn viết bài, đó là nhà báo, người viết báo, các cây bút văn xuôi, nhà văn là phải được nhìn thấy một cách trực tiếp.
Còn sự kiện đã xảy ra ở cái nơi mình đã sống qua, trước khi viết tiếp nữa, có cần phải đến thêm nữa không. Vẫn rất cần, không thể thoái thác được. Không đến, mà lại cứ cho ra luôn một bài báo, sẽ được người đời mắng ngay như thế này: Bài viết mà chỉ dựa vào thông tin hóng hớt, thời chả ra gì. Phí cái công đọc.
Còn như cái nơi có những vấn đề mà người viết báo không thể trực tiếp được, thì việc sưu tra, thu thập tài liệu, càng nhiều tài liệu càng tốt, qua những cuộc lục lọi, nghe ngóng các luồng dư luận, tận tụy và cả việc khổ công tìm tòi từ nhiều tờ báo khác nhau đã và đang xuất bản từ các nước, thì đây cũng là một cách đi thực tế rất đáng biểu dương. Ở các nước, báo chí của họ cũng có nhiều tờ đứng đắn và đáng tin cậy.
Đương nhiên cũng không thiếu tờ báo nhảm nhí, thứ báo mà người ta gọi là báo lá cải. Cho nên, sự tinh tường, già dặn, chững chạc trong xem xét của người viết báo là vô cùng cần thiết. Tôi đã được chứng kiến kho tài liệu của một nhà báo lão thành, chỉ về một sự kiện xảy ra tại một nơi, mà ông đã có hàng chục các tài liệu khác nhau nói về cái nơi đó, sự kiện đó đã, cách nay là mấy chục năm.
Người ta nói về sự khác nhau giữa nhà báo và nhà văn như sau: Trước một sự kiện vừa xuất hiện chả hạn. Khi nhìn thấy, khi chứng kiến tận mắt, nhà báo sẽ có một số câu hỏi ngắn gọi như thế sau: Vì sao lại có sự kiện này? Nguồn gốc? Bây giờ tác động của nó sẽ ra sao? Hệ quả của những tác động của nó? Hệ quả tốt, hệ quả xấu? Hoặc chẳng có hệ quả gì? Đương nhiên còn một câu hỏi nữa xuất phát từ một nhà báo kỹ tính chả hạn, rằng: Vì sao lại không gây được hệ quả gì. Bởi chính nó hay bởi khách quan?
Còn nhà văn. Trước một sự kiện vừa xuất hiện chả hạn, khi trông thấy, khi được chứng kiến tận mắt, đương nhiên sẽ có vô số những dằn vặt, những giày vò trong đầu óc nhà văn đó như thế này: Có những lý do nào đây mà nó lại có sự kiện ấy lại hiện diện, lại chường mặt ra ở đó? Rồi, hoàn cảnh nào mà nó lại có thể đến mà tự tung tự tác ra như vậy?
Rồi kẻ đang ẩn kín trong cái sự kiện này là ai thế, tuổi tác hắn, hình hài, cá thể hay có một nhóm. Rồi nữa, động cơ của những kẻ ẩn kín mặt đó, và cả những kẻ núp đằng sau sự kiện đó. Rồi nữa, cái họ đang gây ra khi cho sự kiện này hiện diện, thì động cơ của họ là gì? Tốt hay dở, hay xấu sa hủ bại. Rồi nữa, họ sẽ để lại cái gì, những gì sau khi sự kiện này biến đổi dần, chuyển dịch dần?
Về nghề viết báo, làm báo, tôi thấy sự tác động của thải loại, sự rơi rụng không nhiều, hoặc có những anh một thời hăm hở viết báo, viết đủ các thể loại, sau rồi thấy ít xuất hiện dần, tôi nghĩ tuy có những sự rơi rụng ấy, thì cũng thuộc hãn hữu, và có lý do chính đáng. Và nữa, trong nghề viết và làm báo, không có người đáng bị chê bai, dè bỉu. Một lý do căn cốt, nghề viết báo và làm báo với hiện thực thường làm một. Mà hiện thực lại là một người thầy nghiêm khắc và sáng suốt. Những người viết báo và làm nghề báo luôn được người thầy hiện thực dạy dỗ nhắc nhở một cách nghiêm túc.
Còn với những người viết văn, các cây bút văn xuôi với hiện thực của cuộc sống, của cuộc đời là hai thực thể. Một khi đã là hai, thì sự gắn bó với nhau là một nhu cầu thiết yếu. Vả lại, cái nghề văn, nó có một đặc điểm là hãy lấy từ cái có bên trong con người mình trước đã, khởi đầu của chữ tuôn ra từ ngòi bút thì nguồn cơn của nó là từ ngay cái thế giới sâu sa bên trong con người mình, do cái não bộ của mình sản sinh ra: Trí tưởng tượng.
Vậy là tài năng hay không phải là tài năng cái gì cả, chính bắt đầu từ đấy. Vâng, trí tưởng tượng nó có một qui luật bất biến, rằng nó không được tiếp tế, không được dưỡng sinh, bởi từ nguồn là cái hiện thực vĩ đại và khổng lồ, mãi mãi còn tồn tại và mãi mãi sinh động, thì trí tưởng tượng dẫu có cựa quậy đến thế nào, cũng không thể nào sống động được, mà sở dĩ nó sống động được là nhờ cả vào nguồn sữa của nó là hiện thực lớn của cuộc đời vĩ đại.
Trong khi hiện thực cuộc sống, những con người đang làm chủ cuộc đời họ, họ luôn ngay trước ta, vậy mà chỉ cần để mắt tới một chút vào ai đó, vào người nào đó bất kỳ, thời sẽ thấy ngay sự sinh động, sự muôn vẻ sắc thái, mà cuộc đời họ, họ là thợ thuyền, họ là dân cày, họ là công chức, thảy đều hiện ngay, lấp ló cái trăm vẻ của cõi người bất diệt và đáng sống lắm.
Trải nhiều thập kỷ, người ta ngày càng đinh ninh rằng, những người cầm bút viết văn và nhất là có dự định, có hoài bão viết văn, rồi trở thành nhà văn; rất nên được trải qua nghề viết báo và làm báo. Như làm một phóng viên chả hạn. Phóng viên, một cái danh thật sang trọng, cao cả và đường bệ. Xin hình dung họ như một con cá lớn bơi, vùng vẫy trong biển hồ, cái-biển-hồ-cuộc-đời.
Họ hiện diện ở đâu trong cái-biển-hồ-cuộc-đời, thì tức khắc đấy là điểm, mà nhân quần cần dõi nhìn cả về đấy, qua những dòng chữ của những bài báo của họ đăng tải trên các trang báo sang trọng. Tôi, người viết bài này, cũng làm đến mấy mươi năm nghề phóng viên. Tôi rất hãnh diện khi được cấp trên tin và giao cho tôi nghề phóng viên.
Đó là một nghề dành cho đi nhanh, thông suốt, đến nhanh, lấy tài liệu nhanh đủ, chính xác và viết được dăm bài với các thể loại khác nhau một cách nhanh. Người viết văn, đi đến tất cả những nơi trong đất nước mình, là một nhu cầu sống còn. Nhưng nếu không phải là người làm báo mà muốn đi được thì lại không phải là dễ, thế nên chỉ có khi bản thân được làm nghề báo, viết báo và là phóng viên nữa, sẽ thuận lợi vô cùng.
Bởi vì trong các chuyến đi, thường có công việc rõ ràng, đó là điều kiện để viết được bài qua các thể loại văn báo, theo nhu cầu của cấp trên đặt bài. Và cả theo ý định của bản thân, khi người đó nhằm vào nghiệp văn chương. Trong nhiều chục năm làm phóng viên, toàn bộ Đông Dương này tôi đều đã được đặt chân. Còn trong nước từ Nam Quan đến Cà Mâu, tôi đều đã tới. Có những nơi tôi đến vài lần.
Đã nói đến văn chương thì người ta luôn nhấn mạnh rằng: Với một nền văn học của một quốc gia, một đất nước nào đó, thời người ta phải xem trong nền văn học đó, có những cuốn tiểu thuyết nào đáng ca ngợi, đáng được khen và đã được hàng triệu người đọc khen.
Nói đến tiểu thuyết, cái giá trị lớn nhất của nó là chỉ trong vài trăm trang, tác giả hẳn đã miêu tả được hết sức sinh động, hết sức lôi cuốn và hấp dẫn, hết sức chính xác về cuộc sống và cuộc đời nơi cuốn sách đó nhằm tới. Nhưng còn một điều vô cùng quan hệ nữa, là văn của tiểu thuyết ấy phải đẹp, thật là đẹp, từ cấu trúc câu văn, đến ngôn từ, đến hành văn phải chuẩn mực. Toàn thể trang sách, các câu văn thứ tự từng dòng đều ngân nga lên một giọng văn nhịp nhàng, tươi tắn với nhịp điệu riêng mà chỉ ở nhà văn ấy có thôi.
Người đọc khi nhớ đến một cuốn tiểu thuyết nào, trước hết người ta nhớ đến đời sống (cái bên ngoài và cái nội tâm) của nhân vật. Kế đến, người ta nhớ và ấn tượng sâu sắc với tư tưởng và chủ đề của tiểu thuyết, mà qua đó nhà văn muốn tâm sự với độc giả. Nhưng cái trước hết, và nằm ở hàng đầu là cái văn của nhà văn đó có hay không, có đặc sắc không, và luôn thấy lạ, cái lạ hấp dẫn.
Nhà văn Tô Hoài với các cuốn tiểu thuyết Tây Bắc, Mười năm, Miền Tây. Ngoài cái cách miêu tả điêu luyện, văn của ông còn rất hay. Tới mức sách gấp lại rồi mà tiếng văn vẫn còn vọng mãi trong tâm hồn người đọc. Trong lứa các nhà văn thế hệ của ông Tô Hoài, chỉ có ông là có văn rất hay, rất hay về mọi vẻ.
Tất cả các thể loại dùng cho nghề báo là căn cứ cốt yếu để rèn tập cho người viết văn đó là dùng cho miêu tả lại cái đối tượng mà người viết báo, viết văn quan sát được, nhìn ngắm được từ ngoài đời: Hình vóc, môi sinh, hoàn cảnh, tính cách của những con người, cá tính, thói quen, nếp sống, giao lưu, hết thảy nó được biểu hiện vào trong những dòng chữ trải trên những trang sách của tiểu thuyết.
Bây giờ người ta nói hình như người theo đuổi nghề văn, cầm bút viết văn, ít và không còn chú ý đến cách tự rèn luyện viết thế nào đây, cho có được một câu văn hay. Cũng vậy, nghề viết báo, và nghề làm báo, hết sức cần những câu văn gọn, sắc, chắc nịch và nữa, rất sáng. Văn báo rất cần sự sáng sủa trong câu văn.
Vì dẫu có nói thêm một điều gì nữa về nghề viết báo, thì cái bản thể của một bài báo, một tin là tính hướng dẫn, là tính chỉ đạo, tính định hướng. Nhớ lại năm bài chính luận tố cáo tội ác man rợ và chính sách tàn bạo của bọn Pôn Pốt – Iêng Xa Ry đối với nhân dân Campuchia của nhà báo Hoàng Tùng viết đăng đều trên phần cuối một phần tư của trang ba gồm năm số báo Nhân Dân, đã gây xúc động lớn tới hàng triệu người đọc hồi bấy giờ.
Nhà báo và nhà văn, những người vô cùng cần cho cuộc sống và cuộc đời. Cuộc sống và cuộc đời cũng không thể thiếu họ được
Theo xahoi
Người đàn bà sống với hàng nghìn hài cốt
35 năm nay bà Hà Thị Nga (SN 1939, ở ấp An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) lặng lẽ canh giữ khu di tích nhà mồ Ba Chúc - nơi lưu giữ 1.151 bộ hài cốt trong tổng số 3.157 thường dân bị Pon Pot sát hại trong cuộc thảm sát lịch sử. Những ngày tháng tư, chúng tôi trở lại vùng đất đó, nghe nhân chứng sống kể lại ký ức hãi hùng.
Hồi ức một ngày tháng tư bi thảm
Thật là khó khăn để gợi cho bà Nga kể lại những chuyện xảy ra trong quá khứ mà với ai trải qua cũng đều là nỗi đau quá lớn. Đến tận bây giờ, những gì xảy ra trong cuộc thảm sát đó đã hằn sâu và như thước phim quay chậm lại trong từng lời kể của bà. Đó là thời điểm năm 1977 quân Pon Pot tràn qua biên giới, nã đạn pháo và tập kích bắn giết vô cớ những thường dân vô tội tại 8 tỉnh biên giới Tây Nam. Trong đó làng Ba Chúc của bà, cách biên giới Tây Nam chỉ 7km, cũng là mục tiêu quan trọng của đội quân diệt chủng. Chúng liên tục gây tội ác kinh hoảng trên dưới 30 lần trong một khoảng thời gian ngắn, làm cho người dân phải tháo chạy vào khu vực núi Tượng gần đó để ẩn náu. Theo tư liệu lưu trữ thì giai đoạn gây tội ác kinh hoàng nhất của đội quân Pon Pot là từ ngày 18/4 đến ngày 30/4/1978 với 3.157 người dân phải bỏ mạng đớn đau; trong đó có đến 100 người trong dòng họ của bà Nga, riêng gia đình bà tất cả 37 người.
Khi nhắc lại cái ngày đau đớn đó, đôi mắt bà Nga ngân ngấn nước mắt. Bà kể: "Ban đêm thì chúng tràn lên núi lùng sục, vây hãm truy sát người dân, bắt được ai là chúng tra tấn man rợ sát hại với những cách dã man nhất; đa phần là phụ nữ và trẻ em, riêng phụ nữ thì bị hãm hiếp trước khi bị chết tức tưởi dưới bàn tay Pon Pot. Ban đêm chúng cũng tràn xuống làng ngang nhiên cướp phá, giết hại không chừa một ai".
Khi ấy bà Nga đã 39 tuổi làm nông cùng với chồng để nuôi 6 mặt con. Thế nhưng khi cuộc thảm sát xảy ra, bà đã chứng kiến rõ ràng, tận mắt cảnh những người thân yêu nhất bị chết thảm trước mặt mình. Từng cơ thể của những đứa con do bà dứt ruột sinh ra bị xé toạc, bị đập đầu và chúng kêu cứu trong tuyệt vọng "má ơi! cứu con!" nhưng bà không làm gì được trong hoàn cảnh ấy. Sự thoát chết của bà là một chuyện hi hữu, có phần kỳ lạ. Khi đó bà cố rướn người che chở cho những đứa con thân yêu của mình nhưng lực bất tòng tâm, bị quân Pon Pot bắn thẳng một viên đạn xuyên qua cổ họng, lần lượt những đứa con của bà chết tức tưởi, trước khi bỏ đi một tên còn dùng đá đập vào đầu bà làm bà bất tỉnh.
"Khi tôi tỉnh lại trời xế chiều, một cảnh hãi hùng nhất mà suốt đời tôi nhớ như in, là cảnh chết chóc vây quanh tôi, thi thể các con, người thân la liệt. Tôi bắt đầu chạy trốn". Đó là 12 ngày dài nhất trong lịch sử của đời bà Nga khi bà phải trốn chui, trốn lủi, ban ngày ẩn nấp trên núi Tượng, đêm thì đi lang thang như người mất hồn. Kỳ lạ thay trong 12 ngày đêm, bà đã biết bao nhiêu lần đối mặt với đội quân diệt chủng Pon Pot nhưng may mắn là chúng không phát hiện ra bà. Kỳ tích hơn nữa là những vết thương trên cơ thể bà, dù không thuốc men, phải lội trong cảnh bùn lầy nhơ nhớp thế nhưng tự dưng lành lại. Thoát được cuộc truy cùng, diệt tận ấy, sau 12 ngày đêm bà Nga đã được cứu chữa.
Chỉ một năm sau, năm 1979, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã xây dựng khu nhà mồ Ba Chúc hay còn gọi là khu chứng tính tội ác Pon Pot, rộng trên 3.000m2 để tưởng nhớ những thường dân vô tội chết thảm trong cuộc thảm sát, cũng như lên án tội ác của quân diệt chủng để nhân dân cả nước và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết. Ở Việt Nam này, chỉ có một đám giỗ tập thể lớn nhất, đó chính là ngày giỗ của hàng nghìn người dân vô tội đã mất dưới bàn tay của Pon Pot ở làng Ba Chúc này.
Bà Hà Thị Nga - nhân chứng về những tội ác kinh hoàng do Pon Pot gây ra ở An Giang
Chuyện về người canh nhà mồ
Hàng năm biết bao nhiêu lượt du khách trong và ngoài nước tìm đến khu di tích nhà mồ Ba Chúc để tham quan, để biết về tội ác của đội quân diệt chủng một thời. Dưới cái nắng nóng hay mưa rả rích của trời miền Tây, du khách hay tìm đến quán nước sập xệ cách khu di tích không bao xa để trú tạm hoặc uống nước. Ít ai biết, cái quán nhỏ đó là nơi trú thân của bà Nga - người canh nhà mồ Bà Chúc kể từ khi nó được xây dựng đến nay.
Đó là khi quân Pon Pot bị đẩy lùi sang bên kia biên giới, làng Ba Chúc yên bình, người dân và chính quyền thu gom hài cốt đưa về. Khi hài cốt đưa về tập trung, nhiều người còn sống sót như bà Nga không chứng kiến nổi cảnh tượng hãi hùng đã bỏ đi biệt xứ từ dạo ấy. Chỉ có bà là ở cạnh bên những bộ hài cốt cho đến khi được chuyển vào khu nhà mồ. Bà kể "ban đầu khi mới chuyển về tôi biết rõ đâu là hài cốt của chồng, của con; nhưng sau đó hài cốt được sắp xếp lại. Đến giờ tất cả những người an nghỉ ở đây đều là người thân của tôi cả". Chúng tôi có hỏi bà vì sao lại ở lại cái vùng đất quá đỗi bi thương, cứ nhìn vào là khơi gợi nỗi đau quá khứ? Bà trần tình "vì ở đây có chồng, có con tôi. Họ cần tôi có mặt để chăm sóc. Tôi ở đây cảm thấy bình yên và làm tất cả để trọn chữ tình với những người đã khuất bóng". Cứ thế bà tự nguyện ở lại và làm người giữ gìn khu nhà mồ này suốt 35 năm qua, mà không đòi hỏi lương bổng hay bất kỳ quyền lợi nào, bởi đó là nghĩa vụ của bà đối với người đã khuất.
Hàng ngày vào mỗi buổi sáng bà ra khu nhà mồ quét dọn, hương khói đầy đủ rồi quay về quán nước xập xệ của mình buôn bán mưu sinh. Tối đến thi thoảng bà ra khu nhà mồ cầu nguyện, khấn vái cho những người thân. Bà lặng lẽ trở về quán nước, cạnh bên là chiếc cát-sét nhỏ đưa bà vào giấc ngủ để rồi mai thức giấc cứ công việc đều đặn như thế. Bà kể, thời điểm bận rộn nhất của bà có lẽ là tháng tư này, bởi lẽ đây là ngày giỗ tập thể cho hơn nghìn người thân của bà. Khi vào quán nước của bà, ai cũng thấy tài sản hiện giờ quý giá nhất là chồng mâm hơn 80 chiếc và chồng chén đĩa cao ngất, bởi đó là những vật dụng bà làm giỗ hàng năm, bà giữ gìn như của quý. Rất nhiều lần có những đoàn nhà báo trong nước và quốc tế đến lật lại hồ sơ của vụ thảm sát ngày xưa. Họ đều tìm đến bà Nga để nghe bà kể lại chuyện quá khứ hãi hùng của một nhân chứng trực tiếp và nhờ bà chỉ dẫn cho những cảnh quay sống động. Bà lặng lẽ đáp ứng các yêu cầu, bởi theo bà đó cũng là nhiệm vụ bà phải làm để cho người dân khắp nơi biết về tội ác của Pon Pot trong một giai đoạn lịch sử.
Khi chúng tôi rời nhà mồ Ba Chúc màn đêm cũng bắt đầu buông xuống. Bà Nga ra khu nhà mồ để trò chuyện với hàng nghìn người thân. Ở đất này ai cũng gọi bà là "má Tư nhà mồ". Trước khi chia tay bà nói rằng "Giờ tôi mong ước sống lâu để chăm sóc cho những người thân tôi đang ở nhà mồ, chết đi cũng mong được ở gần họ. Tôi cũng mong sao vùng đất nghèo này khởi sắc lên". Đó là mong ước quá đỗi giản dị của người đàn bà đi qua giông bão khủng khiếp nhất của cuộc đời.
Theo 24h
'Cảnh nóng' để đời của sao Việt trên màn ảnh Không chỉ gây ấn tượng khi đứng trên sân khấu, nhiều người đẹp Việt còn để lại dấu ấn bởi những cảnh quay nóng bỏng trên phim. Ngô Thanh Vân Ngô Thanh Vân được biết đến từ sau giải thưởng á hậu cuộc thi Hoa hậu qua ảnh 1999 và bắt đầu gây dựng tên tuổi rong làng giải trí Việt. Khởi đầu...